Nhớ Viễn Châu, người nghệ sĩ có ba trái tim.
Soạn giả kiêm nhạc sĩ Viễn Châu mất
ngày 01 tháng 02 năm 2016, tính đến tháng 02 năm 2018, là đã tròn hai năm. Nhớ
Viễn Châu, tôi pha bình trà thơm, rót ra hai tách, mời anh uống trà thay rượu,
tâm tình nhắc lại chuyện xưa.
Trong ngày này, các nghệ sĩ đàn em,
đàn cháu, đệ tử của anh, thế nào cũng có lễ tưởng niệm anh. Nghệ sĩ Út Bạch Lan
đã về cõi vĩnh hằng, chớ nếu chưa thì Út Bạch Lan sẽ ca bài Hoa Lan
Trắng, bài ca anh sáng tác kể về cuộc đời cơ khổ của cô gái có tên Bạch
Lan.. Anh Út Trà Ôn thì sẽ ca bài Tình anh Bán Chiếu hay Ông lão chèo
đò… Cô Diệu Hiền với bài Tần Quỳnh khóc bạn, nữ nghệ sĩ Hồng Nga ca Tình
Lan và Điệp, Phương Hồng Thủy ca bài Lá Trầu Xanh, Nếu Thanh Hương
còn thì cháu sẽ ca bài Đêm Khuya Trông Chồng, bài ca lảm rạng danh cô Tư
Sạng, mẹ của Thanh Hương, Tấn Tài sẽ ca bài Bông Ô Môi, nghệ
sĩ Tuấn Anh sẽ ca bài Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà, Vua vọng cổ hài Văn
Hường thế nào cũng nhắc lại bài Tư Ếch Đi Saigòn, các nghệ sĩ trẻ khác
sẽ ca Hàn Mạc Tử, hoặc Cao Tiệm Ly tiễn Kinh Kha, hay Gánh Nước Đêm
Trăng… Còn nhiều nghệ sĩ, các em các cháu nợ anh một bài ca, nhớ anh một
tuồng hát mà nhờ đó họ được rạng danh, tạo nên tên tuổi sáng rực dưới vòm trời
vọng cổ.
Kể về Viễn Châu có ba trái tim thì
một trái tim dành cho Sáng tác, một trái tim dành cho Thơ, một
trái tim dành cho Nhạc.
Với trái tim dành cho Sáng tác, trước
năm 1975 Viễn Châu đã sáng tác hơn 2000 bài vọng cổ cho các nam nữ nghệ
sĩ danh ca thu thanh trong các hãng dĩa Asia, Việt Nam, Kim Long, Việt Hải,
Sống Mới, Nhạc Ngày xanh, Hồn Nước và hãng của Ngọc Chánh sản xuất băng từ.
Viễn Châu viết hơn 200 bài vọng cổ Hài Hước cho Ca sĩ Văn Hường ca,
tạo cho Văn Hường biệt danh Vua ca vọng cổ hài.
Viễn Châu cũng đã sáng tác hơn
50 tuồng cải lương cho các đoàn hát mà anh cộng tác : đoàn Việt
kịch Năm Châu, đoàn Kim Thanh – Út Trà Ôn, đoàn Thanh Tao,
đoàn Thanh Nga, đoàn Dạ Lý Hương, đoàn Tân Hoa Lan. Đến
nay khán giả và nghệ sĩ còn nhớ các tuồng cải lương của Viễn Châu : Nát
Cánh Hoa Rừng, Tình Mẫu Tử, Đời cô Nga, Sau bức màn nhung, Chuyện Tình Hàn Mạc
Tử, Chuyện tình Lan và Điệp, Qua cơn ác mộng, Hoa Mộc Lan, Con gái Hoa Mộc Lan,
Hai nụ cười xuân, Ai điên ai tỉnh …
Viễn Châu là nhạc sĩ mà cũng là thi sĩ nên các bài vọng cổ là thơ và
nhạc, có chất văn học, mỗi câu hát lời ca, mỗi nhân vật trong câu chuyện của
bài vọng cổ đều được anh gởi gấm chút niềm tâm sự, một chút tình…thứ tình cảm
lãng mạn trong một tâm hồn đa tình, lãng tử. Tình cảm đó, có khi là một chút
hình ảnh của quê hương có ánh sáng lập lòe của bầy đom đóm, có tiếng gà trưa
lẫn tiếng chuông chùa công phu văng vẳng, có khi là hình ảnh của người nông phu
bình dị mà anh bắt gặp bất ngờ trên đường đời mà nỗi bất hạnh, nỗi buồn khổ của
họ hay chuyện tình nên thơ mà dang dở của họ đã để lại trong tâm hồn anh nhiều
ray rứt… cũng có khi là một chút cảm khái « dư nước mắt khóc người đời xưa ».
Nói chung, nhân vật trong tuồng, trong bài vọng cổ đều chuyên chở dùm cho Viễn
Châu nỗi niềm hoài niệm một thời thơ ấu đa tình, một chút lãng mạn của một
người yêu đời, yêu thơ văn và âm nhạc.
Với trái tim dành cho Thơ, Viễn Châu
là thi sĩ ngoại hạng nhưng không mang danh là thi sĩ.
Viễn Châu sáng tác hơn 2000 bài ca
vọng cổ cho ba thế hệ diễn viên, ca sĩ ca thu thanh vô dĩa. Mỗi bài ca vọng cổ
thu dĩa thường có ít ra 8 câu thơ ; 4 câu thơ nói lối hay ngâm trước khi
ca câu vọng cổ 1 và 4 câu thơ trước khi ca câu 5, câu 6 hoặc thơ trong lòng câu
vọng cổ.
Ví dụ : Trong bài vọng cổ «
Hoa Đào Năm Ngoái », 4 câu thơ nói lối trước khi vô vọng cổ câu 1 :
Cánh chim về tổ chở mây xa
Liễu biếc sầu ai quạnh nắng tà
Người đep đâu rồi, cây nhớ bóng
Lan đình còn đọng dấu hài hoa.
Và đây 4 câu thơ nói lối gác vô câu
vọng cổ số 5 :
Hương tóc mơ màng, hương cố nhân,
Người xưa lưu lạc bước phong trần
Hồn thơ rũ rượi sầu ngăn cách
Lá chết rơi nhiều quyện gió đông.
Trong bài « Cô hàng cà phê »,
4 câu thơ nói lối trước khi vô vọng cổ câu 1 :
Gió thổi tơi bời xác lá bay
Mưa rơi từng giọt mái hiên ngoài
Em ngồi lẳng lặng bên khung cửa
Hướng nẻo chân trời để nhớ ai.
Và đây 4 câu thơ gác vô câu 5 bài «
Cô Hàng Cà Phê »
Chiều xuống lâu rồi mưa vẫn tuôn
Ngoài kia phố thị hắt hiu buồn
Tôi nghe rười rượi hồn du tử
Hướng nẻo chân trời để nhớ ai !
Viễn Châu làm thơ không phải để nổi
tiếng với thơ, nhưng anh biết làm thơ nên viết lời ca vọng cổ với tâm hồn thi
sĩ, tâm hồn lãng mạn. Tôi thử làm một bài toán cộng để hình dung cái khối sáng
tác Thơ đồ sộ của Viễn Châu. Anh viết hơn 2000 bài ca vọng cổ, mỗi bài vọng cổ
Viễn Châu thường viết 8 câu thơ,( 4 câu thơ trước khi ca vọng cổ câu 1, 4 câu
khác gác vô vọng cổ câu 5, không kể các câu thơ trong lòng câu vọng cổ) Với hai
ngàn bài vọng cổ thu dĩa trước năm 1975, Viễn châu đã sáng tác 8 câu
thơ X 2000 = 16. 000 câu thơ. Mỗi bài vọng cổ được viết như kể một câu
chuyện ngắn, một chuyện tình, mỗi bài vọng cổ có nhân vật khác nhau, chuyện
tình cảm cũng khác, vậy hai ngàn bài vọng cổ là hai ngàn chuyện ngắn khác nhau.
Về 200 bài ca hài của Văn Hường, Hề Sa, Hề Minh ca là 200 chuyện châm biếm
thói hư tật xấu đáng cười chê trong xã hội, ghi dấu sự va chạm của phong tục
tập quán xưa cũ và cái nếp sống văn minh mới, đồng thời cũng tìm ra được cái
nét rởm đời khi học theo cái mới một cách quá trớn, đem lại một sự hủy hoại nếp
sống đạo đức Á Đông. Những bài vọng cổ hài này được đa số thính giả tán thành
nên thời kỳ có nhiều bài vọng cổ hài, không có ký giả kịch trường nào phê phán
chê bai.
Trái tim thứ ba dành cho Nhạc, Viễn Châu
nổi danh nhạc sĩ đàn tranh với tên là nhạc sĩ Bảy Bá ( tên thiệt). Với ngón đàn
tranh tươi mướt,với sự hiều biết sâu sắc về cổ nhạc và tân nhạc, nhạc sĩ Bảy
Bá xứng đáng được tôn vinh là nhạc sư, một danh thủ đàn tranh không thua
gì danh cầm đàn tranh Sáu Quí của đoàn Việt Kịch Năm Châu. Nhạc sĩ Bảy Bá đàn
tranh, nhạc sĩ Năm Cơ đàn kìm, nhạc sĩ Văn Vĩ đàn guitare phím lõm là ba danh
cầm được các hãng dĩa quý trọng, thường mời ba danh cầm này đàn cho các ca sĩ
ca thu thanh các bộ dĩa vọng cổ và tuồng cho hãng dĩa. Nhạc sư Bảy Bá được kể
là cha đẻ của kỹ thuật ca vong cổ mới : đó là Tân Cổ Giao Duyên.
Đầu năm 1960. nhạc sĩ Bảy Bá tạo ra
bài Tân Cổ Giao Duyên đầu tiên : Cô Hàng Chè Tươi . Tân nhạc Nguyễn
Hữu Thiết, vọng cổ Viễn Châu. Anh đã bỏ câu 3 và câu 4 vọng cổ, thay vào là một
đoạn tân nhạc thay cho lối ngâm 4 câu thơ gác vọng cổ. Bài Tân Cổ Giao Duyên
thứ 2 : Chàng Là Ai ?( tân nhạc Nguyễn Hữu Thiết, lời vọng cổ
Viễn Châu) Hãng dĩa Hồng Hoa thu thanh và phát hành.) Hai bài Tân Cổ Giao Duyên
đầu tiên, khi được phát hành, một số người theo khuynh hướng bảo thủ, muốn bảo
vệ bài vọng cổ truyền thống chỉ trích nặng nề. Tuy nhiên Viễn Châu kiên trì
sáng tác thêm nhiều bài ca Tân Cổ Giao Duyên với những bản tân nhạc có giai
điệu êm ái, nhẹ nhàng, lồng vào bài vọng cổ( nhạc của Nguyễn Hữu Thiết, Nguyễn
Văn Đông, Phạm Duy, Trần Thiện Thanh, Hoàng Nguyên, Lam Phương, Song Ngọc…) Kết
quả là thính giả chấp nhận món ăn tinh thần mới, giai điệu phù hợp vói cảm quan
của đại đa số người thích tân nhạc và vọng cổ của thập niên 60, 70 và cả về sau
này. Các nghệ sĩ, danh ca Thanh Nga, Thành Được, Út Bạch Lan, Hữu Phước, Hùng
Cường, Bạch Tuyết, Mỹ Châu, Ngọc Giàu, Tấn Tài., Minh Cảnh, Minh Phụng, Út
Hiền,… đều có ca thu thanh nhiều bài Tân Cổ Giao Duyên được giới thưởng ngoạn
gọi là những tác phẩm để đời…
Ngày 30 tháng 4 năm 1975,
tất cả các gánh hát Cải Lương, Hát Bội, Kịch, Các Ban ca, vũ nhạc đều bị
giải tán. Nhà nước mới tịch thu và quản lý hết các rạp hát. Nghệ sĩ phải đăng
ký hành nghề nơi Ban Thông Tin Văn Hóa, trụ sở tạm tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc
cũ đường Nguyễn Du. Tôi gặp Viễn Châu đi đăng ký. Buồn lắm, chiều đó anh ghé
thăm tôi. Chúng tôi ngồi uống trà, im lặng bên nhau khá lâu, anh hỏi tôi :
« Anh tính gì chưa? » Tôi nói : « Chắc tôi đưa vợ con về xã Phú Nổ
Sóc Trăng. Về xin lại vài công ruộng của gia đình bên vợ tôi theo chánh sách
Hồi hương lập nghiệp của chánh phủ mới tuyên truyền! »
Viễn Châu cười : « Bộ anh làm
ruộng được sao?... anh ngồi thở ra, rồi đọc mấy câu thơ :
Ngày ấy bút cùn như giáo gãy,
Tả tơi khôi giáp, rách quân kỳ
Tôi như dũng tướng vừa thua trận
Nằm giữa sa trường vạn tử thi.
Viễn Châu và tôi đều biết là Miền Bắc
chiếm được Miền Nam rồi thì việc đầu tiên, họ diệt hết những nhà trí thức, các
văn sĩ, nghệ sĩ, thi sĩ. Lúc còn chiến tranh, chúng tôi nghe Đài phát thanh,
đọc các báo chí ở Saigòn và những bài trích đăng về vụ án Nhân Văn Giai Phẩm ở
miền Bắc trong năm 1958, chúng tôi biết các nhạc sĩ, thi sĩ, nhà văn như Văn
Cao, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Trần Dần, Nguyễn Binh đều bị tù đày, bị trù ải,
không cho làm việc gì để kiếm sống chớ đừng nói tới việc cho sáng tác văn
chương, thi phú hay ca nhạc. Các soạn giả cải lương ở miền Nam, các nhà văn,
nhà báo, thi sĩ, nhạc sĩ chắc chắn sẽ bị cấm hành nghề, nhà cầm quyền Cộng sản
không cho tự do tư tưởng, tự do sáng tác văn chương hay ca nhạc để thực hiện
chánh sách toàn trị của đảng. Biết như vậy nhưng chúng tôi cũng không dám thố
lộ tâm sự với nhau. Viễn Châu nói : Tâm sự của tôi có lẻ chỉ gởi vào thơ.
Nó mông lung nhưng thơ không thể là một cái bằng cớ để người khác kết tội
mình…Anh đọc luôn :
Muốn chôn u uất vào men rượu
Ném bút, quăng thơ, đập cả đàn
Khổ nỗi khi nghe mưa rơi tí tách,
Giật mình cứ ngỡ tiếng song lang.
Viễn Châu bỏ về Lộc Ninh ở ẩn, anh
không tham gia ban tuyên truyền hay ban văn nghệ của Lộc Ninh. Anh cất một mái
nhà tranh, sống ẩn dật. Nhắc lại ngày 30 tháng 4, anh có bài thơ tâm sự :
Mưa
lạnh run run gió dật dờ
Thành
đô bỗng chốc hóa tiêu sơ
Đôi
giây khoan nhặt cười ray rứt
Năm
ngón cung thương khóc sững sờ
Tháng
lụn năm tàn, già héo hắt
Quê
người xứ lạ, trẻ bơ vơ
Chiếu
nay có kẻ nhiều tâm sự
Nước
mắt hòa trong nhạc với thơ.
Bài thơ này
soạn giả Viễn Châu bày tỏ nỗi lòng: trong câu thơ « Thành đô bỗng chốc tiêu
sơ » là chỉ thành phố Saigon bỗng chốc tan nát tiêu sơ ( trong ngày 30
tháng 4/ 1975.) Hai câu thơ: « Đôi giây khoan nhặt cười ray rứt »,
« Năm ngón cung thương, khóc sững sờ », Cười ray rứt để diễn tả bề ngoài
tưởng như cười khi đàn nhưng cười ray rứt là đau đớn trong lòng mà bề ngoài
phải giả tươi cười. Năm ngón cung thương khóc sửng sờ tức là khóc sửng sờ trước
cái mất bất ngờ của thành phố! Câu thơ : « Quê người xứ lạ trẻ bơ vơ » chỉ rõ
là anh có đứa con đi di tản, bây giờ không biết bơ vơ lạc lõng ở xứ nào. ( Sau
này mới biết con anh được tàu Đức quốc vớt ngoài biển, được định cư ở nước Đức
). Thử hỏi những văn nghệ sĩ đồng thời với Viễn Châu, có mấy ai dám tỏ tấm lòng
đau thương vì thành phố Saigon bỗng chốc hóa tiêu sơ?
Nhớ về Viễn
Châu, lại nhớ chuyện sáng tác các câu đối và các bài vọng cổ. Sau năm 1978, sau
khi Thanh Nga mất, Viễn Châu từ Lộc Ninh về Saigon, được các ông lãnh đạo Sở VHTT
mời về đàn cho đoàn Văn Công GP, vài tháng sau, một ông có chức ở Sở VHTT yêu
cầu Viễn Châu sáng tác vọng cổ hoặc các câu đối đề ca ngợi ông Hồ, ông Phạm Văn
Đồng, ông Võ Nguyên Giáp.
Vài tháng
sau, Viễn Châu không viết được chữ nào, không vọng cổ, không có câu đối ngợi ca
lãnh tụ, ông xếp ở Sở VHTT hỏi: « Trước 75, anh sáng tác hơn hai ngàn bài
vọng cổ, bài nào cũng hay, cũng được danh ca ca và thính giả ưa thích. Sau
1975, anh không sáng tác nữa dù cấp trên có yêu cầu. Nghệ sĩ khác không được
quyền sáng tác, trái lại anh được yêu cầu sáng tác, tại sao anh không nhanh
chóng đáp ứng yêu cầu của cách mạng?»
Viễn Châu
nói: « Tôi không hiểu rành đường lối và thành tích của cách mạng, sợ viết sơ
xuất. Còn làm câu đối ngợi ca lãnh tụ thì tôi không hiểu các hoạt động cách
mạng của lãnh tụ, sợ viết có sai phạm thì nguy lắm. Tôi sẽ nghiên cứu sâu hơn
nữa tài liệu cách mạng và thành tích của lãnh tụ, khi thấm nhuần tôi sẽ sáng
tác vọng cổ hay câu đối theo đề xuất của ông.»
Gặp tôi, anh
kể chuyện đó và nói: « Tự do sáng tác như kiểu nhạc sĩ Văn Cao và thi sĩ
Nguyễn Bính thỉ bị đảng nhốt vô tù, bị trù dập. Còn sáng tác theo định hướng,
theo sự chỉ huy của đảng thì coi như mình đã chết rồi. Vậy nên tôi tự làm thơ
tự thưởng thức, có lẽ vui hơn. » Anh đọc mấy câu thơ:
Xuân đã
tàn thôi mộng cũng tàn
Nói
năng gì nữa với nhân gian?
Cuộc
đời còn lại bao nhiêu nhỉ
Vài bản
tình ca, mấy nhịp đàn !
Trước năm
1975, soạn giả Viễn Châu sống dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, anh được tự do
sáng tác, nhờ đó anh đã sáng tác hơn 2000 bài ca vọng cổ, 200 bài ca vọng cổ
hài và 50 vở tuồng cải lương…đó là một kho tàng vọng cổ quý vô giá.
Sau năm 1975,
anh không được tự do sáng tác, từ năm 1975 đến ngày anh mất 01 tháng 2 năm
2016, bốn mươi mốt năm soạn giả Viễn Châu không sáng tác gì hết! 41 năm bị o
ép, một thiên tài bị ép chết một cách tức tưởi,
Lại nhớ mấy câu thơ như lời trăn trối của
Viễn Châu:
Gió bụi
thời gian bạc mái đầu
Mấy
dòng tâm sự gởi về đâu?
Đôi ba
năm nữa, mươi năm nữa
Thiên
hạ còn ai nhớ Viễn Châu ?
Nhân ngày giỗ Viễn Châu, viết với lòng vô cùng thương nhớ bạn.
Soạn giả Nguyễn Phương 96 tuổi
No comments:
Post a Comment