Monday, February 5, 2018

Cuối Cùng - Thuyên Huy


    Cuối Cùng

Viết cho một người còn lại trong số những người đã mất không mộ

 

    Trời quá xế trưa, nắng vẫn nóng gay nóng gắt, cuốc xe xích lô dài chở chị bán hàng  từ chợ trời Lăng Cha Cả về ngã sáu Nguyễn Tri Phương vừa đủ làm cho Bình mệt lã, mồ hôi mồ kê thấm ướt hết áo phần trên nửa người, bỏ chị xuống đầu đường, vói tay lấy cái bình nhựa đựng nước treo lủng lẳng ngay tay cầm, uống một hơi rồi Bình đẩy xe lên lề gạch xi măng, tới một gốc cây cao su già, cao mà còm cõi, ngó qua chỗ bán nghêu luộc xưa, vẫn còn có lưa thưa dăm ba bóng mát, leo lên chỗ khách ngồi, kéo tấm vạt vải làm mui xuống che khuất người, tạm nghỉ cho khỏe lại rồi đạp tiếp, một hai cuốc nữa, gần hay xa không màng lắm, bất chợt đôi ba cơn gió nhẹ từ hướng trên chợ cá Trần Quốc Toản lùa về ngang, hình như có vẻ trời sắp mưa, mang theo chút bụi đường về chiều, không mát lắm nhưng cũng làm thiu thỉu, Bình duỗi người dài, cái thân thể gầy còm còn lại sau mấy năm tù trong cái gọi là “trại học tập cải tạo”, không lấp trọn mấy khung sắt bạc màu trốc nước sơn, nằm im, ngủ thiếp đi hồi nào không hay, trên đường người xe vẫn chen nhau qua lại, xuống lên ngả này hướng kia lơ láu, hối hả.

    Kéo cái mui vải xếp sát lại thành tay cầm, có chút mây xám xuống thấp phía miệt trên Bảy Hiền, nắng không còn như trưa nữa, Bình đẩy xe xuống, không kịp giữ chặt, trờ ra tới ngoài, suýt đụng chiếc xe jeep cảnh sát cũ chạy ngang qua, hai ba người bộ đội trên xe, chỉ chỏ la hét, Bình hất đầu nhìn theo cười trừ. Lên xe thủng thẳng gồng chân đạp chầm chậm về hướng Trần Quốc Toản, bên kia đường có người con gái, áo bà ba màu bùn, đầu đội nón lá che khuất mặt, tay xách cái túi vải lớn có vẻ nặng, vừa băng qua vừa vẫy tay gọi “xích lô xích lô”, Bình ngừng lại sát lề đường chờ. Bình xuống xe, đứng vịn thành tay cầm, cô gái để túi vải xuống đường, sát bánh xe trước, thở một hơi, không ngước lên hỏi “đây về cổng trường đua ngựa Lê Đại Hành tính bao nhiêu anh”,  Bình vừa cười trả lời “thường thì cô trả người ta bao nhiêu thì trả cho tui như vậy mà” vừa chờ cô ta ngước lên, cô thong thả đứng ngay người, quay về phía Bình, lấy cái nón lá xuống gật đầu, cả hai trố mắt nhìn nhau, ngờ ngợ chết trân, cùng buột miệng một lượt, người thì “ anh Bình hả”, người thì “Thắm phải không”, lặng thinh bất động một hồi lâu, Bình đẩy xe lên lề đường, Thắm khệ nệ xách cái túi vải theo, hai người ngồi bệt trên bậc thềm nền gạch trước hàng cửa sắt kéo khép kín của căn phố lầu im lìm, bụi bám nhện giăng dường như vắng chủ, buồn hiu nhìn ra đường, sáu ngả đường lên xuống vẫn đông nghẹt người và những chiếc xe đạp, nắng dịu dần, chiều lửng thửng bỏ ngày đi, chưa thấy mưa, ngồi đó nhớ những ngày tháng cũ.

*

    Bình chơi thân với Thắm từ những ngày đầu mới vào trường tiểu học quận, trường nẳm ngay trên quốc lộ 1 Sài Gòn - Tây Ninh, không xa ngã ba đường vô chợ bao nhiêu, núp mình sau hàng cây phượng xum xuê xanh lá, gia đình Thắm tương đối giàu, cô là con một, có cái tiệm thuốc tây có lầu ngay dãy phố đầu ngã ba, cây trứng cá cao trước nhà lúc nào cũng thấy trái, ba Thắm làm công chức gì đó của văn phòng quận. Nhà Bình nghèo, ba mất sớm vì tai nạn sông nước dưới Cái Bè, một mẹ một con, nhà ở cuối góc chợ một con đường đất, căn nhà tôn vách ván nhỏ, sau lưng “Miếu Ông Cả”, mẹ Bình làm nghề đan giỏ đan thúng tre, hàng ngày mang ra ngồi bán ở một xéo góc khu bán nồi niêu chén bát, có khi mang ra tới tận bến xe ngoài đường cái, tạm đủ ăn, đủ mặc, chưa đến nổi rách rưới. Sáng ngày đi học, Bình ngang qua tiệm thuốc tây, đứng dưới gốc cây trứng cá chờ Thắm cùng nhau tới trường, tan trường cũng vậy, cũng hai đứa bên nhau, trên đường về, cũng ngay gốc cây trứng cá, đứa nấn ná vô nhà đứa ngập ngừng không muốn đi, hàng năm tới ngày giỗ “Ông Cả”, miếu thờ đông nghẹt người tới cúng viếng cầu xin, nhất là người dân làng An Tịnh, năm nào cũng vậy, khi theo ba mẹ tới miếu thì Thắm cũng tới nhà tìm Bình, rồi hai đứa dắt nhau bắt chước người lớn, đứng chấp tay cúi đầu xá xá, miệng lâm râm thì thầm rồi nhìn nhau cười khúc khích. Cuối năm lớp nhất, cả hai lên Tây Ninh, học trường trung học công lập tỉnh, Bình ở trọ ở khu nam ký túc xá, Thắm thì được cha mẹ gởi tại nhà một người dì bà con, hai vợ chồng làm thư ký trong tòa hành chánh tỉnh, nhà ở bên đường dọc theo sông, gần chợ Cũ.

    Không còn tay nắm tay , chân đuổi chân bên nhau như những ngày học trường làng, lên trung học, lớn rồi, có nhớ thì đứng chờ đâu đó ở cổng trường, rồi bẽn lẽn thẹn thùng, tiếng mất tiếng còn, không dám đi sát nhau, theo Thắm trên đường về nhà giữa một trời áo trắng. Cuối tuần những năm sau đó, tuần nào cũng mong cũng ngóng chuyến xe đò đi về Trãng Bàng, Tây Ninh, ngồi bên nhau, không biết bao nhiêu chuyện mà kể và rồi theo ngày tháng lớn dần, cả hai đã biết buồn biết thương từ đó. Hết hè năm đệ tam, tựu trường lại, Thắm bỏ Tây Ninh xuống Sài Gòn, chuyển về học đệ nhị ở trường nữ trung học Lê Văn Duyệt, cùng với mấy đứa em gái con ông bác, vừa hùn mở một tiệm thuốc tây ở đường Nguyễn Duy Dương, ngay căn phố liền bên nhà ở. Hôm chia tay ở Trảng Bàng, chia tay lần này chắc lâu lắm mời có lần gặp lại, không ai hỏi ai xa rồi sẽ còn nhớ hay quên, cũng còn ở cùng một quê đó nhưng khi nào người về người đi, không biết trước, tiễn nhau ngay trước cửa nhà, dưới gốc cây trứng cá quen ngày nào, cả hai buồn muốn khóc, chân không đành bỏ đi, nhìn nhau nói thầm “sẽ chờ”. Bình ở lại Tây Ninh, lên xuống một mình, những con đường quen đi qua từ đó cứ rưng rức dài nổi nhớ, nhớ bất chợt nhớ vội vàng.

    Sau tết Mậu Thân, Bình rớt tú tài hai, vào lính, Thắm vào Văn Khoa ban Sử Địa, hôm tiễn Bình vào quân trường ở vườn Tao Ngộ trên Quang Trung, cũng ngồi bên nhau, cũng như lần chia tay ở Trảng Bàng, dưới gốc cây trứng cá, lần này, vừa nhìn những cặp người tình của lính quanh mình Thắm vừa nói nhỏ, lập lại hai tiếng “sẽ chờ”. Chia tay nhau, đứng bên trong vòng rào trại nhìn theo, chiếc xe đò từ Hốc Môn về Sài Gòn chật cứng người, nắng chiều thoi thóp đổi màu phía bên kia đường, hình như có cái gì đó không như lòng mình muốn, Bình cười, giữ một nửa cho mình, một nửa theo gió bay đi. Ra trường, về Trảng Bàng thăm nhà trước khi ra đơn vị, hôm trở xuống Sài Gòn, đến nhà ở Nguyễn Duy Dương thì không gặp Thắm, người nhà nói cô nàng đi cắm trại với đám bạn nào đó ngoài Vũng Tàu, hai ba bữa mới về, Bình viết lá thư ngắn, cho biết địa chỉ KBC nhờ trao lại, đêm bỏ Sài Gòn ra đi, không người đưa người tiễn.

    Chiến trận ngày càng ác liệt hơn,  từ đó qua năm này tháng kia, giày đinh, ba lô súng trận trên người, Bình miệt mài đời lính chiến với rừng núi bạt ngàn, băng đồng lội sông khắp miền xuôi mạn ngược, có những lần tạm dừng quân, chưa kịp nhớ chuyện mình thì địch quân đã đuổi theo đâu đó, nhận thư Thắm một hai lần, trễ thật trễ, đọc vội đọc vàng, dưới hố cá nhân nằm chờ tiến quân, đọc tới đọc lui nhiều lần vì chưa có lần nào đọc trọn, vẫn những lời đã nói mà không nói thêm gì khác, rồi thư hồi âm cũng thưa thớt dần, thư gởi đi có mà thư về thì không. Năm 1972, trong trận đánh giải tỏa An  Lộc, tiểu đoàn 6 Dù của Bình, tuy bị đánh tan nát tháng tư ở đồi Gió nhưng sau khi được tái bổ sung, đã càn quét, đẩy lui quân Bắc Việt cản đường, bắt tay với tiểu đoàn 8 Dù đang ở phía nam, rồi gặp nhau trên đường tiến vào thị xã An Lộc dười sự hổ trợ của quân sư đoàn 21 Bộ Binh, Bình được đặc cách thăng cấp Trung úy khi quân VNCH chiếm lại toàn bộ những vị trí cố thủ của quân Bắc Việt ở phía bắc An Lộc.
 


 

    Rồi thì chiến cuộc tăng thêm, xem chừng ác liệt hơn, quân VNCH đánh nhau với địch quân một mất một còn, hết biên giới Phước Long Quảng Đức,tới cao nguyên Phú Bổn Kontum, từ đồng bằng ra biển cả Đông Hà Quảng Trị, núi sông trùng trùng điệp điệp Hạ Lào Tam Biên, nhưng bất ngờ theo lệnh trên, quân VNCH rút bỏ cao nguyên, dân ùn ùn kéo theo xuôi Nam, vùng một vùng hai rồi vùng ba mất vào tay quân Bắc Việt, cuối cùng quân VNCH tập trung số còn lại, cùng với sự đoàn 18  lập phòng tuyến Xuân Lộc, nhất quyết giữ nửa phần còn lại của miền Nam, Bắc Việt dốc toàn số quân có mặt, tung ra chiến dịch “tiến công tuyến phòng thủ Xuân Lộc” từ ngày 9 cho tới ngày 20 tháng 4 năm 1975, sáng ngày 21 tháng 4, tiểu đoàn của Bình thiệt hại nặng nề, khi bị phục kích tại ấp Suối Cá, gần ranh giới Long Khánh, may mà anh còn sống sót, và cũng ngày đó, các tuyến phòng thủ cuối cùng của quân VNCH tại Xuân Lộc tan rã.

    Quân Dù rã ngủ, buông súng, tan hàng khi trời lưng lửng chưa sáng trọn buổi tại ngã tư Bảy Hiền, theo lệnh đầu hàng của ông tổng thống một ngày Dương văn Minh, lác đác từng nhóm năm ba, mấy người lính Dù, lặng lẽ chia tay nhau, nhìn lại cái trại mang tên Hoàng Hoa Thám lần cuối cùng, khóc thầm, khóc tức tưởi rồi mất hút đâu đó giữa đoàn người, đoàn xe ngơ ngác, hớt hãi chen nhau đi xuôi về ngược, cuồn cuộn như nước lũ. Theo một người lính cùng đại đội, Bình tấp vào cái quán ăn nhỏ quen bên đường, trút bỏ quân phục hoa dù và cái lon trung úy, thay bộ đồ thường áo thung đen màu ngà quần ka ki xanh dương cũ, rách nhiều chỗ, không dài không ngắn, chen lên chuyến xe hàng, đầy nhóc đồ đạc quá giang về Trảng Bàng. Mấy năm dài đăng đẳng, gặp lại hai mẹ con cứ ôm nhau, nghẹn ngào khóc, ở nhà được vài tuần, bất chợt nhớ Thắm, nhưng nhớ để mà nhớ chứ không mong gì hơn, đôi ba lần đi qua ngang nhà Thắm, cây trứng cá cũng vậy nhưng căn nhà giờ là trụ sở của công an, cờ đỏ sao vàng phất phơ trên nóc như hàng chục lá cờ khác trong chợ quận. Bình ra quận trình diện đi tù vào buổi sáng trời âm u thiếu nắng, sau khi mấy tên công an đến nhà thăm, gọi là “làm việc”, họ dùng mấy chiếc xe GMC của quân VNCH chở Bình cùng một số đông người khác lên Trãng Lớn, Tây Ninh, rồi ra Bắc, mẹ con một lần nữa tiễn nhau cũng khóc, không biết chừng nào gặp lại, Bình vắng tin và không về từ ngày đó.

    Được thả, cầm tờ “giấy ra trại” đi hết xe lửa tới xe đò, xe hàng, mấy ngày đêm về tới Trảng Bàng, mẹ Bình già yếu đi nhiều, một thân đơn độc, căn nhà vốn đã xiêu xêu giờ càng xiêu xiêu hơn trước, bà bị yếu phổi, ho nhiều từ hơn năm nay, không tiền nên chỉ trông vào ba mớ lá thuốc nam mà kéo dài chờ con, Bình trình giấy tờ cho công an khu phố, rồi xin vào làm công cho hợp tác xã đan thúng rỗ tre ngoài đầu chợ quận, tiền kiếm được gom hết chạy lo thuốc thang cho mẹ nhưng chừng vài ba tháng sau, kiếp người đã mãn, bà qua đời, sau khi chôn cất bà ở cái nghĩa địa của xóm đạo Tha La đâu đó xong, công an cứ hạch hỏi đủ điều, liệu khó ở, Bình bán căn nhà, rồi bỏ xuống Sài Gòn.

    Lang thang, ngủ bờ ngủ bụi, khi bến xe, lúc góc chợ vài ngày, một sáng trời còn sương, thả bộ dọc theo đường đi tới chợ Trương Minh Giảng, chợ cũng vừa mới nhóm, bạn hàng đông nghẹt, hối hả lên xuống, vừa tới ngang đầu chợ, hai người đàn ông đạp xích lô, lôi kéo nhau, cãi vã, chỉ chỏ ai đó phía trong chợ, xem ra thiếu điều định đánh nhau, Bình bước vội tới can, đẩy hai anh xa ra, cả hai ngưng cãi, giỡ nón nhìn lên, người mặc cái áo lính dù cũ bạc màu nước vôi buột miệng “ông thầy”, người kia lầm bầm đẩy xe của mình ra đường, đạp đi không nhìn lại. Trái đất tròn thiệt, không ngờ lại gặp nhau đây, sau ngày chia tay ở ngã tư Bảy Hiền, bó tay làm người thua cuộc, binh nhất Điền bỏ xe, ôm lấy Bình khóc, Bình cũng ứa nước mắt khóc theo, binh nhất Điền là người mang máy truyền tin, cho đại đội, ít khi thấy buồn, cười nhiều hơn mếu, chuyện tiếu lâm vẫn kể dưới hố cá nhân dù cho trên đầu đội mưa pháo địch. Đẩy xe qua bên kia đường, ngồi nói chuyện cũ, chuyện lỡ vận đời, cạn ly cà phê sáng, Điền chở Bình về nhà, cái mái hiên sau, mấy tấm liếp che hờ, nửa kín nửa hở của một cái chùa nhỏ, lụp sụp rong rêu với bà sư cô già ốm yếu ở cuối ngỏ con đường đất đỏ, bên này ngã tư Hàng Xanh, qua khỏi cư xá Thanh Đa một khoảng khá xa, chẳng có anh công an, ông cán bộ nào thèm tới ngó, Bình theo Điền đạp xích lô từ những ngày sau đó.

    Năm 1970, Vào học năm thứ nhất Văn Khoa không bao lâu, Thắm theo một số cô bạn cùng lớp cũng có, lớp trên cũng có, người từ Bến Tre, Trà Vinh lên, người từ Quảng Nam, Bình Định, Nha Trang xuống, tham gia “Phong Trào Phụ Nữ Đòi Quyền Sống” của bà Ngô Bá Thành, tổ chức cho học sinh sinh viên biểu tình xuống đường trên nhiều đường phố ở Sài Gòn, chống chính phủ VNCH dữ dội, bạo động xô xát với cảnh sát dã chiến và quân đội. Sau lần Thắm cùng hàng trăm người, phần lớn là sinh viên học sinh, tràn vào giựt súng, dùi cui, kéo dây hàng rào kẻm gai, giải vây cho một nhóm sinh viên thiên tả đang họp hành gì đó trong trụ sở sinh viên đường Hồng Bàng, ngó qua nhà thờ ngã Sáu, cảnh sát dã chiến, bao vây kín bên ngoài, trước sự hùng hỗ, gầm thét của đám người, được lệnh rút lui, nhưng một số người dẫn đầu, hò hét trong đó có Thắm bị bắt, giải về trụ sở tổng nha cảnh sát ở góc đường Cộng Hòa- Petrus Ký. Họ được thả ra sau đó mấy ngày, Thắm về lại trường, tụ nhau lại với đám trong nhóm lăng xăng, chạy lên chạy xuống họp hành gì đó, rồi không lâu, Thắm về Trảng Bàng thăm gia đình vài ngày, cười nói bình thường, trở xuống Sài Gòn, cô theo một toán sinh viên thân cộng bỏ Sài Gòn vào bưng, theo đường Củ Chi, Trảng Bàng, băng sông Vàm Cỏ Đông vào khu Mỏ Vẹt, rồi cục R, mật khu của quân Bắc Việt, bà con bên dì bên bác buồn hết sức, không biết nói gì, ba mẹ Thắm đóng cửa không bán không buôn hết mấy ngày, vào ra, lên xuống Trảng bàng - Sài Gòn trông trông ngóng ngóng, ngày qua ngày Thắm vẫn biệt vô âm tín.
 
 

   Giữa năm 1974, những ngày mưa dầm sớm, Thắm cùng hai ba người khác, cũng là sinh viên cũ, trốn bỏ mật khu về hồi chánh với chính quyền tỉnh Sa Đéc, ở đây vài ngày, nhóm Thắm được đưa về trung tâm chiêu hồi Vĩnh Long, trên đường Nguyễn Thái Học, nơi cũng đã có chừng hơn một trăm người hồi chánh trước đó đang học nghề, học việc. Nhận được thư báo tin, ba mẹ Thắm trên Trảng Bàng và gia đình ông bác ở Sài Gòn mừng muốn khóc, đưa nhau hết xuống Vĩnh Long, gặp nhau, không ai nói nên lời, cứ ôm Thắm mà khóc sướt mướt. Hôm 30 tháng 4, ngày miền Nam mất, quân Bắc Việt vào chiếm Vĩnh Long, họ bắt giữ tất cả những người hồi chánh viên ở trung tâm chiêu hồi mà gọi là “bọn phản bội”, điều tra, phân loại thành phần, xét xử, một số người bị xếp vào loại chờ ra tòa án nhân dân, số còn lại được “nhà nước” khoan hồng, trong đó có Thắm, bị giải lên một trại tập trung cải tạo giữa trời nước mênh mông trên miệt Kiến Tường Mộc Hóa, để có dịp “ăn năn sám hối”.

    Ba mẹ Thắm theo xe đò xuống Vĩnh Long nhưng trung tâm chiêu hồi giờ thành trại lính bộ đội, ngẫn ngơ, hỏi người ở bên kia đường, những người trong đó đã bị đưa đi “cải tạo” hết rồi, không biết là đi đâu, hai ông bà chết trân, ngậm ngùi trở về Sài Gòn và rồi từ đó, lên xuống chạy ngược chạy xuôi, tìm đến mấy cơ quan trong tỉnh mới biết Thắm đã bị đưa đi tập trung cải tạo trên Mộc Hóa nhưng chưa được phép đi thăm, chờ chỉ thị của cấp trên, khi đó sẽ thông báo cho biết, ông bà chỉ còn nước ráng chờ, nhưng hết ngày rồi tới tháng, hết tháng rồi tới năm, vẫn không có tin gì của Thắm, ở bao lâu và chừng nào được về, nước mắt già nua chừng như đã cạn, muốn khóc cũng không còn đâu nữa mà khóc. Cái gì đến rồi cũng đến, công an quận tới đọc lệnh Thành Ủy tịch thu nhà, tiệm thuốc tây về tội “vừa tư sản mại bản vừa tàng trữ thuốc men, lợi dụng thời cơ bán lậu trái phép chưa kể tới việc ba của Thắm là nhân viên của bọn “ngụy quyền”, thi hành chủ trương khoan hồng của nhà nước họ cho ông bà thời gian một tháng để chuẩn bị chấp hành cho nghiêm chỉnh. Cả nhà gom góp chút vốn liếng còn có, bỏ lại tất cả, chia tay, ông bác dẫn gia đình về Tuy Hòa, ba mẹ Thắm về quê ngoại chợ Bún, Bình Dương. Chừng bảy tám tháng sau, bệnh chai gan tái phát, vừa buồn nhớ con vừa đau cái đau mất mát, năng hơn trước kia, thêm phần thiếu thuốc men, mẹ Thắm mất, chôn cất xong, cũng buồn cái buồn quặn thắt như vợ, ba Thắm vào tu ở ngôi chùa nhỏ, ven bờ con rạch cuối làng, từ đó, còn lại một mình mòn mỏi chờ tin con.

     Ra tù hôm về thăm nhà, sau mấy năm “đồng chua nước mặn” từ Trảng Bàng xuống, nhà cửa trên đó đã bị tịch thu, người quen cạnh bên, cho hay ba mẹ cô có nói là về Sài Gòn, bỏ tất cả không đi vùng kinh tế mới, dưới này căn nhà ở đường Nguyễn Duy Dương, cất cái trước cái sau liền nhau, chung một “tờ khai gia đình” với gia đình ông bác nên vẫn còn coi là có tên trong tờ “hộ khẩu” mới. Trở xuống Sài Gòn, qua bên Nguyễn Duy Dương thì không còn ai ở đó nữa, giờ là văn phòng của ủy ban nhân dân phường, bà chủ quán hủ tiếu cà phê góc đường, nhận ra nhau, nói lại cả gia đình đã về quê, hình như là trên Bình Dương, cả năm nay rồi, nghe mà chết lặng, nghẹn lòng đau nhói. Lang thang ra đường, Thắm lội bộ đến tìm nhà cô bạn cũng ở tù chung dưới Mộc Hóa nhưng được thả ra trước chừng mươi ngày, hy vọng còn có chỗ tá túc vài ngày rồi tính, ở trong cư xá Lê Đại Hành, nhưng nhà lạ hoắc vì gia đình cô đã bán lại cho một “ông cán bộ” nào đó rồi về Đà Lạt từ cả năm nay, đứng sớ rớ, ngoài ngã ba, buồn lo chưa biết tính sao đây, thì bà cụ Chân bưng rỗ bắp nướng đi ngang, thấy Thắm lớ ngớ ngó mông ngó mênh, chắc tìm đường, bà tới gần, hỏi qua nói lại, rồi Thắm bưng rỗ bắp, hai người đi về phía cái hẽm nhà của bà cụ, trời giữa trưa, nắng chang chang đổ.

    Tạm yên, nhớ lời bà chủ quán cà phê ở nhà cũ Nguyễn Duy Dương, Thắm đón xe đi Bình Dương, về quê ngoại chợ Bún, bà dì tư dẫn ra chùa, dưới cái chái hiên nhỏ bên hông chùa, hai cha con ôm nhau mà khóc, bà dì quay mặt đi cũng khóc, buông con ra, ông quỳ đại xuống đất, ngó vào trong chánh điện, trời ngã bóng về chiều, chút nắng muộn hắt ngang đầu, mớ tóc bạc từ lâu không đổi màu, ông lâm râm “cám ơn Phật trời, đã cho cha con còn thấy được nhau”, ra thăm mộ mẹ, một lần nữa cũng nước mắt ràn rụa, Thắm thờ thẩn ôm nấm đất khô giữa bóng chiều bỏ đi để lại một góc trời hoàng hôn tím ngắt. Thắm ở lại, quanh quẩn hai cha con vài hôm rồi, xuống lại Sài Gòn, dưới đó còn có cách kiếm sống, chứ ở đây có muốn ở thì cũng bằng không, ông vui để Thắm đi, cô cũng yên lòng từ giã dù ai cũng buồn như nhau. Phụ bà bán bắp một thời gian, Thắm quen chị Hạnh cạnh bên nhà, chồng là sĩ quan sư đoàn 25, tử trận ở Hậu Nghĩa năm 1973, trước làm thư ký tại văn phòng của một phường ở quận 10, theo chị buôn bán chợ trời, từ Lăng Cha Cả, xuống Nguyễn Thông, ra Hàm Nghi vào Tổng Đốc Phương, đủ mọi thứ, thượng vàng hạ cám, mang cái nhọc nhằn lam lũ đó, cụ bà Chân, chị Hạnh, Thắm nương nhau mà sống.

*

    Chiều hờ hững xuống, đèn đường chập chững lên, vàng vỏ một màu u ẩn, con đường Nguyễn Tri Phương bất chợt vắng người, lưa thưa đâu đó hai ba anh bộ đội gầy còm, mệt mỏi cúi người trên xe đạp, những cái xe đạp cũng gầy còm không thua gì họ, ở phía bên đầu đường Trần Quốc Toản tiếng chuông lễ chiều của nhà thờ Đồng Tiến kéo dài từng hồi một, lạnh người và quặn thắt, Thắm đứng dậy, bỏ đi tới cái sạp bán đồ ăn bên kia đường, mua đem về hai ổ bánh mì, Bình ngồi yên chờ cô nàng trở lại, hai người ngồi ăn ngon lành, giờ đã có chút gì vui hơn là lúc nãy mới gặp. Bình đạp xe chở Thắm về cổng trường đua, nơi Thắm ở trọ từ ngày ra tù, trên cái gác lửng chấp nối bằng gỗ, miếng nhặt miếng thưa của bà cụ Chân, người Bắc di cư năm 1954, bán bắp nướng, không chồng không con cái trong cái hẽm nhỏ, hơn cả chục năm nay, sát bên hông ngỏ vào cư xá Lê Đại Hành, Bình ở chơi chút xíu, làm quen, hỏi han bà cụ Chân đôi ba chuyện, rồi từ giã, Thắm theo ra tới ngoài đường, mặt buồn thiu, Bình đạp xe đi một khoảng xa, cô nàng vẫn còn đứng đó, đường vắng thật vắng, bóng đêm kéo dài theo bóng người, Bình mang theo niềm vui bất chợt trên đường về. Rồi từ đó, Bình có người khách ruột của những cuốc xe “thôi hết buồn” giữa đường phố ngã nghiêng thế sự mất tên, sáng đưa chiều đợi từ cổng trường đua Phú Thọ tới hết Lăng Cha Cả, Trương Minh Giảng qua góc chợ Hàm Nghi, người khách mà “tên gọi tên mình đưa nhau đi” nhưng có đi được hết trọn những tháng ngày còn lại không, thôi thì cứ làm kiếp “sông vẫn chảy đời sông, suối cứ trôi đời suối”, chuyện ngày mai chỉ có trời đất biết.

*

    Chiếc ghe chở hàng đi đường sông cũ kỹ, ọp ẹp mang theo hơn ba mươi mấy người, phần đông ở Sài Gòn xuống, có Bình, Thắm, binh nhất Điền và chị Hạnh, ra khơi trong một đêm mưa giông gió lớn, nước biển thăm thẳm sâu, trời đen nghịt như tối ba mươi, từ bải biển Tân Thành, Gò Công ra khơi chưa tới hai ngày, thình lình cơn bảo lớn kéo theo nhiều đợt cuồng phong cuồn cuộn những tiếng gió hú kinh hồn, chiếc ghe bị sức gió đánh bể làm hai, tách đôi, nhấp nhô trôi theo hai hướng khác biệt, Bình bên này, Thắm bên kia, cũng như mấy người khác, hớt hãi, chỉ còn kịp gọi tên nhau, rồi xa khuất dần, mất hút đâu đó, mù mờ trên đầu những ngọn sóng dữ, chừng hơn ngày sau một mảng sáu bảy tấm ván sườn ghe còn dính liền nhau giạt vào bải biển Vĩnh Châu, Bạc Liêu, cũng có một số ván nữa, còn thấy lờ mờ con số đăng bộ ghe, tấp vào kẹt đám san hô dưới nước, chòng chành ngiêng qua nghiêng lại không xa ngoài bờ Côn Sơn, người dân đánh cá miền biển biết chắc là của mấy chiếc tàu hay ghe vượt biên nào đó bị nạn chìm ngoài khơi, cho đến nhiều ngày sau, không thấy xác người.

 


Thuyên Huy
Toowoomba, giữa phố lạ thưa người lưng chừng đông 2017

No comments: