Chúc Mừng Năm Mới Dương Lịch 2022
304Đen Kính Chúc
Đầu Hạ Xuân Tàn Người Cũ
Cho Nguyễn
Thị C, có một thời là cô giáo từ trường Sư Phạm Sài Gòn.xưa
Cũng đó mùa Xuân
tàn đầu Hạ
Lâu rồi mới
về lại chốn xưa
Hàng dừa bên
bờ soi bóng ngã
Nhà em vẫn cổng
hoa Giấy thưa
Lối cũ đường
còn vương xác pháo
Lưa thưa mấy
cụm muộn Mai tàn
Rộn rã Phượng
hồng phố thay áo
Nắng lơi vạt
nhớ chợ sớm tan
Một chiều gặp
em trên đầu dốc
Cũng dáng
xưa gầy tóc ngang lưng
Nép góc phố đông
buồn muốn khóc
Tên em thèm
gọi mà ngập ngừng
Đường theo
em về sau cổng khép
Người xưa biết
còn nhớ gì không
Tôi vẫn cô
đơn đời nửa kiếp
Cố nhân giờ
chắc đã lấy chồng
Thuyên
Huy
Nơi cứ tưởng
là quê mình 2021
Con Bu
Lúc
qua ở bên Tây, thỉnh thoảng tôi về thăm mẹ ở tỉnh xa. Mẹ nuôi chó. Thấy mẹ cưng
quý chó, tôi cũng phải nể nang nó ra mặt. Tôi mạnh dạn đưa tay vuốt ve đầu nó
nói vài ba câu xã giao cho ra vẻ có tình (để làm vui lòng mẹ). Nhưng tôi nói tiếng
Việt nó chẳng hiểu gì cứ sủa gâu gâu. Mẹ bảo phải nói tiếng Tây. Tôi chột dạ,
lỡ nói không đúng văn phạm, chắc nó chẳng hiểu.
Trong phòng khách, con chó được ngồi một vị trí ưu tiên nhất, đó là chiếc ghế
bọc nệm gần mẹ tôi. Trong phòng ăn, nó cũng chiếm một vị trí gần bà chủ nhà.
Thức ăn của nó được nấu riêng, không phải là thứ dư thừa. Mẹ tôi gọi nó là Bu
(viết theo chữ Pháp là Bou). Cái tên dễ gọi không lôi thôi như Jean Louis
David, hay Jonathan.
Tối ngủ, mẹ nói Bu qua ngủ với mẹ, còn phòng nó để dành cho tôi. Đó một căn
phòng có giường rộng dành cho khách, nhưng không có khách thì Bu chiếm ngự. Căn
phòng có mùi đặc biệt, dù thay áo gối ra giường khác sạch sẽ tươm tất, tôi vẫn
ngửi được cái mùi kỳ lạ từ khi bước vào phòng. Đó chính là mùi của con Bu, nó
khác với mùi của con người.
Suốt
cả một đêm tôi không thể nhắm mắt ngủ vì cái mùi này.
Cuộc
đời mẹ, từ những ngày ấu thơ, lớn lên lấy chồng cho đến nay, trải biết bao
thăng trầm. Tôi ít dịp được ở gần mẹ, sau năm mười ba tuổi, mẹ đã đi buôn bán xa
rồi. Tôi vào học nội trú trường bà sơ, kỷ luật nghiêm nhặt. Cuộc
chiến tranh Việt Pháp đã làm rách nát mọi gia đình, trong đó có tôi. Cha tôi đi
kháng chiến chống Pháp, mẹ ở nhà buôn bán tần tảo với người Pháp (đôi khi lo
tiếp tế cho cha tôi ở mật khu). Nhờ có học tiếng Pháp, mẹ làm ăn phát đạt. Mấy
tấm hình của mẹ chụp ngày xưa, thấy mẹ rất đẹp. Có lẽ nhờ ở những ưu điểm ấy mà
mẹ tôi sớm chịu những oan trái cuộc đời.
Tôi luôn ám ảnh, cho rằng một con người có ưu điểm, hay có may mắn hơn người
khác thì phải bị thua thiệt ở mặt nào đó. Tôi nhớ có lần gặp một bác lớn tuổi
cho biết rằng mẹ cháu xưa kia đẹp lắm. Tôi thật xúc động, chỉ muốn ôm bác nói
vạn lời cám ơn.
Tôi là một đứa con như muôn vạn đứa con khác, luôn mong muốn nghĩ rằng mẹ của
mình là người đàn bà hơn người. Mẹ đẹp hơn người, giỏi hơn người, thông minh
hơn người, nhưng, mẹ khổ hơn người. Nghĩ vô lý thật.
Mỗi khi có tôi bên cạnh, mẹ kể chuyện đời xưa, những chuyện buồn khổ ám ảnh mẹ
không nguôi. Tôi an ủi, mẹ ơi đừng nhắc những chuyện buồn nữa, sao mẹ không nhớ
những chuyện vui.
Mẹ lắc đầu, mẹ chẳng biết cái chi vui mà kể. Thuở nhỏ năm lên mười tôi thuộc
thơ TTKH, vì mẹ hay ngâm nga. Mẹ cũng ngâm lại bài thơ của cha tôi làm tặng mẹ
khi hai người mới thương nhau, ngâm xong mẹ nói, thương vậy mà cũng bỏ
đi.
Đang lan man nghĩ ngợi, nửa đêm, con Bu bỗng chạy qua phòng tôi, có lẽ muốn
chiếm lại giường ngủ. Nó nhảy phóc lên giường. Tôi khiếp vía ngồi ngay dậy bật
đèn sáng. Nó nhả vào cạnh tôi một khúc xương ống trắng hếu, lại gầm gừ nhìn
tôi. Con này thật quá quắt, nó muốn đuổi mình đây.
Sáng mai tôi đáp xe lửa về Paris sớm, vì giận con Bu quá. Mẹ tôi hỏi sao không
ở lại thêm. Tôi buột miệng: ngủ với chó hôi quá chịu không được. Câu trả lời
rất đúng sự thật, nhưng làm mẹ phẫn nộ. Mẹ giận dữ nói tao nhờ nó mà sống được
đến ngày hôm nay, con cái có đứa nào chịu ở với tao, mi chê nó hôi tức chê tao
hôi.
Tôi ân hận đã lỡ lời. Tôi chào mẹ ra về, con Bu thấy thế, vì cũng không mấy ưa
tôi, cứ đứng ở cửa sủa gắt lên. Đáng lẽ ra tôi phải vung tay nói muôn ngàn lời
cảm tạ với Bu, rằng em đã thay mặt chị ở với mẹ, yêu thương mẹ, em đã giúp thêm
nghị lực cho mẹ sống với đời này, chị biết em là con người hóa kiếp chó, em
nhiều tình cảm đối với mẹ, mẹ bảo gì em cũng vâng lời, không hề tỏ ý kiến trái
lời mẹ, em là đứa con ngoan ngoãn nên được mẹ thương yêu nhất nhà.
Tôi thầm thì nói với Bu khi ngồi trên chuyến xe lửa tốc hành trở về. Ừ! Ừ nhỉ,
tôi sẽ viết cho nó bức thư dài tạ lỗi. Nhưng về đến nhà, công việc dồn dập
trước mắt, tôi lăn vào cuộc sống mệt mỏi và quên bức thư tha thiết dự tính viết
cho Bu.
Mẹ tôi giam giữ quá nhiều cay đắng trong lòng, chỉ cần một vết nứt nhỏ, niềm
đau nỗi khổ ấy chợt vỡ ra, tuôn ào ạt. Mẹ viết cho tôi một bức thư dài nói về
con chó của mẹ. Mẹ ca tụng nó như một đứa con nuôi hiếu thảo nhiều tình cảm, và
kết luận nó là con chó nhưng tốt hơn con người.
Những chuyến về thăm Việt Nam, mẹ đem Bu đi theo, mua cho nó một chỗ ngồi trên
máy may. Mẹ không thể sống xa Bu. Bu là điểm tựa tinh thần, là sự an ủi, là sự
ve vuốt cho nỗi cô liêu hoang vắng đời mẹ. Mẹ quyết định về sống lại ở Việt
Nam, vì theo mẹ, xứ Tây này ích kỷ quá, sống không nổi.
Năm
vừa qua, vào nửa đêm, tôi bị đánh thức dậy vì cú điện thoại gọi từ Sàigòn cho
biết mẹ đã chết rồi. người mẹ của mình chết đi, mình như thế nào nhỉ? Muôn
ngàn mũi kim châm chích vào thịt da mình, muôn ngàn tấn ân hận đè lên trái tim
mình. Vé máy bay mua không kịp, tôi về trễ, không kịp giã từ mẹ, không kịp đưa
mẹ vào lò thiêu xác. Không kịp gì cả. Nếu tôi suy nghĩ kịp, nếu tôi hành động
kịp, cuộc đời tôi bớt tiếc nuối nhiều chuyện.
Hôm tẩm liệm mẹ ở Sàigòn, dì tôi nói con Bu chạy vô chạy ra tru lên thảm thiết,
người ta phải cột cho nó vành khăn trắng trên đầu. Nhìn tấm ảnh mẹ để trên quan
tài bên cạnh vòng hoa phong lan màu tím, mẹ cười tươi dịu dàng. Mẹ đẹp quá. Mẹ
vui lòng được chết trên quê hương mình sau nửa đời xa cách.
Dì tôi nói :chị mất thế mà yên. Sống khổ, nên chết là yên, là hạnh phúc. Chỉ có
chết, mẹ mới được bình an. Tôi ôm bình tro mẹ trong tay nước mắt chảy dài, tự
hỏi tại sao lúc mẹ còn sống, tôi không hề một lần nào ôm mẹ trong tay. Tôi xa
cách mẹ và mẹ xa cách tôi. Mới đó mẹ chết rồi. Tôi ngơ ngẩn lảm nhảm. Đất vẫn
quay, trời vẫn có ngày có đêm, xe vẫn bóp còi inh ỏi trên đường phố Sàigòn, chỉ
có mẹ là chết.
Tôi không bao giờ gặp mẹ trên cuộc đời này nữa.
tôi
về đến nhà Sàigòn, con Bu chạy ra nhìn tôi, đôi mắt đen láy chăm chú nhận diện
quen biết, vẫy đuôi mừng rỡ. Cả nhà ngạc nhiên, tôi cũng ngạc nhiên, sao nó còn
nhớ tới mình.
Bu nhớ chứ, nó nhớ tôi là con của mẹ, người đã sống cùng với nó như hình với
bóng. Mẹ tôi bỏ nó ra đi mãi mãi không về. Mấy ngày sau khi mẹ mất, nó bỏ ăn
nằm ủ rũ trong góc nhà. Khi tôi về, bỗng dưng nó quấn quít bên cạnh tôi. Tôi
ngồi đâu, Bu cũng lẩn quẩn theo ngồi bên cạnh. Ai bảo gì cũng mặc, chỉ có tôi
bảo nó mới nghe lời. Các dì bảo con chó khôn thật, vì tôi giống mẹ. Máu huyết
tôi là máu huyết mẹ,
Bu hiểu điều ấy hơn ai hết, và trong thâm tâm nó, hy vọng rằng tôi sẽ nuôi nấng
nó thay mẹ tôi (có thể nó quên chuyện đã từng dọa nạt tôi trong đêm
khuya).
Buổi
tối, không ngủ được, vào nửa đêm, tôi bật đèn ngồi dậy. Bu nằm dưới chân giường
đưa đôi mắt đen buồn thảm nhìn tôi. Đôi mắt nó ướt như vừa mới khóc.
Tôi không ngủ, nó cũng không, cả hai chúng tôi đều nhớ mẹ. Tôi đưa tay vuốt đầu
Bu, nó dụi đầu vào tay ư ử ra chiều cảm động. Bu thè lưỡi liếm vào chân tôi, cử
chỉ Bu thường làm với mẹ, chiếc lưỡi mềm mại của Bu thật trìu mến.
Tôi thương mẹ quá, tôi thấu hiểu tại sao Bu chiếm được tình thương của mẹ. Có
khi nào tôi ôm chân mẹ như thế chưa. Bu đã hôn lấy bàn chân gầy ốm tật nguyền
của mẹ mỗi ngày, mỗi đêm khi mẹ mất ngủ. Tôi đau đớn ân hận.
Tôi bảo nó lên giường nằm bên cạnh. Mẹ nói đúng, Bu xứng đáng hơn tôi. Có lẽ mẹ
tôi ở nơi nào đấy, đang mỉm cười với con gái, biết tôi thương yêu Bu như mẹ đã
thương yêu nó. Điều này chắc chắn mẹ vui lòng lắm.
Khi đến tòa lãnh sự Pháp để lo giấy tờ khai tử cho mẹ, tôi bị làm khó dễ ở cổng
gác với nhân viên Việt Nam, lý do hôm nay đông khách, để lần khác. Tôi xin trực
tiếp nói chuyện với nhân viên sứ quán người Pháp, chẳng đặng đừng, họ cho tôi
vào.
Trong văn phòng dịch vụ, không thấy có bóng khách nào ngồi chờ. Anh Tây trẻ ra
bắt tay chào mời ngồi đàng hoàng. Chị đầm lo giấy tờ, nhanh chóng đưa giấy xin
ký tên vào tờ khai. Chị đầm nói, mấy bà lớn tuổi về đây ở đều bị chết sớm,
không khí ở đây rất độc vì dơ bẩn.
Trong cử chỉ nói năng của tây đầm ở tòa lãnh sự, họ xem tôi là người đồng
hương. Tôi cũng nhận thấy có điều thân ái giữa họ và tôi, điều này tôi khó tìm
ra được ngay, khi tiếp xúc với đồng bào trên cố hương mình.
Một cảm giác nhói đau trong trái tim, tôi tự hỏi nơi nào là quê hương thực của
mình, Pháp hay Việt Nam? Tôi nhìn xung quanh tòa nhà lãnh sự, không khí thoáng
mát hơn ngày ấy, ngày mà gia đình tôi lo lắng khép nép, e dè hồi hộp vào làm
giấy tờ xin đi ra khỏi xứ sở này.
Ngày ấy, tôi người Việt Nam. Hôm nay, tôi vào đây với thái độ ung dung của một
công dân Pháp, được đối xử lịch sự thân tình. Tôi là người gì, Pháp hay Việt?
Lúc ở Tây, tôi sống giữa những kẻ khác chủng tộc. Về Việt Nam, tôi thấy mình
không hẳn là người Việt. Đó là sự mâu thuẫn rắc rối khá đau lòng.
Tôi sắp sửa trở về Pháp, thấy tôi lăng xăng dọn dẹp áo quần, hình ảnh mẹ vào
vali, Bu như cảm thấy một điều gì đó, nó quấn vào chân tôi không rời. Tôi ở nhà
bếp nó chạy xuống bếp, tôi lên nhà trên nó chạy lên theo sau bám sát, thỉnh
thoảng Bu ngẩng đầu nhìn tôi thắc mắc. Đôi mắt Bu lạ lùng, đôi mắt đen tuyền
long lanh và thấm đẫm dịu dàng, đẹp hơn cả mắt người.
Mẹ ơi, bây giờ con mới hiểu tại sao mẹ yêu quý Bu đến thế. Tôi lặng người nhìn
đôi mắt tha thiết. Ngày mai tôi đi, không thể đem nó theo cùng, tôi không thể
cưu mang nó như mẹ tôi. Phải để Bu lại đây thôi.
Càng đến giờ ra đi, tôi càng lưu luyến nó, thứ tình cảm ủy mị này tôi
chưa hề trải qua với người, nhưng với con động vật này, tôi biết mình cũng yếu
đuối quá. Tôi tránh những cử chỉ vuốt ve, sợ làm nặng thêm cho nó, cho tôi, nỗi
chia lìa. Bu là tình thương của mẹ, tôi thương nó chính là thương mẹ. Điều này
tôi mới vừa nhận biết, tôi trả hiếu mẹ tôi quá muộn màng. Không kịp.
Tôi và dì đang bàn tính chuyện nuôi nấng Bu. Dì tôi năm nay cũng già yếu, trí
óc lẩn thẩn quên trước quên sau. Dì nói con Bu quen ăn sướng rồi, ở với dì ăn
cực không biết nó có chịu được không.
Mẹ sáng nào cũng cho nó bánh mì quết bơ, bơ nhiều ăn, bơ ít chê, nó thích ăn
thịt bò chứ không ăn thịt heo, phải đi mua xương phở cho nó nhai. Tôi nói tập
cho quen có gì ăn nấy, mẹ mất rồi, phải biết thân biết phận chứ. Tuy nói vậy,
tôi không tránh khỏi xót xa.
Buổi sáng lên phi trường, để tránh sự đau lòng của Bu, tôi nhờ người nhà đem
hành lý ra xe trước, trong lúc Bu ăn điểm tâm sau bếp, tôi lẹ làng lén ra xe.
Khi xe rồ máy, tôi nghe thấy tiếng sủa inh ỏi trong nhà, tiếng sủa tru lên gào
thét. Xé lòng.
Xe ngang qua ngôi nhà thờ có tro tàn của mẹ, nước mắt tôi chảy dài. Có một sinh
linh bị hai lần tuyệt vọng, con Bu, một lần mẹ bỏ nó, một lần nữa tôi bỏ nó. Mẹ
ra đi không bao giờ trở lại, còn tôi biết bao giờ trở lại xứ sở này, và lúc bấy
giờ Bu còn sống chăng.
Mẹ tôi, một người đàn bà cưu mang tất cả sự khốn cùng rách nát của chiến tranh,
cưu mang gánh nặng nỗi nhục nhằn của một kiếp người. Nỗi cô đơn lạnh lẽo xứ
người làm mẹ xác xơ, co quắp trước một thói đời ích kỷ, mẹ mất hết hy vọng. Mẹ
hoang phế trong đời sống này. Mất quá khứ, mất hiện tại, vô vọng với người
thân. Mẹ xa lánh mọi người, chỉ trừ nó, con chó./.
(không biết tác giả)
Từ trang DĐQGHCTC
Lòng thương yêu còn đầy.
Riêng niềm
tin đã mất.
Cách xa trong
tâm hồn.
Nghĩa là xa…
rất thật.
Một lần thôi
cho xong.
Chút tình xưa
đèo bòng.
Một lần thôi
cho quạ
Quãng đời thơ
hoa mộng.
Đừng buồn
nhau làm chị
Đường đời
riêng gắng đi.
Đắng cay này
lần cuối.
Chia nhau giờ
biệt lỵ
Xa cho tình
còn gần.
Hơn gần mà
tình xa.
Ta với người
đâu thể.
Dối lòng
không xót xa…
Lê Đình Viễn Lan
Hủ tíu mì thịt
Tôi,
một nữ sinh dưới quê lên theo một trường đại học ở Sài Gòn, ở trọ nhà anh họ
tiết kiệm chi phí. Ngoài thời gian học trên giảng đường, lúc rảnh tôi phụ một
tay ở quán hủ tiếu mì của anh ấy mở tại nhà, vừa đỡ một phần tiền học, vừa có
thêm chút thu nhập.
Một
lần, lúc quán không đông khách lắm, có hai cha con bán vé số dạo bước vô quán.
Người cha bị mù. Người con dắt tay cha, và cậu bé chỉ chừng bảy tám tuổi.
Vừa
bước vô quán, cậu bé vui vẻ nói: “Cha ơi, quán này hôm nay cho ăn từ thiện.
Mình có thể ăn miễn phí đấy. Để con đi xếp hàng.” Rồi cậu dắt người cha mù lòa
ngồi trên ghế.
Tôi
chưa kịp lại gần thì cậu bé đã chạy lại bên tôi, chỉ tay lên bảng giá, ghé tai
tôi thì thầm: “Cô ơi, cô cho cháu hai tô hủ tíu mì thịt loại 30.000 đồng. Cháu
có tiền và lát nữa cháu sẽ trả đủ tiền. Cha cháu thèm ăn hủ tíu mì thịt từ lâu
lắm mà không dám ăn. Vì cha tiếc tiền. Lát nữa cô cứ bảo quán hôm nay từ thiện
miễn phí nhé.”
Tôi
nhìn cha con cậu bé quần áo thô ráp lam lũ bụi đường, nhìn đôi mắt mù lòa người
cha, lại nhìn đôi mắt trong trẻo của cậu bé, trong lòng rưng rưng xúc động. Tôi
bảo cậu: “Hai cha con cứ ăn mì đi. Không cần trả tiền đâu. Hôm nay chị đãi.”
Cậu
bé quay lại chỗ ngồi. Tôi vô quầy nơi anh họ đang băm băm chặt chặt, kể vắn tắt
lại câu chuyện và bảo 60.000 đồng tiền mì ấy, để lát nữa tôi trả. Anh họ bảo
không cần đâu, anh mời họ cũng được mà.
Rồi
anh họ làm hai tô hủ tíu mì thịt. Anh không làm hai tô thường loại 30.000 đồng
mà làm hai tô đặc biệt. Quán anh họ tôi, tô đặc biệt chỉ nghĩa là mỗi thứ nhiều
hơn một chút. Rồi tôi bưng ra cho hai cha con người mù bán vé số ấy.
Quán
không đông khách lắm. Trong lúc hai cha con họ ăn, anh em tôi lẳng lặng quan
sát. Tôi thấy người cha mù thỉnh thoảng lại lần lần sờ tô của cậu bé rồi gắp
thịt sang tô cho cậu bé. Rồi cậu bé lại rình rình lúc người cha không để ý lại
gắp thịt bỏ ngược lại tô của người cha mà không để người cha biết. Họ cứ vừa ăn
vừa gắp qua gắp lại cho nhau như thế, một lúc khá lâu mới ăn hết tô hủ tíu mì
thịt.
Ăn
xong, cậu bé đỡ người cha mù đứng lên. Cậu lớn tiếng bảo: “Cám ơn cô chú cho ăn
từ thiện.” Người cha mù cũng lập cập nói: “Cám ơn cô chú!” Tôi cười đáp: “Không
có chi!” rồi vẫy tay chào họ.
Thế
rồi, hai cha con mù bán vé số dạo ấy dắt nhau rời đi. Tôi bảo anh họ: “Thằng bé
có hiếu quá!” Anh họ nhún vai, đùa: “Người khổ đầy thiên hạ, làm sao mình giúp
được hết? Lâu lâu làm phước thôi nhé, đừng làm phước hoài, có ngày anh dẹp
quán.” Tôi cười không đáp, bụng thấy vui vui.
Tôi
bưng hủ tíu cho một vài thực khách khác mới vô. Lúc này cha con người bán vé số
mù dắt nhau đi đã khuất. Rồi tôi bắt đầu dọn dẹp bàn ăn chưa kịp dọn. Dọn tới
bàn ăn hai cha con mù nọ, tôi chợt sững lại.
Tôi
gọi anh họ tôi. Hai chúng tôi ngẩn ngơ bùi ngùi nhìn bàn ăn. Nơi đó, dưới một
trong hai cái tô, kẹp lại một xấp tiền lẻ vuốt phẳng phiu ngay ngắn. Sau tôi
đếm lại, đúng 60.000 tiền lẻ.
Là
số tiền cậu bé bán vé số kẹp lại để thanh toán hai tô hủ tíu mì thịt.
Trần Văn Phương
Từ trang DĐQGHCTC
TIẾNG GỌI CỦA CON CHIM SÁO
Không
khóc sao được khi mỗi sáng ra thăm chuồng, chị vui sướng nhìn những quả
trứng trắng ngà lăn lóc đầy chuồng. Những con gà mái lăng xăng mừng rỡ “lóc
cóc…lóc cóc…” đón chị bằng một thứ ngôn ngữ mà chị và lũ gà đều ngầm hiểu. Mắt
chúng rực sáng, chạy ào cả về phía chị. Chị cười bảo: “Ăn cho no, đẻ cho nhiều
nghe…”.
Bây giờ những con gà chết nằm ngổn ngang trong chuồng. Có con chết khi đang ăn.
Có con chết khi đang đẻ. Những con sống sót ủ rũ đứng dồn vào một góc. Một không
khí lạnh lẽo, tang tóc bao trùm khu chuồng trại. Mấy ngày sau, dù đã được cách
ly, sát trùng, tẩy uế chuồng, gà vẫn chết hàng loạt. Chết không kịp chôn. Có
người an ủi chị: “Chúng nó đi theo anh Dậu đó chị Hằng ơi!”
Anh Dậu, chồng chị, là kỹ sư chăn nuôi. Anh đổ mồ hôi sôi nước mắt gom góp gầy
dựng được một trại gà vào loại bề thế của cái làng ven sông Vàm Cỏ này. Khi
trại gà bắt đầu sinh sôi thì anh Dậu bị bệnh nặng và dù chị Hằng đã tất tả
ngược xuôi chạy chữa cho chồng, hết trung tâm y tế huyện đến bệnh viện tỉnh rồi
lên bệnh viện ở Sài Gòn nhưng anh cũng không thoát khỏi chứng bệnh nan y.
Rồi anh Dậu lặng lẽ ra đi vào một chiều mùa xuân khi nắng tràn vào mái hiên,
nơi anh từng nằm sưởi nắng, lắng nghe đàn gà líu ríu ồn ỉ xao động cả một không
gian thanh bình và khuấy động cả khúc sông hiền hòa trước mặt. Ba năm trước chị
vuốt mắt cho chồng, nay dịch cúm gà đã cuốn phăng công lao gầy dựng vất vả của
anh.
Chôn những con gà xấu số xong, chị cho công nhân tạm nghỉ. Ngày hai buổi thắp
nhang cho chồng, chị thắp luôn cả nắm nhang cho hàng ngàn con gà đã chết. Thức,
chị ngồi lặng hàng tiếng đồng hồ ngoài trại. Chợp mắt, chị hay mơ, những giấc
mơ không trọn vẹn với những hình ảnh, những âm thanh không trọn vẹn. Khi thì
thấy chồng lúi húi bên trại gà, khi lại nghe anh gọi. Tiếng gọi có lúc thật mơ
hồ, khi thì ở bên kia bờ sông, nơi có những bụi hoa mua tím rịm; khi thì nhấp
nhới hụt hơi bên những con sóng lao xao; khi thì nghe tiếng kêu đòi ăn của lũ
gà; khi thì thấy những ả gà mái núc ních, lông óng vàng, mào đỏ chót đang lóc
cóc, lóc cóc…
Trong ngôi nhà ba gian tươm tất của chị còn lại ba sinh linh: con mèo suốt ngày
lim dim ngủ, con sáo và chị. Con mèo vừa lười vừa ranh. Lúc nào ả cũng muốn
được bà chủ vuốt ve, cứ cọ cái đuôi dài vào chân tay chị bất kể cả những lúc
chị đang buồn héo ruột héo gan. Bù lại hơi hướm của nó cũng đủ răn đe mấy con
chuột táo tợn mà dường như biết ngôi nhà thiếu hơi đàn ông chúng cứ sục sạo
suốt đêm.
Con sáo mới là người bạn thân thiết của chị. Đó là kỷ vật của anh để lại. Một
kỷ vật thiêng liêng. Khi vay bạn bè vốn liếng lập trại, một người bạn đã tặng
anh con sáo. Người bạn cho biết loại sáo này khôn lắm, nuôi chỉ một năm là biết
nói. Con sáo lớn lên, lông đen mượt, mỏ vàng, chân chì linh lợi trong chiếc
lồng bằng nan tre mà anh đã công phu vuốt uốn từng nan.
Chị vẫn còn nhớ cái cách anh vót những chiếc nan tre và miệng thì huýt sáo. Rồi
mỗi sáng mỗi chiều tiếng huýt sáo của anh và tiếng nói, tiếng cười của anh làm
trái tim chị tràn niềm vui. Một năm sau khi con sáo bắt chước tiếng chim chào
mào, anh bắt đầu tập cho nó nói. Tiếng đầu tiên là: “Hằng ơi…”. Mỗi lần chị đi
qua, anh chỉ tay vào chị, gọi: “Hằng ơi…”. Con sáo ghếch mỏ, nhìn chị một lúc
rồi cũng khó nhọc cất tiếng gọi: “Hằng… ơi…”. Một tiếng gọi trầm ấm, rất là đàn
ông.
Nhân lứa gà đầu tiên đẻ trứng, cộng thêm sự kiện con chim sáo biết nói, anh chị
làm bữa nhậu mời bạn bè đến dự.Tiệc bày ra, chị Hằng bưng mâm đi qua lồng sáo,
nó nghển cao cổ hướng về chị và cất tiếng gọi: “Hằng ơi…”. Bạn bè ngạc nhiên,
tròn mắt thán phục cái giọng rất ư tình cảm của con sáo. Lý thú hơn, nó lại bắt
chước được cái giọng ồm ồm của anh Dậu.
Một người bạn lên tiếng: “Dậu này, cậu mà có đi đâu, nghe con sáo gọi chắc bà
xã cậu cũng đỡ nhớ”. Họ xúm lại bên lồng chim dạy nó thêm: “Hằng ơi, anh yêu em
lắm”. Con sáo giương cổ cố nhại theo mấy tiếng “anh yêu em lắm” nhưng nghe
không rõ, từng âm cứ dính vào nhau như cơm nếp nấu nhão. Nhưng mỗi khi con sáo
nói câu ấy, anh Dậu và chị Hằng đều hiểu nó muốn nói: “Anh yêu em lắm…!”.
Chị Hằng cho con sáo ăn một chế độ đặc biệt: lòng đỏ trứng gà trộn với gạo lứt
phơi khô, nước uống là nước mưa được hứng từ mái hiên nhà. Dần dần nó nói được
nhiều tiếng, nhiều câu. Có ai đến chơi, nó ghếch mỏ chào: “Có khách… Có khách
Hằng ơi”. Nhiều khi chị Hằng đi qua, nó nhảy chồm về phía chị, ánh mắt chớp
liên hồi như vừa mừng rỡ vừa vui sướng và chào bằng một giọng hết sức tình cảm
mà chị cảm nhận được: “Hằng ơi, anh yêu em lắm…”. Chị nghẹn ngào, sững lại, bật
thốt thành lời: “Sáo ơi, tao yêu mày lắm!”.
Hôm đưa đám anh Dậu, con sáo xù lông đứng bất động ở góc chuồng, im lìm như một
cái xác. Chị Hằng cũng không còn nhớ gì cả để lưu tâm đến nó. Nỗi đau quá lớn
khiến chị quên cả việc cho sáo ăn. Rồi khi vừa từ nghĩa trang về, chị nghe một
tiếng gọi khá to và ngân dài: “Hằng ơi…!” như tiếng của anh Dậu âu yếm gọi chị.
Chị bàng hoàng giữa căn nhà trống vắng rồi thụp xuống ghế, nước mắt trào tuôn.
Cơn xúc động qua đi, chị đứng lên thắp một nén nhang lên bàn thờ anh thì cũng
là lúc con sáo liên tiếp gọi: “Hằng ơi, Hằng ơi… anh yêu em lắm…”. Chị hạ chiếc
lồng xuống, nhẹ nhàng bắt con sáo đặt vào lòng bàn tay. Hai mắt nó chơm chớp
rồi buồn bã gọi: “Hằng ơi…”. Chị rụng rời, y như linh hồn anh Dậu đã nhập vào
con sáo, hiện diện trong ngôi nhà này cùng chị.
Con sáo làm chị nguôi ngoai phần nào nỗi thương tiếc chồng. Lạ là từ ngày anh
Dậu mất, đàn gà đẻ rất sai. Chị vay thêm tiền ngân hàng, nâng đàn gà từ năm
ngàn con lên gấp đôi. Công việc chăm sóc cũng nhẹ hẳn đi nhờ những người công
nhân thạo việc và trung thành. Chị Hằng dành nhiều thời gian cho con sáo. Chị
thường tưới nước vun bón những chậu hồng quanh đó, lẩn quẩn quanh con sáo để
trò chuyện và để thỉnh thoảng được nghe tiếng gọi thiết tha: “Hằng ơi, anh yêu
em lắm…”.
Chị đang ăn nên làm ra nhờ trại gà thì dịch cúm gà ập đến. Một trận cuồng phong,
một cơn động đất ập đến cũng chỉ hãi hùng như thế là cùng.
Chị như kẻ mất hồn, ngồi lặng lẽ trong căn phòng có treo chiếc lồng chim sáo
phía trước. Như chia sẻ nỗi buồn với chị, con sáo cũng ít nói hơn, nhưng mỗi
khi chị thắp nhang cho anh Dậu và đàn gà, nó lại ngân lên rất khẽ: “Hằng ơi…”.
Một chiều, khi đang cho chim sáo ăn, ông trưởng ấp bước vào, vẻ mặt nghiêm
trang:
– Chị Hằng ạ, tôi biết chị sẽ rất buồn nhưng theo lệnh của thị xã, những ai
nuôi chim đều phải giết bỏ để tránh dịch bệnh lây lan…
Chị Hằng không bất ngờ trước thông tin của ông trưởng ấp, nhưng điều đó có
nghĩa là con sáo của chị cũng phải đem thiêu hủy! Như bị một nhát dao đâm thẳng
vào tim, chị choáng váng không nói được câu nào, mặt tái đi, cứ như là chính
chị cũng sẽ phải hỏa thiêu.
Ông trưởng ấp đi rồi, chị đến bên lồng, mở cửa, lặng lẽ đặt con sáo vào lòng
bàn tay. Con sáo như cũng hiểu được sự nghiêm trọng của những gì sắp xảy ra với
nó, khép nép đưa mắt nhìn chị, như dò hỏi, như muốn được nghe câu trả lời của
chị. Trời ơi, kỷ vật của anh Dậu, một con sáo mang hồn người, người bạn thân
thiết cùng chị trong ngôi nhà này sắp vĩnh biệt chị. Vuốt nhẹ bộ lông đen mượt
của nó, nước mắt chị trào ra…
Sáng hôm sau, khi những thanh niên trong ấp đến nhà chị trong tay là những bao
những túi chứa xác nhiều loại chim, chị lật đật bước ra, giọng buồn buồn:
– Đêm qua con sáo nhà tôi bị mèo vồ mất rồi…
Tốp thanh niên định quay ra thì một tiếng ồm ồm cất lên từ trong chiếc tủ đặt
khuất sau phòng khách: “Hằng ơi…”. Cả tốp sựng lại lắng nghe. Con chim sáo bị
nhốt trong ngăn tủ tối tăm cứ liên tục kêu “Hằng ơi…Hằng ơi…” nghe đau đớn như
một lời cầu cứu.
Biết không thể giấu nổi, chị bật khóc như đứa trẻ và đành mở tủ, đem con sáo
ra.
Con sáo quẹt quẹt cái mỏ vào mu bàn tay chị rồi nhìn chị, thống thiết cất lên
tiếng gọi: “Hằng ơi !”.
Bích
Ngân
304Đen
– Llttm - OVV
Người Khách lạ Bên Sông Chiều
Từ ngày
người bỏ phố Gò Dầu năm xưa
Chiều xuống
bên kia sông
Ngập ngừng
người khách lạ
Bên này chợ phố
đông
Đường rẻ đường
mấy ngả
Qua cầu áo
trắng bay
Tà thương
vương tà nhớ
Đong đưa
cành phượng gầy
Thánh lễ chiều
chuông đổ
Người lạ hồn
ngẫn ngơ
Muộn chuyến
xe khách vắng
Con ngựa già
thờ ơ
Gượng chân gầy
trĩu nặng
Nơi này cũng
phố xưa
Một chiều
nào quán nhỏ
Ai che nón
ngoài mưa
Ai ngồi thương
rồi nhớ
Lối cũ lạ mà
quen
Vẫn là người
năm cũ
Cũng chiều
muộn lên đèn
Ai đành đi bỏ
phố
Thuyên
Huy
Mùa nắng xa xứ 2021
NHỮNG GIỌT CÀ PHÊ
Thơ cảm
tác:
Cà phê nhỏ giọt tình sầu
Lặng nghe trong
gió có màu hư không
Người đi bỏ lại
dòng sông
Con tim ngóng đợi
chờ mong nát nhừ
Cà phê nhỏ giọt
tương tư
Hương thơm vị đắng
tình như mất rồi
Cô liêu một nhánh
xa xôi
Làm cho sợi nhớ
rớt hoài ly anh
Cà phê nhỏ giọt
long lanh
Ta như chiếc lá lênh đênh giữa dòng
Tạ từ em có buồn
không
Ly hương ngăn cách
long đong tháng ngày
Cà phê nhỏ giọt
vắn dài
Trăm năm còn lại
trần ai khóc thầm
Ôm hoài một khối
tình câm
Nghe như vọng tiếng
xa xăm gọi về!
Nguyễn Cang (Dec. 18, 2021)