Wednesday, July 10, 2019

Bài Thơ Sầu Tám Khúc - Duy Thanh



Bài Thơ Sầu Tám Khúc

 
 
 

 
 
 
 
1/. Màu thương nhớ trống vắng như một cơn mưa dầm. Có ai nghe lời vô nghĩa ấy bao giờ. Vậy mà nó đến buồn và chậm như một bàn tay trắng có những đường gân rất xanh vân vê từng mạch máu. Tôi sẽ không nghĩ gì. Khoảng trời chì đặc. Những ngọn cây lá sa sầm. Những khúc đơn côi đời sống của một mùa đông nào mùa hạ nào mùa xuân nào mùa thu nào xa tít tắp. Lời thơ sầu mưng lên từ dĩ vãng.

2/. Thời tiết nào có đổi thay hay chỉ đổi thay ở mình. Có điệu nhạc nào bay từ không gian những hành tinh nào thế nhỉ. Mà em hát điệp khúc gì, anh vẫn nghe mà vẫn không thấy gì, hay âm nhạc chính là em. Bây giờ anh mới muốn hôn em, từ đầu ngón chân bé bỏng. Những búp chân hồng, những búp ngón tay. Cái khoảng cách diệu kỳ lạ lùng như tiếng nấc. Anh uống màu hơi thở hoàng hôn. Cả với em. Cùng tiếng hát nhiệm màu.

Trên những mái nhà thành phố là màu tím trời đêm.
Trên những linh hồn lang thang là nụ cười sa mạc.

3/. Có phải ngày xưa trái đất gần như chưa thành hình đã có một rể cây cổ thụ ôm lấy mình trái đất với trái tim đen. Và tảng mặt trời đen to lớn cũng ngó con mắt nhìn vĩ đại. Từ bấy giờ ánh sáng mới bắt đầu khiến trái tim thêm hồng, trái đất bỗng thành hình. Thời hoang dại bắt đầu với tình yêu nóng bỏng.
Anh tưởng tượng thần kỳ. Đừng bào giờ tin nhưng hãy tin như bao giờ. Em có thấy rằng khi mùa xuân qua đi mùa hè về xối xả. Chúng mình cùng dắt tay nhau chạy trên những đỉnh núi cao tìm miền băng tuyết. Sự lạnh lẽo đến rùng mình khi nhìn xuống đáy vực sâu. Ngã vào đấy là sự sống bắt đầu. Là trở về cuộc sống. Là mắc vào nhau cườm hoa định mệnh.
Em chắp hai tay cầu khẩn những gì thượng đế?
Anh không tin nỗi gì.

4/. Đây chỉ là một vuông xanh một vòng đỏ nền hoang trắng. Anh tặng em bức họa này không bao giờ nah vẽ nên. Em nhìn ở đấy là một hình tĩnh vật hay hình con người hay hình dung ảo ảnh hay hình tâm linh. Đừng phân tích bao giờ. Có gì là sự thật ngoài những sự thật vô hình. Em bảo em yêu anh thì cũng là một sự thật, nhưng là một sự thật vô cùng. Cũng mênh mang như thời gian không gian vô cùng tận.

Tôi chỉ là người đi giữa khoảng không.

5/. Giữa khoảng không trôi đi vun vút chạy thi cùng bầy ngựa đen phi dài trên cánh đồng cỏ sắc như rừng gươm khía vào chảy máu. Những giọt máu hồng vung vãi, nghe cười lên tiếng gió hút bên tai, nghe cười lên nỗi lòng đau tình ái. Em ơi hay đàn ngựa là linh hồn anh mà đèo cao thung lũng là những màu thử thách. Anh đi tìm ngoài em không bao giờ thấy tới khi nào linh hồn mệt đừ mới dựa vào vách đá trống trơn nghe thân mình tơi tả. Em bảo đấy là tình yêu, tình yêu là niềm cay đắng hân hoan, niềm vui mê điên dại. Anh vẫn ngó vào tròng mắt biếc đọc những câu thơ đớn đau của sự sống êm đềm, ve vuốt cuộc đời thời gian tàn phá, an ủi nỗi lòng mình mưa xuống hắt hiu. Sao lại là những dòng thơ buồn? Anh chờ lên mặt trời, muốn ôm tảng mặt trời chói bỏng, tảng mặt trời đen hoang đường, gọi những tên người không quen giữa phố, xa lạ cả với bóng mình ngảnh mặt làm thinh.

Anh chỉ là người đi giữa khoảng không.

6/. Nỗi ám ảnh bưng lấy hoài hoài, niềm đớn đau không bao giờ biết tuổi, anh ôm mặt nghe tiếng khóc trùng dương, thấy ngàn khơi hoài hoài hơi thở gấp. Từ ngọn đảo hoang bầy hải nữ vơi mình vẫn nô đùa hồn nhiên như thế.
Tiếng ca nào dâng lên như sương, triền miên biển rộng. Anh ngơ ngẩn cùng chuỗi âm thanh quấn tròn lấy cổ không nói một lời nào. Em ơi hãy hát một bài ca cho thêm sầu nữa chứ, cho cay đắng sau xưa, cho hoang đường thế kỷ.
Đêm đen bao giờ bước xuống phiêu phiêu thành phố im lìm nằm im giấc ngủ.

7/. Từ những vuông cửa khép rồi anh quay đi thăm những nấm mồ nhỏ bé, nghĩa địa quạnh hiu, sự chết êm đềm ló dạng. Anh đi tìm hái về tặng em sự sống rạt rào với bình minh rực rỡ.
Em cầu xin nỗi gì thượng đế giấc ngủ êm đềm.
anh không bao giờ biết.
em cầu xin nỗi gì thượng đế giấc ngủ êm đềm.
anh không bao giờ nghe.

8/. Anh vẫn đi chùm hoa sương trên tay, mang hình em trong đó ngăn với đời mình trường thành cách trở.
Này đây khoảng trắng vô cùng.
Này đây màu hoa anh tặng.

Duy Thanh

(Sáng tạo, số 3, tháng 9/1960)

 

No comments: