Saturday, July 20, 2019

Mảnh Tình Thương, Khúc Hát Đầu Tiên Đưa Danh Ca Minh Hiếu Lên Đài Danh Vọng - Phươnghoangkiem


Mảnh Tình Thương – khúc hát đầu tiên đưa danh ca Minh Hiếu lên đài danh vọng

Vào đầu thập niên 1930, ngay tại ngã tư đầu chợ Hớn Quản (Bình Long), có một cửa hiệu hớt tóc liêu xiêu được chắp vá tạm bợ, cách đồn điền  cao su Quản Lợi khoảng 3 kilomet. Tiệm hớt tóc khá tuềnh toàng, bên trong chỉ có vài ba chiếc ghế xiêu vẹo, tấm kính treo tường hoen gỉ, hai cái tông-đơ, hai cây kéo, một cây lược và lưỡi dao cạo, bàn cờ tướng... Duy chỉ ấn tượng nhất là cây đàn kìm cẩn xà cừ được treo trang trọng trên vách lá.

 
 

Đó là cửa hiệu hớt tóc đồng thời cũng là nơi tá túc của gia đình chú Tám “đờn kìm” – tên tục Tám Cò (tên cúng cơm là Đỗ Văn Đực), gốc gác tận Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Ở quê nhà, súng lửa triền miên, gia đình chú Tám Cò chạy loạn và lạc bước ly hương đến đồn điền cao su Quản Lợi, “đất lành chim đậu” thế là sau đó gia đình Tám Cò quyết định cắm luôn tông-đơ lập nghiệp tại đây.

Hằng ngày, cứ khoảng tầm bốn giờ chiều, khi tiệm hớt tóc không còn khách, chú Tám Cò đứng ra tổ chức biểu diễn văn nghệ rất náo nhiệt, có những hôm mải mê đàn ca hát xướng đến tận nửa đêm. Vào khoảng 8 giờ tối, sau vài ván cờ tướng giao lưu, buổi văn nghệ cây nhà lá vườn giữa các văn sỹ miệt rừng bắt đầu mở màn. Các “tao nhân mặc khách” lai rai ba xị đế Gò Đen cay xè với xoài tượng, cóc xanh, khế, ổi nhằm tạo cảm hứng đồng thời bôi trơn cổ họng để vô vọng cổ cho thiệt ngọt như kép mùi Tấn Tài, Minh Phụng.

Chú Tám Cò sinh được năm người con (3 trai 2 gái), trong đó, người con gái út Đỗ Thị Lài là tỏ ra có năng khiếu cầm kỳ thi họa y như cha. Đặc biệt, Út Lài có giọng ca mượt mà truyền cảm thường hát phục vụ những bài ca cổ, được cha và chú bác tấm tắc ngợi khen. Út Lài chào đời năm 1935 ở Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), dáng người thon thả, khuôn mặt trái xoan, chiếc mũi dọc dừa, đôi mắt to luôn ngân ngấn nước, làn da bánh mật mặn mà cùng nụ cười tươi như hoa.

Tuy không mang vẻ đài các kiêu sa như con gái thành thị nhưng ở cô tỏa ra một sức quyến rũ làm ngẩn ngơ đám trai làng qua nét hồn nhiên chân quê hương đồng cỏ nội, vì thế Út Lài được nhiều nam công nhân cạo mủ cao su ở đồn điền Quản Lợi thầm thương trộm nhớ.

Nhiều chàng trai do quá si tình nàng Út, cuối tuần lãnh lương cạo mủ, được đồng nào cũng đều kiếm cớ ghé vào tiệm chú Tám Cò… hớt tóc, cạo râu, lấy ráy tai chỉ nhằm lân la giao tiếp với nàng Út dăm ba câu cho thỏa lòng mong nhớ ngày đêm. Chú Tám “đờn kìm” không giấu được niềm hãnh diện tự hào khi có được một cô con gái xinh xắn nết na, bởi vậy, nhiều lúc ông khề khà bộc bạch điều này bên chung rượu cùng bạn bè thân hữu.

 

CÂU PHÁN ĐỊNH MỆNH CỦA ÔNG THẦY TƯỚNG SỐ

Một trưa nọ, có ông thầy tướng số ở chợ Hớn Quản ghé vào tiệm chú Tám Cò, trong suốt thời gian hớt tóc cạo râu, thầy tướng số đã có đủ thời gian xét đoán ngoại hình của con bé Út Lài đen nhẻm đang “ê a” tập đánh vần.

Trước lúc trả tiền rời tiệm, thầy tướng số nói nhỏ bên tai chú Tám Cò: “Con bé này mai sau lớn lên sẽ nổi đình nổi đám khuynh đảo thiên hạ chẳng kém gì hoàng hậu Võ Tắc Thiên ở xứ Tàu (!). Thật là quý tướng. Ngặt nỗi lưỡng quyền cao cùng cặp lông mày hình chân hạc khiến ít nhiều bị phá tướng, thật là đáng tiếc, bởi phải chịu cảnh tình duyên trắc trở trái ngang, trải qua mấy đời chồng. Tuổi Ất Hợi này tuy sung sướng và danh vọng quyền uy tột đỉnh nhưng suốt đời chỉ cam phận kiếp thứ phi, chỉ làm tỳ thiếp người khác mà thôi! Số này nên sống ẩn dật đến 40 tuổi hãy lập gia đình!”. Chú Tám “đờn kìm” chỉ gật đầu cười giả lả cho qua chuyện bởi bình sinh ông vốn ghét cay ghét đắng “mấy cha thầy bói nói mò ra ma”.

Trong đám trai làng thương thầm nhớ trộm nàng Út có Huỳnh Văn Anh – con trai nhạc sỹ Sáu Tửng – một cây guitar cổ nổi tiếng miền Tây thường đàn hát mỗi đêm với người bạn tâm giao Tám Cò. Văn Anh sinh năm 1932 tại Cần Thơ, người em thứ tư là nữ ca sỹ cổ nhạc Nam Phần, sau nổi tiếng với nghệ danh Bạch Huệ.

Năm lên 10 tuổi, Văn Anh được một nhạc sư tên tuổi ở miệt Hậu Giang là Hai Địa thương yêu và dốc lòng chỉ dẫn đại cương về âm nhạc và nhạc lý. Đáp lại, Út Lài cũng đặc biệt có cảm tình với Văn Anh – chàng học sinh khôi ngô, học giỏi đàn hay, tính tình lại hiền hòa bẽn lẽn y như con gái.

Biết đôi trẻ thương nhau,  cả hai gia đình Tám Cò và Sáu Tửng đều “mát ruột” chỉ còn chờ đôi trẻ “đủ lông đủ cánh” là chọn ngày lành sắp đặt khay trà bình rượu. Đùng một cái, do thời cuộc biến loạn khiến Út Lài và Văn Anh đành phải tạm xa nhau.

Tháng 8/1945, Nhật đảo chính Pháp, chiến tranh loạn lạc, khói đạn tơi bời, khu rừng cao su Hớn Quản biến thành căn cứ địa của quân đội đồng minh, gia đình danh cầm Sáu Tửng lại một lần nữa quay trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Khi chiến sự đã tạm yên ắng, để có tiền phụ giúp gia đình, Văn Anh xin vào làm nhạc công (đánh trống) trong ban nhạc của một vũ trường gần chợ Cần Thơ, đây là vũ trường duy nhất ở vùng đất Tây Đô khi quân đội viễn chinh Pháp chiếm đóng tỉnh này. Lúc bấy giờ, chàng thiếu niên Văn Anh chỉ mới 13 tuổi.

Theo hồi tưởng của ông Phán Ba, nguyên Trưởng Ty Kinh tế Tỉnh Bình Long thời đó, và là bác ruột của nữ ca sĩ Mai Lệ Huyền, thì:


Ngoài Minh Hiếu ra, tại Bình Long, nhạc sĩ Mạnh Giác còn đào tạo 2 học trò nữa, đều lấy nghệ danh có chữ Minh đứng đầu, nhưng không mấy thành công. Đó là ca sĩ Minh Thanh của ban văn nghệ LLĐB ở Nha Trang và ca sĩ Minh Trí của đoàn văn nghệ Chí Linh. Ca khúc đầu tiên đưa giọng ca Minh Hiếu lên đài danh vọng là Mảnh tình thương của Mạnh Giác, chứ không phải là bài Quen nhau trên đường về của Thăng Long sau này, như nhiều người lầm tưởng.
Thân sinh Ca sĩ Minh Hiếu là người thích ca hát, nên tài sản quý giá nhất trong quán chỉ là cây đàn guitar cũ kỹ treo trên vách, và Minh HIếu bắt đầu sự nghiệp từ đó. Vốn được trời phú cho giọng hát khàn đục, khá đặc biệt, nên nhiều khách đến hớt tóc thường yêu cầu Minh Hiếu hát một vài bài theo nhịp đờn của cha. Trong số khách đó có nhạc sĩ Mạnh Giác, lúc bấy giờ là Trưởng Ban Văn Nghệ của Ty Thông Tin Tỉnh Bình Long. Nghe Minh Hiếu hát cũng khá, nhạc sĩ Mạnh Giác đã thu nạp làm đệ tử để luyện âm rồi tìm cách đưa về lập nghiệp ở phòng trà Anh Vũ.

 


BƯỚC NGOẶT THAY ĐỔI SỐ PHẬN

Năm 1948, Út Lài tròn 15 tuổi, lúc này cô gái nghèo con bác phó cạo Tám Cò đã trổ mã lột xác thành một thiếu nữ đẹp mê hồn bên cánh rừng cao su bạt ngàn. Hàng ngày, Út Lài mặc áo dài trắng ôm cặp đi học, quãng đường từ nhà đến trường chỉ khoảng non cây số nhưng đã có không ít gã trai tơ lụy tình đứng trồng cây si suốt dọc theo con đê đường làng “ngơ ngẩn trông vời áo tiểu thư”.

Thế rồi bỗng chốc cuộc đời của cô nữ sinh Út Lài đổi thay chóng vánh khi định mệnh dừng lại trước cửa tiệm hớt tóc nghèo. Một chiều nọ, khi mặt trời đang khuất dần sau dãy rừng cao su bạt ngàn, thình lình xuất hiện một gã trung niên chạy xe Lambetta 150cc bất ngờ dừng lại trước cửa nhà chú Tám đàn kìm. Dáng người gã cao to, bệ vệ, đeo kính đen to bản che gần kín khuôn mặt lấm tấm rỗ, khoác áo ghi-lê “bốn túi”, cổ đeo tòn teng máy ảnh Pentax. Hắn tự xưng là ký giả Nguyễn Lang của tuần báo “Màn ảnh Sân khấu Sài Gòn” – nhà báo nổi tiếng chuyên đi săn lùng các “viên ngọc thô” đem về “phù phép” trở thành những minh tinh màn bạc, kịch nói hoặc ngôi sao ca nhạc lừng lẫy Sài Gòn.

Sau khi lên Sài Gòn, cô thôn nữ ngây thơ xinh đẹp Út Lài bắt đầu dấn thân vào làng nhạc phòng trà đang hết sức thịnh hành lúc bấy giờ. Nhờ vẻ đẹp mong manh cuốn hút và giọng hát đắm say lòng người, cô nhanh chóng trở thành ngôi sao sáng tại các phòng trà và là mục tiêu theo đuổi của không biết bao nhiêu các tay chơi khét tiếng.

Nhưng cũng từ đây cuộc đời cô xuất hiện nhiều biến cố bất hạnh và ngang trái mà có lẽ cô ước rằng giá như mình đừng bước chân vào đất Sài Gòn thì hơn.

Nhận thấy cơ hội ngàn năm có một để gia đình đổi đời, chú Tám Cò chấp nhận cho Út Lài theo lên Sài Gòn học văn hóa và nhạc lý tại nhà của nhạc sỹ Minh Kỳ trong vòng ba tháng (toàn bộ phí tổn do ký giả Nguyễn Lang chi trả), sau đó sẽ đưa cô đi hát phòng trà. Do thông minh, nhạy bén cộng thêm năng khiếu trời cho, Minh Hiếu tỏ ra vượt trội các đồng môn, được ông thầy giàu kinh nghiệm hết lời khen ngợi sau ba tháng ròng rã luyện thanh.

Nổi danh nhờ hát phòng trà, ghi đĩa dòng nhạc vàng

Ngoài việc được Nguyễn Lang lo ăn ở và viết bài lăng xê trên nhiều báo, Minh Hiếu còn được ký giả tờ “Điện ảnh & Kịch trường” giới thiệu hát tại phòng trà Tiếng Tơ Đồng ở đường Yên Đỗ. Saigon với thù lao đụng trần (14.000 đồng/tháng). Tại đây như cá gặp nước, Minh Hiếu nhanh chóng vụt sáng với tình khúc “Không bao giờ ngăn cách”, “Quen nhau trên đường về” và nhiều ca khúc khác của Trần Thiện Thanh.

Trong số những ca khúc của Trần Thiện Thanh có “Chân Trời Tím” được nhạc sĩ viết sau khi đọc truyện dài Chân Trời Tím của nhà văn Văn Quang và người đầu tiên hát bài này là nữ danh ca Minh Hiếu. Và đó cũng là một ca khúc thành công nhất của Minh Hiếu. Trong bài hát này, Trần Thiện Thanh còn sáng tạo ghi một đoạn văn của Văn Quang ở trang đầu của truyện dài Chân Trời Tím. Lời thoại này được đọc ở giữa ca khúc như một lời nhắn gởi cho một cuộc tình không bao giờ đến đích. Trong giới nghệ sĩ thời ấy đã ghi nhận nhiều kỷ niệm đẹp trong chuyện tình của đôi nghệ sĩ tài hoa này.

 

Nhiều ca khúc Trần Thiện Thanh viết riêng cho Minh Hiếu và dành cho Minh Hiếu là người biểu diễn đầu tiên. Khi mối tình tan vỡ, ca sĩ Minh Hiếu trở thành phu nhân của “Anh Cả Trường Sơn” Tương Vĩnh Lộc, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã dồn nén đau đớn, sáng tác những ca khúc mùi mẫn hơn như Hoa Trinh Nữ trong đó có câu cay đắng “Có ông vua trẻ xuất binh qua rừng dẹp quân xâm lấn. Khi vua kéo quân về tình cờ gặp một giai nhân. Vua xao xuyến tâm hồn vời nàng về chốn hoàng cung. Truyền cho khắp nhân gian đem lụa là đến cho nàng. Trên ngôi cao chín từng hoàng hậu đẹp hơn ánh sao. Tôi không phải là vua nên mộng ước thật bình thường…”.

CA SĨ BỊ MANG TIẾNG OAN

Có nhiều giai thoại ly kỳ về ca sĩ Minh Hiếu trong giai đoạn này đã được đăng tải trên báo chí nhưng xem chừng thiếu chính xác. Có tờ báo viết rất chi tiết chuyện Ca Sĩ Minh Hiếu bị đại úy Ngô Bằng, sĩ quan tùy viên của TT Ngô Đình Diệm theo đuổi đưa đón mỗi ngày và sau đó cưỡng hiếp cô. Minh Hiếu đã có lần phải tự tử vì tủi nhục. Chuyện này xôn xao dư luận và đại úy Bằng bị ông Diệm chuyển đi PleiKu để nhận chìm xuồng. Thời gian qua đã quá lâu khó có thể kiểm chứng thực hư câu chuyện này nhưng riêng chi tiết đại úy Bằng bị đưa lên PleiKu chắc chắn là không có thực vì các tài liệu lịch sử về cuộc đảo chánh 1-11-1963 đã ghi nhận đại úy Bằng và Đại úy Đỗ Thọ là hai sĩ quan tùy viên đã cùng ông Diệm rời dinh Gia Long trong đêm 1-11. Sau đó đại úy Bằng quay lại dinh và Đỗ Thọ tiếp tục cùng ông Diệm đến nhà Mã Tuyên. Như vậy đến ngay đêm trước khi ông Diệm chết, Đại úy Bằng vẫn còn là sĩ quan tùy viên chứ không bị ông đưa lên Pleiku như bài báo viết

Ca sĩ Minh Hiếu đã bị tiếng oan. Không nhắc đến những ứng xử trong chức trách xã hội, riêng về tình yêu của tướng Vĩnh Lộc và ca sĩ Minh Hiếu đáng để ngưỡng mộ. Sau khi kết hôn, ca sĩ Minh Hiếu rời sân khấu trong lúc hào quang đang chói rạng. Họ đã gắn bó với nhau đến trọn đời. Tại hải ngoại, khi hoạt động văn nghệ của cộng đồng người Việt đã phục hồi, ca sĩ Minh Hiếu vẫn vắng bóng vì phải dành thời gian chăm sóc chồng đau yếu. Và Tướng Vĩnh Lộc mất vào ngày 8 tháng 01 năm 2009 (Houston, Texas, USA)

Phuonghoang Kiem (sưu tầm)
(Trích Biên Khảo Tỉnh Bình Long)
304Đen – llttm - YD

 

No comments: