Thursday, July 25, 2019

Cô Khả Người Hàng Xóm Của Tôi Ngày Xưa - Dương Tự Lập


Cô Khả, người hàng xóm của tôi ngày xưa

 


Một năm sau ngày xuất ngũ, năm 1982, tôi được nhận vào làm bảo vệ ở Cửa hàng ăn uống Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. Khi tôi vào thì cô Khả làm bên tổ bánh đã xin nghỉ hưu non trước đó hai năm. Về hưu cô làm đôi quang gánh hàng khô ngồi bán ngay trước cổng cửa hàng.
Là phụ nữ nhưng tướng mạo như đàn ông mà còn dữ hơn cả đàn ông. Người thấp, chắc, da đen, mũi tẹt, miệng rộng, xương quai hàm bạnh ra, nói chanh chua, cười sằng sặc, tính nóng như ông Trương Phi trong Tam Quốc Diễn Nghĩa của Tầu.

Cô Khả là hàng xóm của tôi từ thời còn ở Nhà hát Nhân dân nằm trên phố Trần Hưng Đạo, gần ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội ngày nay). Nói tới Nhà hát Nhân dân chỉ có thế hệ tầm tuổi xấp xỉ sáu mươi trở lên mà ở Hà Nội mới biết, chứ lớp trẻ sau thì chịu.
Nhà hát nguyên tên gọi của nó là Nhà Đấu xảo (khu triển lãm) lớn nhất Đông Dương do người Pháp xây dựng năm 1887 hoặc sớm hơn một chút, chẳng biết hoàn thành năm nào, chỉ biết năm 1902, nơi đây mở cuộc triển lãm đầu tiên rất quy mô, trưng bày trăm nghìn các loại mặt hàng tự nhiên, các sản phẩm, hàng mỹ nghệ, các hàng thủ công, gia công gì gì đó của xứ Bắc Việt. Sau đó họ duy trì mở hội chợ hàng năm cho tới lần cuối cùng là năm 1941.

Anh em tôi cũng chỉ nghe cha kể lại vì cha hay mày mò tư liệu lịch sử Hà Nội xưa chứ ngày đó cha mẹ cũng đã ra đời đâu. Thời thế thay đổi rồi Nhà hát đã bị cộng sản phá đi khởi công năm 1978, năm 1985 xây dựng xong thì nó được đổi tên thành Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt – Xô, vì do Liên Xô giúp đỡ xây dựng. Liên Xô sụp đổ nó lại đổi tên gọi mới là Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội.
Hữu nghị với ai đây? Ít nữa Hội nghị Thành Đô tại Trung Quốc năm 1990 được thực hiện cùng “4 tốt và 16 chữ vàng” do thằng bạn vàng Thiên Triều Bắc Kinh ban tặng, thì chắc họ lại đổi tên gọi: Cung Văn hóa Hữu hảo Việt – Trung, hay tiến tới sẽ bỏ nốt chữ Việt mà gọi trắng ra thành Cung Văn hóa Hữu nghị – Nỉ hảo, cho coi.




Cô Khả cũng sàn sàn tuổi với mẹ tôi nhưng trông cô già hơn. Mọi người trong khu tập thể sợ cô lắm. Nhắc đến cô, mẹ tôi cứ lắc đầu lè lưỡi, người đâu mà ghê gớm, người đâu mà trần đời trần cuộc.
Cô Khả có năm người con, chị Anh và chị Minh lập gia đình sớm, lấy chồng ở riêng. Anh Vĩnh “khỉ” ngỗ ngược, nghịch ngợm khét tiếng của khu Nhà hát. Tôi học cùng thằng Tiến “cẩu” em anh Vĩnh, em trai tôi học với cái Châu, con gái út của cô. Hồi còn nhỏ, mỗi lần anh Vĩnh hay thằng Tiến bị hàng xóm mách kể tội, chẳng biết đúng sai là cô Khả đã cầm gậy để rượt đuổi đánh như đuổi gà. Sau này các con cô trưởng thành tính cô vẫn nóng nảy vậy.

Ngồi bán hàng đồ khô cả ngày ngoài chợ, cứ đều đặn tầm trưa, mấy người con cô thay nhau đem cơm cho mẹ ăn trưa và đem thêm hàng ra cho mẹ bán. Có hôm nào đem hàng bị muộn, cô chửi té tát. Chưa kể có lúc cô giận điên lên là hất cả mẹt hàng khô xuống đất, văng hết măng, miến, mì, củ đậu, củ hành…
Lúc đầu, ngoài chợ mọi người chưa biết tính cô, ai cũng sợ, lâu dần cứ lặp đi lặp lại cái “giai điệu” cũ, các bạn chợ đã quen. Thậm chí có người mỉa mồm mỉa miệng bảo: Bà ấy giả điên ăn người, sao không thấy bà ấy hất đổ mẹt trứng bao giờ? Có mà ối ấy. Nhưng mà họ cũng chỉ dám nói nhỏ với nhau thôi chứ sợ cô Khả nghe được thì cô chửi cho muối mặt.

Không may cho ai sáng ra mua mở hàng cho cô mà chê đắt rồi bỏ đi thì cô chửi trời ơi là chửi chẳng có kiêng nể tuổi tác gì cả. Cô rút tờ giấy báo dưới mẹt hàng châm lửa đốt gọi là đuổi vía, luồn ngọn lửa qua háng hai ba vòng rồi ném xuống đất nhẩy qua, sàng lại, miệng lầm rầm gì đó như mấy bà hầu đồng ghê lắm. Chẳng biết ngày trẻ cô có học trường lớp múa hồi nào, chứ giờ nhìn cô dẻo tay mềm chân múa kiểu đó thì cỡ mấy cô gái đẹp văn công trường múa Mai Dịch coi thấy cũng phải khóc thét.
Được chứng kiến có lần vừa mới sáng hè, trời còn oi nóng, cô quẩy đôi quang gánh trên vai đi chợ, chẳng may bị bọn trẻ đang chơi bóng trên vỉa hè đá trúng vào thúng hàng của cô, đổ tung tóe, vỡ hết cả mấy chục trứng gà. Chúng sợ chạy hết, chỉ còn cô đứng chống đòn gánh giẫm chân, giẫm cẳng chửi, chao ôi, cơ man là chửi. Cô lôi bốn đời nhà chúng từ đời cố, đời ông, đời cha, đến đời chúng, được cô nhét mồm tọng miệng cho ăn hết máu này, khí kia, từ cái bộ phận sinh dục “đặc khu” của người đàn bà ra, nghe mà chết khiếp. Chưa hết đâu, cô còn chửi thế này:

– Bà mà bắt được chúng mày bà giật lông l*n bà ra, bà bện lại thành dây thừng, trói gô cổ chúng mày lại cả đám, bà kéo chúng mày đưa lên phủ chủ tịch, bà lôi chúng mày qua lối cổng sau Mai Xuân Thưởng, bà tống chúng mày vào thẳng vườn bách thảo, để ở trong đấy cho voi dày, ngựa xéo, báo vồ, hổ nhai, lúc ấy bà mới hả lòng hả dạ. Tiên sư cái cụ tổ năm đời mười kiếp nhà chúng mày…
Khách đi đường có muốn thu nhặt hàng giúp cô thì họ cũng ngại vì sợ phải nghe những thứ nước khí với nước nhớt từ mạch nguồn sâu kín của cô tuôn trào không ngớt, hãi hùng gớm ghê, kinh người.

***
Công việc của tôi là trông coi nhà hàng, trông coi hàng hóa mỗi khi ô tô chở hàng về. Chỉ dẫn khách để gọn xe đạp, xe máy khi vào nhà hàng… quẩn quanh lúc trong nhà, khi ra ngoài sân. Những lúc ra ngoài vắng khách, ế ẩm, cô Khả nhìn thấy, vẫy tay gọi lại kể cho nghe hết chuyện này, đến chuyện kia, không bao giờ dứt…

Thời bao cấp, muốn mua được vại bia uống không dễ. Có hôm, cô chìa tiền bảo:
– Thằng Lập vào lấy cho cô vại bia ra đây. Tao khát quá, ai hoạnh họe gì cứ bảo mua hộ bà Khả.

– Cháu đang làm, ngại cô Lan cửa hàng trưởng nhìn thấy thì phiền lắm, cháu còn trong diện thử thách, thời gian hợp đồng.
– Hợp đồng với hợp giao cái con khỉ tiều, mày sợ con Lan nhà mày hơn con Khả này hả, cái con Lan nhà mày bà chả lạ gì, cái mặt nó với con Thu Thanh, cửa hàng trưởng cửa hàng Văn Miếu đều đã qua tay thằng cha Trần Toàn, Giám đốc Sở Quản lý ăn uống phục vụ Hà Nội hết. Hắn nổi tiếng chơi gái, thế chúng nó mới được điều về làm cửa hàng trưởng, chứ không thì còn lâu, chờ đấy. Thằng Toàn phàm ăn tục uống, chuyên ăn thịt tươi ngon, rồi ăn thịt sống cả phụ nữ, mày không nghe à. Mà được cái hai con này cũng sắc nước, tao nhìn còn mê nói gì tay Toàn.
– Cô nói nhỏ nhỏ thôi – Tôi nhìn quanh.

– Bà sợ đ*o gì đứa nào mà bà phải nói nhỏ với nói to, chả thế trong cái ngành ăn uống này mới chuyền nhau:
Em Thanh có cái lá đa
Để cho Giám đốc rút ra thụt vào
Em Lan có cái lá đào
Để cho Giám đốc thụt vào rút ra“.


Những người bạn hàng ngồi bên cười ha hả cùng cô Khả.
– Cầm lấy đi.

– Thôi cháu có tiền đây.
– Sĩ diện, bảo vệ được mấy đồng bạc bà lạ gì.

– Vâng, tí nữa đưa bia ra cháu lấy tiền cô sau cũng được.
Cô Đàn hỏi:

– Mày mua bia cho ai đấy Lập?
– Cháu mua cho cô Khả.

– Mày đừng mua cho bà ấy, uống say bà ấy chửi lung tung.
– Bia đây cô.

Cô Khả đưa trả tiền, tôi cầm bỏ vào túi, lỡ miệng:
– Cô uống say thì nhớ hất rổ trứng chứ đừng hất đổ những thứ khác cô nhé.

– Tiên sư thằng này, mày lại thích trêu ngươi bà.
Cô chiêu một ngụm bia thật ngon, nói với bạn chợ:

– Các bà biết không, tôi với nó là hàng xóm gần nhà nhau hồi xưa ở Nhà hát Nhân Dân, nhà nó nghèo xơ mướp. Bố nó là nhà thơ, cái ông mặc áo bộ đội bạc mầu dắt xe đạp cà tang, thỉnh thoảng chiều về, vào đây mua chịu hàng tôi đấy.
Bà bạn hàng chen vào:

– À cái nhà ông nói giọng miền Trung ấy là bố nó hả bà? Trông ông ấy chẳng có dáng dấp nhà thơ nhà báo gì sất, bà nhỉ.
Cô Khả lại ực một ngụm nữa:

– Khổ lắm, người ta làm thơ ca tụng đảng, ca tụng ông Hồ, ca tụng chính phủ, nhà nước còn chưa ăn ai. Bố nó làm thơ chửi đời.
– Cô nói thế nào ấy? Tôi cãi lại.

– Bập bập, xin lỗi, xin lỗi. Bố nó chửi bọn quan tham, mà thằng quan nào ở nước mình chẳng tham như thằng nào các bà nhẩy. Thằng sau leo lên, tham hơn thằng trước, thằng trước mưu mô bao nhiêu, thì thằng sau xảo quyệt bấy nhiêu. Có đúng thế không hở các bà? Bởi thế nó mới ghét, nó trù nó dập nên cứ gọi là nghèo rớt mùng tơi, nghèo dời hạt bắp.
Lại một ngụm nữa cô nói tiếp:

– Mà bố nó làm thơ không hay bằng tôi làm thơ đâu nhá, các bà. Thơ bố nó chửi toạc móng heo, treo móng giò, thế có thằng quan nào chịu nổi. Chúng nó chưa tìm được cách giết với bỏ tù là còn may.
– Cô cũng làm thơ hả cô. Tôi hỏi lại và đến gần hơn.

– Sư bố nhà mày lắm nữa, tao cũng làm thơ cơ mà làm ít thôi, không nhiều bằng bố mày nhưng thơ tao thâm thúy, mới đọc thì nghe chưa hay, nhưng càng nghĩ thì càng hay, càng nghĩ càng sâu cay, nhất là bọn quan tham quan thối, nó ngẫm thơ tao nó mới buốt, nó đau cật giật tim mà chết. Có điều tao không dại gì đăng báo như bố mày. Nếu tao đăng báo tao đã nổi tiếng lâu rồi, nổi tiếng hơn bố mày.
– Thế à, tiếc quá nhỉ, cháu cũng nghĩ như vậy. Thế cô có thể đọc cho cháu và mọi người ở đây nghe một bài nào đó của cô đi, cháu thích nghe thơ, hơn nữa lại chính người viết mà đọc thì còn gì bằng.

Cô Khả uống thêm ngụm bia nữa giữa trưa hè nóng nực vắng khách vào mua hàng, rồi gật gật đầu e hèm:
– Thằng Lập và các bà nghe thơ tôi này.

Mấy bà bạn hàng nhễ nhại mồ hôi phe phẩy quạt quay mặt về cô Khả, cô chậm rãi đọc:
– Quan ăn biết giấu như mèo / Chớ ăn xùm xụp một lèo như heo / Ăn xong dửng mỡ chơi trèo / Chị lấy giải rút chị treo lộn cành.

Tôi hỏi lại:
– Hết hả cô? Thế mà cô bảo thơ cô thâm thúy. Cháu cứ tưởng…

– Ơ, sư bố cái thằng này, Các bà nghe thơ tôi có hay không hử các bà? Này nhé… Cô giải thích:
– Bọn quan ăn tham như lợn thì đâu cũng vậy, giống nhau cả lũ. Ăn xong rồi phải biết giấu như mèo giấu cứt, mới là thằng quan khôn. Nhưng giống đời thằng nào no mà không dửng mỡ, con nào đủ mà không dậm dật. Chơi trèo đây có nhiều nghĩa, nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Chơi trèo là chơi trội, chơi hơn người. Còn có nghĩa trèo lên “cưỡi” các chị, “chơi” các chị.

Các bà bạn hàng người nào người nấy cười hả hê. Được thể cô Khả tiếp tục:
– Lúc quan đã sướng xong chị rồi, chị mới từ từ lấy giải rút quần cột cổ quan lại treo lên “lộn cành” khỏi phải chối cãi. Mày có biết lộn cành là gì không?

– Cháu không biết.
– Thế mà đòi. Thơ tao thâm thúy ở chỗ đấy, lộn cành tức là cạnh l*n.

Lúc này các bà bạn hàng cười phá lên như chưa bao giờ được cười. Tôi giả bĩu môi lắc đầu tìm cách chống chế lại cô Khả. Cô lại ực một ực:
– À, mày chê thơ tao hả? Thơ bố mày còn lâu mới có cái thâm thúy như tao.

Tôi chống chế:
– Cô mót thơ ông Bút Tre/ Nghe xong muốn vãi tè tè ngay chân.

– Ơ… ơ tiên sư cha cái thằng Lập này nhé, cái thằng giời đánh thánh vật, cái thằng chết đâm tầu thủy, chết chẹt tầu bay này nữa.
Dằn cốc bia xuống đất, cô Khả đứng phắt dậy, giận dữ đuổi. Tôi ù té chạy vào nấp sau cây đa trong sân cửa hàng, còn nghe cô đe:

– Bà mà bắt được mày thì bà kẹp đầu mày vào giữa háng bà cho nát cái đầu bã đậu của mày ra. Sư bố nhà mày, dám chê thơ bà. Tre với nứa nào bà đâu có biết, người ta không mót bà thì thôi, bà thèm gì mót thằng nào. Mày dám đái lên thơ bà à?
Cả cửa hàng nhốn nháo sợ cho tôi. Tôi còn kịp nghe cô Yên bạn hàng ngồi cạnh can:

– Nó đâu có nói thế.
– À, các bà còn bênh nó hả. Nó bảo nó tè thì không phải nó đái lên thơ tôi hả cái bà Yên này?

Cô thực sự hung tợn, chắc có chút men bia ngấm vào nữa chăng? Tôi ân hận vì không nghe lời cô Đàn, chân cứ run run nghĩ: Nếu cô Khả bắt được mà kẹp cái đầu mình vào giữa háng với tiết trời hè nóng nực đổ mồ hôi, mồ kê, cùng cái quần đen phủ bụi của cô, thì eo ơi… sợ lắm. Tôi không dám nghĩ tiếp… Sợ lắm!
Hơn hai mươi năm sau trở về quê hương, tới chơi thăm gia đình anh Ngô Đức Huy. Người anh, người bạn đồng đội năm xưa. Nhà anh đối diện với Cửa hàng ăn uống Kim Liên, nơi tôi từng làm việc.

Hồi ấy chốn này chưa có tên phố. Nay họ phá đi, xây dựng lại thành nhà hàng có tên gọi nửa Tây nửa ta: Xanh Palace, số 10A Phạm Ngọc Thạch, Đống Đa, Hà Nội. Không còn là nhà hàng ăn uống năm nào, chủ yếu họ cho thuê hội nghị và cưới xin.
Cây đa vẫn còn đó, có khác là nó to cao hơn, xum xuê um tùm hơn, nhìn thần bí hơn. Người ta thường nói: “Thần cây đa, ma cây gạo”, thế mà đúng chứ chẳng chơi. Cái cây đa đã từng che chở tôi thoát nạn khỏi bị kẹp đầu vào háng cô Khả ngày nào. Tôi bần thần đứng nhìn cây đa, thẫn thờ nhớ đến cô Khả. Giờ cô đã ra người xưa.

Cô Khả ơi! Thằng cháu Lập hàng xóm của cô đã trở về đây. Ước gì trời cho cô sống lại. Ước gì cháu lại trẻ như mấy mươi năm trước. Để được nghe cô đọc thơ treo cổ bọn quan tham lam vô độ “lộn cành” của cô, rồi được trêu cô, để cô khùng lên chửi, đuổi cháu chạy thục mạng. Nhưng chỉ thế thôi cô nhé, chứ đừng bắt được cháu rồi kẹp cái đầu bã đậu thằng cháu vào giữa háng quần mồ hôi mồ kê bụi bặm ngày hè của cô thì cháu sợ lắm… Sợ lắm cô ơi!
Dương Tự Lập
24-7-2019
304Đen – Llttm - TD

 

 

No comments: