CHO TÔI
MỘT NÉN NHANG TRẦM
Cho tôi một nén nhang trầm,
Thắp lên để khóc tình trăm năm buồn
KIM CHI
Thắp lên để khóc tình trăm năm buồn
KIM CHI
Sáu tháng đã trôi qua kể từ ngày những dòng nhắn
tin tìm Phú được đăng trên trang Web luocsu.tk. Lời nhắn tin như rơi vào hư vô.
Sáu tháng, với tôi đã gần bằng 40 năm lạc nhau giữa cuộc đời nhiều giông tố.
Tôi đi tìm Phú, phải chăng tôi đang cố tìm lại tuổi trẻ của mình trong tuyệt
vọng? Chẳng phải cái khoảng đời đẹp đẽ ấy tôi đã đánh mất rồi sao? Cô bạn thân
nói rằng hãy buông tay, thả cho quá khứ bay đi, lòng mình sẽ nhẹ nhàng hơn. Cụm
từ “buông tay-thả” gợi nhớ con đường Hồng Thập Tự với hai hàng cây Sao cao vút.
Mùa hè hoa Sao rụng xoay tròn trong gió trước khi rơi xuống vỉa hè. Tôi và đám
bạn học trò đã tranh nhau nhặt lấy những cánh hoa Sao để rồi buông tay, thả cho
hoa xoay tròn thêm vài lần nữa. Quả thật lúc đó lòng mình vui và tâm hồn mình
nhẹ nhàng, phơi phới. Nhưng liệu khi buông tay cho kỷ niệm rời xa, ta có thật
sự nhẹ lòng hay phải ray rứt khôn nguôi? bỗng dưng tôi thấy tội nghiệp cho mình!Sài
gòn những ngày cuối năm trời se sắt lạnh. Tôi chợt nhớ những ngày cuối năm
1975, Sài gòn tự dưng lạnh kinh khủng. Lạnh hơn bất kỳ mùa Noel nào trước đó.
Cái lạnh tấn công những người ở lại thiếu áo, thiếu cơm, thiếu vắng bạn bè…
không thương tiếc. Tôi trở vào trường trong nổi tủi thân vô hạn. Đại học Luật
Khoa đã đổi thành Đại học Kinh Tế, phải thi lại, đậu, mới vào học. Lạnh, buồn,
thiếu thốn…tinh thần đâu mà thi với cử? Vậy mà tôi vẫn cố. Với tôi lúc này, học
là cách để tìm quên. Tôi đi học, lủi thủi một mình như con sâu con kiến. Nước
mắt để rớt ra là điều xa xỉ, tôi nuốt ngược nước mắt vào lòng. Mấy cầu tàu ABC
ở bến Bạch Đằng không còn một “Hạm” nào neo đậu. Tất cả đã “ra khơi”. Đôi khi
tự hỏi ngoài mình ra, còn bao nhiêu cô gái Sài gòn tuổi 18, đôi mươi đứng
thẫn thờ trên bến vắng? Sự chia cách khi hòa bình khủng khiếp nhiều lần
so với sự hủy diệt trong chiến tranh. Tử biệt hay Sinh ly nào có khác gì nhau?
Nhiều năm đi qua, như những cánh hoa Sao trong gió,
bạn bè tôi lần lượt xa tôi. Đứa lấy chồng, đứa đi xa, đứa vĩnh viễn không về.
Cây Ngọc Lan trong sân nhà, nơi mà nhiều năm trước, anh chàng Trung úy HQ tên
Phú đã đứng hiên ngang, cây cao vượt tầm tay và trổ đầy hoa trắng. Hoa tỏa
hương thơm ngát. Xưa đi học, đứa nào cũng thuộc lòng hai câu thơ: “Hãy là hoa,
xin hãy khoan là trái. Hoa nồng hương, còn trái lắm khi chua!” . Tôi không thể
mãi là hoa để mòn mỏi nồng hương trong đêm tối. Bởi, ở bến bờ nào đó có ai chờ
tôi đâu, cũng chẳng ai dặn dò tôi đợi. Và tôi biết chắc rằng sẽ không có một ai
hờn trách khi mình rẽ lối, sang sông. Ngày theo chồng, trong túi hành trang có
những bài thơ cũ. Những bài thơ đủ để khóc một thời con gái. Thỉnh thoảng về
nhà thăm má, nhìn cây Ngọc Lan xanh mướt lòng tôi cồn cào nổi nhớ; nhớ về màu
áo xanh của biển, nhớ con tàu 505 hùng tráng đã oằn mình gánh nặng nợ non sông,
Tôi gõ trên Google từ khóa HQ505, nhiều bài viết
hiện ra và tôi đã tự ru tôi ngậm ngùi. Tôi đọc Tháng Tư Cả Một Đời Người Trước
của Nguyễn Nhật Cường, đọc nhiều lần và lần nào cũng tràn đầy cảm xúc. Tôi hình
dung ra Phú trong từng trang viết. Những tình tiết dữ dội, khốc liệt, những
khoang tàu từng chở đầy mơ ước tuổi thơ tôi lại chở nặng những đớn đau trong
những ngày đất trời nghiêng ngửa. Tôi đọc những tên người, tên tỉnh xa xôi; tôi
hình dung được những bàn tay níu giữ, những bàn chân rời xa, những giằng
xé tâm can và cuối cùng là những giọt nước mắt của tác giả, và của cả tôi,
người đọc!
Như một phần đời không ai xâm phạm, tôi đọc và tôi
viết về HQ505 để tôi nhớ về tôi 18 tuổi và Phú mãi mãi tuổi 25, 26. Những dòng
nhắn tin tìm người, xem như một nén nhang thơm, tôi thắp lên để mình tôi thương
tiếc.
KIM CHI
304Đen – llttm -DSC
No comments:
Post a Comment