Friday, July 5, 2019

M.16 - Trần Quốc Bảo & Nhà văn Trường Sơn Lê Xuân Nhị Giới Thiệu & Bài Cảm Tác Của Huongleoanhva & Nguyễn Cang


            Người Tình “M.16” của Trần Quốc Bảo
            Nhà văn Trường Sơn Lê Xuân Nhị giới thiệu
 
 

Đời lính tụi mình, cha nào cũng cô đơn cả.  Và bởi vì cô đơn, chúng ta trở nên rất đa tình.  Đa tình chẳng phải vì mình là con nhà giàu đẹp giai học giỏi, mà vì quá cô đơn mà thôi.  Gặp cái gì cũng có thể yêu được...

Yêu từ một đám mây lạc loài bay tít mãi trên cao, đến con suối nhỏ rù rì nằm quyện dưới chân....

Yêu từ bao thuốc lá Basto Xanh Basto đỏ hay gói Capstan, đến cái hộp quẹt Zippo mà dù nghèo đến đâu, ai cũng phải dành dụm để sắm một cái.  Đi hành quân hay đi biệt phái, những đêm nằm không cô quạnh, lấy cái hộp quẹt Zippo ra bật nghe cách cách vài cái thôi cũng thấy vui tai, phần nào thay thế được tiếng nói thầm thì ngọt ngào của người tình hiện đang làm gì đó ở một chỗ rất xa...

Yêu nhiều thứ lắm, nhưng yêu nhất, phải nói là yêu người tình M-16.  Dù ăn dù ngủ dù làm gì đi nữa, không thể không có người tình M-16 trong tay... 

Tặng quý anh chị em một bài thơ nói về “Người tình M-16 của Trần Quốc Bảo”.  Đã hơn 40 năm rồi không còn gặp mặt nhau mà ông vẫn còn nhớ đến em, làm thơ tặng em, thì quả thật là lính chung tình.  Ngày xưa, chắc là ông phải yêu em lắm.   Ai bảo lính đa tình mà không biết chung tình xin hãy đọc bài thơ này. 

                                                          

Trường Sơn Lê Xuân Nhị

 

M-16

           
Ta với Em Mười Sáu thuở nào
Chúng mình vừa gặp đã yêu nhau
Trong cơn thác loạn trao thân phận
Ôm xiết ghì em giữa chiến hào

 
Ánh hỏa châu soi rực chiến hào
Kề vai áp má chốn binh đao
Tuy không hò hẹn mà sinh tử
Mà chẳng rời tay một phút nào

 
Đâu quản gian truân nguy hiểm nào
Băng ngàn lũng thấp vượt đồi cao
Bốn vùng chiến thuật mình khăng khít
Mỏ vẹt, Khe xanh, đến Hạ Lào

 
Kỷ niệm không quên ở Hạ Lào
Đêm vùng hỏa tuyến đẹp trăng sao
Đưa nhau vào trận như vào mộng
Ta tắm em trong suối máu đào

 
Từng biết bao phen nhuộm máu đào
Tung hoành Bến hải tới Cà mâu
Diệt thù, quyết bảo toàn sông núi
Gối đất nằm sương trấn địa đầu

           
Thép lửa bừng hoa tại tuyến đầu
Ai ngờ một thoáng đã tàn mau
Ta đi cúi mặt lìa sông núi
Lê bước chân hoang khắp địa cầu

      
Duyên cũ không như ý sở cầu
Nửa chừng dang dở bởi vì đâu
Xưa nay Lính và Em Mười Sáu
Tình vẫn mang mang vạn cổ sầu

 
Quốc phá Gia vong vạn cổ sầu
Nhưng còn sông núi, vẫn còn nhau
Chúng mình ươm lại hoa đầu súng
Dành lại Quê Hương một thuở nào.

 

Trần Quốc Bảo
Richmond, Virginia
 < quocbao_30@yahoo.com >

 
Đọc bài M-16 của thi sĩ Trần Quốc Bảo làm theo thể thi Đường khiến cho tôi hiếu kỳ muốn họa để tìm hiểu thơ theo thể loại nào?
Riêng tôi nêu vài cảm nghĩ để cùng học hỏi. . .
Nếu thất ngôn bát cú thì theo luật : câu 1 và câu 8 (niêm) đồng thanh và trùng nhau cả câu hoặc  một phần câu,  gọi là thủ vĩ  ngâm, nhưng ở đây nhà thơ dùng từ ngữ trong câu 4 khổ trên trùng chữ với  câu 1 khổ dưới
( thể  tứ tuyệt trường thiên) tôi ko hiểu gọi là gì?


 Ngay cả sách Văn học sử VN của giáo sư Dương Quảng Hàm cũng không nói tới.  Theo luật thì chữ thứ 6 người họa không được phép dùng trùng chữ  của người xướng, nhưng là danh từ riêng nên được phép, trong khổ 1 tôi dùng luật B vần B để gọi là họa, phải đối với người xướng, các khổ dưới tôi dùng luật Trắc vần Bằng cho tiện vì những danh từ riêng không  thể thay đổi. Tôi thử họa cùng vần nhưng khác từ để phân tích xem và có cao thủ nào giải thích giúp.

 
KO

*xin lỗi đã sửa chữ “ko” trong bài viết trên thành chữ “không”. 304Đen

 
SÚNG TRƯỜNG LIÊN THANH MỘT THỜI 


M-16 nhớ lại ngày nào,
Cuộc chiến binh đao đến với nhau.
Số phận đôi ta đành gắn bó,
Má kề vai cận dưới thông hào,
**2
Anh dũng oai phong rất tự hào,
Vào sinh ra tử chốn lao đao.
Cuộc đời chinh chiến đầy gian khổ,
Buốt giá đêm đông chẳng quản nào.
***3
Thử thách nằm gai nếm mật nào,
Hỏa châu rực sáng rọi trên cao.
Dắkto, Bình Giã, Kon-Tum chiến,
Máu đổ thây phơi khóc Hạ Lào.

 ****4
Tan tác Lai Khê đến Hạ Lào,
Đêm đen đối diện với ngàn sao.
Thương thầm dân tộc trong thời chiến,
Non nước điêu linh tiếc phận đào.
*****5
Ước nguyện hiến dâng phận má đào,
Cho dù Bến Hải hoặc Cà Mau.
Một lòng yêu nước vì dân tộc,
Chí khí hiên ngang quyết ngẩng đầu.
******6
Tiền tuyến gian nan chốn địa đầu,
Hậu phương loạn lạc chóng qua mau.
Nào ngờ chiến cuộc xoay chiều hướng,
Để khổ muôn dân phải cưỡng cầu!
*******7

Vận nước điêu linh chí nguyện cầu,
Toàn dân đồ thán bởi do đâu!?
M tôi 16 đành chia cách!
Cảm giác bên nhau nặng trái sầu.
********8
Buông súng ra đi dạ thảm sầu,
Từ nay định mệnh phải xa nhau.
Bên M đối diện nhiều gian khổ, 
Chợt nhói trong tim tự lúc nào. . . 


huongleoanh va 

 
*1 những hoa thị đánh số ý tôi phân biệt từng khổ của bài thất ngôn tứ tuyệt rường thiên khi đọc nhận ra ngay là khổ thứ mấy

 

BẠN ĐƯỜNG COLT 12

( Bài thơ của Trần Quốc Bảo gợi cảm hứng cho tôi cảm tác bài nầy, ghi lại kỷ niệm thời binh lửa đóng quân tại Cái Bè ( thuộc tỉnh Định Tường).

 
 
 










Em mười sáu* cùng anh côn đui*
Sát thát quân thù dạ chẳng nguôi
Mệnh lệnh xung phong tràn hố giặc
Ta thề sanh tử quyết không lui

 
Hôm nay kỷ niệm chợt quay về
Đơn vị hành quân đóng Cái Bè
Oai vệ súng côn**, hông lựu đạn
Tung hoành khắp mọi nẻo đường quê

 
Có những đêm dài mưa gió tuôn
Bông sô** ướt đẫm dưới trời sương
Hỏa châu soi sáng trên đầu súng
Trăng khuyết, đêm tàn lạnh thấu xương!

 
Bao năm dong ruỗi nghiệp binh đao
Khổ cực hiểm nguy biết được nào
Ta với mi thành đôi chiến hữu
Thề cùng sống chết mãi bên nhau

 
Cai Lậy, Cái Bè lệnh tiến quân
Chiều tà trong dạ thấy bâng khuâng
Thương người em gái ngây thơ quá
Thường đứng thẩn thờ mộng dưới trăng

 
Có những khi dừng quân bến sông
Giọng nghe êm dịu thật là trong
Của cô giảo trẻ ngôi trường nhỏ
Một thuở tương tư bóng dáng hồng!

 
Tháng Tư bất chợt lệnh đầu hàng
Trời đất quay cuồng cảnh hỗn mang
Ta giã từ mi trong nuối tiếc
Thôi rồi tan giấc mộng ngàn phương

 
Đời chưa trả hết nợ tang bồng
Đầu bạc tàn phai vẫn ngóng trông
Mơ ước một ngày tan bóng giặc
Ta về nghe tiếng hát dòng sông !

 
Nguyễn Cang (4/7/2019)

* Em mười sáu:khẩu súng M16
** Côn đui và colt forty five: súng colt 12 và colt 45 có tên gọi chung là súng lục. Trước 75, sĩ quan thường sử dụng colt 45,hoặc colt 12, còn lính thì sử dụng M16.

** Bông sô: áo mưa poncho

 

 

 

 

 

 

No comments: