Saturday, July 27, 2019

Chuyện Của Một Thời Chinh Chiến - Phi Ngọc Hùng


Chuyện của một thời chinh chiến

Thà một phút huy hoàng rồi vụt tắt

Còn hơn là le lói cả trăm năm





Người lính giữa tháng tư

Đạn pháo, hỏa tiễn của binh đoàn quân Bắc Việt (thuần là đơn vị quân đội Hà Nội) đang dội xuống như mưa lũ ở Long Khánh. Cửa ngỏ phía đông-bắc dẫn vào Sài Gòn, nơi bản doanh Sư đoàn 18 do Thiếu tướng Lê Minh Đảo giữ quyền tư lệnh. Vị tướng lãnh thăng cấp cuối cùng (1) của quân lực để chứng thật cùng thế giới và lịch sử: Những người lính đã chiến đấu thực sự. Tuy nhiên tất cả sự sụp vỡ ngày 30-4-1975 hoàn toàn vượt tầm đạn bắn ra từ nòng súng chiến đấu của họ.

Mặt đối mặt qua bãi lửa:

Sau thành công đánh chiếm Vùng 2 và Vùng 1 chiến thuật do sự rút bỏ hỗn loạn của quân đội miền Nam, phía Bắc Việt rút kinh nghiệm từ Mậu Thân (1968) và Tổng công kích Xuân-Hè 1972 quyết tâm tiêu diệt miền Nam qua chiến thuật tấn công từ một điểm xong mở rộng ra, tránh giao tranh nếu gặp kháng cự mạnh để tất cả đồng nhất tiến về Sài Gòn. Mục tiêu cuối cùng phải đánh chiếm của cuộc chiến tranh “giải phóng” ngụy danh.

Trung ương đảng ra lệnh cho Trung ương cục miền Nam cùng tất cả lực lượng vũ trang phải hoàn thành công cuộc giải phóng miền Nam: Xung phong tiến công Sài Gòn, mà hiện tại kẻ thù đang tan rã, không còn sức mạnh chiến đấu. Chúng có năm sư đoàn, chúng ta có mười-lăm sư đoàn, chưa kể đến lực lượng hậu bị chiến lược. Chúng ta phải chiến thắng bất cứ giá nào: Đấy là quan điểm của trung ương đảng. Khi tôi (Lê Đức Thọ) rời miền Bắc, các đồng chí ở bộ chính trị đã nói rằng: Đồng chí phải đoạt thắng lợi, đồng chí chỉ trở về với chiến thắng.

Chiến dịch Hồ Chí Minh được đặt tên qua công điện 37/TK do chính Lê Đức Thọ, chính ủy chiến dịch phổ biến đến với tất cả lực lượng vũ trang đang có mặt tại miền Nam: Mười lăm sư đoàn quân chính quy Bắc Việt. Những danh xưng nầy cần phải viết đủ để trả lời cho quan điểm chiến lược từ Tòa bạch ốc, Ngũ giác đài, được phổ biến khắp hệ thống truyền thanh, truyền hình thế giới trong bao năm qua: Chiến tranh Việt Nam là do lực lượng Việt cộng (những người “quốc gia yêu nước Miền Nam” hay MTGPMN nổi dậy lật đổ chính quyền VNCH), nếu lực lượng của Hà Nội có kể đến chăng thì cũng chỉ chiếm một phần rất nhỏ, chỉ đóng vai trò “yểm trợ” vì 98% của vấn đề (chiến tranh) là ở miền Nam chứ không là miền Bắc.

Chúng ta trở lại chiến trường với Tướng quân Lê Minh Đảo và những người lính đang giữa trùng vây của lửa. Ở mặt trận Long Khánh. Ngay từ ngày đầu của năm 1975, Sư đoàn 18 đã phải đối phó với tình trạng căng quân ra giữ vững vùng lãnh thổ trách nhiệm, cùng tập trung lực lượng để chiếm lại phần đất đã bị lấn chiếm. Tiếng gọi là một sư đoàn, nhưng tướng Đảo chưa hề tập trung đủ lực lượng cơ hữu để điều động trong một cuộc hành quân quy mô cấp sư đoàn. Đầu tháng 3-75, Trung đoàn 48 lại tăng phái cho Sư đoàn 25 trách nhiệm mặt trận Tây Ninh, cùng chung Vùng 3 chiến thuật với Sư đoàn 18. Thế nên khi trận chiến bắt đầu 9-4-1975, ông chỉ có một lực lượng sư đoàn (trừ). Trước khi trận chiến bùng nổ lớn, thiếu tướng Đảo yêu cầu tư lệnh quân đoàn, Trung tướng Nguyễn Văn Toàn hoàn trả lại Trung đoàn 48, khi nhận được trung đoàn này về, tướng Đảo xử dụng đơn vị để trấn giữ mặt đông thị xã, đoạn đường từ Xuân Lộc đến thị trấn Giá Rai. Với quân số như trên, Sư đoàn 18 quả thật đã gánh một nhiệm vụ quá khổ dẫu trong thời bình yên chứ chưa nói về tình thế khẩn cấp của tháng 4-1975. Trước 1972, vùng nầy được tăng cường một lữ đoàn thuộc lực lượng Hoàng gia Úc-Tân Tây Lan, Lữ đoàn 11 chiến xa do đại tá Patton chỉ huy, chưa kể đến Sư đoàn Mãng xà vương Thái Lan tăng phái, trách nhiệm vùng Long Thành, dọc Quốc lộ 15, đường đi Vũng Tàu. Sư đoàn 18 lại là một đơn vị tân lập (chỉ trước Sư đoàn 3 BB của Vùng 1).

Trận thử sức cuối cùng, tháng 4-1975 tại Xuân Lộc, Long Khánh là một dấu tích sẽ còn lại muôn thuở với lịch sử. Chúng ta không nói điều quá đáng. Hãy nhìn sang phía đối phương để thử tìm so sánh, từ đấy lập nên phần thẩm định chính xác.

Với ý định vất bỏ Hiệp định Paris, quyết thanh toán miền Nam bằng vũ lực với trận mở màn thử xem phản ứng của chính quyền, quân đội Mỹ: Tấn công Phước Long. Sau lấn chiếm đóng Phước Long mà chính phủ Mỹ hoàn toàn im lặng, Tướng Hoàng Cầm trách nhiệm tấn công Sài Gòn từ mặt đông bắc qua ngõ Long Khánh. Tướng Cầm có dưới tay ba sư đoàn, chưa kể lực lượng địa phương (du kích), tương quan lực lượng coi như 4 đánh 1. Nhưng cũng không hẳn thế, tướng Hoàng Cầm còn được cả một bộ chính trị đảng cộng sản Hà Nội trực tiếp chỉ đạo, yểm trợ và tăng cường với Văn Tiến Dũng, tổng tham trưởng quân đội miền Bắc, Phạm Hùng, bí thư trung ương cục miền Nam, Lê Đức Thọ ủy viên bộ chính trị, bí thư chiến dịch. Tất cả đang có mặt tại Lộc Ninh, nơi chỉ cách chiến trường Xuân Lộc hơn 100 cây số đường chim bay. Thọ vừa đến từ Hà Nội không phải theo “đường mòn Hồ Chí Minh” với ba lô trên lưng như cách “mô tả” thành thạo trong những cuốn sách “nghiên cứu” về chiến tranh Việt Nam, nhưng ông ta đến từ sân bay Nam Vang, đi xe hơi đến biên giới Việt-Miên, xong dùng Honda chở tới Lộc Ninh. Trước những nhân vật kể trên, Trần Văn Trà, tư lệnh khu 7 báo cáo về tình hình quân sự. Phạm Hùng hỏi về tiếp liệu đạn dược, viên cán bộ phụ trách hậu cần trả lời: Báo cáo đồng chí, ta có đủ đạn để bắn (bọn Ngụy) sợ đến ba đời.

Đấy không phải là lời nói đùa, sau này khi thắng lợi nghiêng về phía VNCH, bộ tư lệnh mặt trận đã cho thay thế tướng Hoàng Cầm bằng Trần Văn Trà, vốn là người chỉ huy chiến trường miền Đông từ chiến tranh 1945-1954; và tăng cường thêm Sư đoàn 325, đơn vị tổng trừ bị quân đội miền Bắc, và Trung đoàn 95B biệt lập từ vùng châu thổ sông Cửu Long kéo lên tăng cường, nâng tỷ số tác chiến (ban đầu) lên thành 5 đánh 1.

Trận đánh:
 
 
 

Thiếu tướng tư lệnh Lê Minh Đảo chuẩn bị chiến trường đến mức coi như là toàn hảo. Lấy kinh nghiệm đau thương của những đơn vị bạn thuộc hai Quân khu I và II, ông nhận ra rằng, sở dĩ các đơn vị nầy mất sức chiến đấu mau chóng vì không có người lính nào còn được khả năng chiến đấu khi trong tay họ thay vì nắm chắc vũ khí bấy giờ chỉ để bế đứa con nhỏ, lưng cõng cha, mẹ già. Bằng tất cả mọi phương tiện có được, tướng Đảo cho di tản toàn bộ gia đình binh sĩ về hậu cứ Long Bình, một hậu phương an lành, tương đối đầy đủ cho tất cả. Cất bỏ được nặng gánh gia đình, người lính chỉ còn một hướng trước mặt, hướng địch quân tiến tới.

Pháo binh là một yếu tố chiếm giữ phần lớn quyết định sự thắng, bại chiến trường. Một khuyết điểm mà quân lực VNCH thường vấp phải là luôn tập trung pháo binh lại một địa điểm để dễ chỉ huy, điều động. Nay tướng Đảo thay đổi chiến thuật, ông phân tán pháo binh lên những cao điểm như Núi Thị (bên cạnh đường 20 lên Định Quán, đi Đà Lạt), (cạnh Quốc lộ 1, đường về Biên Hòa), những cao điểm phía đông và đông nam Xuân Lộc, nơi ngã ba Tân Phong (cũng là một vị trí di động của bộ chỉ huy, phần sau của chiến trận, giai đoạn rút lui về Bà Rịa, Phước Tuy), dọc Tỉnh lộ 2 những vị trí pháo nầy sẽ yểm trợ vô cùng hữu hiệu cho đoàn quân di tản. Tuy phân tán nhưng khi tác xạ, những vị trí pháo cùng bắn một lượt nên tập trung được hỏa lực vào một mục tiêu mà địch không phát hiện được vị trí pháo bắn đi (để phản pháo).

5 giờ 40 sáng ngày 9-4-1975 – “Giờ H của Ngày N”, chiến dịch đánh chiếm Xuân Lộc bắt đầu với một trận mưa pháo 2.000 quả đạn từ nhiều vị trí cùng đổ xuống trung tâm thị xã Xuân Lộc lập lại cảnh tàn sát của một ngày năm 1972, cũng buổi tháng 4 tại An Lộc. Chính xác một giờ sau, 6 giờ 40, tám xe tăng đơn vị tiền phong Sư đoàn 7 tùng thiết xông vào trung tâm thị xã Xuân Lộc, nơi đặt bộ chỉ huy Sư đoàn 18. Bắc quân ngỡ rằng sau đợt pháo hung hãn, và đội hình ào ạt, bề thế của những chiếc T54, thế nào cũng sẽ tràn ngập mục tiêu dễ dàng như đã xẩy ra ở những mặt trận “không cần giao tranh” nơi Vùng 1 và 2 của tháng 3 vừa qua. Nhưng hoàn toàn không phải là như thế, những xe tăng nầy mắc kẹt giữa bãi mìn của một hệ thống tám lớp kẽm gai và mìn bẫy mà thiếu tướng Đảo đã sẵn bố trí, không những chỉ thế, những phi cơ A37 và F5 từ phi trường Biên Hòa được gọi đến chỉ sau ít phút cất cánh, và trên đồng trống, giữa những khu rừng cao su đều đặn, đội hình của toán quân tùng thiết, chiến xa trở nên thành mục tiêu lộ liễu, trần trụi. Nhưng lính bộ binh của Trung đoàn 165 không nhận ra chỉ dấu thất bại, họ tiếp tục tiến lên đợt xung phong thứ hai với những chiến xa còn lại.

Trung đoàn 48 đã đợi sẵn với “hỏa tiễn 2.75 ly” đặt trên giá hai chân (lưu ý hỏa tiễn 2.75 vốn là vũ khí cơ hữu của trực thăng vũ trang, sau khi quân đội Mỹ rút đi, khối lượng hỏa tiễn nầy trở nên thặng dư, thiếu tướng Đảo biến chế thành vũ khí bộ binh dùng để chống chiến xa bằng cách đặt trên giá tre hai chân, kích hỏa bằng pin) bắn hạ ngay những chiến xa nầy trên tuyến phòng thủ cuối cùng. Mặt đông của thị xã, dọc Quốc lộ 1, Trung đoàn 209 (cũng của SĐ7) số phận cũng không mấy khả quan hơn bởi họ gặp một đơn vị đang cơn uất hận, Tiểu đoàn 82 Biệt động quân của Thiếu tá Vương Mộng Long. Lính biệt động đánh để trả hận lần lui quân bi thảm của tháng trước từ mặt trận Ban Mê Thuột, hai tiểu đoàn của Trung đoàn 209 bị chôn chân trước tuyến phòng thủ của 82 Biệt động.

Sau nầy Hoàng Cầm ghi lại trận đánh trong Hồi ký lịch sử quân đội nhân dân:

Những đợt xung phong đánh vào sở chỉ huy của Sư đoàn 18 và hậu cứ Trung đoàn 52 ngụy đều không thành công. Chiến sĩ ta giành giựt với địch từng đoạn giao thông hào, qua mỗi căn nhà, căn phố. Điều đáng ngạc nhiên là cuộc tấn công đã bị chận lại không phải chỉ do pháo binh và không quân yểm trợ, hệ thống phòng thủ vững chắc và sức chiến đấu ngoan cố của Trung đoàn 43 ngụy, nhưng điều đáng nói là Đảo đã tổ chức cho từng người lính thuộc sư đoàn mỗi một vị trí chiến đấu…

Viên tư lệnh Trần Văn Trấn đi theo với Trung đoàn 266, đích thân chỉ huy cuộc tấn công. Tùng thiết thoạt tiên mở được đường qua lớp kẽm gài, mìn bẫy thứ nhất tiến gần đến vùng “Hố Heo Rừng”, nơi Quốc lộ 1 chạy một đường quanh gắt trước khi đổ vô thị xã. Nhưng quả như ước tính của tướng Đảo, đại đội trinh sát của Đại úy Đa giăng một hàng lưới lửa bằng đại liên 50 chống chiến xa, hiệp cùng máy bay AC119 Hắc Long tự tầng trời đan kín thêm bằng đại liên minigun bốn nòng chống biển người vô cùng hữu hiệu. Sư đoàn 341 vốn là một sư đoàn tân lập gồm tân binh thiếu kinh nghiệm của đơn vị nầy quá hoảng sợ hỏa lực của đại đội trinh sát, phi cơ Hỏa Long nên cuối cùng đám lính trẻ tuổi của Trung đoàn 266 phải tan hàng, chạy vào lẫn trốn trong khu vực dân cư, bến xe, nhà thờ, trung tâm thị xã. Tổng kết ngày chiến trận đầu tiên, chỉ riêng Sư đoàn 341 đã bị thiệt hại khoảng 600 chết và bị thương, cùng một số tù binh (ba mươi người) bị bắt giữ. Buổi chiều, thiếu tướng Đảo khi đi thanh sát mặt trận bên trong thị xã, ông không quên ra lệnh cho phòng quân tiếp vụ sư đoàn trích một số khẩu phần lương khô để nuôi ăn đám tù binh còn rất mới.

Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 vẫn không tin quân phòng thủ Xuân Lộc đứng vững sau hai cuộc tấn công. 5 giờ 30 sáng ngày 11, đợt tấn công thứ hai bắt đầu. Sư đoàn 341 tiến chiếm từ hướng tây bắc, Sư đoàn 7 từ mặt bắc đâm thẳng vào thị xã, Sư đoàn 6 từ hướng đông, tất cả ba mũi dùi đồng hẹn ở điểm đến trung tâm thị xã, bộ tư lệnh Sư đoàn 18. Kết quả cũng tương tự như ngày 9, có khác chăng thêm một số chiến xa bị bắn hạ trên tuyến phòng ngự và một số tù binh bị bắt. Những ngày chẳng mấy vinh quang nầy được Hoàng Cầm viết lại trong Lịch sử quân đội nhân dân: Trong ba ngày đầu tiên của chiến dịch, Sư đoàn 7 bị tổn thất 300 chiến sĩ; Sư 341 thiệt hại 1.200. Cụ thể tất cả pháo 85 và 57 ly đồng bị phá hủy. Cùng lúc Văn Tiến Dũng cũng phải thú nhận trong Đại thắng mùa xuân: Từ ngày đầu mặt trận Xuân Lộc đã diễn ra vô cùng gay go, ác liệt. Những sư đoàn của ta. tổ chức nhiều đợt tấn công vào thị xã, đánh đi đánh lại để chiếm từng vị trí, và phải đẩy lui nhiều cuộc phản công của địch.

Tướng Toàn cố gắng giữ vững Xuân Lộc để có thế đão ngược tình thế. để “B52 có thể trở lại!” Tướng Toàn xử dụng Lữ đoàn 3 Thiết kỵ của Chuẩn tướng Trần Quang Khôi từ Trảng Bom cố mở đường tiếp cận với cánh quân Xuân Lộc. Tướng Toàn xử dụng Lữ đoàn 1 Nhảy dù được Tiểu đoàn 3 Pháo binh dù trực tiếp yểm trợ. Cuộc hành quân không vận lớn nhất của trận chiến thực hiện trong hai ngày 11, 12 đưa đơn vị tổng trừ bị cuối cùng của miền Nam vào trận. Sự xuất hiện của lực lượng nhảy dù tại trận địa đặt nên vấn đề nghiêm trọng đối với tập thể lãnh đạo bộ tư lệnh chiến dịch. Chiều ngày 11-4, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Trần Văn Trà duyệt soát lại kế hoạch tấn công theo chiều hướng mới. Dũng có ý kiến: Nếu địch tăng cường lực lượng phòng thủ Xuân Lộc thì ta không cần phải tập trung lực lượng để tấn công chúng nữa. Chúng ta nên xử dụng sức mạnh của mình để đánh những lực lượng ngoại vi (hàm chỉ lữ đoàn dù) trước khi chúng đặt chân xuống đất. Cũng nên dùng pháo tầm xa phá hũy căn cứ Biên Hòa để máy bay chúng không thể cất cánh.

Tóm lại, bộ tư lệnh chiến dịch quyết định mở một mặt trận giả (để đánh lạc hướng quân phòng thủ) bằng hai cuộc tấn công chính diện vào vị trí đóng quân của Tiểu đoàn 1/43 (có nhiệm vụ giữ thị xã) để phía VNCH nghĩ rằng phía Bắc Viêt vẫn cố công dứt điểm Xuân Lộc theo như kế hoạch ban đầu. Trong khi chuyển hướng tấn công bằng cách đi vòng Xuân Lộc để (thực sự) tiến thẳng về Sài Gòn. Trần Văn Trà thay thế Hoàng Cầm để trực tiếp thực hiện kế hoạch. Ngày 13, Trà họp ban tham mưu Quân đoàn 4 để thông báo về việc thay đổi kế hoạch với luận cứ: Địch tăng cường phòng thủ Xuân Lộc sẽ gây nhiều bất lợi cho ta nếu cứ tiếp tục tấn công thị xã. Thế nên, nếu chúng ta tiến chiếm Dầu Giây (trên Quốc lộ 1, lối về Biên Hòa) thì Xuân Lộc không còn nằm trong tuyến phòng thủ của chúng nữa. Đồng thời ta xử dụng pháo 130 ly pháo sân bay Biên Hòa thì địch sẽ bị hạn chế khả năng cho phi cơ xuất kích yểm trợ.

Cũng quả thực tướng Đảo không biết được sự thay đổi kế hoạch của Trung ương cục miền Nam chỉ đạo từ Hà Nội. Nhưng ông làm đươc gì hơn với chức vụ tư lệnh một sư đoàn bộ binh trong giờ phút nguy nan nhất của cuộc chiến. Không một ai trong bộ tư lệnh Quân đoàn III ở Biên Hòa, có ý niệm địch sẽ siết chặt Biên Hòa-Sài Gòn với hai gọng kềm (hướng bắc và đông) bằng cách cắt Quốc lộ 1 ở Dầu Giây và Quốc lộ 15 ở Long Thành qua thay đổi quan niệm chiến thuật theo tình hình thực tế nên bỏ qua Long Khánh nơi họ đã thực sự thất bại và biến thất bại nầy thành một kế nghi binh. Kế sách nầy càng thêm hữu hiệu khi mặt trận được tăng cường thêm hai đơn vị mới, Sư đoàn 325, tổng trừ bị quân đội miền Bắc, đơn vị chủ lực trong trận tấn công Nha Trang, Phan Rang ngày đầu tháng 3.

Chiến trận lắng xuống, các đơn vị Bắc quân dần rút đi, chỉ còn pháo kích cầm chừng vào các vị trí phòng thủ. Ngày 20-4, tướng Toàn đích thân đến giao cho tướng Đảo một lệnh mơ hồ: Rời bỏ Xuân Lộc về bảo vệ mặt trận Sài Gòn. Hoá ra Bắc quân đã hoàn tất kế sách bỏ trống Xuân Lộc từ một tuần trước. Thiếu tướng Đảo phản đối, nhưng viên tướng tư lệnh khẳng định: Đó là lịnh của ông Thiệu! Tướng Lê Minh Đảo chỉ có đúng nửa ngày để hoàn tất một kế hoạch rút quân. Hành quân rút lui là hình thái hành quân khó nhất. Bởi đã mang sẵn mầm thất bại. Những danh tướng của quân sử thế giới mấy ai thực hiện được kể cả Hốt Tất Liệt, Napoléon, Rommel. Nhưng như phép màu, thiếu tướng Đảo đã hoàn tất cuộc lui binh về Bà Rịa, bảo toàn đơn vị, vũ khí, thậm chí đến hai khẩu pháo 175 ly hạng nặng cũng giao lại đủ cho quân đoàn.

Khi Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng, buông súng, Thiếu tướng (1) Lê Minh Đảo dừng quân trên xa lộ Biên Hòa, nhìn vào hướng trường Bộ binh Thủ Đức, Long Thành, Bà Rịa, và xa kia Xuân Lộc, Long Khánh, gần hơn là nghĩa trang Quân đội. Ông thấy thấp thoáng bức tượng “Tiếc thương” tạc hình “Người lính chờ đợi” in hình trong không gian mờ khói đạn.

Người lính cuối cuộc chợt thoáng nhớ những lời thơ ngắn,

Vì anh là lính áo rằn. (2)
Ra đi nào biết mấy trăng mới về…

(Phan Nhật Nam)

(1) Sau trận Xuân Lộc, tướng Đảo được Tổng thống Trần Văn Hương thăng cắp thiếu tướng.

(2) Những câu thơ trên của em Chuẩn tướng Lê Minh Đảo, Trung tá Lê Hằng Minh, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 TQLC “Trâu Điên”, người lính đã ra đi từ một ngày hè năm 1966 nơi chiến trường ở chân cầu thuộc Phong Điền, Thừa Thiên. (Phan Nhật Nam)

 

Phi Ngọc Hùng
tạp ghi sau 40 năm
304Đen – Llttm - VT

No comments: