Monday, January 25, 2021

Khào Luận Về Thơ Mới - Nguyễn Cang & Hương Lệ Oanh biên soạn

 

KHẢO LUẬN VỀ THƠ MỚI






Hoàn cảnh xuất hiện thơ mới - Khái niệm về thơ cũ, thơ mới

     Thơ cũ là thơ viết theo lối cũ hoặc Đường luật hay cỗ phong có luật lệ nhất định. Thơ mới là thơ không theo luật lệ của thơ cũ, tức phá bỏ những niêm, luật, đối nhưng vẫn giữ vần điệu

Thơ mới ra đời, tạo nên bước ngoặt trong lịch sử thi ca Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm, sóng gió, thơ mới cùng với thời gian,  có một chỗ đứng vững chắc khi  được trả về đúng  giá trị đích thực của nó. Dòng Thơ mới xuất hiện trên văn đàn nước ta như một luồng gió mới thổi vào nguồn sống, tạo nên nét mới, từ nội dung cho đến hình thức thể hiện. Ngoài ra Thơ Mới còn phát xuất từ hoàn cảnh cụ thể của nước ta thời bấy giờ.  Thơ mới là cả “một cuộc cách mạng trong thi ca”, khơi nguồn và mở ra một miền sáng tạo mới dào dạt, tươi tắn của thơ ca nước nhà. Ngoài ra phải kể đến những năm đầu thế kỷ XX, cùng với chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, nền văn hóa, văn học phương Tây tràn vào nước ta như ngọn gió lạ mang sinh khí mới thổi vào văn đàn nước ta. Quá trình mở mang văn hóa, đô thị hóa, sự xuất hiện đội ngũ trí thức Tây học cùng sự phát triển rộng rãi của kỹ thuật in ấn, xuất bản đã dẫn đến nhu cầu phải đổi mới thơ ca. Nền văn học cổ điển dẫu mang lại nhiều tác phẩm giá trị như: Hồng Đức Quốc Âm Thi tập của vua Lê Thánh Tông, thơ chữ Nôm của bà Hồ Xuân Hương, thơ chữ Hán và truyện Kiều của Nguyễn Du v.v.  nhưng sự gò bó khuôn thước, tính quy phạm, ước lệ, đã trở nên không còn phù hợp với nhu cầu đời sống của một xã hội với tư duy của con người mới. Bắt đầu phong trào thơ mới phải kể trứơc tiên là bài thơ "Con Ve và Con Kiến" của Nguyễn Văn Vĩnh,  dịch bài thơ của LaFontaine, đăng ở Đông Dương tạp chí năm 1914 số 40,  theo thể tự do khác  hẳn thơ cũ:

Con ve sầu kêu ve ve

Suốt mùa hè

Ðến kì gió bấc thổi

Nguồn cơn thật bối rối...

Ðây là bài thơ dịch theo thể thơ tự do và được người đọc rất hâm mộ, chính là cơ sở cho một thể thơ mới ra đời.

Kế đến là bài Tình Già (1932) của Phan Khôi, đăng trên tờ Phụ Nữ Tân Văn nhằm cổ vũ cho loại thơ mới, từ đó thơ mới được hình thành và phát triển mạnh mẽ:

Hai mươi bốn năm xưa,

một đêm vừa gió lại vừa mưa,

Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ,

hai cái đầu xanh kề nhau than thở:

“Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng,

mà lấy nhau hẳn đà không đặng:

Để đến nỗi tình trước phụ sau,

chi bằng sớm liệu mà buông nhau!”

“Hay nói mới bạc làm sao chớ!

buông nhau làm sao cho nỡ?

Thương được chừng nào hay chừng ấy,

chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy!

Ta là nhân ngãi, đâu phải vợ chồng,

mà tính chuyên thuỷ chung!”

Hai mươi bốn năm sau,

tình cờ đất khách gặp nhau:

Đôi cái đầu đều bạc. Nếu chẳng quen lung,

đố có nhìn ra được?

Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi,

con mắt còn có đuôi.

Phan Khôi, 1932

Thơ mói bùng phát mạnh từ sau những cuộc khởi nghĩa thất bại của Nguyễn Thái Học cũng như phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu bị Pháp giải tán và bắt giam cho tới chết, sĩ phu Việt Nam như cùng đường, bế tắc trong cuộc sống cũng như bế tắc về đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc. Họ chuyển sang đấu tranh chính trị bằng đường lối tuyên truyền và dùng thơ văn diễn đạt tư tưởng. Nếu cứ theo lối cũ dùng thơ Đường, cổ phong, thơ lục bát, song thất lục bát, ngũ ngôn thì không đủ sức thuyết phục, cho nên họ đi tìm nguồn cảm hứng mới làm nền tảng và phương tiện diễn đạt tư tưởng, ý muốn, nói lên tinh thần đấu tranh dân tộc. Đo đó thơ mới được khai sinh và phát triển mạnh trong giai đoạn 1932- 1945.

Mãi về sau khi sự phát triển  đến cao độ ở thơ của: Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Huy Cận,…thơ mới đã thực sự làm “một cuộc cách mạng trong thi ca”.  Dòng Thơ mới đã khơi nguồn cho một lối tư duy thơ mới mẻ, đã mở ra nguồn cảm hứng với  bao khám phá mới. Thơ mới ví như một khu vườn với nhiều hoa thơm bát ngát mà hoa nào cũng lạ, nhiều màu sắc rực rỡ.  Với sự đổi mới về tư duy sáng tạo, đổi mới từ hình thức nghệ thuật cho đến nội dung, tư tưởng, mạnh dạn đưa cái tôi cá nhân vào thi ca. Thơ mới đã góp phần giải phóng thơ ca khỏi những ràng buộc nghiêm ngặt về niêm, vần , luật, của thơ cũ. Sự bùng nổ cái tôi cá nhân và ngôn từ đã đưa nền thi ca nước ta vào một thời đại mới trong nền văn học nước nhà.

B. Lý do xuất hiện thơ mới.

Vì thơ cũ nhất là thơ Đường  có những quy định nghiêm nhặt về luật bằng trắc, niêm, đối nên khó theo. Các thi gia nhận thấy những luật lệ trên quá khắc khe làm ngăn cản nguồn cảm hứng thi tứ khiến cách diễn đạt không được tự nhiên đôi khi gượng ép mất hay, cố ép quá thì bài thơ có xác mà không hồn. Bởi vậy các thi gia mới phá bỏ những luật lệ ấy để được tự do diễn đạt tư tưởng, ý nghĩ mình một cách trung thực và tự nhiên do đó mới có thơ mới và phong trào thơ mới sau nầy. Các  thi gia Việt Nam đi tìm nguồn cảm hứng ở nền thi ca Pháp, họ nhận thấy thơ Pháp không hạn chế về số câu, số chữ, cũng không cần niêm luật hay phép đối gì cả mà thơ vẫn hay vẫn truyền cảm nên họ mới đem áp dụng một cách rộng rãi vào thơ ta.  Trong thơ của người Pháp chỉ có mấy lối thơ định thể như: Sonnet,Ballade, Rondeau,là đã ấn định sẵn số câu, và cách hiệp vận còn lại đều theo cách thức thông thường nhưng áp dụng rộng rãi mà  thể hiện ban đầu ở Việt Nam là bài thơ của Nguyễn Văn Vĩnh và bài của Phan Khôi kể trên. Trước khi tìm hiểu cặn kẽ thơ mới, chung ta cần lướt qua các nhận định về thơ mới của các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu văn học.

C. Các nhận định về thơ mới.

1. Chính Phan Khôi người đề xướng ra nó cũng chưa biết gọi tên là gì, chỉ giới thiệu sơ lược trên Phụ Nữ Tân Văn số 122, 1932 như sau: "Tôi sắp loan bày ra một lối thơ mới vì nó chưa thành thục nên chưa có thể đặt tên là gì được, song có thể cứ cái đại ý của lối thơ mới nầy ra, là : đem ý có thật trong tâm khảm mình tả ra bằng những câu có vần mà không phải bó buộc bởi niêm luật gì hết".

2. Hoài Thanh Hoài Chân, tổng kết phong trào thơ lại cho rằng: "Không thể hiểu theo cách định nghĩa của ông Phan Khôi, Thơ tự do chỉ là một phần nhỏ trong thơ mới.  Phong trào thơ mới trước hết là một cuộc thí nghiệm táo bạo để định giá trị những khuôn phép xưa".

3. Huy Cận cho rằng: "Thơ mới đã tạo ra cảm xúc thi ca chung cho cả thời đại, và những bài thơ đương thời có giá trị đều được sáng tác với luồng cảm xúc mới ấy cho dù các đề tài mà các tác giả lựa chọn có thể rất khác nhau. Thơ mới tiếp tục sống tiếp tục phát triển nở nhiều hoa kết nhiều trái qua các giai đoạn phát triển của thơ ca dân tộc".

4. Với Phan Cư Đệ: "Thơ mới ở đây là phong trào thơ ca lãng mạn 1932-1945 mang ý thức hệ tư sản và quan điểm Nghệ thuật vị nghệ thuật".

5. Với Nhóm Lê Quý Đôn: " Phong trào thơ mới cũng như khuynh hướng lãng mạn nói chung là biểu hiện của cá nhân tư sản".

D. Vậy thơ mới là gì?

Giáo sư Dương Quảng Hàm đưa ra một định nghĩa ngắn gọn sau đây: "Thơ mới là một thể thơ không theo quy củ của lối Đường luật, nghĩa là không hạn chế số câu số chữ, không theo niêm luật, chỉ cần có vần có điệu".

Những  thi sĩ gần đây như Nguyễn Khắc Hiếu, Trần Tuấn Khải, Đông Hồ (Lâm Tấn Phác) v.v. . . Viết theo lối thơ cũ hoặc Đường luật hay cổ phong nhưng sau đó  phá bỏ luật lệ của lối thơ cũ, được mệnh danh là “Thơ mới”. 

    Như vậy thơ mới là cách gọi trào lưu sáng tác thơ phi cổ điển, chịu ảnh hưởng các phép tắc tu từ, thanh vận, nhịp điệu của thơ hiện đại phương Tây, trở thành một hiện tượng mới, phát triển dựa trên yêu cầu cấp thiết của thi ca truyền thống

E. Những nét khác biệt trong thơ mới:

Thơ mới ra đời vào khoảng năm 1932 và phát triển như vũ bão trong khoảng 2 thập niên (1932-1945) để lại dấu ấn quan trọng trong lịch sử văn học, thơ ca Việt Nam, đồng thời tạo được thế đứng vững chắc với những cái tên lẫy lừng như TTKH, Thâm Tâm, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Thế Lữ, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính vv…. Theo tài liệu của học giả Dương Quảng Hàm, thì người ta có thể liệt kê ra những điểm khác biệt như sau:

I. Về mặt   Hình Thức.

 

  Thơ mới không tuân theo vần, luật, niêm của các thể loại thơ cổ  ( thơ đường luật, cổ phong…). Vần luậtniêm , phép đối, của cổ thi đã quá gò bó trong việc thể hiện tiếng thơ của con người.

 _ Khuynh hướng chung của thời kỳ THƠ MỚI ( năm 1932-1945) là khuynh hướng lãng mạn, là lý tưởng biểu đạt cái  tự do hóa ,thi vị hóa cuộc sống nhiều rối ren, tơi bời của xã hội  cũng như tâm trạng buồn sầu, u uất, lạc lõng giữa dòng đời. Nhiều rạo rực, âu lo, băng khoăn, nhiều khát vọng một cách vội vã, căng thẳng, những ước mơ chưa thành.

-Thơ mới là thơ của cái "tôi" chưa bao giờ được biết đến trong thơ cổ điển. Cái "tôi" bấy giờ không làm công việc "tải đạo" nữa mà vượt lên những công thức ước lệ, khuôn khổ luật định, để đứng hiên ngang, thể hiện bản ngả độc đáo của mình. Chính cái mới này đã quyết định sự ra đời của thơ mới.

 Thể cách lối thơ mới qua các tác phẩm đã xuất bản,  thì  như sau:

 

Số câu trong bài và trong khổ.

1. Số câu trong bài, không nhất định, có khi đặt các câu liên tiếp nhau từ đầu tới cuối, có khi chia các câu trong bài thành nhiều khổ. Số câu trong khổ cũng không nhất định: hoặc 4 câu, hoặc 6 câu, hoặc 8 câu, cũng có khi các khổ trong một  bài cũng dài ngắn khác nhau:

Khổ:

*hoặc 4 câu:

Ví dụ 1:

 

Lần cuối ta về mưa nửa đêm

Căn nhà xưa ấy đã buông rèm

Dăm ba con dế nơi thềm cũ

Vẫn nhớ ca bài ca rất quen.    

(Thế Lữ)

Ví dụ 2:

Được tin em sắp lấy chồng

Anh cười đã lắm, anh buồn cũng ghê.

Em ơi, em nuốt lời thề

Anh lầm anh tưởng gái quê thật thà.

 (Em Sắp Lấy Chống /Hàn Mặc Tử)

 

*hoặc 6 câu :

Đã trong tư thế nghê kình

Dám cầm gương, tự sửa mình trước gương

Lại vì hai tiếng "yêu thương"

Gian nan trăm trận phá đường mà lên

Tự mình đóng lại yên cương

Ngọn roi tráng sỹ dặm trường đã quen.

( Bài ca Tự tình/ Lưu Trọng Lư)

*hoặc 8 câu:

Ví dụ 1:

Mùa thu lá bay, anh ở đâu?
Để nỗi nhớ thương hóa âu sầu
Từng chiều, từng chiều trong đơn chiếc
Mình em đếm lá, rớt giọt châu.
Vời vợi mây chiều trôi nơi đâu?
Để khoảng trời xanh thăm thẳm màu
Nỗi niềm bâng khuâng sao trống trải
Lá cứ rơi hoài, Thu xót không?

( Xót Thu/ Ngân Giang)

Ví dụ 2:

Giấy mực đau lòng chữ nghĩa
Tài hoa phô giữa chợ đời
Những nghĩ e hồng thẹn tía
Chi cho bướm cợt ong cười
Mấy độ phai sương nhạt nắng
Mắt xanh còn luyến gót đường
Giữ chút niềm Trinh ý Trắng
Gửi lòng tri kỷ muôn phương

( Giữa chợ đời/ Đông hồ Lâm Tấn Phác)

2. Số câu trong  khổ

Có khi chia các câu trong bài thành nhiều khổ. Số câu trong khổ thường là 4 câu   như trong  "Bài thơ thứ nhất" (TTKH):

khổ  1:

Thuở trước hồn tôi phơi phới quá,
Lòng thơ nguyên vẹn một làn hương...
Nhưng nhà nghệ sĩ từ đâu lại,
Êm ái trao tôi một vết thương.

 

Khổ 2:

Tai ác ngờ đâu gió lại qua,
Làm kinh giấc mộng những ngày hoa,
Thổi tan tâm điệu du dương trước
Và tiễn người đi bến cát xa.

 

Khổ 3:

Ở lại vườn Thanh có một mình,
Tôi yêu gió rụng lúc tàn canh;
Yêu trăng lặng lẽ rơi trên áo,
Yêu bóng chim xa nắng lướt mành. ...

( Bài thơ thứ nhất/ TTKH)

 

3. Số chữ trong câu :

 a. Số chữ trong câu không nhất định, ngắn 2 chữ, dài đến 12 chữ:    

 

Phần nhiều bài viết theo những câu có số chữ nhất định. Những câu thường sử dụng là:

b. Câu 5 chữ. Thí dụ bài "Ông Đồ" ( Vũ Đình Liên):

 Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua

Ông đồ vẫn ngồi đấy

Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi baỵ
Năm nay đào lạinở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

 

c. Câu 7 chữ. Thí dụ bài "Mưa Xuân I" ( Nguyễn Bính):

Khổ 1&2:

Em là con gái trong khung cửi

Dệt lụa quanh năm với mẹ già

Lòng trẻ còn như cây lụa trắng

Mẹ già chưa bán chợ làng xa

 

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay

Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy

Hội chèo làng Ðặng đi ngang ngõ

Mẹ bảo: “Thôn Ðoài hát tối nay”...

(Mưa Xuân I /Nguyễn Bính)

 

d.Câu 8 chữ. Thí dụ bài "Đánh lừa" (Hàn Mặc Tử) :

Khổ 1&2:

Nói trăng rằm là nói cuộc đoàn viên

Nói trăng khuyết là nói hồi ly biệt

Không thấy mộng là tình chưa thống thiết

Vắng hương hồn e gió bớt say sưa

Giọng hôm nay còn luyến giọng hôm xưa

Son phấn cũ thơm bằng son phấn mới

Càng tuyệt vọng lại càng như mong mỏi

Càng xa nhau càng thấy được gần nhau...

(Đánh lừa / Hàn Mặc Tử)

e. Câu 10 chữ. Thí dụ bài Trên đường về:

 

(Bốn câu đầu)

Chiều thu. Sau rặng tre xa, mặt trời khuất bóng
Ánh vàng còn rải rác trên cánh đồng xanh rộng
Đám mây chiều trắng xám đã nổi ở chân trời

Từ xa lại, gió thu làm man mác lòng người.

(Nguyễn Văn Kiện)

 

f. Nhưng thỉnh thoảng có bài gồm những câu dài ngắn khác nhau sắp đặt không theo thứ tự nhất định. Thí dụ bài "Tiếng trúc tuyệt vời" của Thế Lữ:

( khổ 2)

Ánh chiều thu
Lướt mặt hồ thu,
Sương hồng lam nhẹ lan trên sóng biếc,
Rặng lau già xao xác tiếng reo khô.
Như khua động nỗi nhớ nhung, thương tiếc
Trong lòng người đứng bên hồ.

 

g. Có bài các khổ đều đặt những câu dài ngắn khác nhau nhưng theo thứ tự nhất định. Ví dụ: Trong bài Cùng Mặt Trời, trích lục một khổ dưới đây, khổ nào cũng đặt thành những câu: 8+8+8+8+8+4+4+10 chữ.

Cùng mặt tròi (khổ thứ 3)

8.Khi trời biết bị mây tối phủ che,

8.Ta ôm đàn, lẳng lặng lắng tai nghe

8.Trên trời đen nghịch vang lừng sấm động

8.Chớp nhoáng xé mây rừng ầm ỹ rống

8.Gió điên cuồng gọi sóng sấn lên bờ

4.Dưới ánh sáng mờ

4.Mặc cho sét nổ

10.Người trên cao, ôi mặt trời! nhạo cơn giông tố.

Huy Thông (trong Phong Hóa số 65 trang 3) 

h. Có khi cả bài dùng một số câu có số chữ nhất định, nhưng xen vào một ít câu ngắn hơn hoặc dài hơn. Thí dụ: bài Nhớ rừng (khổ thứ ba)

8 __ Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
8 — Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan;
9 — Đâu những ngày mưa chuyển động bốn phương ngàn.
9 — Ta lặng ngắm cảnh giang sơn ta đổi mới?
9 — Đâu những buổi bình minh cây xanh nắng gội,
8 — Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
9 — Đâu những buổi chiều lênh láng máu sau rừng,
8 — Ta đợi tắt mảnh mặt trời gay gắt?
8 — Để chiếm lấy phần tối tăm bí mật?
8 — Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?
(Thế Lữ)

II.Về nội dung:

Cách hiệp vần

Có hai sự thay đổi trong cách gieo vần:
1) Trong một bài thơ, thường mỗi câu mỗi gieo vần. Tuy vậy, cũng có bài có câu không có vần.
2) Các câu trong bài hiệp vận theo nhiều vần, vừa vần bằng, vừa vần trắc, chứ không hiệp theo  một  vần như thể thơ Đường luật.
 
a.Vần liên tiếp: hai vần bằng rồi đến hai vần trắc; hoặc ngược lại. Thí dụ bài  "Chưa Bao Giờ Thương Thế" (Bàng Bá Lân).

Đời ta bao lần dại,
Chỉ vì nhiều tự áị
Đòi hỏi nơi người tình
Một lòng yêu băng trinh.

 

b. Vần gián cách: một vần bằng rồi đến một vần trắc hoặc ngược lại. Thí dụ  "Khúc ca hoài xuân" (Thế Lữ)

Tiếng ve ran trong bóng cây râm mát,(vt)
Giọng chim khuyên ca ánh sáng mặt trời.(vb)
Gió nồng reo trên hồ sen rào rạt.(vt)
Mùa xuân còn, hết? Khách đa tình ơi!(vb)

c. Vần ôm : giữa hai vần trắc xen vào hai vần bằng hoặc trái lại. Thí dụ: bài Hồn xưa của Vũ Đình Liên

(khổ thứ I)

 Lặng lẽ trên đường lá rụng mưa bay, (v.b)
 Như khêu gợi nỗi nhớ nhung thương tiếc (v.t)
 Những cảnh với những người đã chết, (v.t)
Tự bao giờ còn phảng phất nơi đây! (v.b)
    

d.Vần hỗn hợp:

các vần bằng trắc không theo thứ tự nhất định. Thí dụ: Tiếng trúc tuyệt vời (khổ thứ I):

Tiếng địch thổi đâu đây, (v.b)
Cớ sao nghe réo rắt? (v.t)
Lơ lửng cao đưa tận lưng trời xanh ngắt (v.t)
Mây bay… gió quyến, mây bay… (v.b)

Tiếng vi vút như khuyên van, như dìu dặt (v.t)
Như hắt hiu cùng hơi gió heo may, (v.b)

(Thế Lữ)

Hoặc:

Bài thơ "Hoa nở" của Nguyễn Văn Kiện

( khổ 1)

Giữa đám lá xanh đầm đìa hạt móc  (vt)

Lóng la lóng lánh dưới bóng vừng ô (vb)

Chân trời vừa mọc (vt)

Và bên đàn chim líu lo (vb)

Đóa hồng tươi rực rỡ như hòn ngọc (vt)

Nhịp điệu (Điệu thơ)

Nhịp Điệu:  nghĩa đen là cung bậc của âm nhạc.

Nói về thơ thì nhịp điệu là sắp đặt và phân phối các tiếng ( bao gồm việc ngắt câu thành đoạn nhỏ tạo nên nhịp)  trong câu thơ sao cho âm thanh và tiết tấu được êm ái dễ nghe và hợp với tình ý trong câu. Chính cái nhịp điệu ấy, khi dịu dàng, khi mạnh mẽ, khi nhặt, khi khoan, làm cho bài thơ có sự điều hòa như một khúc âm nhạc. Điệu là một phần tử cốt yếu của thơ. Thơ khác văn xuôi không phải chỉ ở vần, mà thứ nhất là ở điệu nữa. Điệu do 2 nguyên tố hợp lại thành: 1- âm thanh; 2- tiết tấu.

 

1.Âm thanh

 Về âm thanh, lối thơ Đường luật phải theo đúng những luật nhất định để sắp đặt tiếng bằng tiếng trắc. Tuy những luật ấy làm cho câu thơ êm ái, nhưng vì phải bó buộc về thứ tự bằng trắc,niêm luật  nên các nhà làm thơ khó lựa chọn các tiếng cho âm hưởng câu thơ hợp với tình ý muốn diễn đạt. Nay các nhà làm thơ mới không phải bó buộc trong các luật ấy, nên dễ lựa chọn các âm thanh, cho phù hợp với tình ý trong câu thơ, như dùng những tiếng có âm thanh nhẹ nhàng để diễn tả những tình cảm êm đềm, sầu thảm, tha thiết, những tiếng có âm thanh mạnh mẽ để diễn tả những tình cảm mãnh liệt, hùng dũng,  v.v… Thí dụ: mấy câu thơ sau này tả cái oai lực dũng mãnh của con hổ ở trong rừng có những tiếng  đọc lên có giọng mạnh mẽ:

Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ
Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa
Nhớ cõi sơn lâm, bóng cả cây già,
Với khi tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi
Với khi thét khúc trường ca dữ dội
Ta bước chân lên, dõng dạc đường hoàng
 (Thế Lữ)

 

2. Tiết tấu

Tiết tấu nghĩa là nhịp nhàng. Tiết tấu là do cách ngắt câu thơ thành từng đoạn dài ngắn khác nhau mà thành.

Trong lối thơ cũ thì câu ngũ ngôn thường ngắt làm: trên 2 chữ, dưới 3 chữ,  hoặc ngắt làm: trên 1 dưới 4 hoặc trên 4 dưới 1. Thí dụ bài Khóm gừng tỏi:

Lởm chởm / gừng vài khóm,
Lơ thơ / tỏi mấy hàng.
Vẻ chi / là cảnh mọn
Thế mà / cũng tang thương
 (Ôn Như Hầu)

Còn câu thơ thất ngôn thì có hai cách ngắt: hoặc trên 4 dưới 3; hoặc trên 2 dưới 5. Thí dụ bài Qua Đèo Ngang:

Bước tới Đèo ngang, / bóng xế tà;
Cỏ cây chen đá / lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, / tiều vài chú;
Lác đác bên sông, / chợ mấy nhà.
Nhớ nước / đau lòng con quốc quốc;

Thương nhà / mỏi miệng cái gia gia.
Dừng chân đứng lại: / trời, non, nước;
Một mảnh tình riêng / ta với ta.
(Bà huyện Thanh Quan)

Các cách ngắt ấy vì ít thay đổi, nên điệu thơ thành ra buồn tẻ.  Tóm lại  nhịp điệu  ( điệu thơ):

a. Lối thơ cũ thật là buồn tẻ, không thể dùng để thổ lộ tỉnh cảm của nỗi lòng  con người cho thỏa đáng.     

b. Nay các nhà làm thơ mới phỏng theo cách ngắt câu ở thơ Pháp mà tùy theo tình ý trong bài ngắt câu thành những đoạn dài ngắn khác nhau không theo lệ định trước. Lại dùng lối đem xuống đầu câu dưới một vài chữ làm lọn nghĩa câu trên để người đọc phải chú ý đến mấy chữ ấy. Thí dụ 7 câu đầu trong bài Bóng mây sầu:

Bấy lâu nay / xuôi ngược trên đường đời
Anh thấy chăng? / Tôi chỉ hát, / chỉ cười,

Như vui sống mãi / trong vòng sung sướng
Là vì tôi muốn / để cho lòng tôi tưởng,
Không bao giờ / còn vết thương đau
Không bao giờ / còn thấy bóng mây sầu
Vương vít nữa./ Bạn ơi / nào có được.
(Thế Lữ)

Tính chất cơ bản trong thơ mới

Như đã trình bày ở trên , thơ mới phải có 3 tính chất quan trọng gọi là cốt lõi thơ mới, đó là “cái tôi” chủ thể nhân vật đại từ, trữ tình lãng mạn và nghệ thuật sử dụng ngôn từ.   Các nhà thơ mới quyết ly khai  với thơ cũ, tìm nguồn  cảm hứng mới bằng những sáng tác có giá trị , khẳng định  vai trò thơ mới trong văn học Việt Nam, thắng thế trong những cuộc tranh luận giữa thơ cũ và mới, kéo dài 10 năm ( từ 1932-1941) .

Theo Hoài Thanh: "Cũ và Mới khác nhau chủ yếu ở tinh thần: thơ cũ chứa ta, thơ Mới chứa tôi. Thơ Mới là thơ cũ được làm mới".

Vậy tinh thần thơ mới là gì ?

Thơ cũ thường dùng chữ TA ít dùng chữ TÔI, còn thơ mới thường dùng chữ TÔI ít dùng chữ TA. Nói chung tùy trường hợp mà dùng TÔI hay TA. Ví dụ:

Lũ chúng TA, lạc loài, dăm bẩy đứa,

Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh,

Bể vô tận sá gì phương hướng nữa,

Thuyền ơi thuyền! Theo gió hãy lênh đênh.

(Phương xa / Vũ hoàng Chương)

Hay bài "Tôi đưa em sang sông" của Y Vũ & Nhật Ngân:

TÔI đưa em sang sông, chiều xưa mưa rơi âm thầm.

Để thấm ướt chiếc áo xanh và đẫm ướt mái tóc em.

Nếu xưa trời không mưa, đường vắng đâu cần tôi đưa.

Chẳng lẽ chung một lối về, mà nỡ quay mặt bước đi.

 Vấn đề lãng mạn trong thơ mới sẽ được trình bày ở phần "Nguồn thi hứng trong thơ mới" bên dưới.

Về ngôn từ: tùy thuộc ở khả năng mỗi người.Các nhà thơ cũ thường dùng lối thơ cổ điển Đường thi để ngâm vịnh những đề mục cũ hay diễn tả nỗi niềm tâm sự bằng ngôn từ đậm màu sáo ngữ, tuyệt đối  bắt chước phong cách các nhà thơ đi trước, tạo thành những bài thơ có xác mà không hồn! Trải qua mấy trăm năm nền thi ca Việt nam vẫn lấy nguồn cảm hứng

đó, ca ngợi phong cảnh thiên nhiên sông núi, đất nước và anh hùng dân tộc. Tình cảm đó như in sâu vào lòng người, nhất là chuyện ái tình thỉnh thoảng cũng được đề cập nhưng theo một khuôn mẫu khác.

Theo tinh thần mới thì những tình tự, những cảm hứng, những cảnh vật đều được diễn tả theo phong cách mới.

Đối với các nhà thơ cũ thì thơ phải là cung đàn muôn điệu, tỏa đủ hương sắc giữa khung trời trăng thanh gió mát lung linh. Đề tài: "Mai lan cúc trúc" luôn luôn được dùng làm mẫu để tô thắm một bức tranh thủy mặc, xa rời thực tế    những khổ đau của người nông dân tay lấm chân bùn, bỏ quên những con đường nhỏ, loài hoa daị mọc bên đường. Các cụ dạy con cái phải  thấm nhuần triết lý tam giáo, đạo lý thánh hiền trong việc giáo dục gia đình, giữ lấy đạo trung hiếu, đạo làm con, nhất là tinh thần Khổng giáo nên các cụ ca tụng gương tốt của giai cấp quyền cao chức trọng, của con cái nhà quyền quý cao sang  mà quên đi những đau khổ những bất công trong xã hội nhất là giới bình dân, gia cấp thấp hèn. Các quan trong triều, các sĩ phu trong nước lúc nào cũng sử dụng thơ văn để ca tụng triều đại đang sống dù sự thật có thế nào. Đó là ý tưởng cũ thời phong kiến.

Những nhà làm thơ mới muốn thoát ly với lề lối cũ để tìm đề mục mới, nguồn cảm hứng mới thiết thực và gần gũi với đời sống bình thường. Họ bắt chước cách diễn tả trong thơ văn Phap bằng cách tả tỉ mỉ rõ ràng mà không phát thảo sơ sài như lối cũ. Tả một người con gái đẹp họ không dùng sáo ngữ: hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh" .

Ta có thể dẫn chứng bằng hai tác phẩm của hai nhà thơ lớn của đất nước đã  sáng tác thơ theo lối cũ.

Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu (mà người miền Nam thường gọi là thơ Lục Vân Tiên) là một cuốn tiểu thuyết về luân lý, cốt bàn đạo làm người với quan niệm văn dĩ tải đạo. Tác giả muốn đem gương người xưa mà khuyên người ta về cương thường – đạo nghĩa. Những câu thơ thật cổ:

"Trai thời trung hiếu làm đầu / gái thời tiết hạnh làm câu trau mình" một thời được ca tụng là hay!

Truyện Gia huấn ca gồm mấy bài ca dạy vợ, con, vợ khuyên chồng, khuyên dạy học trò sửa đức, chăm học. Lời văn bình dị, trôi chẩy, viết trên sáu dưới tám, có khi xen câu bảy chữ ; thỉnh thoảng một vài chữ ngày nay ít khi dùng đến, chứng tỏ là một tập văn cổ, song không biết có phải đích thực ông Nguyễn Trãi soạn không. Mở đầu tập thơ Gia Huấn Ca có những câu như sau:

"Đặt quyển sách, vắt tay nằm nghĩ,

Hễ làm người dạy kỹ thì nên,

Phấn son cũng phải bút nghiên,

Cũng nhân tâm ấy há thiên lý nào".

Lời và ý thơ cũng rất xưa cũ.

Xu hướng chung của các nhà làm thơ mới là muốn tim ra hướng đi mới cho thi ca bằng cách làm mới tinh thần bài thơ trong sáng tác, nhưng kết quả tùy thuộc vào tài làm thơ của mỗi người.

Nguồn thi hứng trong thơ mới

Về mặt này, so sánh với thơ cũ, thơ mới tiến xa hơn, trình bày cởi mở hơn, chân thành tha thiết hơn, say đắm, nồng nàn và mơ mộng hơn,

Trước hết Thơ mới mang tính  lãng mạn,   trữ tình  đầy sóng gió , trao nhau những yêu thương tuyệt vời, những gắn bó keo sơn, những bồn chồn  khắc khoải chờ mong, những thao thức  bàng hoàng,  những  mộng mơ  sầu thảm  ứa lệ, những lâng lâng  khi tình yêu vừa đến hoặc vỗ cánh bay đi,  tan vỡ mộng đời. Thơ mới hòa mình vào thiên nhiên, mượn cảnh tả tình một cách kín đáo thật linh động đầy cảm xúc trong trái tim con người với những niềm vui, nỗi khổ khôn nguôi .

Đề tài và thi hứng xoay quanh cái tôi lãng mạn có khi dâng cao như sóng vỗ vỡ bờ có khi tĩnh lặng hắt hiu.

 

1. Lãng mạn: Thí dụ bài thơ Một chút tình của Lưu Trọng Lư

Chưa biết tên nàng, biết tuổi nàng,
Mà sầu trong dạ đã mang mang.
Tình yêu như bóng trăng hiu quạnh
Lạnh lẽo đêm trường, giãi gió sương.
 

 

2. Trữ tình lâng lâng:Thí dụ bài thơ  Chùa hương của Nguyễn Nhược  Pháp:  

Đêm hôm ấy em mừng!
Mùi trầm hương bay lừng.
Em nằm nghe tiếng mõ,
Rồi chim kêu trong rừng.
        

 

  3. Trữ tình trong cái tôi  đau đớn, tuyệt  vọng:

Thí dụ bài Em lấy chồng của Hàn Mặc Tử:

 

Ngày mai tôi bỏ làm thi sĩ

Em lấy chồng rồi hết ước mơ

Tôi sẽ đi tìm mỏm đá trắng

Ngồi lên để thả cái hồn thơ.

Hay bài Hai sắc hoa ty gôn của TTKH:

Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng

Trời ơi, người ấy có buồn không?

Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ

Tựa trái tim phai, tựa máu hồng.

4. Trữ tình trong  nét  đẹp đồng quê .

Thí dụ bài Chân quê của Nguyễn Bính:

Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về

Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều

 

 

 5. Trữ tình trong tình nhớ vấn vương

Thí dụ bài thơ Một mùa đông của Lưu Trọng Lư

(khổ IV)

 

Hãy xếp lại muôn vàn ân ái

Đừng trách nhau đừng ái ngại nhau

Thuyền yêu không ghé bến sầu

Như đêm thiếu phụ bên lầu không trăng

Hãy như chiếc sao băng băng mãi

Để lòng buồn buồn mãi không thôi. 

 

6. Trữ tình  trong chiến đấu.

Thí dụ bài  thơ  Tây tiến của Quang Dũng:

 Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm .
 

 

 7. Trữ tình  trong mùa thu

 Thí dụ bài TIẾNG THU của Lưu Trọng Lư

 Em không nghe mùa thu,

Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực?
Hình ảnh kẻ chinh phu

Trong lòng người cô phụ?
Em không nghe rừng thu,

Lá thu kêu xào xạc:

Con nai vàng ngơ ngác,
 Đạp trên lá vàng khô?

Bài TIẾNG THU trên đây là Thơ 5 chữ, một trong các hình thức của THƠ MỚI với các đặc trưng vần ôm [1,4-2,3], vần gián cách [1,3-2,4]

Thơ 5 chữ thường viết thành khổ 4 câu. Bài TIẾNG THU này lại gồm cả thảy 9 câu.

ĐIỆP NGỮ “Em không nghe…” được Lưu Trọng Lư sử dụng 3 lần trong toàn bài, ta dễ dàng nhận ra là Lưu Trọng Lư đã viết một bài thơ 3 khổ, và mỗi khổ có số câu tăng dần 2,3 rồi 4 câu. Đây là một đặc điểm PHÁ CÁCH.

 

8. Trữ tình lãng mạn giữa thiên nhiên.

Thí dụ bài Màu tím hoa sim của Hữu Loan:

Một chiều rừng mưa

ba người anh,từ chiến trường Đông Bắc

được tin em gái mất trước tin em lấy chồng.

Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về
cỏ vàng chân mộ chí ….

Trong bài ngoài 2 nhân vật chính là anh lính và người vợ, còn có ba người anh. Ba người anh là nhân vật có thật: người anh cả là ông Lê Đỗ Khôi, làm Chính trị viên tiểu đoàn, hy sinh trên đồi Him Lam chỉ vài giờ trước khi trận Điện Biên Phủ kết thúc. Người anh thứ hai là ông Lê Đỗ Nguyên, tức Trung tướng Phạm Hồng Cư, làm đến Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, rể Giáo sư Đặng Thai Mai. Người anh thứ ba là ông Lê Đỗ An, tên công tác là Nguyễn Tiên Phong, làm đến Bí thư Trung ương Đoàn - Phó Ban dân vận Trung ương. Lúc đó cả ba người anh đều đang ở chiến trường Đông Bắc, do thư từ thời đó vận chuyển khó khăn nên họ nhận được tin em gái chết trước khi nhận được thư nhà báo tin em lấy chồng.  Ngoài ra, bà Lê Đỗ Thị Ninh còn có sáu em trai và hai em gái, theo gia phả họ Lê Đỗ ( tài liệu Wikipedia).

(Sanjose 15/1/ 2020)

Tổng hợp biên soạn: Nguyễn Cang & Hương Lệ Oanh.

Tài liệu tham khảo:

1.Bàng Lược Đồ Văn Học Việt Nam, quyển hạ, Thanh Lãng, nhà xuất bản Trình Bày, Sài Gòn 1966.

2.Văn Học Việt Nam, giáo sư Dương Quảng Hàm, Xuân Thu xuất bản.

3.Việt Nam Thi Văn Giảng Luận Toàn Tập, Hà Như Chi, nhà xuất bản Sống Mới.

4.Tài liệu văn học trên net.

No comments: