Sông Ông Lãnh (Sài Gòn 1952)
Tây đặt cho nó cái tên rất ngây
ngô là “Rạch Cắc chú” (Arroyo chinois).Tôi muốn ít lắm nó cũng được gọi là Lạch
Bến Nghé cho dễ nghe và cho gợi ý.Có người kêu nó là kênh Tàu Hủ.
Bình-Nguyên Lộc
Nhưng mấy anh bạn ghe thương hồ kêu
nó là Rạch Ông Lãnh, hay Sông Ông Lãnh. Tên sau đây có lẽ là tên vĩnh viễn của
nó bởi vì đó là cái tên của dân chúng đặt ra, chớ không phải của tác giả của
một quyển địa dư nào hết.
Thủ đô miền Nam là một thành phố mới.
Cây, lá, nhà, phố, phong tục, đều chưa mang được cái vẻ cổ kính, chưa biết kể
lể những kỷ niệm cảm động để quyến luyến con người.
Nhưng trong tình cảnh thiếu thốn bản
sắc riêng ấy, may thay, Sài Gòn còn được con Sông Ông Lãnh…
Con sông con thân mật, đứng bờ bên
nầy hú một tiếng là bên kia nghe liền…
Con sông gợi tình, thỉnh thoảng màu
nước trong xanh biến ra vàng sậm vì từ lòng cạn vẩn lên phù sa gợi nhớ Thủy
Chân Lạp hoang vu, nê địa, gợi nhớ cuộc đổ xô vào Nam, gợi hình ảnh đẹp đẽ của
đoàn người chiến đấu với thiên nhiên để khai thác đất mới…
Nhà Bè nước chảy chia hai,
Ai vào Bến Nghé, Đồng Nai thì
vào.
Con sông làm vận thừa cho một giang
cảng sầm uất, (cái bụng của Sài Gòn), tập trung tất cả ghe thương hồ của một
hậu phương trù phú.
Có ai nhìn thấy đám ghe thương
hồ ấy chưa, nhứt là vào lúc chiều tối khi các hoạt động kinh tế đã chấm
dứt? 1
Một người bạn ghe nào đó, không tiền
để đi hưởng các cuộc vui của thành phố tưng bừng, ngồi trong khoan thuyền gảy
nhẹ chiếc độc huyền, và cất giọng nói thơ.
Với tiếng nhạc quê mùa, hương gió của
Đồng Nai, mùi bùn của Ba Thắc, tất cả linh hồn của đất nước như đã theo thuyền
buôn mà về đây.
Con sông đặc biệt Á Đông với những
chiếc ghe dùng làm nhà, trên mui chưng vài ba cây cảnh, trước mui một con heo
đứng ngơ ngác nhìn bờ, một con gà muốn cất cánh bay mà ngại chết đuối.
Nên chi, đi xa mười năm, vẫn nhớ Sài
Gòn. Không nhớ những phố lớn, nhà cao, vô vị vì giống phố nhà nơi khác, mà nhớ
con sông nho nhỏ, khổ đau vì chở nặng những ghe chài khẳm lừ hàng hóa, thủ phận
người vợ hiền chăm nuôi con dại, và bỡ ngỡ như một chị nhà quê lạc lỏng vào
thành phố. Chị nhà quê nầy chỉ tìm lại được sự dễ chịu khi qua khỏi Xóm Củi,
Bình Đông, về tới ruộng lầy, với thiên nhiên, về giữa không khí riêng của chị.
Sông con ơi, Sài Gòn làm đỏm làm dáng
mà ngươi vẫn dơ, vẫn hôi mùi bùn non, mùi nước mắm, hôi cái mùi của những chị
cần lao. Nhưng chính cái mùi hỗn hợp ấy đã làm cho ngươi dễ thương biết bao.
Quà đêm trên sông Ông Lãnh (Sài
Gòn 1960)
Nếu ban ngày con sông Ông Lãnh rộn
rịp sanh hoạt với những ghe thương hồ chở khẩm lừ trái cây và các thứ hàng hóa
khác, thì về đêm, một sự sống âm thầm nhưng không kém linh động, nổi lên trong
khi người ta ngỡ con rạch ngủ yên.
Ở đây không có xe hơi, không có
rađiô, không có trẻ nô đùa, nên những tiếng bí mật của đêm trường mang rõ linh
hồn của nó, âm thanh có sự sống đã đành mà cho đến tiếng động, lắm khi cũng
thành nhạc.
Một chiếc xuồng tam bản, chuồi
êm rơ trên mặt nước, một mái chèo khua nhẹ trên dòng kinh, một đèn dầu leo lét
soi mờ bóng một cô chèo xuồng, rồi từ tất cả các thứ ấy, vẳng lên : “Ai… chè
đậu… cháo cá… hông ?”
Bất giác ta bị đẩy lùi về thế kỷ
trước và câu ca dao:
Bắp non mà nướng lửa lò,
Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm.
như được một người bình dân nào bập
bẹ cho nó thành hình, chập chững lần dò, bỏ một tiếng, thêm một lời, để tỏ tình
gián tiếp với cô bé chèo thuyền có tấm thân uốn éo như dòng sông uốn khúc.
Khách hàng dưới sông phần lớn là dân
quê, những trạo phu của ghe thương hồ. Vì thế quà ở đây cũng nấu theo lối quê,
thật thà nhưng đậm hương vị. Cháo cá ngọt cái chất ngọt của cá đen ở đồng chớ
không phải ngọt ngay nhờ bột ngọt hóa học như cháo trên bờ. Mùi thơm của chè
đậu trắng gợi nhớ mùa chè cúng đưa ông Táo ngày hăm ba Tết ở làng xa.
Lối bán hỗn hợp hai thứ quà mặn ngọt
này cũng là làm theo truyền thống nhà quê. Trên phố, người ta bán cháo cá vào
giấc sáng, thỉnh thoảng về đêm; chè đậu luôn luôn bán buổi trưa từ 11 giờ đến
hai giờ.
Quà trên sông Ông Lãnh luôn luôn nóng
hổi, vì bếp lửa khỏi phải gánh nặng nề, nên các nồi quà được nằm mãi trên
cà-ràng cho đến khi vơi tới đáy.
Ai đã ăn món xu xoa mật đường hạ trên
kinh Tàu Hủ vào mùa nực chưa ? Đường hạ đen sản xuất ở Biên Hòa tiết ra một mùi
thơm đặc biệt mà đường cát trắng không có được. Khi thứ đường hạ ấy được nấu
thành mật để ăn bánh đúc hoặc ăn tàu hủ (óc đậu), xu xoa, thì hương vị của nó
càng đậm đà hơn.
Ta cứ nghe như là phảng phất đâu đây
mùi đồng áng, mùi lò đường tiểu công nghệ với những đêm dài nổi lửa đốt lò, với
tiếng rít ghê rợn của các “ông che”.
Món xu xoa (thạch xoa) giống như vải
may áo mưa không thể thấm mật. Tuy thế mật đường hạ vẫn cố len lỏi xâm nhập vào
các mảnh quà ấy, thứ quà trơ trẽn không hương không vị, để giúp cho ta nuốt cho
trôi món giải khát đặc đó. Trên bờ, ăn xu xoa với đường cát khô, nghe như là
hai món riêng rẽ ra, cổ họng nhám ồ những kết tinh đường chưa tan.
Một văn hữu miền Bắc, khi mới vào Sài
Gòn, cách đây bảy năm, đã lấy làm ngộ nghĩnh cho lối bán quà và rao quà của
người miền Nam. Anh bạn thích nhất là món bột khoai…
Đó là thứ quà hỗn hợp và hỗn độn,
hình ảnh của những đợt sóng người tràn vào đây khai hoang đất mới, từ ba trăm
năm nay. Thứ chè ấy gồm cả những món ăn dùng để nấu thức ăn mặn như là bún Tàu
(miến), nấm mèo (mộc nhỉ), vân vân… Thật là hằm bà lằng, xà ngầu.
Đặc biệt nữa là khi rao quà, họ kể
hết các món ấy ra :
Ai… ăn bột khoai, bún Tàu… đậu xanh,
nước dừa, đường cát… hôn ?
Bản nhạc đêm trường ấy, từ mười năm
nay, trên bờ không ai được nghe nữa. Theo nhịp sống cấp tốc hiện tại, các chị
bán quà trên bờ đã rao tắt : “Ai… bột khoai?” Nhưng kinh Tàu Hủ cứ còn giữ
truyền thống cũ, và trong cảnh vắng lặng ở đây, nhạc điệu câu rao được khởi sắc
lên nhiều.
Khối người đã đẻ ra bản Vọng Cổ, cố
nhiên là phải xuất sắc trong việc nhạc điệu hóa một câu văn xuôi rất dài, và nghe
những tiếng kể món hàng một cách ngọt xớt ấy, tự nhiên bắt thèm chè bột khoai,
không cưỡng được nữa.
*
Từ mười mấy năm trước, chiến tranh đã
đẩy lên Sài Gòn nhiều nữ trạo phu chuyên chèo xuồng bằng hai cây chèo một lượt.
Trước kia chỉ ở Hậu Giang người dân mới biết chèo lối đó thôi. Dân Sài Gòn và
dân miền Đông ít khi được thấy xảo thuật ấy.
Cô bán bánh canh cá nầy, chắc lúc
trôi dạt đến đây, chỉ lên mười là cùng. Bây giờ cô đã hăm lăm và xử dụng hai
cây chèo bằng một tay thầy.
Nhưng khách thương hồ không mê lối
chèo choáng cả lòng sông của cô, không mê lối đẩy mông đá cẳng của cô mỗi bận
cô cất hay hạ mái chèo đôi, mà chỉ nghiện hương hành lá tươi của nồi bánh canh
cá trên xuồng của cô.
Dân Sài Gòn quả đã bỏ mất hết khiếu
tế nhị trong việc ăn uống. Người ta nấu bánh canh giò heo cho họ mà họ cứ im
lặng nhận lấy, không phản đối bao giờ. Không, món bánh canh phải nấu bằng cá
rô, hay tệ lắm bằng cá lóc. Cũng không được phép gia vị bằng hành tây. Chỉ có
hành hương (tên là hương mà lại) trồng ở thôn quê, mới bốc hương lên khi được
thả trôi trên nước bánh canh sôi ùng ục.
Bánh canh của cô hàng hai chèo là một
món quà “thống nhứt”: nước, bánh, cá, hành, tiêu, cả bốn thứ đoàn kết với nhau
để biến thành một khối duy nhất có mùi vị riêng biệt khác với mùi của từng thành
phần, các mùi vị ấy nương tựa lẫn nhau; thiếu một cái, không xong, đồng đội
xung phong lên công kích các hạch nước miếng của khách đêm. Thật là khác xa với
bánh canh giò heo trên bờ, ngọt như chè, và bời rời bánh ra bánh, nước ra nước,
thịt ra thịt !
*
Pánh pò, pánh tiu, dò chó quẩy?2
Chú khách nầy bỗng dưng đổi
cung đàn. Đây là khúc nhạc “Bát man tấn cống”, tám chú man rợ đến dâng “con quỉ
chết trôi”1. Giọng rao man rợ mà món quà cũng đặt tên một cách
gợi buồn nôn.
Tuy nhiên nên nhớ rằng sự phồn thịnh
của Sài Gòn là do người Hoa kiều dựng lên, cách đây một trăm năm và Kinh Tàu Hủ
là cái nôi của sự phồn thịnh đó.
Chú khách bán pánh pò dò chó quẩy nầy
gợi lại hình ảnh một cuộc phôi thai kinh tế, không có chú ta thì nhạt cả màu
sắc địa phương đi.
Những đêm mưa dầm, các xuồng quà biến
mất hết, duy chỉ có chú ta là đứng vững trong phong ba với chiếc tam bản mũi
bằng theo lối tàu của chú.
*
“Kẹo đậu phộng trà Huế hông?” Ông già
rụng răng nầy rao nghe còn dở hơn chú Khách trên. Nhưng người ta cứ mong lão
tới.
Họ thích xem lão đưa cao ấm nước trao
đang sôi lên, rót trà xuống một tô nước lạnh, lão rót thế nào mà bọt dâng lên
còn nhiều hơn là bọt bia, không khát nước, trông thấy cũng cứ thèm.
Thích nhứt là xem lão ta uống, không
biết bao tử lão bao lớn mà hễ khách quen thách uống là lão tự pha cho lão,
không phải một tô thường, mà một tô con rồng thứ tô sứ giả sản xuất ở Lái Thiêu
cách đây bốn mươi năm mà ngày nay ít gia đình nào còn giữ được.
Tô ấy to bằng năm tô thường. Lão ta
uống một hơi, không nghỉ để thở lần nào cả. Những người biết lão nhiều, kể rằng
lão có tài ăn năm mươi chiếc bánh trôi nước có nhân, rồi uống liên tiếp hai tô
nước như vậy.
“Kẹo đậu phộng trà Huế hông?” Câu hát
không hay ho gì nhưng nghe yêu đời lắm, vì do miệng một kẽ yêu đời hát lên, kẻ
ấy đã ngót bảy mươi rồi và chắc không con cháu, nhưng chưa hề ai thấy lão than
thở một lần, đêm đêm quạt lò trà xành xạch, để sống những ngày nhàn như thời
Sài Gòn chưa thấy xe hơi, những ngày một miếng kẹo, một tô trà Huế đậm và một
miếng trầu, cả ba thứ đều bán chung lại với một giá kinh khủng… một xu.
Bình-Nguyên Lộc
1 Ngày nay cảnh ấy không còn nữa
2 Theo thổ ngữ Quảng Đông, giò
chó quẩy là con quỉ chết trôi.
304Đen – Llttm - sgtc
No comments:
Post a Comment