Sunday, January 10, 2021

Kỷ Vật - Nguyễn Diệu Anh Trinh

 

Kỷ Vật





 

Hơn 20 năm trước, để chuẩn bị cho một chuyến đi cách nửa vòng trái đất và cả một đại dương, tôi đã cẩn thận nhét vào vali một gói đồ mà nhỏ em gái tinh nghịch đã viết bên ngoài hai chữ ”kỷ vật”. Đó là cuốn lưu bút năm tôi học lớp chín trường Nữ Trung Học Hồng Đức và cuốn vở nháp năm tôi học lớp mười hai trường Trung Học Phan Châu Trinh Đà Nẵng. Bao năm xa quê hương, gói ”kỷ vật” mang theo ấy là món hành trang tôi quý nhất.

Thành phố Đà Nẵng có hai trường trung học nổi tiếng, tôi may mắn là học sinh của cả hai trường, dù ở trường Phan Châu Trinh tôi chỉ học có hai năm cuối cùng của bậc trung học, sau năm 1975.

Tôi trúng tuyển vào trường Nữ Trung Học Đà Nẵng niên khóa 69-70. Lớp tôi có khoảng sáu chục nữ sinh từ nhiều trường tiểu học trong thành phố; trước lạ sau quen dần dần sau bốn năm trung học đệ nhất cấp, tình bằng hữu như gắn bó chúng tôi thành chị em một nhà. Lớp trưởng là chị cả. Hàng xóm là các lớp bên cạnh. Cuối năm lớp chín, mỗi nữ sinh phải chọn cho mình một ban A, B, C … tùy theo khả năng và ước mơ của mình.

Thật ra, thời chúng tôi lúc đó, việc chọn ban ngành còn lệ thuộc vào ý kiến của cha mẹ.

Tánh tôi thì thích văn chương, yêu văn nghệ. Thời tiểu học, chưong trình văn nghệ tất niên năm nào tôi cũng có mặt trong các mục múa hát. Lên trung học cũng vậy, thêm màn tập viết lách và có bài được chọn đăng trong bích báo của trường. Giai đoạn khói lửa của đất nước, tôi còn mơ sau này trở thành phóng viên chiến trường! Vậy mà, … tôi đành phải gạt nước mắt, chia tay đám chị em văn nghệ, văn gừng để ghi danh vào ban A (Lý Hóa, Vạn Vật) vì ba má tôi muốn sau này tôi làm bác sĩ, dược sĩ … Tôi nhớ, tôi đã khóc và cãi bướng với ba tôi, ”Con làm văn sĩ, viết văn, viết truyện khỏe re! Bí quá thì con cho nhân vật chính …chết ,… hoặc mê man bại liệt là xong. Ba má muốn con làm bác sĩ lỡ xui xẻo bệnh nhân lìa đời rồi con đi tù à?”. Nói gì thì nói, ba tôi đã phán cho tương lai tôi một chữ A là chấm hết.

Mùa hè năm 1974, tình hình đất nước đang sôi động vì chiến tranh, nhưng lũ chúng tôi, lứa tuổi 15, 16 dường như vẫn còn thờ ơ với thời cuộc lắm. Chẳng có gì quan trọng hơn những ngày trước kỳ nghỉ hè bằng những cuốn lưu bút chuyền từ tay đứa này sang tay đứa kia. Buồn cười, trong lưu bút đứa nào như đứa nấy, thế nào cũng bắt đầu bằng… ve kêu, phượng nở hè sang, rồi… chia tay nhớ thầy cô,… nhớ bạn bè … chao ơi! Chỉ có ba tháng hè thôi, khai trường năm tới thế nào cũng gặp lại ở sân trường. vậy mà ai nấy đều than thở như là một cuộc chia ly ngàn trùng xa cách!

Lật từng trang lưu bút, đọc lại những dòng chữ đã phai màu mực theo năm tháng, tôi như thấy lại hình ảnh tôi và bạn bè tuổi mười bốn, mười lăm. Thuở mới biết làm duyên khi bắt gặp một ánh nhìn từ đôi mắt ai kia xa lạ. Thoảng đâu đây mùi thơm dìu dịu của lá bạc hà, tiếng lao xao bước chân giờ tan học. Giọng thầy giám thị vang lên từ loa phóng thanh của trường, ”Giờ toán cô Quy hôm nay được nghỉ, các em ra phía sau văn phòng chơi…” và tiếp theo là tiếng reo hò như đàn ong vỡ tổ của đám ”nữ sinh thùy mị”.

Thấp thoáng trong tôi, hình ảnh những tà áo hoa, áo màu của các cô giáo bên cạnh màu áo trắng nữ sinh. Dáng dấp quí phái của Bà Hiệu Trưởng, cô Thu Nga dạy Việt Văn. Tôi còn nhớ cả những giọt nước mắt của cô Tuyết Nha trong giờ Lý Hóa, khi nghe tin thành phố Huế và Quảng Trị chìm trong khói lửa. Lúc đó nhỏ Nguyệt ngồi bên cạnh đã thúc cùi chỏ vào tôi, ”Ê mi, cô Nha cũng biết khóc mi ơi”. Vì cô Nha đẹp mà rất nghiêm, chúng tôi âm thầm đặt cho cô cái tên ”lãnh diện giai nhân”. Chính vì thế mà những giọt nước mắt của cô Nha trước tình hình đất nước đã làm chúng tôi ngạc nhiên lẫn xúc động không ít.

Trải dài trong lưu bút còn là kỷ niệm những lần đi trại hè, đi tập văn nghệ, những buổi chiều lang thang bờ biển Mỹ Khê nhặt vỏ sò, vỏ ốc.

Khép cuốn lưu bút lại, tôi như còn nghe được tiếng reo hò của cả lớp, khi chúng tôi đạt giải nhất bích báo. Vượt qua nhiều lớp đàn chị trong trường là bích báo Hướng Dương của lớp tôi, 10A2 niên khóa 74-75. Với hình thức vừa đẹp vừa lạ, và có ý nghĩa.

Đầu mùa hè năm 1975, trường Nữ trở thành một trong các trại tị nạn cho đồng bào từ Huế và Quảng Trị vào, vì không muốn số phận tờ báo vô địch trở thành vách ngăn các hố xí tạm trong sân trường, chúng tôi đã lén vào thư viện để thu hồi “nhà vô địch Hướng Dương”. Tờ báo sau đó được tặng lại cho thầy Thụy, là giáo viên hướng dẫn lớp tôi năm học 10A2. Năm cuối cùng ở Nữ Trung Học Hồng Đức Đà Nẵng. Chấm dứt luôn bao nhiêu vàng son trong đời học sinh đáng ghi nhớ. Có ai biết Hướng Dương bây giờ có còn hướng về phương mặt trời hay chăng? Thầy cô ơi, bạn bè ơi… trường xưa…

Chỉ còn mấy tháng nữa là hết năm học, tháng Ba năm 1975, vừa xong ngày hội truyền thống Hai Bà Trưng thì không khí thành phố có nhiều thay đổi, bạn bè tôi lần lượt xuống trường xin rút hồ sơ, đa số theo gia đình di tản vào miền nam.

Tháng Ba năm đó, Đà Nẵng bị bỏ rơi, bộ đội miền Bắc vào thành phố. Trường lớp và cả thành phố đều bị đổi thay một cách khó hiểu và… khó chịu. Phòng nào như phòng nấy, nhan nhản khắp nơi là các khẩu hiệu về chính trị. Lớp nào cũng có thêm một ”bí thư”, nhân vật quyền lực hơn cả lớp trưởng. Thầy cô cũ có người còn được lưu dụng có người phải … ra lề đường làm nhiều nghề khác nhau, vì nhiều lý do. ”Mít tinh” là danh từ trở thành quen thuộc cho mọi người, mọi lứa tuổi. Lại còn có vô số các hội, các đoàn… ra đời. Cả thành phố, cả miền nam, mọi người như quay cuồng trong một vòng xoáy, chẳng biết đi về đâu?

Cũng vào cuối năm học đó, trường Nữ Trung Học Hồng Đức ĐN bị giải tán. Tôi trở thành học sinh trường Trung Học Phan Châu Trinh ĐN theo “chính sách liên cư liên địa”. Bạn bè tôi cũng vì thế mà phân tán nhiều nơi, đứa theo cha mẹ về quê làm ruộng, đứa di tản cùng gia đình, cũng có một vài đứa ”tự nhiên” trở thành ”cán bộ” oai phong lắm!

Tôi ghi danh đi học lại cũng vào ban A. Không ngờ, theo chương trình học mới, ban A lại là ban Văn sử địa. Thế là cái duyên hay cái nợ văn chương lại trở về như ý tôi. Lớp tôi chỉ có hơn 30 học sinh, trong đó có 10 nam sinh.

Lúc này, không khí trường học không còn cái trong sáng của học đường nữa. Ngày nào cũng họp hành, kiểm điểm, thi đua, phê bình góp ý… triền miên. Năm lớp mười hai tôi được bầu làm lớp phó, phụ trách việc học tập. Do đó cuốn vở nháp được tôi xử dụng như là một thứ ”nhật ký”. Ngày nào cũng ghi ghi, chép chép.

Xen kẽ trong vở nháp thinh thoảng là những lần ”bút đàm” trong giờ học. Tôi viết cho Kim Liên, nhỏ bạn ngồi bên cạnh, ”ê mi, thằng khỉ Dũng viết thư bỏ vô vở tau, làm răng đây?” Bạn viết lại ”thủ tiêu liền, coi chừng thằng bí thư đó”. Trang khác tôi viết cho Tuyết Huệ, ngồi ở bàn trên, ”Nè, tối ni tới nhà tau, nói anh Hai tau mở đài BBC cho mi nghe Sĩ Phú hát Áo lụa Hà Đông.”

Tôi nhớ, con nhỏ này, đã không biết bao lần phải viết kiểm điểm vì tội chép nhạc vàng, trốn lao động để ở nhà phụ mẹ đi đổi tiền ngòai chợ trời, rồi còn tội lớn nhất là… mặc áo dài không có áo lót. Vậy mà bây giờ ở Đà Nẵng, nó lại là giáo viên tiên tiến trường cấp ba mới tài chứ!

Cuốn vở nháp còn hiện hữu là hình ảnh của chính tôi, với vô số những câu thơ chép vội, ”Anh vẫn biết em ngồi đây tóc ngắn, mà mùa thu dài lắm ở chung quanh,” thơ Nguyên Sa hay  “Mai anh đi đường xa xa lắm,

Đời con trai như vó ngựa hồng. Tuổi bé bình yên như cơn nắng. Tuổi anh buồn như lá mùa đông” thơ Lưu Trần Nguyễn

Đôi khi còn là những suy nghĩ rời được tôi ghi xuống ”Ngày mai má đi thăm ba, có chút gì cay trong mắt, xót trong lòng. Không biết bao giờ thì ba mình về?”, hay ”Tội nghiệp con Thủy nhà nó bị đánh tư sản, chắc sẽ bị phê bình thê thảm …”.

Có ai đã từng lớn lên giữa hai nền giáo dục như lứa tuổi chúng tôi thì mới hiểu, khi ước mơ chưa kịp nẩy mầm thì đã bị người lớn định đoạt, nói cho đúng là bị bóp nghẹt. Chúng tôi lao vào học tập, làm tất cả mọi điều mà người lớn gọi là noi gương vị anh hùng này, nối tiếp ý chí vị anh hùng kia… Rồi một ngày, tôi chợt nhận ra rằng, cánh cửa đi vào tầng lớp trí thức, gần nhất là con đường vào đại học, vĩnh viễn không bao giờ có tên mình. Cho dù tôi có học bao nhiêu lớp học chính trị để phát triển thành Đoàn viên thì mãi mãi tôi vẫn là một “cảm tình Đoàn” cho đến… hết kiếp.

Nhìn vào cuốn vở nháp, đôi khi tôi rùng mình nhớ lại cái cảm giác bị kiệt sức. Mới 17 tuổi, đang học lớp 12; cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới tôi có lúc như bị gục ngã vì … đói. Những buổi trưa ở lại trường với cái dạ dày đói mốc meo chỉ để chờ xuất học học chính trị buổi chiều, hoặc để nghe một nhân vật lớn nào đó từ trung ương, từ thành đòan về nói chuyện.

Bi đát hơn là khi đọc lại cuốn lưu bút, hình ảnh năm học lớp 12 hiện ra, đồng thời sự hối hận đã dày vò tôi. Nhớ thuở đó, khi bức thư tình trong vở chưa kịp thủ tiêu đã bị thầy chủ nhiêm phát hiện. Do áp lực của các vị đảng viên trong lớp, thầy chủ nhiệm đã giáng cho thủ phạm lá thư là thằng Dũng hạnh kiểm hạng D, cái tội “quan hệ nam nữ bất chính”. Trời ơi, tình yêu đơn sơ thuở học trò mà gọi bằng những từ đao to búa lớn là: quan hệ nam nữ bất chính! Và điều này khiến thằng Dũng không được thi tốt nghiệp cấp ba năm đó. Bên cạnh đó tôi cũng nhiều lần bị mấy nhân vật trong ”chi bộ lớp”, đa số là học sinh từ miền bắc vào, đưa ra phê bình trong các cuộc họp quan trọng, chỉ với lý do là tư tưởng của tôi chưa được thông, còn giao du quá thân mật với các học sinh có lý lịch không tốt, làm ảnh hưởng đến ”quá trình phấn đấu” của tôi. Ngược lại, hôm nào tôi đi học về chung đường với vài đứa bạn mới, miền bắc, thì tôi lại bị các bạn miền nam xì xào, “cách mạng 30, bon chen …”

Đó là nỗi đớn đau của người đang sống giữa hai lằn đạn. Tôi, một đứa con gái 17 tuổi, đục trong dòng đời chưa hề trải qua, đang cố gắng hết sức mình chỉ mong có thể hòa mình vào xã hội mới. Vậy mà tôi đã ra đời với hai bàn tay không, chút chữ nghĩa thời mộng mơ ở trường Nữ trung học tôi gởi vào trong cuốn lưu bút, còn bao điều “thâm cung bí sử” trong hai năm dưới mái trường Phan Châu Trinh, có thầy Đồ dạy Toán, có cô Anh dạy Văn luôn đi đôi với cô Ngọc Thanh dạy Sử Địa, có những giờ tập thể dục giữa giờ ở sân trường rợp bóng mát với những hoa phượng trên cành mỗi khi hè đến. Tất cả được tôi ghi vào cuốn vở nháp năm lớp mười hai.

Ngày tôi rời Việt Nam thì trường xưa cũng không còn nữa, tôi cũng không một lần ghé lại. Xa quê hương, tôi mang theo mình cuốn lưu bút năm lớp chín và cuốn vở nháp năm lớp mười hai như mang theo cả một đoạn đời vui buồn thời học trò.

Dù vui hay buồn, tôi biết chắc là những gì đã qua mãi mãi không bao giờ quay trở lại. Mỗi khi mở gói ”kỷ vật” ra, lòng tôi chợt bồi hồi.

Tôi … nhớ!…

Nguyễn Diệu Anh Trinh

304Đen – llttm - tvvn

No comments: