Con Tám Cù Lần
Mặc dầu nó cù lần, con tám Cù Lần là hy vọng cuối cùng của tôi [1].
Từ hôm đầu năm tới bây giờ, tôi đã thay đổi người làm năm lần rồi. Tôi nghe nói
bên Âu Mỹ, công ăn việc làm nhiều lắm, nên người đi ở lấy rất mắc và chỉ có bực
triệu phú mới dám thuê người thôi, nên tôi cũng không khổ lắm mà phải làm một
mình đủ thứ việc trong nhà, ngặt trẻ con đông, tôi không làm sao mà quán xuyến
cho hết công việc.
Con Tám Cù Lần là đứa độc nhất không biết rằng ngoài gia đình tôi, còn rất
nhiều người hoạt động trong đủ thứ ngành, ngành nào cũng cần nhân công, cho đến
mấy ông thầu khoán mà cũng tuyển mộ phụ nữ để phụ với thợ nề, tuy họ trả lương
không cao hơn tôi, trên hai ngàn đồng mỗi tháng mà không cho ăn, ở, áo quần như
tôi, nhưng phụ nữ họ vẫn thích đi làm phu lương thấp hơn là đi ở. Họ không đá
động tới nhân phẩm, tới gì hết ráo, nhưng tôi biết rằng ai cũng sợ nội trợ cả,
chính các bà nội trợ là tôi đây mà còn sợ, huống hồ gì là người chưa có gia
đình: làm nội trợ rất tối tăm và rất buồn, chưa kể nhọc không tưởng tượng được.
Nếu như mấy năm trước thì tôi không thể nào nhận con Tám Cù Lần cả.
Các cháu cho nó cái tục danh ấy, và tục danh được trường sanh, vì tả rất đúng
con Tám.
Các bạn có bao giờ thấy con Cù Lần chưa? Tôi không có gặp nó trong rừng sâu như
đàn ông đã gặp mà chỉ thấy một con Cù Lần người ta bắt về nuôi mà thôi. Nó nhỏ
cỡ bằng con mèo, nhưng lông màu giống màu lông chó phèn. Đôi mắt nó lờ đờ và
như lim dim ngủ suốt ngày, có xô đuổi nó, nó cũng không buồn biết tới. Khi nào
cần xê dịch lắm, nó mới dời chỗ, mà nó phải bỏ ra một tiếng đồng hồ để đi lối
một thước tây. Ấy, con Tám là hình ảnh trung thành của con Cù Lần, có kêu gọi
nó thì phải đợi mười phút sau mới nghe nó lên tiếng, và đợi thêm mười lăm phút
nữa mới thấy mặt nó, mặc dầu nhà tôi, từ trước ra tới sau bếp chỉ dài có 15
thước tây thôi.
Nó cũng chẳng biết làm gì hết ráo, trừ lặt rau và rửa chén. Vậy mà tôi quí nó
lắm, vì dù sao nó cũng đỡ tay cho tôi phần nào. Chẳng hạn, tôi dạy nó lau gạch
trong một tuần lễ thì nó đã lau sạch được nền nhà, một mình nó, khỏi phải kiểm
soát nữa. Giặt giụa thì hơi khó thật đó Nhưng chắc dở lắm nó cũng làm được sau
một tháng học tập. Sáu tháng nữa là tôi có thể nghỉ ngơi một ngày vài tiếng
đồng hồ.
Người mình cứ tin rằng đi rừng mà gặp con Cù Lần thì ba năm làm ăn ngóc đầu
không lên, nhưng ngày mà một người bà con đưa con Cù Lần nầy tới đây, tôi sung
sướng vô cùng. Dĩ nhiên là ngày đó nó chưa mang tên Cù Lần nhưng tôi đã nghĩ
ngay đến danh từ Cù Lần lúc thấy mặt con bé thôn nữ quá chậm chạp này.
Bỗng dưng đùng một cái, cái hy vọng cuối cùng của tôi, một đêm kia, xin nghỉ
việc.
Tôi choáng váng gần như là nghe ba các cháu tỏ ý muốn đoạn tuyệt với tôi. Năm
đứa con thơ, mà đứa lớn hơn hết mới có bảy tuổi, đứa bé hơn hết mới được có sáu
tháng thì các bạn tính coi.
Thật là tin sét đánh vì con tám Cù Lần không có tánh ngồi lê đôi mách, không ưa
đánh đôi đánh đọ với bạn đồng nghiệp của nó cùng khu phố – vả lại cũng còn leo
heo vài đứa thôi, đứa nào cũng tật nguyền cả – thì làm sao mà nó biết tin tức
về sinh kế ở đô thành hiện giờ mà muốn „thoát ly“. Các bà nội trợ ở xóm nầy,
chắc không ai dụ dỗ nó làm gì, trái hẳn với thói phần đông của các bà, vì ai
thấy cái tướng Cù Lần của nó cũng phát ngán, đâu có chuyện quyến rủ một người
làm giỏi, hoặc kha khá.
– Mầy xin thôi thiệt sao Tám? Tôi gạn hỏi nó một cách ngớ ngẩn như vậy, và nó
thật thà đáp:
– Dạ thiệt cô à!
– Ai nặng nhẹ mầy, ai ăn hiếp ăn đáp mầy?
– Dạ, không có ai cô à.
Tôi nghĩ tới các cháu, khi hỏi câu trên. Chúng nó không ác, nhưng chúng nó có
thể vô tình làm phật lòng con bé hiền lành nầy.
– Mầy thôi để đi làm cho Huê kỳ hả?
Con Tám ngơ ngác nhìn tôi mà không đáp, và tôi hiểu ngay rằng không phải thế.
Không, nó không hề hay biết gì hết về sự đổi thay mấy tháng nay: công việc
nhiều, người làm ít. Nó thật thà, dốt nát, và không có đi đâu cả, trừ theo tôi
đi chợ rồi về.
– Chớ mầy thôi rồi đi đâu, làm gì?
– Dạ, cháu nhớ ốc gạo.
– Nhớ ốc gạo?
Bây giờ tới phiên tôi ngẩn ngơ nhìn nó. Con bé nầy nó trêu tôi sao mà? Ai lại
nhớ ốc gạo!
Kể về thú vật thì chính mắt tôi đã thấy những thằng bé chăn trâu, chăn bò, nhớ
trâu bò, khi chủ chúng nó bán những con vật ấy. Chính mắt tôi lại đã thấy những
bà cụ ở thôn quê sa nước mắt mỗi lần chú chệt mua heo xách cây cần vòng bằng
mây đến bắt chơn cho heo của các cụ té rồi trói gô lại khiêng đi. Người da
trắng xem chó là bạn thân, nhưng xứ ta, chó chỉ đứng vào hàng thứ ba trong nỗi
nhớ niềm thương của thiên hạ thôi. Và những loài vật được loài người thương
nhớ, chỉ có bốn loại ấy, trong xã hội ta. Tôi có nghe vài người nói nhớ gà,
nhưng họ nói nghe ra không tha thiết lắm. Nhưng ai lại nhớ ốc gạo bao giờ. Loài
ốc gạo ở dưới nước, nội cái đặc tính ấy của giống vật đó đủ chỉ rõ rằng ta
không có lý do mà nhớ nó. Nó có gần gũi như mèo, hay tệ lắm như chuột đâu. Con
dơi coi vậy mà thỉnh thoảng còn vào nhà thăm ta, chớ ốc gạo thì lạnh như nước
rạch mà chúng sống trong ấy!
– Theo pháp luật thì mầy với tao, cả hai phải báo với người kia hay trước mười
lăm ngày, nếu muốn thôi nhau, mầy có biết không? Tôi hỏi.
– Dạ không.
– Không thì nên biết đi. Tao có quyền cho mầy thôi việc ngay bây giờ, miễn là
phải trả công không cho mầy cái mười lăm ngày mà mầy được biết số phận, để đi
tìm việc khác, còn mầy thì không, bởi mầy có thể không có việc mà vẫn khỏi đói
nhờ 15 ngày lương đó, còn tao thì cỡ tao được nhận tiền bồi thường của mầy, tao
cũng bị thiệt hại bởi công việc bị ngưng trệ thình lình. Mầy hiểu không?
– Dạ hiểu.
– Vậy thì mười lăm ngày nữa mầy mới nghỉ việc được.
Tôi không thích giữ một người buồn, nhưng chưa tìm được người, biết sao!
Con Tám Cù Lần nhẫn nại chiu số phận, nhưng nó giống hệt một đứa con gái đau
tương tư.
Tôi đưa nó đi Thảo Cầm Viên, đi coi Cải lương, đi xem đèn màu Sài gòn ban đêm.
Không ăn thua gì cả. Nó mê những thứ ấy thì quả có mê thật đó, nhưng không
nguôi được mối tình ốc gạo của nó, khiến tôi đâm nghi rằng nó nói láo, chớ thật
ra là nó sầu tình, thằng nhơn tình của nó có lẽ nhắn nó về.
Hồi nó vô làm với tôi, nó nói rằng ở dưới không yên. Tôi tin rằng nó nói thật,
và vẫn còn tin. Như vậy sao nó lại cứ nằng nặc đòi về chỗ thiếu an ninh?
– Tại sao chị lại đòi về dưới ấy chi Tám? Thằng Công, thằng con lớn nhất của
tôi hỏi con Cù Lần như vậy.
– Vì tới mùa ốc gạo rồi.
– Tới mùa thì sao?
– Chị phải về đi xúc ốc gạo.
– Ốc gạo sống ở đâu chị?
– Ở dưới rạch.
– Làm sao mà xúc chị?
– Thì đợi nước ròng lấy rổ xuống dưới ấy mà xúc chớ.
– Xúc chi vậy chị?
– Xúc để bán.
– Bán bao nhiêu một con chị?
Tới đây, tôi sực nhớ ra là bà bán rượu lậu ngoài đầu ngõ tôi, bả bán ốc gạo
luộc làm đồ nhắm cho bợm nhậu, một đồng bạc có ba bốn con gì đó. Ba bốn con ốc
gạo với lại một chén nước mắm chanh nhỏ bằng cái vú cau, mà những một đồng bạc
thì kể ra cũng khá được tiền.
Tôi đợi nghe tới, xem con Cù Lần cho biết giá cả và số ốc gạo mà nó xúc được.
Nhưng nó chỉ bật cười mà không đáp.
Con tôi không hỏi lại, hỏi câu khác:
– Chị xúc một ngày được mấy con?
– Mấy con thì lấy gì mà ăn. Mỗi ngày chị xúc hàng chục rổ.
– Dữ vậy lận? Mà chị bán bao nhiêu một con chớ?
– Đâu có bán con, bán con gì được. Chị bán rổ.
– Bao nhiêu một rổ?
– Chừng ba đồng bạc.
Tôi ngạc nhiên quá. Như vậy, công nó làm,bọn trung gian ăn hết và nó chỉ kiếm
được khoảng ba bốn chục bạc mỗi ngày, đâu có bằng lương tháng có ăn ở và áo
quần của tôi.
Hơn thế, mùa ốc gạo kéo dài cao tay lắm là hai tháng mà thôi. Có đáng gì cho nó
bỏ một chỗ làm, một nơi tạm trú tốt trong lúc nó đi tìm an ninh?
– Hễ tới mùa ốc gạo là chị phải về hả? con tôi lại hỏi.
– Ừ.
– Sao vậy?
– Để bắt ốc.
Con Cù Lần trả lời sai vì nó đần, chớ không phải muốn đánh trống lấp đâu. Nó
không phân biệt được hai nghĩa khác nhau của hai câu hỏi: “Về chi vậy” và “Tại
sao tới mùa thì phải về”.
Nhưng con tôi cũng khờ không kém, nên nó thỏa mãn được với câu trả lời ăn trớt
đó, và hỏi câu khác:
– Chị về đâu chị Tám?
– Về chợ Bưng.
– Chợ Bưng có vui không chị?
– Vui lắm !
– Vui bằng Sài gòn không chị?
– Vui hơn.
– Có xi-nê không chị?
Con Cù Lần không biết xi-nê là gì, nhưng đáp bừa:
– Có
– Chợ Bưng ở đâu chị?
Tôi nín thở, để nghe nó trả lời. Đó là cái chợ xép ở xó quê nào, làm gì mà có
xi-nê. Nhưng con Cù Lần không bao giờ nói láo, nên tôi tin rằng ở quê hương nó
có xi-nê, và đợi nghe coi nó cho biết ở đâu, để mình bớt dốt địa lý nước nhà,
bởi cái chợ có xi-nê ấy hẳn phải quan trọng lắm, tôi không có quyền không biết.
Con Cù Lần mù chữ. Nhưng tôi lại hình dung được rõ ràng cái chợ Bưng, qua lời
tả của nó, như là nó đã thấu đáo khoa tác văn, chương miêu tả. Nghe xong, tôi
mới hiểu vì sao mà nó nhớ ốc gạo.
– Nè, em biểu xe đò nó ngừng lại ga Tân hiệp nha.
– Ừ !
Thẳng Công không hề biết ga Tân hiệp ở đâu cả, nó cũng không hay rằng nhà ga ấy
đã được phá hủy rồi vì đường thiết lộ Sài gòn-Mỹ tho đã bị bỏ từ lâu, nay nhà
ga biến thành một địa danh. Nó cũng chẳng định đi chợ Bưng, nhưng nó nghe lời
chỉ nẻo như là nó muốn xuống dưới ấy một chuyến.
– Ừ!
– Đó, con đường đi chợ Bưng ở trước mặt ga Tân hiệp.
– Xuống xe ở đó rồi đi bộ sao?
– Chớ đâu có xe mà đi, mà có, đi cũng hổng được, vì là đường đất.
– Đi mỏi chân hôn chị?
– Hồi đó thì không, bây giờ thì mỏi.
– Bây giờ chị già rồi, như bà ngoại vậy hả?
Con Cù Lần cười ngất rồi đính chánh:
– Hổng phải. Hồi đó có xe lửa, họ đi buôn bán đông, đi đường chung với nhau vui
nên hổng biết mỏi. Bây giờ đường vắng đi ngán lắm. Mà có cái nầy, còn ngán hơn.
– Gì ?
– Ma!
– Ý, ẹ, ghê quá! Ma trong rừng hả?
– Đâu có. Xứ chị hổng có rừng. Chỉ có bưng mà thôi.
– Bưng là cái gì?
– Là đồng lầy.
– Ma ngoài đồng?
– Ừ, ma ngoài đồng, ma trên gò é. Con đường đất ấy đi ngang qua một cái gò, gò
cao, nên họ chôn người chết ở gò cho khỏi bị nước ngập.
– Ma nhiều hôn chị?
– Bao nhiêu cái mả thì bao nhiêu ma.
– Mà có mấy cái mả?
– Có cả trăm cái.
– Ý, ẹ !
– Đi ngang qua đó giấc hừng đông, giấc chạng vạng, và nhất là vào giờ đứng bóng
thì ai cũng phải chạy, và ai cũng bị nó rượt theo sau, nó rượt nà, tiếng chơn
của nó mình nghe đùi đụi.
Quả đúng như tôi đoán. Cứ theo lời con Cù Lần thì chợ Bưng chỉ là một cái chợ
xép, mười giờ đúng là tan chợ. Chợ cất bằng gỗ, lợp lá. Hai bên chợ leo heo vài
tiệm tạp hóa. Rồi thì nhà dân.
Nhưng con Cù Lần không ở tại chợ đâu. Nhà nó cất trong xóm trong, phải qua ba
con rạch mới tới xóm.
Thằng Công không đồng ý:
– Vậy mà chị nói vui bằng Sài gòn !
– Ừ, vui bằng.
– Em có thấy gì vui đâu?
– Em hổng biết chớ đi chợ vui lắm, đi ga cũng vui lắm.
– Vui cái khỉ khô.
– Vui chớ. Đi chợ hồi ba giờ khuya, đi qua nhà chị em bạn, hú họ, họ ra vầy
đoàn với mình, chín, mười chị, lại hổng vui sao?
– Sao lại phải đi chợ khuya?
– Đi chợ ngoài đường lộ, chớ có phải đi chợ Bưng đâu.
– Sao lại có chợ Bưng mà hổng đi?
– Ở đó thiếu đồ. Mỗi tháng phải đi chợ lớn ngoài đường lộ một lần. Khuya hai
giờ, thức dậy nấu cơm ăn, lại hổng vui sao?
– Ăn cơm sao lại vui?
– Nấu cơm vui. Muốn nấu cơm, phải nhúm lửa, mà lửa thì vui.
– Lửa vui?
– Ừ, ở dưới tối, nên hễ sáng là vui. Ở dưới lạnh, có lửa ấm thì vui. Em mà thấy
lửa chiều mưa thử coi.
– Lửa chiều mưa làm sao?
– Chiều mùa mưa, ai làm ngoài ruộng, hay đi đâu cũng về nhà hết rồi ăn cơm ở
nhà bếp, quanh lò lửa, đông đủ cả nhà, vui lắm.
– Đã ăn cơm mà còn nấu cái gì nữa?
– Ừ, ở dưới nhà quê luôn luôn nhúm lửa chớ không để tắt bếp như trên nầy. Mà hễ
lửa có là phải nấu cái gì, thí dụ luộc khoai.
Còn sang mùa Bấc thì lửa ngủ rơm cũng vui.
– Lại một thứ lửa nữa! Nhưng em hổng thấy gì vui hết.
– Vui lắm chớ. Nè, gặt rồi thì phơi rơm ngoài ruộng. Có khi phơi lúa nữa. Phải
ngủ ngoài ấy giữ lúa, giữ rơm. Gió Bấc lạnh, năm bảy chị em đốt rơm lên,vui
chơi, hò hát, vui lắm mà.
– Hông, lửa đâu có vui, thằng Công nhất đinh không nhận quan điểm của con Cù
Lần.
– Vậy hả? Em hổng thấy là lửa vui sao?Vậy thì nước vui.
– Nước làm gì mà vui?
– Nó không có làm gì hết. Nó chỉ dâng lên tới thềm là vui, thấy như là mình
sung túc.
– Nước ở đâu mà dâng lên tới thềm?
– Ngoài đồng. Bờ nước cũng vui. Em hổng thấy cây bần mọc dựa rạch lúc chạng
vạng tối. Đôm đốm nó đậu nghẹt các lá cây, các nhánh cây, nó chớp cháy rồi tắt,
buồn ghê lắm!
– Buồn, sao chị nói là vui?
– Ừ buồn mà vui. Chị nghe vui mà được buồn.
– Chị nầy điên.
– Em hổng biết đâu.
Phải có nghe giọng con Cù Lần nói, mới thấy được lòng thương mến làng mạc của
nó, giọng nói còn quan trọng hơn là lời nói nhiều lắm. Lại còn những lúc im
lặng nữa. Ta học nhạc Tây phương, đã thấy những sự quan trọng của những chỗ im
lặng, thì những lúc con Cù Lần im lặng cũng quan trọng lắm. Tôi nghe và hình
dung nó đang nhìn xa về làng nó.
Thì ra nó chỉ nhớ nhà mà thôi, chớ không có nhớ ốc gạo khỉ khô gì hết. Nỗi nhớ
nhà nầy được mùa ốc gạo gợi lên, thành ray rứt quá, nó chịu không thấu, khi nó
thấy ốc gạo bán đầy các vỉa hè cho bợm nhậu nhắm rượu. Chắc không thể nào nó
trở lên đây nữa, sau mùa ốc gạo.
Tôi thấy trước rằng tôi sẽ bùi ngùi nhớ nó, nhớ cái vùng quê mà nó tả, bởi tôi
có ở thôn quê, tôi hiểu được nó và niềm thương nỗi nhớ của nó cũng cùng một
loại với niềm thương nỗi nhớ của tôi, thuở tôi rời làng lên đây. Con tôi không
làm sao mà hiểu được hết, vì chúng nó không biết cái tình nhớ xứ là gì. Đô thị
không phải là nơi mà người ta có thể nhớ được, huống chi đô thành Sài gòn thật
kém thơ mộng. Ngày mai, tôi phải cho gia đình ăn ốc gạo một bữa mới được, mặc
dầu món ăn ấy rất kém vệ sinh. Con Tám Cù Lần có thể nhớ nhiều kỷ niệm nữa, do
ốc gạo gợi ra, sẽ nói thêm cái gì. Mà tôi thì rất ưa nghe nó thật thà kể lể
những chuyện không đâu mà có mình nó với tôi là hiểu thôi.
Bình Nguyên Lộc
No comments:
Post a Comment