Mây
Lìa Ngàn
Câu
chuyện tôi thuật lại đây khởi đầu từ những ngày xa xôi cũ ở miền Bắc, để rồi
vào tới miền Nam này mới kết thúc – gọi là “tạm kết thúc” thì đúng hơn. Bởi vì
đấy là một thiên hồi ký, động tác biến chuyển theo thời gian, cũng như chuyển theo
từng kỷ niệm vui, buồn trong cuộc sống. Và động tác đều do tự nhiên sắp đặt. Tự
nhiên sẽ dành cho ta tất cả mọi bất ngờ. Tác giả thiên hồi ký này, dù muốn,
cũng không thể đóng vai chủ động. Vai chủ động trong câu truyện chính là Định
Mệnh. Định Mệnh dàn bầy, bố cục tất cả. Câu truyện khởi đầu từ một miền rừng
ngoài Bắc, đã từ lâu chìm lắng, qua đi tưởng chừng không còn vang bóng. Thế
rồi, một ngày ở miền Nam ngẫu nhiên kỷ niệm hiện về toàn vẹn. Quá khứ lại kế
gần hiện tại. Những hình bóng của ngày xưa, đã tưởng vĩnh viễn tan biến vào hư
không như một bóng mây bay đi mãi mãi. Nhưng bóng mây xưa lại chập chờn trước
mắt.
Câu
chuyện “Mây Lìa Ngàn” lại trở về trong ký ức tôi, với nguyên vẹn cái phong vị
hoang sơ của buổi hạnh ngộ ban đầu…
°
Tôi gặp cô gái ấy một chiều nàng đi xem hội về cùng
cả một đoàn phụ nữ lâm tuyền. “Nàng” chỉ là một cô gái Mán, con đẻ của núi
rừng, người của những bộ lạc dân tộc thiểu số sống ở vùng sơn cước miền Tây Bắc
Bắc Việt.
Người đoàn trưởng là một đàn ông đứng tuổi tay cầm
dao quắm, thắt lưng điều, áo chàm khăn lam quấn chéo. Bầy phụ nữ theo sau, y
phục đồng loạt bó sát lấy thân hình, màu chàm nổi bật lên trên nền đất núi cỏ
vàng. Trong nắng xế chiều thu, khoảnh khắc vàng rực lên như một ảo ảnh đột
nhiên bừng sáng, những cái bóng chênh chênh đổ xuống từ lưng chừng non cao, dài
thướt tha vĩ đại, gợi nhớ tới một đoàn nữ binh của Hai Bà Trưng, Bà Triệu ngày
xưa.
Qua sơn thôn “của” chúng tôi, đoàn người vào nghỉ
chân. Bọn tôi liền sửa soạn một cuộc nghênh tiếp long trọng. Chúng tôi là một
bọn người văn nghệ đi tránh khói lửa thời chinh chiến. Tuy mới đến đây từ cuối
hạ, sống nhờ dưới mái nhà sàn bao dung của một làng Mường, chúng tôi đã quen
thuộc ngay với cỏ cây vùng này, và nhận luôn rừng núi hoang vu là vật sở hữu
của mình.
Đồng bào Mường rất dễ tính, hình như không cần xác
định địa vị chủ nhân, cứ để mặc chúng tôi xâm chiếm núi rừng. Hơn đâu hết, ở
đây chúng tôi được quyền nghĩ rằng: thiên nhiên là của chung tất cả mọi người.
Bởi vậy chúng tôi đã mệnh danh cho nơi sơn thôn hẻo
lánh này là “Trại Văn Nghệ Tự Do”. Đó là thời kháng chiến, cái thời mà những
người tản cư như chúng tôi đang cổ níu lấy một chút ảo tưởng tự do, nên mỗi khi
có thể hưởng thụ một chút tự do thực sự- dù chỉ mong manh- tất cả không ai bỏ
lỡ cơ hội.
Đoàn phụ nữ sơn cước qua đây và quyết định nghỉ
chân tại đây cả một đêm. Từ sơn thôn này về làng của họ còn phải vượt qua ba
bốn trái núi, mà tới đây thì trời đã ngả chiều, đi xa hơn nữa không tiện.
Các cô gái Mán bỡ ngỡ nhìn con trai tỉnh thành bưng
miệng cười khúc khích. Hàm răng đều, trắng bóng, nở ra như đóa hoa nguồn.
Các cô gái, gọi tên nhau líu ríu. Chúng tôi không
ai biết nói tiếng miền Thượng, nhưng các cô biết ít nhiều tỉếng kinh. Chưa được
sõi lắm, nên càng có duyên, một cái duyên hoang dã của núi rừng. Tên các cô Mán
cũng chỉ giản dị là Liên, Hoa, Mây, Thắm … chứ không phải là những Pan Slao hay
Ptầy Lùng như tôi vẫn tưởng.
Cô Mây duyên dáng nhất. Chắc phải là hoa khôi đất
Mán. Khuôn mặt tròn, nước da hồng đậm mát, như một trái dâu da rừng vừa ửng
chín. Đôi mắt to, mi dài, tưởng chừng gờn gợn cả ánh mây, sắc núi. Thân hình
tròn lẳn tươi khoẻ, uyển chuyển như một con báo, tỏa ra nguồn sinh lực thiên
nhiên. Tôi có cảm giác nhìn thấy một người con gái ở những đảo xứ nóng miền Bắc
xích đạo: một cô gái đảo Hawai hay Tahiti. Tôi lại liên tưởng đến một thiếu nữ
Arlésienne lượn mình theo âm hưởng một bản nhạc của Bizet…
Phải so sánh nhiều như vậy là vì đôi mắt của cô
Mán, và cả người cô Mán đó thế mà có mãnh lực quyến rũ vô cùng. Tôi nhận thấy
thường thường các phụ nữ Mường và Mán miền Châu Rể thuộc Hòa Bình này, rất ít
người có nhan sắc. Tuy nhiên, nếu đã có người nhan sắc, thì đó là một sắc mặn
mà đặc biệt, với những nét độc đáo khác vời.
Trong khi cô gái Mường nào ở đây cũng… trọc đầu,
thì cô gái Mán để tóc dài óng ả. Đồng bào Mán vùng này không “sơn đầu” như ở
một vài địa phương khác. Dưới nếp khăn lam tỏa rộng như một thứ lá cây rừng kỳ
lạ ngẫu nhiên phủ trên vầng trán, mái tóc cô gái Mán lòa xòa đen nhánh, lại bôi
dầu thơm kín đáo, phảng phất hương thơm của cỏ dại, của vỏ cây rừng nồng say.
Ở rừng, chúng tôi phân biệt các loại dân tộc thiếu
sổ theo từng thổ ngơi sinh hoạt của họ: người Thổ hay ở những khu rừng ngoài
gần đồng bằng. Trong rừng sâu, người Mường trú ngụ, thường ở sát bên chân núi,
chênh vênh sườn non cao hoặc chót vót hẳn trên đỉnh núi là chỗ dừng chân của
dân tộc Mán.
Dừng chân, vì người Mán vẫn còn sống đời du mục
phiêu lưu. Ngày nào kia, họ tìm đến một miền núi phì nhiêu, nhận thấy đất núi
đủ nuôi sống người, suối ngàn không phản trắc. Họ rẫỵ núi hoang dại làm nương,
chặt tre rừng già làm nhà, đặt máng ống bương dẫn nước nguồn cao. Thế rồi một
sớm, một chiều, từng căn nhà sàn được dựng lên, thô sơ mà kiên cố. Nhà nào cũng
có một bể đựng nước ghép bằng ván; suốt ngày, suốt đêm, đều đều, bất tận, nước
suối theo máng chảy vào bể tràn đầy ăm ắp. Nhà nào cũng có một bếp tre rộng
ngay chính giữa, suốt ngày đêm có than hồng nên lúc nào cũng sẵn nước sôi. Và
đồng bào Mán tắm rửa toàn bằng nước pha nóng bốc khói, khả dĩ tiêu tán hết
chướng khí sơn lam.
Một làng chỉ độ chín, mười nhà lơ thơ, trên từng
chòm núi, nương ngô xanh trùng điệp bao kín chung quanh. Muốn đi từ nhà này
sang nhà kia, người ta xuống núi rồi lại lên núi theo những bậc đá thiên tạo,
có lẽ cũng dễ dàng như người thị thành trèo một cầu thang ngắn.
Chiều chiều, từ lưng chừng núi, những tiếng “khèn”
xa vắng, ngập ngừng, theo mây trôi lờ lững, như một nỗi niềm nhớ nhung trời
biển. Đó là lúc cô gái Mán mắt thăm thẳm rõi ngàn xanh, cất lên tiếng hát âm u
như tiếng chim rừng.
Cho tới một ngày nào, nhận thấy chung quanh đất hết
hoa mầu, đoàn người du mục lại lìa ngàn đi tìm một rừng núi mới. Trước khi rời
bỏ những mái nhà sàn đã từ bao lâu dùng làm tổ ấm, người Mán không ngần ngại tự
tay gieo một mồi lửa, thiêu hủy hết công trình xây dựng, không muốn để lại một
dấu vết gì của chỗ ở xưa.
°
Tối đó, “Trại Văn nghệ” của chúng tôi mở hội. Chúng
tôi gọi là “Đêm Liên Hoan đón tiếp Đồng Bào Thiểu số”.
Thể theo lời mời chân thành của chúng tôi, bày phụ
nữ Mán lưu bước ở lại xóm Mường chung một lớp nhà sàn với chúng tôi.
Một bữa ăn chiều thịnh soạn đã được tổ chức ngoài
trời với tất cả kỹ thuật nấu ăn tỉnh thành của những lâm thời đầu bếp. Ở nơi
rừng sâu này xa chợ, chúng tôi phải mua sắm thức ăn đủ dùng cho cả tháng. Được
dịp thết khách có bao nhiêu trân vị quý báu lưu trữ, chúng tôi trút hết cả vào
bữa cơm tri ngộ. Đồng bào thiểu số Mán, quanh năm chỉ quen dùng cơm nếp hoặc
ngô bung, hôm đó được thưởng thức một bữa cơm tẻ gạo trắng với một thực đơn gồm
những bốn món (không phải để “ăn chơi”, mà chính là để ăn no thực sự) vì đó là
thịt kho, cá kho, tôm kho và dừa cũng kho… Đồng bào có vẻ cảm động lắm.
Trừ người trưởng đoàn tất cả có tám cô nàng: Liên,
Hoa, Mây, Thắm, Miên, Man. Mừng, Cầm. Tám bông hoa sơn cước hồn nhiên, chất
phác, nhưng chỉ có bốn đóa sắc hương đặc biệt:
Mây linh động nhất.
Miên, Man, hai chị em, mặt bầu bĩnh, mắt là răm,
đẹp cái đẹp bình dị của một thứ trái cây vừa chín tới, ngọt và hiền, nhưng chỉ
khiến người ta thích, không làm người ta say đến độ thèm.
Cầm ít tuổi hơn cả, thơ ngây hiền lành như con nai
vàng.
Sau bữa cơm chiều, sương thu đã dâng lên bàng bạc
núi rừng. Giữa khung trời mênh mông tím dần một màn ảo mộng, những điểm sao
long lanh buồn như những cặp mắt ân tình nhớ thương nhau. Thế rồi trăng lên.
Trăng của rừng thu, đó là một vầng trăng muôn thuở u sầu. Trăng hình như chảy
láng thủy ngân trên sườn núi đá xanh huyền hoặc màu ngọc thạch. Trăng lả lướt
vương trên những chùm phong lan trắng, mơ hồ nổi lên như một nét cười hư ảo,
giữa vùng lá cây ngàn rung động chập chờn. Rừng thu đêm trăng đẹp như một viên
ngọc quý.
Chúng tôi ngồi cả ngoài sân, uống một thứ café rừng
mới hái, rang bằng nồi đất, xay bằng cối giã gạo, pha bằng nồi đồng, lọc bằng
túi vải, rót vào bát đàn, hòa với thứ đường bánh trôi hăng hắc.
Các cô gái Mán, mắt đầy trăng, chúm chím môi nhắm
nháp từng ngụm nhỏ thứ café “lập thể” đó, chắc đang tơ tưởng đến cuộc sống văn
minh tiến bộ của bọn người đô thị chúng tôi.
Sân giăng in bóng núi.
Mắt các cô nàng càng vời vợi xa xôi.
Mọi người bày ra cuộc hát đối đáp nhau, nghĩa là
bên nam, bên nữ lần lượt mỗi người phải hát một bài. Phía đàn ông chúng tôi hát
trước. Một vài người cất tiếng hát những bài ca thời đại. Vang núi hắt lại rung
chuyển cả đêm rừng.
Mấy bà “mế” già kinh động, sợ hãi bảo chúng tôi:
§ Đêm khuya, các thầy đừng hát to thế. Cái ma nó về
đấy. Cái ma rừng ở đây thiêng lắm!
Đến lượt các thiếu nữ Mán cất giọng ca khe khẽ.
Tiếng hát tiêu vong trầm trầm, đứt đoạn. Tiếng hát
nghẹn ngào trong cổ họng, âm u, hiu hắt như tiếng hòa điệu của loài côn trùng
giữa đêm khuya vắng. Chính giọng hát rừng rú đó nghe như tiếng hát chiêu hồn,
tiếng hát gọi ma. Tiếng hát đó cất lên, hình như đánh thức dậy cả linh hồn rừng
núi hoang sơ.
Giọng Mây và giọng Thắm nghe rõ nhất, vì trong nhất
và ngân dài nhất. Như một âm hồ cầm nhấn rung trên cung bậc. Bài hát tắt lúc
nào, dư âm vẫn còn chìm đọng chưa dứt, tưởng chừng hơi thở còn vương trong
không gian. Chúng tôi cũng thấy rợn người lên một lúc. Cùng một lúc, tôi tưởng
vừa bắt gặp một linh hồn đi dạo trong đêm mênh mang huyền bí của lâm tuyền.
Mắt tôi bỗng gặp mắt nàng Mây, trong đó như lấp
lánh cả một giải nước nguồn lay động sao khuya. Làn mi dài từ từ dương lên rồi
cụp xuống như một cành lá hỗ ngươi. Tôi cảm thấy làn mi đó chạm vào da thịt
tôi, êm như một chất tơ nhung. Và tôi vụt nghĩ đến những chuyện bùa chài của
miền sơn cước. Chính tôi là kẻ đang muốn được chài.
Sương núi đã thấm lạnh vai áo. Xung quanh bếp lửa
quây vuông trên nhà sàn, chúng tôi từng cặp, từng cặp, cứ một cậu trai lại đến
một cô “mới”, ngồi sát cánh nhau, ngả đầu vào vai nhau, thân mật, tự nhiên như
đã quen nhau từ thuở nào.
Tôi ngồi cạnh Mây. Mây ngả đầu vào vai tôi. Và tôi
nắm lấy cánh tay tròn lẳn của Mây. Gần nhau rất ngẫu nhiên, thân nhau không hẹn
trước vậy mà tôi cảm thấy chỉ một cái ngả đầu, một cử động nhích tay lúc này
cũng đủ trở nên một dấu hiệu của Định Mệnh.
Điếu thuốc lào được chuyển qua tay này sang tay
khác. Phong tục ở đây, cái điếu cày bằng ống tre rừng là giây tơ hồng ràng
buộc, là quả tơ hồng trao duyên: người con trai muốn tỏ tình cùng người con
gái, chỉ cần hút một mồi thuốc lào; xong, nhồi một mồi nữa, mời người con gái.
Cô gái nhận điếu thuốc châm lửa hút, là thuận tình. Chỉ nhận điếu thuốc mà
không hút, mới là cảm tình xã giao. Giản dị vậy thôi, kỳ thú như vậy đó.
Bếp lửa đốt bằng hai khúc cây lớn đỏ hồng. Má các
cô nàng cũng hồng đỏ.
Tôi hút một mồi thuốc lào, lại nhồi một mồi thuốc
nữa đưa cho Mây. Mây cầm điếu thuốc, lim dim mắt thủ thỉ:
§ ‘‘Cái” anh cho em hút điếu thuốc này, em “say” anh,
em theo anh về Thủ Đô thì sao?
Dứt lời, cô nàng châm lửa hút luôn. Và cô nàng say,
ngả lưng trên cánh tay tôi.
Tôi hỏi Mây:
§ Em có muốn theo anh về Thủ Đô không?
Mây đáp:
§ Em có muốn. Nhưng “cái” anh nói dối. Đánh nhau thế
này, đời nào “cái” anh về Thủ Đô!
Để cho Mây tin rằng tôi không nói dối, tôi liền…
nói dối luôn, giọng chắc nịch:
§ Không, anh nói thực. Mai anh về Thủ Đô đấy.
Cô nàng mở tròn cặp mắt tin tưởng:
§ Thế à? Thế mai em theo anh về với nhé! À! Ngày kia
hẵng về, anh ạ. Sáng mai, em còn phải vào rừng bẻ măng…
Câu chuyện của chúng tôi cứ lẩn thẩn như thế mà
cũng kéo dài cho tới lúc bên ngoài trăng đã khuất, cuối cương xa vọng lại một
tiếng vượn sằu gọi trăng.
Có lẽ đêm đã khuya lắm. Xóm Mường ngủ im phăng
phắc. Trừ bọn chúng tôi còn thức.
Tôi “phỏng vấn” Mây:
§ Chúng anh muốn tỏ tình với các em thì chúng anh đưa
cho các em hút điếu thuốc lào. Còn các em muốn tỏ tình với chúng anh, thì các
em làm thế nào?
Mây cười ngây thơ:
§ Nhưng “tỏ tình” là gì hả anh?
§ Tỏ tình là giải tỏ tình yêu, là… nói chuyện ái tình
ấy!
§ Thế tình yêu với ái tình là gì?
Tôi cố giải thích, nhưng xem chừng những danh từ
văn hoa chẳng làm cho Mây hiểu được gì hơn. Một anh bạn tôi phải cắt nghĩa
giùm:
§ Tình yêu hay ái tình là… người con trai với người
con gái say nhau, phải lòng nhau, thương nhau, mến nhau ấy mà. Chẳng hạn như
bây giờ Mây thương ai mà người ta không biết thì Mây làm thế nào?
Bây giờ Mây mới có vẻ hiểu.
§ À! Muốn tỏ lòng mến anh, em đợi lúc anh đi ngủ, em
ra bếp lấy lửa… đốt vào bàn chân anh. Thế là anh biết, anh thức dậy.
Tôi cố ý hỏi lẩn thẩn:
§ Em đốt chân anh, anh thức dậy… Xong rồi để làm gì?
À! Anh
thức dậy, xong rồi em rủ anh ra suối.
Ra suối
rồi… để làm gì?
À! Ra suối
để chúng mình… nói chuyện!
Thì ra, bài thơ Ân Tình của cô gái Mán không phức
tạp chi hết. Tất cả, chỉ gồm có mấy động tác căn bản thô sơ: đốt chân, rồi đi
ra suối. Đi ra suối, để… nói chuyện!
Ngay sau lúc ấy tôi đã đi ngủ, để cho Mây tìm đến
đốt chân, để cùng đi với Mây ra suối, và để rồi chúng tôi… nói chuyện!
Sau cái đêm thi vị “nói chuyện bên suối” đó, Mây
không theo tôi về Thủ Đô. Trái lại, tôi theo Mây lên núi – nghĩa là về làng của
Mây. Để được Mây tặng cho rất nhiều: đu đủ chín, dưa hồng, ngô nếp, dâu da,
hồng bì, và cả một chiếc vòng tay bằng bạc.
Mây lại thêu vào khăn tay của tôi một con chim và
một đoá hoa ngũ sắc, làm kỷ niệm. Cũng như hầu hết các cô gái Mán khác ở đây,
Mây thêu rất nhanh. Đặt tay xuống, nhấc tay lên vài lần là xong một đoá hoa.
Lượn đường kim vài lượt trên vải đã trở thành một con chim. Nét thêu đơn giản
mà linh động, hình thức chim hoa hơi kiểu thức hóa, tựa những nét họa trang trí
trong kiến trúc Đế Thiên.
Ghi kỷ niệm vào một chiếc khăn tay chưa đủ, tôi đưa
cả áo “sơ mi” cho Mây thêu vào ngực, đưa cả “vét tông” để Mây thêu vào ve áo,
và đưa “cả ba lô” cho cô nàng thêu vào hai túi.
Suốt nửa ngày ở chơi trên làng Mán với Mây, câu
chuyện giữa hai chúng tôi chỉ loanh quanh với mấy câu nói đã nhắc đi nhắc lại
nhiều lần, mà cái luận điệu lẩn thẩn không làm cho tôi chán:
§ Thế bao giờ anh mới về Thủ Đô?
Bao giờ
hết chiến tranh thì anh về. Chừng đó anh sẽ đưa em về cùng.
Hết chiến
tranh thì lâu quá nhỉ? Hay là anh ở lại hẳn trên này với em. Ở đây đi làm nương
vui lắm…
Tôi cứ gật đầu liều, tuy biết rằng lệ làng Mán, lấy
con gái Mán, phải nhập tịch làng Mán, cùng sống, cùng chết, cùng phiêu lưu với
bộ lạc.
Mây tỏ vẻ không tin, lắc đầu nói:
§ Anh nói dối. “Cái” anh như con chim ấy, hôm nay ở
đây, mai bay đi chỗ khác. Em không giữ được anh, em xót lắm.
Câu nói ấy như là thơ, mà thú thực, lời chưa thấy
có ở tác phẩm của một nữ sĩ Việt Nam hiện đại nào.
Bài thơ độc nhất trong thời loạn đó chỉ kéo dài có
năm, sáu phiên chợ. Ở đây, cứ năm ngày một phiên chợ Bến, tôi đợi Mây từ trong
núi đem măng, đem sắn cùng các lâm sản khác đi qua, ghé lại “Trại Văn Nghệ” có
khi nửa ngày, có khi cả một đêm. Ngẫu nhiên, “Trại Văn nghệ” của chúng tôi trở
nên một cái trạm dừng chân giữa đường sơn cước: xuôi về đồng bằng gần hai chục
cây số là chợ Bến, và hướng về non cao, trại chúng tôi chỉ cách làng Mán chừng
bốn, năm cây số đường núi.
Đã năm sáu phiên chợ qua đi. Mối tình của tôi với
cô gái Mán vẫn không có gì thay đổi. Mây vẫn ngây thơ, duyên dáng, và mỗi ngày
mỗi đáng yêu hơn, vì Mây vẫn rất đa tình. Cho nên đã có tới năm, sáu lần tôi bị
cô nàng đốt bỏng cả hai chân.
Chiến sự ở những vùng Chợ Bến và Hòa Bình ngày càng
lan rộng. Đêm đêm, đứng trên núi cao, nhìn thấy từ những miền rừng xa ánh lửa
bập bùng hắt lên nền mây đen vần vũ, có khi thấy cả ánh đèn “pha” quét dài từng
vệt trong sương đêm như ánh chớp nguồn.
Chiến sự biến chuyển thì nhiệm kỳ ở rừng của đoàn
Văn nghệ chúng tôi chấm dứt. Nghĩa là phải nhổ trại lìa rừng. Riêng tôi không
hưởng ửng sự xê dịch chút nào. Tôi nghĩ đến Mây, sắp sửa phải xa cách nhau chưa
biết bao nhiêu sông núi.
Tôi muốn gặp Mây trước khi cách biệt. Vì tuy không
hưởng ứng, tôi vẫn phải theo ý định của phần đông. Từ sáng, trong lúc mọi người
sửa soạn đế chiều hôm đó lên đường về xuôi, tôi lén đi một mình lên làng Mán.
Đường đi vẫn trập trùng đồi, núi. Lội suối, trèo
non, sau gần bốn tiếng đồng hồ, tôi đến bên chân dãy núi làng Mây. Nương ngô
cuối vụ hái bắp xạc xào. Lá xanh dài che kín lối đăng sơn. Tôi rẽ lá tiến lên.
Tới lưng chừng núi, hết rặng ngô, ngọn núi hiện ra giữa khung trời bát ngát.
Tôi bỗng giật mình. Tôi ngờ tôi mê hoảng. Tôi mở
mắt thực to mà vẫn tưởng mình trông nhầm: trước mắt tôi, không thấy những mái
nhà sàn quen thuộc mọi khi. Những mái nhà có rừng vàng óng của làng Mán, mỗi
lần tôi đến đây, vẫn hiện ra trên ngọn núi, thân mật, chào đón. Giờ đây, những
mái nhà đó biến mất.
Tôi nhẩy vội từng ba bậc đá lên tới ngọn núi. Ở chỗ
những ngôi nhà sàn mọc lên ấm cúng xưa kia, nay chỉ còn là một đống tro thanh
quạnh quẽ đìu hiu. Trên những chòm núi khác cũng vậy, không một bóng nhà sàn,
không một bóng người Mán, cả một làng Mán gồm chín, mười nóc nhà đều biến đi
như giấc chiêm bao.
Không phải đây là kết quả một vụ oanh tạc. Không có
dấu vết gì chứng tỏ phi cơ đã tàn phá xóm nhà sàn cô tịch này. Chỉ còn chút tàn
tro phơ phất bay vào cơn gió ngàn lạc qua đỉnh núi.
Chắc người Mán ở đây, theo tiếng gọi của đời du
mục, đã tự thiêu hủy làng mình, lên đường đi tìm rừng núi khác.
Chính cô nàng Mây đã là một con chim lạ rừng thu
vừa bay đi mất.
Cuộc sống chẩy trôi đưa tôi từ núi rừng về đồng
ruộng, rồi từ đồng ruộng lên ngàn, xuống biển, để rồi lại trở về Hà Nội. Đã
nhiều ngày tháng qua đi, cái bóng “Mây” bay đi dạo đó đã bay đi biền biệt,
không còn dấu vết.
Tuy nhiên, tôi vẫn còn giữ được chiếc vòng bạc cùng
chiếc khăn tay thêu chim hoa chỉ ngũ sắc của Mây trao tặng. Mỗi lần giở tới
những kỷ vật đó, tôi lại thấy nao nao thương nhớ, một niềm nhớ thương day dứt,
thấm thía. Nhưng, tôi nhớ tới núi rừng nhiều hơn nhớ tới cô gái Mán. Tôi nhớ
núi rừng tha thiết như nhớ tới chính miền quê cha đất tổ của mình, nhớ hơn cả
bất cứ một người nhân tình nào, có lẽ trong tiềm thức sâu thẳm của tôi vẫn chìm
lắng cái truyền thống hoang dã của người dân du mục phiêu lưu- cái bản năng sơ
khai của Bộ lạc.
Trong khi hình bóng cô nàng Mây mờ nhạt dần trong
tâm trí tôi, thì cái bóng hình thâm u của rừng núi nhiều lúc vẫn mênh mang bao
phủ linh hồn tôi như một niềm ám ảnh.
Cho tới 1954. Quân đội Pháp từ các miền sơn cước
rút về Hà Nội. Đồng bào Thượng cũng lũ lượt kéo về đô thị. Trên các phố phường
chen chúc, tôi đã thấy hiện ra những vuông khăn trắng bắt đầu cùng tà áo trắng
dài lòa xòa phủ ngoài vạt xiêm thổ cẩm của các cô nàng Hòa Bình, Lạng Sơn;
những chiếc vòng bạc nổi trên nền áo lam của cô gái Thổ Cao Bằng, Lạng Sơn;
những chiếc váy lĩnh thướt tha của cô Thái Trắng Lai Châu… Nét mặt người nào
cũng thẫn thờ ngơ ngác tựa những con nai lạc bầy. Những con người của núi rừng
hoang dã giờ đây cũng đang lạc giữa rừng người thành thị, bước chân ngượng
ngập, rụt rè như còn lưu luyến với cỏ dại cùng sỏi đá lâm tuyền.
Đồng bào thiếu số bỏ rừng về tỉnh mỗi ngày mỗi
nhiều. Nhưng, giữa bầy chim lìa ngàn, tôi không tìm thấy “con chim lạ rừng thu”
ngày nào của miền Châu Rễ, bên cạnh những người Thổ, người Mường, người Thái di
cư về Hà Nội, tôi nhận thấy không có bóng người Mán. Và tuyệt nhiên, tôi chưa
tìm thấy bóng dáng cô nàng Mây. Người thiếu nữ thuộc Bộ Lạc Mán ở những dẫy núi
cao miền Tây Bắc Bắc Việt một ngày nào từng ao ước “theo tôi về Thủ Đô”, chẳng
biết giờ đây có thả mình theo chiều gió cuốn lìa rừng?
Tôi đã tìm đến mấy khu tạm trú của các đồng bào
miền Thượng. Tôi hỏi thăm, và được biết: các đồng bào ở rừng núi di cư được về
Hà Nội cũng phải có hoàn cảnh đặc biệt. Trước hết, phải thuộc dòng họ Quan
Lang, và phải là những dòng Lang có thế lực, có cơ sở hoặc bà con thân quyến ở
Hà Nội. Từ những miền sơn cước đèo heo hút gió về được tới chốn cố đô “ngàn năm
văn vật” đâu phải chuyện dễ dàng? Phiêu bạt được về đô thị lúc này là một số
tối thiểu của các khối… thiểu số đồng bào miền Thượng xứ Bắc mà thôi: họ Đinh,
họ Quách ở Hòa Bình, họ Bế ở Lạng Sơn… cô gái Mán lên là Mây “của tôi” tất
không ở trong số những người đó.
Tôi nhớ tới lời một vài phụ nữ Thổ nói với tôi, khi
thấy tôi lưu ý thăm hỏi về rừng núi thân yêu của họ:
§ ‘‘Cái” em buồn lắm, khổ lắm, thầy ạ… “Cái” em
thương cha nhớ mẹ lắm. Cái em nhớ rừng lắm…
Tự nhiên tôi cũng thấy nhớ rừng, nhớ núi, nhớ suối,
nhớ nương, nhớ nhà sàn. Y như chính mình vừa mới lìa rừng xa Bộ Lạc.
Thế rồi hiệp định Genève.
Tôi di cư vào miền Nam. Quả nhiên đến lượt mình
cũng là một con chim lìa tổ.
Câu truyện cô nàng Mây càng thêm trở nên xa xôi.
Năm, sáu năm trời đã trôi qua. Những mái nhà sàn
chênh vênh trên ngọn núi cao của xóm Mán giờ đây chỉ còn là hình ảnh đang chìm
vào quá khứ.
Tình cờ, một ngày đẹp trời kia, tôi có dịp đi chơi
về vùng Ban Mê Thuột cùng mấy người bạn.
Chiếc xe hơi của chúng tôi qua tỉnh lỵ và tiến về
những miền rừng bát ngát. Qua những đồi núi trập trùng, lác đác hiện ra hai bên
dọc đường những mái nhà sàn thấp thoáng. Để ngắm cảnh núi rừng, chúng tôi cho
xe chạy từ từ.
Rừng núi miền Nam cũng không thiếu vẻ hoang vu,
hùng vỹ. Hơn nữa, còn nguyên vẹn cả cái vẻ cường tráng man dại của một thiên
nhiên đang lớn mạnh. Tự dưng tôi hồi hộp chờ đợi, như sắp sửa được gặp lại một
linh hồn bè bạn vô cùng bao dung. Có lẽ vì tôi đang đi sâu vào trong tiềm thức
tôi.
Chợt, phía trước mặt, từ trên một sườn đồi thoai
thoải dốc xuống ngay bờ đường bên phải, hiện ra một đoàn người áo chàm đi hàng
một.
Thiếu chút nữa tôi buột miệng thốt lên một tiếng
kêu, nhưng lại nén được ngay: cả một kỷ niệm xa xưa vừa sống lại trước mắt tôi!
Bởi vì, đoàn người áo chàm kia là một đoàn phụ nữ Mán. Một đoàn phụ nữ Mán, mà
người đi đầu lại chính là cò nàng Mây! Chính cô nàng Mây “của” tôi ngày nào,
không thể nhầm được, vẫn dáng điệu ấy, vẫn y phục ấy, vẫn nét mặt ấy, chỉ hơi
kém vẻ thơ ngây đôi chút, nhưng lại có vẻ sắc sảo, đậm duyên hơn.
Tôi không mê hoãng. Tôi không nhìn lẫn. Nhưng Mây
ngẩn mặt ra nhìn thẳng vào mắt tôi như nhìn một người chưa bao giờ quen biết.
Chiếc xe chở chúng tôi đi xa dần, cho tôi khi khuất
bóng đoàn phụ nữ Mán.
Tôi không yêu cầu người bạn tôi dừng xe lại. Tôi
cũng chẳng muốn gọi Mây để nhắc lại tình xưa, nghĩa cũ. Tôi hiểu rằng bao giờ
“Mây” cũng chỉ là “mây” của rừng, của núi, của bốn phương trời.
Mây đã lìa ngàn. Mây đã bay thoát khỏi ngục tù. Tôi
cũng mừng hộ cho nàng, và tự dưng thấy nhẹ nhàng, thanh thản.
Đinh Hùng
Đốt Lò Hương Cũ
LỬA THIÊNG 1971
No comments:
Post a Comment