Saturday, November 28, 2020

Đời Đổi Đời - Thuyên Huy

 

 Đời Đổi Đời

Viết bằng tưởng tượng để nhớ một người thật có tên trong chuyện

 

    Theo lời Hùng, em của người bạn trong nhóm, lanh tay lẹ chân, bị tống cổ ra khỏi trường vì lý lịch con nhà phe địch, bỏ nhà đi bụi đời, sau ngày miền Nam mất, anh và người bạn vào tù, Hùng vẫn bụi đời, tuy vậy nhưng lại quen biết khá nhiều người “có thớ “ ở Sài Gòn lúc này, cả bọn tới cái biệt thự khá lớn, tường cao cổng khép, trên con đường nhỏ yên tỉnh, không xa cầu Phan Thanh Giản.

    Trời cũng chắc sắp tới trưa, nóng cứ nóng, cái nóng quen của mùa Hạ ở Sài Gòn. Tấm bảng thiếc lớn cao ngang tường đề “công ty quốc doanh hóa chất Đồng Nai” làm anh khựng lại trước cổng, hai cánh cửa to đóng kín, như hiểu ý, Hùng cười thỏa mái “chỗ này coi vậy mà không phải vậy đâu”, xem ra anh ta chắc tới nhiều lần rồi, Hùng vừa nói vừa đưa tay đập mạnh vào đó, có tiếng chân, cổng hé mở, anh bộ đội, mang súng AK47 bước ra, cười chào, rồi tránh qua, để bọn anh đi vô trước, cổng đóng kín lại, theo sau rồi tới ngồi trên cái ghế bọc da, ngay cửa nhà xe rộng, mồi thuốc hút, gói thuốc mà anh ta nhận từ Hùng đưa cho lúc mới ra mở cửa.

*

   Rồi thì cũng xong mọi chuyện, ngày giờ đâu đó đã sắp xếp, vài ngày nữa bọn anh ra đi, đi xa tới đâu thì chưa biết, anh vốn bản tính hiền, có lẽ do nghề “thầy giáo”, ít khi lang bạt vào các chốn mà người ta gọi là “tứ đổ tường” nhưng hôm nay phá lệ, như Hùng nói, thử thời vận “xả xui”, trút bỏ sầu đời để chuyến đi “xuôi chèo mát mái”. Hùng tự nhiên đi trước, hai người theo sau, băng qua khúc sân xi măng, tới cửa hông của biệt thự, hoa đủ loại dày đặc dọc theo tường, đi vào, anh quay nhìn lại phía nhà xe, thấy hơi run, anh bộ đội gật đầu cười, một cái cười như đã cười như vậy không biết bao nhiều lần ngầm nói “biết rồi”.

     Hai anh em Hùng theo hai cô gái đi vào mấy cái phòng phía trong, anh có hơi ngài ngại, ngồi chờ, người đàn bà không son phấn, ngồi ở quầy tính tiền, trung niên nhưng mặt vẫn còn phảng phất chút nét đẹp cũ, còn duyên, ngồi nhìn hững hờ ra sân, anh cũng nhìn ra sân, nắng lên rực nắng. Cô gái mặc váy đầm xanh màu lục đậm bước ra đứng chờ, anh quay lại, giựt thót người, chết trân, cô gái cũng thảng thốt cùng nói cùng lúc “thầy”, Ngọc Trang”, rồi lặng thinh nghẹn tiếng. Ngọc Trang cúi gầm mặt, tay vân vê tà váy rộng, anh ngó người đàn bà ngồi chỗ tính tiền, chắc là bà chủ, gật đầu tỏ vẻ đồng ý, đứng dậy ra dấu, Ngọc Trang lặng lẽ đi vào trong, nhớ chuyện cũ, anh theo sau, trong đầu cứ hai tiếng “tại sao”.

    Hai người ngồi lặng thinh trong phòng, Ngọc Trang ôm mặt, gục đầu rấm rứt khóc, anh cũng mắt đỏ hoe, cố tìm lời nhắc chút chuyện vui cũ, hỏi han an ủi nhưng hỏi cho có hỏi chứ không cần nghe trả lời, nghiệt cảnh quá, có tiếng xì xào nói cười bên ngoài, hai anh em Hùng đã xong việc của họ, anh đứng dậy  mở cửa đi ra trước, Ngọc Trang cúi đầu rồi đi một mạch vào trong, anh thanh toán tiền nong cho người đàn bà ngồi ở quầy, ba người ra cửa, tiếng cám ơn của bà vọng theo ra, nắng không nóng nhưng lòng anh như lửa đốt, xót xa, quặn thắt, anh bộ đội một lần nữa theo ra tươi cười mở cửa cổng, họ ra tới góc đường Phan Đình Phùng nhìn lại, hai cánh cửa khép kín. Hùng cho anh biết người đàn bà ngồi ở quầy tiền là bà chủ của quán bar Phụng Mỹ, ở khu đường Tự Do, dưới bến Bạch Đằng trước đây, được sự chống đở của ai đó, lấy cái biệt thự này làm “chỗ chứa gái”.

    *

    Anh về trường trung học Lý Thường Kiệt, dạy môn Sử Địa lớp đệ tam, năm đầu nghề dạy học sau khi ra trường, Ngọc Trang là học trò lớp này. Ba của cô là Thiếu tá VNCH, làm việc và có nhà trong cứ xá sĩ quan Trung tâm Huấn luyện Quang Trung, mới ra trường, còn khớp nên đám học trò con gái cứ tìm cách chọc phá nhưng rất thương thầy, Ngọc Trang đẹp, hiền, nhỏ nhẹ nhưng dạn dĩ, ăn nói có duyên. Anh quen gia đình cô hôm ăn tiệc Tết cuối năm đó, ba mẹ cô, vợ chồng Thiếu tá Trình hiền hậu, vui vẻ, cô là con một, thấy anh độc thân xa nhà, nên thường mời vô cứ xá ăn cơm chiều, cơm trưa, món này món nọ, có khi ông lái xe jeep ra đón, cứ vậy, từ đó họ thân nhau, trong lớp, đến nhà xem nhau như anh em, năm sau cô lên Đệ Nhị, không còn là học trò của anh nhưng mối tình thân với gia đình Ngọc Trang vẫn như ngày cũ.





    Nửa năm Đệ Nhất của Ngọc Trang, anh đổi về trường trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ, cũng là lúc ba của Ngọc Trang lên Trung tá, ông rời Quang Trung, ra Nha Trang làm Quận trưởng quận nào đó, buổi sáng hôm anh rời trường, từ giã gia đình Ngọc Trang, cả nhà ra chờ đón xe đò ngoài đường đưa tiễn, anh không gặp lại họ từ hôm đó.

   Miền Nam mất, anh còn dạy chưa được nửa năm, bị cho thôi việc, cái tội đơn giản, khá rõ là dạy Sử Ngụy, xuyên tạc “Cách mạng”, thất chí, về với cha mẹ ở tỉnh nhà vài tháng, bỏ xuống Sài Gòn, nhập bọn với hai ba thằng bạn lính thân, học cùng trường trung học, ở tù về, mướn nhà ở chung, buôn bán chợ trời đủ thứ “thượng vàng hạ cám”, quần áo tủ giường, máy móc thuốc men, sống cũng được vài năm.

    *

     Buổi chiều, mưa lất phất, anh đạp xe đến tìm nhà như đã hẹn với Ngọc Trang hôm gặp nhau ở cái biệt thự đường Phan Kế Bính, tại con hẽm sâu hun hút trên đường Lê Văn Duyệt, khúc gần chợ Hòa Hưng, căn nhà gạch nhỏ cũ mèm, như mấy chục căn nằm san sát bên nhau khác. Dựng cái xe đạp cà tàng vào tường trước nhà, chưa kịp gỏ cửa thì Ngọc Trang bước ra, có tiếng hỏi “ai đó con” từ bên trong, anh ngờ ngợ, theo cô vào nhà, mời anh ngồi xuống một trong bốn cái ghế của cái bàn cây để giữa phòng, trong phòng không có gì thêm ngoài tủ thờ thấp, cái ghế bố xếp, rồi làm dấu chờ, anh ngồi nhìn tấm ảnh trên bàn thờ, giựt mình, hình mẹ cô. Ngọc Trang dìu người đàn ông ốm yếu, mặc bộ đồ ngủ bạc màu lam ra, anh đứng bật dậy, bước nhanh tới, đở một bên tay, chết trân, “trung tá, cháu đây, Hậu đây”, mắt ông mở nhưng đứng tròng ‘Hậu hả cháu, Hậu hả cháu”. Ngọc Trang đở ông ngồi xuống ghế, quay qua anh “ba em mù rồi”, anh cũng ngồi xuống theo, bổng dưng muốn khóc.

    Bó tay thua cuộc, miền Nam mất, trung tá Trình vào tù tập trung, cùng chung số phận với hàng chục hàng ngàn người muôn năm cũ khác, sau gần hai năm, ông được người ta thả ra vì cặp mắt không còn thấy gì nữa, đã mù, vì căn bệnh tiểu đường kinh niên, không có thuốc uống như ngày xưa, ông về nhà, căn nhà mà hai cha con đang ở, do ông mua lại cho Ngọc Trang ở đi học, trong thời gian làm quận trưởng. Bà, mẹ cô chết trước ngày ông về không lâu, vì bị nước lũ cuốn trôi, một chiều mưa xứ Bắc tầm tả, từ con đường mòn dọc triền núi, con đường mấy cây số tới trại tù Lào Kai, Yên Bái, cả một toán người vợ đi thăm chồng, trên đường trở ra, sau khi được thấy mặt chồng con không hơn mười lăm phút ngắn ngủi, dân bản làng dầm mưa, đội lũ, hò hét kêu nhau cứu, cuối cùng, một số may mắn còn sống, một số chết đuối, trong đó có mẹ của Ngọc Trang.

    Nhà cầm quyền cho chở xác bà về theo địa chỉ trên tờ giấy xin phép thăm chồng, cũng còn may, hai ba người bà con xa dưới miệt Tân Trụ, quê bà, được tin lên Sài Gòn phụ lo đám tang, khi mà Ngọc Trang không biết làm gì hơn là cứ khóc rồi khóc, xác bà hỏa  thiêu đâu đó ở khu nghĩa địa Phú Thọ Hòa, tro cốt đựng trong cái hủ sành nhỏ, để trên tủ thờ, mỗi lần thắp nhang là mỗi lần đầm đìa nước mắt. Còn lại một thân một mình, Ngọc Trang sống tiếp chuỗi ngày còn lại, bỏ học từ lâu, chữ nghĩa không là gì nữa, lăn lóc chợ trời, dành dụm chút tiền mới, để có mà lo cho ba mình, đang bị đọa đày, trầm luân khổ ải giữa mưa rừng gió núi.

    Từ ngày ông được tha về, tin vợ chết ông nghe, quặn đau nhưng mắt đã mù, không còn nước mắt đâu nữa mà khóc, chiều nào cũng như chiều nấy, chờ Ngọc Trang, đi làm về, làm gì cô không nói, ông ngồi trước bàn thờ, tay mằn mò cái hũ sành tro cốt cả giờ đồng hồ, lặng thinh, trên đó đôi mắt sáng của bà trong tấm hình có lẽ nhìn thấy ông nhưng giữa màn đen bao quanh ông chỉ là một màu đen u uất, đành thở dài nảo nuột. Ngày qua ngày lại, Ngọc Trang cũng sáng đi làm, chiều về nhà chưa bao giờ muộn, cũng áo bà ba, quần đen như hàng trăm người con gái Sài Gòn ngày cũ khác, bôn ba sống còn giữa nghịch cảnh cay nghiệt, với xóm quen cô vẫn là “Trang chợ trời” từ ngày “soán ngôi đổi chủ”.

*

     Chiều xuống muộn, nắng thoi thóp tàn nhưng chưa chịu đi, đường xá xuôi ngược người đi người về, đi về lặng lẻ, có lẽ là buổi chiều cuối cùng của Sài Gòn anh sẽ bỏ đi xa, không muốn nhưng đành đoạn mà đi, cũng với cái xe đạp cà tàng, anh đến nhà từ giã hai cha con Ngọc Trang, ở không lâu, có nói nhiều cũng không hết chuyện, càng nói càng buồn thêm. Trước khi ra về, anh đưa cho cô, gói giấy báo cũ bọc chừng một số cây vàng, số vàng mà anh có nhờ vào việc môi giới kiếm tàu cho người Hoa vượt biên, đã mang về quê cho ba mẹ phân nửa, bắt cô phải nhận, giữ mà phòng thân cho cô và cho ba mình, Ngọc Trang nhận mà đầm đìa nước mắt, thắp nén nhang trên bàn thờ, từ biệt, không hẹn gặp lại như mấy lần trước, anh ôm Trung tá Trình, nghẹn lời, mắt rươm rướm, đẩy xe đạp ra đường, Ngọc Trang tay dắt ông ra trước cửa nhìn theo, cô muốn nói gì đó nhưng lại thôi, ông cố giương mắt mong thấy bóng người nhưng trước mặt ông vẫn là một màu đen âm u, lạnh lùng ma quái.

*

    Hôm từ biệt, không hỏi anh đi đâu nhưng Ngọc Trang biết, anh biền biệt mấy tháng trời, ba cô ra vào cứ nhắc “bộ con có làm cái gì cho anh Hậu giận, sao không thấy nó tới chơi”, cô cười thôi. Ngọc Trang đã không còn tới cái biệt thự bất đắc dĩ nhục nhằn tội lỗi Phan Kế Bính sau ngày anh đến nhà lần đầu, lần đó cô đã nói hết khổ đau cay đắng của lòng mình cho anh nghe, dùng một số vàng anh cho, nhờ dịp may, cô cùng người bạn cũ cùng lớp, có ba còn trong tù, hùn nhau sang lại cái sạp nhỏ bán quần áo trong chợ Hòa Hưng, tạm có đủ miếng cơm, chén thuốc cho hai cha con.

   Buổi chiều cách nay mấy ngày từ chợ về, ngang qua mấy căn nhà đầu hẽm, xì xào qua lại vì có người vượt biên bị bắt giam ở khám lớn Rạch Giá mới thả về, cô cũng lân la hỏi thêm, với hy vọng là anh không phải đang ngồi tù đâu đó,  hai ba hôm sau ngày vào khám, một số người vượt biên nữa bị giải vào, theo lời họ nói lại, tàu họ chết máy, gặp bảo lớn, ra biển chưa xa  vẫn còn nhìn thấy bờ lờ mờ, cũng từ Bến Đáy đi, bể rồi chìm, người còn may mắn, bám víu xác tàu, thùng nước, cả đêm mưa cuồng gió dữ, tới sáng sóng đánh trôi giạt vào bờ, xác người chết nhiều lắm, người sống thì công an bắt đưa qua Trà Vinh mấy ngày rồi chở về Khám lớn, có nhiều người quen đi chung, không thấy nữa, chắc đã chết rồi.

    Cùng với hơn mười mấy xác chết đuối, dân làng biển, những người đi thu nhặt xác, trong các thứ vật dụng, túi xách sóng đánh trôi vào bờ người ta tìm thấy cái bóp đàn ông, tờ thẻ căn cước cũ thời trước còn tốt tên Trần Hữu Hậu, có hình nhưng không xác nào có mặt giống như tấm hình đó.





*

    Ngọc Trang dọn hàng về nhà sớm, chiều nay chiều Ba Mươi Tết, sắp xếp mọi thứ cúng đón ông bà xong, thẩn thờ cô bỏ ra ngồi ngoài cửa thở dài, nhìn bóng nắng thấp thỏm rớt trên đường, buồn man mác, buồn xa xăm dịu vợi, nhớ anh ray rứt, nhớ mà không biết tại sao, chưa kịp đứng lên vô nhà, có tiếng ba cô hỏi vọng ra “mai mốt Hậu có tới chơi hông con?”, cô lặng người, cười gượng trả lời “dạ chắc tới mà ba”, chắc tới, nhưng có lẽ sẽ không bao giờ tới, sống hay chết thì, anh cũng đã đi xa và đi thật xa rồi, Ngọc Trang bật khóc thành tiếng.

 

Thuyên Huy

Đầu Đông 2020

 

1 comment:

giao sinh nu said...

1 trong những hồi ức đau thương cua dân Việt