Một chút trong hồi ký của Nguyên Ngọc
Mời đọc vài trích đoạn từ tập hồi ký “Làm báo văn nghệ” của một
nhà văn cộng sản VN để thấy rõ thêm sự thật khá lý thú trong nội tình của bọn
CSVN
Trong thời gian ngắn ngủi làm báo Văn
Nghệ của tôi có hai sự kiện đáng chú ý, cuộc gặp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn
Linh với đông đảo đại biểu văn nghệ sĩ và các nhà hoạt động văn hóa, đến hơn
100 người, trong 2 ngày 7 và 8 tháng 10-1987, và Kỷ niệm 40 năm báo Văn Nghệ
vào tháng 4 năm 1988.
Các nhà văn chúng ta vậy mà rất dễ bốc.
Nguyễn Khải vốn là người chín chắn và thường khá thận trọng, vừa tan họp đã hớn
hở oang oang: “Lần này thì đúng xuất hiện minh quân thật rồi!”.
Báo Văn nghệ tất nhiên có một bài
tường thuật dài trang trọng. Câu cuối của bài tường thuật ấy là như thế này: “Anh
Nguyễn Kiên là một nhà văn thường được anh em trong giới coi là người rất trầm
tĩnh, thận trọng, chín chắn. Anh đứng lặng rất lâu sau khi bước ra khỏi khu hội
trường, rồi nói nhỏ, chậm rãi: “Có cảm giác là chúng ta đã bắt đầu bước sang
một thời kỳ khác”…”.
Cuộc họp được mở đầu bằng một lời giới
thiệu ngắn của anh Trần Độ, rồi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh vào cuộc rất khéo.
Ông nói: “… Tôi có một băn khoăn: hình như từ sau ngày giải phóng đất nước đến
nay những thành tựu văn học nghệ thuật của chúng ta nghèo hơn trước, không biết
có đúng thế không? Nếu không đúng như thế, thì tôi mừng. Còn nếu đúng như thế
thì tại sao? Hay do lãnh đạo có sự kiểm duyệt, sự hạn chế gì?… Nếu có tình hình
ấy, tôi đề nghị có thể đó là một chủ đề để chúng ta trao đổi. Tôi mong được
nghe ý kiến các đồng chí…”. Sau đó ông để cho mọi người nói gần suốt hai ngày,
tha hồ phơi bày bao nhiêu phê phán, bất bình. Cuối cùng ông mới kết luận, cũng
ngắn gọn thôi, trong đó có một câu thường sẽ được nhắc đi nhắc lại mãi: “Hãy
tự cứu mình trước khi trời cứu!”. Ý nói: Đảng đã cởi trói cho các anh rồi,
bây giờ đến lượt các anh tự lo lấy đi, ráng mà phục vụ cho tốt vào.
Riêng tôi, thật tình tôi không mấy hứng
khởi với cuộc họp trấn an ấy đối với giới trí thức, trong đó thường ồn ào hơn
cả là mấy anh văn nghệ. Tôi cũng không mấy hứng thú với lời kêu gọi “Hãy tự
cứu mình…”. Trước đó, tôi có viết một bài ngắn trên báo Văn Nghệ,
đại ý nói Đổi Mới chẳng qua là bỏ bớt đi một số bó buộc vô lý với cuộc sống vốn
là tự nhiên của con người. Cũng là do từ một cuộc nói chuyện với
anh Hồ Nghinh. Anh Nghinh kể với tôi hồi mới vào Sài Gòn anh có thử đi hỏi bà
con bây giờ cách mạng về cho bà con đủ thứ, chính sách này chính sách nọ, lại
còn các món trợ cấp, v.v., vậy chính quyền Sài Gòn trước đây có cho bà con gì
không. Dân Sài Gòn trả lời rất Sài Gòn: Không, họ không cho gì hết trọi. Chỉ
cho làm ăn thôi.
Hay
thế!
Tôi
không đồng ý nói Đảng cởi trói cho xã hội, cho nông dân, cho văn nghệ. Xã hội
bị đẩy đến cùng cực, sắp chết ngạt đến nơi, đã tự mình đứng dậy, bứt tung dây
trói phá ra mà đi tới, tự cứu mình và cứu nước. Cứu cả Đảng nữa.
Và
cũng chỉ mới được có chừng đó. Còn cái chủ nghĩa, cái hệ ý thức, cái tư tưởng
tăm tối đã trói xã hội đến nghẹt thở suốt bao nhiêu năm, thì ngay trong hai
ngày muốn tỏ ra cởi mở nhất của ông, Tổng Bí thư Linh đã dám chạm gì đến nó
đâu. Vì cái đó mà anh đã trói chặt người ta gần chết, bây giờ anh lại bảo tôi
hãy tự cứu mình đi trước khi trời cứu, lâu nay anh là trời chứ còn ai nữa, vậy
mà…
Thật
tình cuộc họp hai ngày ấy không làm tôi vui. Sau đôi chút ồn ào, rồi nó đã lặng
lẽ trôi qua, nay chẳng mấy ai còn nhắc tới. Thậm chí, có người nghĩ lại, đã
thốt lên: Lần nữa chúng mình lại ăn một quả lừa, một quả lừa rất to, các cậu ạ.
Người đầu tiên nói ra câu đó lại chính là Nguyễn Khải…
Trích Làm Báo Văn Nghệ “kỷ 3” – Nguyên Ngọc
304Đen – Llttm – vv
Để
cho một tờ báo lớn như Văn Nghệ đình bản thì lôi thôi quá, rất dễ mang
tiếng. Ban Tuyên huấn hơi hoảng. Ban Thư ký Hội, hình như có cả anh Vũ Tú Nam
lúc đó là Bí thư đảng ủy hội, vội mời chi ủy báo Văn Nghệ sang, giao
nhiệm vụ cho chi bộ báo “bằng bất cứ giá nào” cũng phải ra cho kỳ được số 26.
Có
những sự tình cờ rất lạ: truyện ngắn Tướng về hưu nổi tiếng của Nguyễn
Huy Thiệp chính là được đăng trên số báo vô chủ này! Bởi vì Đào Vũ đã bỏ đi
rồi, bản thảo này nằm lưu cữu đã lâu nhưng Đào Vũ nhất định không đăng. Bây giờ
không còn chủ, anh em mới moi ra. Lúc này tôi đang nằm bệnh viện 108 vì cần một
giải phẫu nhẹ ở trực tràng. Chị Thiếu Mai trong Ban Biên tập vào thăm và mang
truyện của Nguyễn Huy Thiệp vào hỏi ý kiến tôi. Tôi chưa có quyết định chính
thức làm Tổng Biên tập, chưa có quyền gì. Tôi chỉ nói:
–
Nếu tôi làm thì tôi đăng ngay.
Lúc
này anh Võ Văn Trực, Phó Tổng Biên tập, là Bí thư chi bộ. Nhưng vụ đăng Tướng
về hưu có công lớn của Ngô Ngọc Bội, Trưởng ban Văn của báo. Bế Kiến Quốc
cũng rất hăng hái hùn vào. Số báo 26 này dày cộp vì dồn ba số làm một. Lúc về báo, tôi có khen anh Ngô Ngọc Bội Trưởng ban Văn
của báo một câu: Cái giỏi nhất của anh là chỉ thò bút sửa đúng mỗi một từ của
Thiệp, ở đoạn ông tướng lại đi mặt trận, đứa cháu nội hỏi ông: Đường ra trận
mùa này đẹp lắm hả ông? Ông mắng nó “Tếu!”, Bội sửa lại thành “Láo!”. Thiệp phục lắm, có nói thêm lúc đó mình là giáo viên lèm
nhèm ở Tây Bắc mới về thủ đô đâu đã dám “láo” với câu thơ nổi tiếng đó của Phạm
Tiến Duật.
Tôi
làm báo Văn Nghệ đúng một năm rưỡi, từ đầu tháng 7-1987 đến cuối tháng
12-1988. Sau này Đào Vũ có lần mỉa mai: Anh Nguyên Ngọc chiếm kỷ lục về thời
gian giữ chức Tổng Biên tập ngắn nhất ở báo Văn Nghệ. Đúng thôi. Thậm
chí ngay từ đầu tôi đã linh cảm chắc cũng khó dài hơn; và như thế cũng là vừa.
Vừa đủ để “làm một cái gì”. Mở đầu có thể hơi chậm. Nhưng chấm dứt ở đấy là vừa
đủ. Không thể và cũng không nên khác. Tôi sẽ xin nói vì sao mà có linh cảm đó.
Trích Làm Báo Văn Nghệ “kỷ 2” – Nguyên Ngọc
304Đen – Llttm – vv
No comments:
Post a Comment