Friday, August 18, 2023

Cây Bút Máy Parker - Taotran

 

CÁI BÚT MÁY PARKER

Đây là chuyện chẳng xưa lắm nhưng tính ra cũng trên bốn mươi năm rồi. Người già lại nhớ nhiều về dĩ vãng;nhớ cái thời mặc quần thủng đáy; nhớ từng chi tiết, nhưng chuyên uống thuốc chưa sáng nay thì lại quên béng.

Hồi đó đi học, học sinh ngoài ôm sách vở lại còn xách toòng teng cái bình mực. Xách không khéo hay quên đậy nắp kỹ nó đổ mực lem quần áo thì vỡ nợ. Nếu học trường đàng hoàng thì mỗi bàn đều có khoét vài cài lỗ trước mặt học sinh cho chúng bỏ cái bình mực của mình vào. Chữ Tây gọi cái bình mực đó là cái gaudet. Khi cái bình đó hết mực thì  học sinh cầm cái gaudet đi xin mực của bạn bè bên cạnh. Cái bài học đầu đời của tình thương là cho nhau chút mực cho kịp thầy đang đọc chính tả. Ấy thế mà đôi khi cũng gặp thằng khỉ gió nó trả thù không cho; cho bõ ghét hoặc cho nó mực trước đây ít quá, nó báo oán…

Lên được lớp nhất thì khá hơn, sắp giã từ bậc tiểu học phổ thông. Nghe đâu có thời phải học hai lần lớp nhì, nhì A và nhì B rồi mới lên lớp nhất! Sắp sửa lên trung học cộng với tuổi đời “đã nhổ giò”, học sinh lớp nhất thấy mình  “nhớn hẳn” và cha mẹ sắm cho con cái “bút máy”. Hồi đó hay nói  “cái stylo”. Người Việt mình dễ tính. Cái gì mới, có thay đổi thì thêm vào chử “ máy “ dù rằng nó chẳng có máy móc gì nhiều. Sau này còn  thêm cái bút bi, bút Bic hay bút” Nguyên tử “ cho hợp thời với bom nguyên tử ! Cái bút máy thật ra chỉ khác cái bút thường là có ống mực nối với ngòi bút để khỏi phải chấm mực nhiều lần thế thôi. Và không có máy móc gì phải  sợ cả! Có sợ chăng là sợ mắc tiền? Một trong những bút máy nổi tiếng phải kể đến bút máy Kaolo ( Pháp ), scheaffer( Mỹ )và Parker( Mỹ và Canada}. Bút máy của các hãng này đắt tiền vì đã nổi tiếng, ngòi bút có pha vàng, nhìn sang trọng. Do đó dân chúng  ai cũng thich và kẻ trộm nào cũng mê.




Một hôm đi  nhà  Khai Trí Saigon mua sách chớ không phải “ bát phố”, cái Parker âu yếm của tôi lúc đi thì còn, lúc về thì không. Thuở ấy còn là sinh viên Văn Khoa, nghèo rớt mùng tơi, thế mà cũng bị móc túi. Giải trí lành mạnh nhất lúc bấy giờ là đi ci-nê và đi bát-phố. Ci-nê thì có rạp Vĩnh-Lợi là thông cảm với sinh viên : một cái bắt tay thân hữu, kèm vài đồng tượng trưng , cộng một nụ cười vô duyên là vào coi phim thong thả.Cái giải trí lành mạnh thứ hai là đi bát-phố. Tại sao lại đóng đồ vào rồi đi lên lại đi xuống, hết đướng dọc tới đường ngang. Cũng may có tiệm nườc mía Viễn Đông và một chỗ giải-tiểu đâu đó…Thật là khổ khi gặp nhau chào hỏi lúc đi lên, chưa được mấy bước lại gặp nhau lúc đi xuống. Ông bạn vàng của tui cho ý kiến “vợ chồng nó đi đo đường “.

Vừa bước chân lên lề khi qua đường, một người đi sau đạp vào gót chân tôi đau điếng. Như một phản xạ, tôi quay lại xem ai vô ý đạp phải chân mình mà không nói năng gì cả. Nhưng… tôi nhận ra ngay đó là một ông đứng tuổi, tôi nguội lại ngay. Và coi như không có gì. Thật ra khi về sở tôi tả lại cảnh đó thì môt người cho biết : cái thằng đi trước ông nó lấy của ông; ông già cố tình đạp chân ông thì ông phải quay lại, lúc đó ông chìa cái túi có cây Parker vừa tầm tay của thằng đi trước và nó rút nhẹ nhàng cái bút qua vai ông. Bình tĩnh lại tôi cho họ làm bàn hay thế.  Làm bàn không thua gì đá banh.

Tôi lẩm cẩm. Nó  phối hợp nhịp nhàng như thế mà không làm việc khác hữu ích hơn đi móc túi sao? Hay là họ muốn biểu diển một cái kỹ năng, dù là kỹ năng ăn cắp vặt.Nhỏ ăn cáp vặt, làm lón ăn cắp lớn. Nhỏ ăn cáp giữa cá nhân với nhau, làm lớn bảo nhau ăn cắp quy mô đại trà, tầm cỡ quốc gia. Đến lúc đó ăn cắp trở thành quốc nạn.Người xưa hay nói đến chữ đạo tặc, có thứ bậc, nhỏ thì ăn cắp, lớn hơn là ăn cướp, có bài bản ( thủ tục đầu tiên ), có triết lý ( dại gì minh không ăn hay mình có ăn mới có cái nộp lên trên chứ… )

Cái lẩm cẩm thứ hai là tôi chỉ mất có nửa cái bút Parker ? Số là cái bút Parker của tôi phần nắp là Paker còn phần sau đựng mực lại là hiệu khác mà nay tôi không còn nhớ hiệu gì nữa ? Do đó khi về nhà, mở ra coi, tên ăn cắp có gì thất vọng chăng?Nó chỉ nhìn thấy cái phần đầu của cái bút nó vội mừng, nó lấy.Nó cũng chẳng hỏi tôi trước khi lấy. Nếu nó hỏi tôi sẽ nói thật cái phần sau của cái Parker nó tự động lăn vào thùng rác và con gái không biết đem đổ rồi.Kẻ cắp lấy mà nó không hỏi cho kỹ là lỗi của nó. Riêng tôi, tôi  tin còn đi bát-phố, còn đeo Parker, có ngày  sẽ bị móc túi. Tôi thuộc loại dễ tính: “của đi thay người”.”Một đời ta hai mươi ba đời nó” ( tôi cho thêm 20 ).

Sau 1975, nhờ hai chữ chuyên viên, chúng tôi không phài đi tập trung hay cải tạo, hay đi tù ( tùy theo vị trí người nói) nhưng cũng không được xử dung và chỉ vào cơ quan đợi chờ phân phối. Để giết thời giờ, chỉ còn nói doóc, cà phê, domino, cờ tường và tính đường truy phong.

Lúc đầu cán bộ Bắc vá cán bộ Nam còn giữ kẽ với nhau nhưng sau biết nhau quá đành nói thật dù sự  thật có mất lòng và sĩ diện. Cầm khẩu tiểu liên lên xem, có chữ  Made in Czecho Slovakia, tôi hỏi “cái này mình làm được hả anh”? “ chính thế “.

Này anh, bố tôi viết thơ vào có nói: “ con có mua được thì mua cho Bố cái bút Parker, mà Parker Canada nhá. Nhớ nhá.  Bố đã hỏi kỹ chú Ban rồi. Chắc chắn trong Nam có bán…”

Tôi thầm nghĩ Ông Cụ thân sinh anh Cán Bắc này dĩ nhiên không vào Nam năm 1954 và đã có nghe hay dùng cái bút Parker trước đó, nay muốn mua thì miền Bắc không còn mà miền Nam có thể còn.. Ông cụ còn dè dặt hỏi thăm ông em rồi mới viết thư cho thằng con. Thằng con bèn hỏi thăm ông cán Nam là tôi đây. Nhưng tại sao Parker của Mỹ dễ mua mà lại phải mua Parker Canada…À thì ra có thể ngoài phẩm chất dù có giống nhau chăng nữa  thì cái bút Canada cũng phải rẻ hơn chút đỉnh, hợp với túi tiền của đại chúng? Một điểm nữa là cái nắp của Parker Canada có hai vòng vàng trong khi bút Mỹ chỉ có một vòng vàng mà thôi. Mua cái bút để viết cần là cái ngòi viết nó êm, không xước, xuống mực đều chứ để ý gì đến cái vòng. Quên chưa kể hai cái vòng chưa chắc đã nhiều vàng hơn một cái vòng.Biết đâu ông Cụ cho rằng hai bao giờ cũng nhiều hơn một?

Tôi thầm nghĩ chắc Cụ Ông kể trên cũng vào khoảng tám mươi. Cái tuổi gần đất xa trời mà chỉ ao ước có được cây bút máy. Cái ao ước thật khiêm nhường. Cụ đã sống vào thời cái bút Parker cực thịnh mà Cụ không được sở hữu để rồi bây giờ mong có chỉ để nhìn cho mãn nguyện cuối đời.

Cuộc đời của Cụ trải dài cùng với chiến tranh Việt-Nam. Mới sáu bảy tuổi hỏi ông Nội sao lửa cháy trên đầu núi. Ông Nội trả lời họ nổi lên chống Tây.Tháng Ba Đói 1945 Ông Cụ chắc đã thấy mấy bộ xương khô bu nhau dành giật mấy cái cùi bắp của ai trên xe kéo mới ném xuống đường; tiếp theo là “ toàn quốc khàng chiến” Nhân, tài, vật, lực cho chiến tranh,; Nhà cửa, cầu cống, đường sắt, Tây chưa tới mà ta đã giật xập cho hợp với “tiêu thổ kháng chiến”. Ra đường phải nhìn trước nhìn sau vì ai cũng có  thể là Việt Gian;”Cải cách Ruộng đất” và các hậu quả của nó đã lật ngược xã hội Việt-Nam. Giới trí thức bị nghi kỵ chống phá cách mạng; ngưởi có của đem chôn dấu, ăn uống phải canh chừng hàng xóm. Văn nghệ sĩ chỉ đi theo đường một chiều, thôi thì chịu nhịn đổi lấy yên thân. Chiến tranh  đã đau khổ, hết chiến tranh đau khổ lại chống chất thêm.Trong chiến tranh, quê hương còn đó, khi hòa bình Quê Hương chỉ còn trong tâm tư người Việt viễn xứ. Người dân Việt bị bứng ra khắp năm châu.

Nhìn lại cuộc đời Ông Cụ như thế, với một người có tâm huyết thì còn gì để thiết tha .

 

Cali ngày……

Thân gửi Anh Bắc,

Anh còn nhớ tôi không ? tôi là Trần Tấn đây. Vài chục năm trước khi anh vào Saigon Anh có nhờ tôi kiếm cho Ông Cụ của Anh cái bút Parker Canada. Tôi nhớ tôi không hứa mua cho Anh nhưng tôi vẫn lưu ý là khi gặp sẽ mua giùm cho Anh để Anh biếu Ông Cụ.. Đến nay đã trên 40 năm chắc Ông Cụ đã mãn phần… Anh nay cũng gần 80 rồi. Tuần trước khi đi hội chợ tôi thấy có người bán đồ cổ bày bán vài cái bút cũ và trong đó có cái bút Parker nhưng không phài Parker Canada. Tuy vậy tôi vẫn mua để nhớ đến Anh và Ông Cụ của Anh.Tôi cất trong tủ kính để thấy nó hằng ngày khi qua lại. Tôi tiếc đã không thấy nó khi còn ở quê nhà mà nay thì Anh và tôi cách nhau xa quá rồi. Tôi chỉ nhớ quê anh ở Thanh Chương          ( Nghệ-An) mà Ba tôi đã từng làm hiệu trưởng ở đó. Chú Em út của tôi Ông Cụ cũng đặt tên là Thanh- Chương. Ông Cụ cứ khen học sinh ở Thanh-Chương hiếu học và trọng Thầy. Báo tin Anh, biét  đâu có ngày còn gặp nhau và tôi sẽ tặng Anh cái bút Parker đó dù nó không có chữ  Parker Canada.                                                                                                                                                                                            

TaoTran        

 8-15-2023.

Từ trang DĐQGHCTC 

 

 

No comments: