MÙA NƯỚC NỔI
Ở đồng bằng sông Cửu Long hàng
năm cứ vào khoảng tháng bảy thì nông dân đã thu hoạch xong vụ lúa hè thu. Dù
giàu hay nghèo cũng thấy lòng thư thái vì ít nhiều gì trong bồ cũng còn một số
lúa để dự trữ. Già trẻ lớn bé ai cũng đều vui mừng bước sang một mùa mới: Đón
bắt cá tôm mà thiên nhiên qua giòng Tiền Giang và Hậu Giang mang lại cho dân
chúng vào mỗi Mùa Nước Nổi.
Lúc này vùng thượng nguồn như Tân Châu (Châu Đốc), Mộc Hoá (Long An) giòng nước
đã cuồn cuộn đỏ ối phù sa đổ vào các kênh rạch, tràn lên cánh đồng, đem lại màu
mỡ mà không một thứ phân hoá học nào có thể thay thế được.
Bao đời nay dân vùng này như đã theo một qui luật tự nhiên, cứ hết
nắng lại mưa, tuy cuộc sống có đôi khi cực khổ đấy, nhưng họ vẫn cố xoay trở để
có một cuộc sống khá thảnh thơi với mênh mang sông nước, thong dong như những
dề lục bình bông tím lênh đênh trên giòng sông cái thơ mộng như cánh đồng
vàng bông điên điển.
Và tung tăng đó đây, hàng đàn thuỷ sản các loại bơi lội trên đồng
trắng nước, dân chúng tha hồ đánh bắt mà chẳng mất công nuôi giữ bao giờ.
Nhưng có năm trời cũng phụ lòng người, nước lũ lên cao mau quá,
cuốn phăng nhà cửa tài sản ruộng vườn mà lôi ra biển.
Cảm thương nỗi cơ cực của người dân, chính phủ và các nhà nghiên cứu khoa học
đã có nhiều cuộc hội thảo để tìm ra những kế hoạch, những biện pháp tốt nhất.
Nhưng than ôi, từ lý thuyết đem ra thực hành mới thấy nhiều thiếu sót:
-Xẻ nhiều cửa sông, nhiều kênh đào cho lũ thoát mau ra biển thì đến mùa nắng
hạn nước mặn lại xâm nhập nhiều và sâu vào ruộng đồng, làm cho hoa màu, đất đai
nhiễm mặn nên thiệt hại rất lớn.
-Đắp đê bao vùng thì lại ngăn giòng phù sa không rửa phèn được, không làm cho
đất phì nhiêu, thì chi phí chăm bón càng tăng cao.
-Những "Cụm Dân Vượt Lũ" được xây dựng khá khang trang, lại không gần
sông để có thể đậu ghe xuồng, mà đây không những chỉ là dùng để di chuyển, mà
lại còn là phương tiện rất cần thiết để làm việc nuôi sống cả gia đình.
Rốt cuộc bao nhiêu tiền bạc và công sức đã đổ ra cho những chương
trình có tính chiến lược đó, nhưng chỉ ít năm sau thì người dân lại xoay lưng,
lại hững hờ và muốn trở về với tự nhiên như ngày xưa: Nước lên thì thuyền lên.
Những nhà văn viết chuyện miền Nam như Bình Nguyên Lộc hoặc Sơn Nam chắc là
buồn lắm, vì chuyện kể, cảnh trí, con người … của các ông rồi đây chỉ còn trong
ký ức, do môi trường đã bị đổi thay.
Môi trường bị chúng ta thay đổi mà sự kiểm soát đã ra ngoài tầm
tay. Ý thức bảo vệ môi sinh trong đa số dân chúng còn rất hạn chế. Thuốc diệt
sâu rầy và phân bón hoá học đều có tác hại lâu dài.
Chúng ta thử bắt một con đỉa hay con ốc sên bỏ vô thúng phân urê mà coi, chỉ
trong giây lát là chúng đã hoàn toàn chảy ra thành nước và không còn để lại dấu
tích.
Các loại thuốc xịt trên lúa và cây trái có gốc Methyl và Parathion thì chỉ cần
1cc pha loãng rồi phun lên một ngàn mét vuông ruộng ngập nước, thì tất cả cá
lớn cá bé, tôm tép gì cũng nhảy dựng lên rồi chết hết.
Còn một loại thuốc cực độc nữa có tên là Thiodan, dù đã bị cấm rất
gắt gao mà người ta vẫn lén nhập cảng và lén dùng để diệt ốc bươu vàng.
Tôi muốn nói tới thảm hoạ ốc bươu vàng này.
Khởi đầu nghe rằng nó được du nhập từ Đài Loan hay Trung Quốc, với
lời hứa hẹn rất nhiệt tình là sẽ mua hết để xuất khẩu với giá rất cao. Chỉ có
doanh nghiệp nhà nước mới được đầu tư, khu nuôi ốc có hàng rào kín bưng còn hơn
khu quân sự, thường dân đừng hòng mon men tới gần vì họ sợ giống quí bị ăn cắp
ra ngoài. Khách của nông trường có quí lắm thì mới được ăn thử, món nướng thì
ăn cả vỏ vì nghe nói ngon và bổ dưỡng lắm. Thịt nó dai và không có nhớt như
loài ốc bươu, ốc lác.
Có lẽ nó chỉ là thứ ăn chơi, nên mấy ông chủ bụng bự kia sau khi chào hàng,
"xúi trẻ ăn kít gà" rồi biến luôn. Trơ lại mấy ngài cán bộ dốt nát,
đã làm tiêu hao công quĩ, lỗ chổng vó lên nên lo chuồn hòng chạy tội, bèn mở
rào cho ốc xổ lồng.
Từ đó loài ốc tai ương cứ ngược giòng nước lan tràn như bệnh dịch, chúng đi
đến dâu thì lúa và hoa màu tàn hại đến đó.
Các loài ốc khác thường ăn rong rêu bùn đất, nhưng ốc bươu vàng lại ăn tạp,
không chê thứ gì.
Cánh đồng lúa từ lúc xạ giống cho tới 20 ngày, nếu không canh chừng cẩn thận
thì nó ùa vào cắn ngang gốc và sẽ mất trắng luôn.
Người ta bắt nó cũng nhiều, lớp ăn, lớp đập ra nuôi cá nuôi vịt, nhưng chẳng
thấm vào đâu với sức sinh sản khủng khiếp của nó. Mỗi ổ trứng nở hàng trăm con,
lại đẻ quanh năm. Vừa mới đẻ xong là nó lại quan hệ nam nữ ngay tuýt xuỵt,
không hề kiêng khem chi cả.
Đúng là đồ quỉ sứ. !
Vỏ nó lại mỏng nên rất dễ vỡ, chỉ cần đạp nhằm lên nó là những mảnh vỡ sắc như
dao lam sẽ cứa vào lòng bàn chân những vết ngọt ngào toé máu.
Chúng lại "hiếp dâm" tất cả những loài ốc khác đang sống trong ruộng
đồng, từ con lớn bằng nắm tay như con ốc bươu ốc lác, cho đến con nhỏ xíu như
ốc hột ốc gạo. Tất cả bị lai giống và con nào cũng đẻ ra một loài mới, thân
hình vàng ươm và tánh phá hoại cũng không kém gì ốc bươu vàng!
Vì bắt không xuể nên dân chúng phải dùng thuốc. Hiện nay không biết là vì xài
nhằm thuốc dổm hay tại ốc đã lờn thuốc, nên lượng thuốc phải dùng cho mỗi héc
ta là 24 chai x 50 ngàn.
Ở nước ta có hàng bao nhiêu triệu hécta lúa thì con số thiệt hại lên cao biết
chừng nào.
Một tai hại khác là vì dùng thuốc diệt ốc mà các ngư hải sản khác bị tận diệt
từ con bé tới con lớn.
Dân vùng quê đã nghèo mà gặp nạn này đành treo nồi treo niêu.
Nếu đây là một âm mưu xấu từ ngoại bang nào đó thì đúng là một mũi tên mà giết
mấy con chim. Do yếu kém nhận thức mà ta lãnh một đòn kinh tế quá nặng, di hại
không biết đến bao giờ mới dứt ra được.
Đã thê thảm như vậy, chỉ còn ít tôm cá sót lại nhưng nhiều người u tối lại dùng
cách đánh bắt huỷ diệt: Nơi thì xài thuốc nổ, con nào nổi lên thì vớt, con nào
chìm bỏ luôn nào có tiếc gì; chỗ khác lại phát minh ra cái "xuyệt
điện" biến điện một chiều DC thành điện hai chiều AC rồi dí xuống nước.
Con người ta cũng còn chịu không nổi, huống hồ gì tôm cá cua rùa rắn ếch"
Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó lòng không muốn về
Hoặc:
Muốn ăn bông súng mắm kho
Thì về Sa Đéc tha hồ mà ăn
Thực ra đặc sản vẫn có trong các nhà hàng cao cấp hay trong các
quán nhậu bia rượu tuôn như suối đấy chứ, nhưng dân nghèo có còn được ăn đâu,
vì bắt được con nào họ cũng phải bán đi để mua gạo cho gia đình rồi.
Mỗi cán bộ hay quan chức tham nhũng chừng mấy triệu bạc VN bị phát hiện, thì
ồn ào kéo ra xử tội, báo chí đăng tùm lum, nhưng những người có trách nhiệm về
việc rước ốc bươu vàng về "dày mả tổ" thì vẫn sống phây phây cho dù
họ làm thiệt hại đến tỷ tỷ đồng.
Hỡi những người có hằng tâm với quốc gia dân tộc, những người trí
thức tài cao, đặc biệt là các chuyên gia gốc Việt tại Hoa Kỳ, các vị hãy nghiên
cứu dùm, tính toán dùm, hợp nhau lại, tìm ra phương cách nào có thể giúp cho
cho dân quê chúng tôi thoát khỏi nạn ốc bươu vàng.
CHUNG MỐC
Từ trang DĐQGHCTC
*chữ
trung quốc của bài, 304Đen giữ nguyên gốc.của tác giả.
No comments:
Post a Comment