Sunday, August 6, 2023

Diều Mắt Đỏ - Duy Lam

 

DIỀU MẮT ĐỎ

 

Tiếng súng AK nổ vang động trên cánh đồng trồng bắp và con diều hâu ngã lộn xuống, rớt ngay gốc cây lớn chơ vơ, nơi đội Đức đang cuốc đất chuẩn bị cho mùa tới. Tên cán bộ võ trang đắc chí nói:

“Các anh xem đúng không? Tôi chỉ bắn một phát là nó phải nhào. Thế là hóa kiếp cho cái kẻ hay bắt gà chuột đồng”.

Vân, người trại viên trẻ nhất đội vừa mới đây khích tên cán bộ bắn con diều hâu cứ chọn cành cao nhất của cây làm chỗ đậu, cái đầu ngạnh ngạnh ngạo nghễ quan sát giang sơn của nó, nơi mà tất cả các sinh vật nhỏ bé sẽ có thể bị móng sắc của nó quặp vào lưng sau khi cái bóng xám của nó lướt qua như một làn khói, vội lên tiếng đầy kích thích.




“Cán bộ bắn giỏi thật. Cán bộ cho tôi cái xác con diều nhé để lấy xương làm thuốc”.

Tên cán bộ liếc nhìn người trại viên trẻ, trước bị bắt về tội bán xăng của một hợp tác xã, gật đầu và Vân bỏ cuốc xuống, chạy tới nhặt cánh diều. Tên cán bộ quản giáo lên tiếng báo giờ nghỉ giải lao giữa buổi sáng đầu thu trời xám đục một màu chì, và các trại viên ùa tới quây quanh xác con diều hâu. Con vật đẹp đẽ với lối bay lượn từng vòng xoáy lên cao này đã là đề tài khá hào hứng cho cả Đội bàn tán suốt mấy ngày qua. Cái nhịp lao động cực nhọc và buồn tẻ kéo dài của Đội thường cứ làm hầu hết trại viên mụ người trong một nỗi buồn chán bi thảm, nên bất cứ sự việc nào ra ngoài lệ thường đều hấp dẫn.

Đức vừa châm điếu thuốc Mai cuối cùng chàng để dành từ hôm qua hít một hơi dài và nghĩ đến một câu trong cuốn sách của André Maurois “Đời nhà binh là một cuộc đời đều đều buồn tẻ, điểm đâu đó những nguy hiểm thực sự” mà chàng cứ phỏng theo để nhắc lại với vài người bạn tù “Đời cải tạo là một cuộc đời lao động đều đều cực nhọc buồn chán, điểm đâu đó vài nguy hiểm thực sự.” Đức cũng tiến lại gần chỗ anh em túm tụm quanh xác con diều hâu mà Vân đang dơ cao lên cho mọi người xăm soi, bàn tán.

Thấy Đức, Vân vội khoe anh “Anh Đức ạ! Thế là em đã kiếm được cho anh bộ xương con diều hâu rồi đây nhé. Anh phải thưởng cho em một bao thuốc Mai đấy”. Đức lại gần Vân và khi tia mắt chàng chạm vào cái cặp mắt đỏ một màu hồng ngọc mở trừng trừng của con vật đã chết, chàng tự nhiên rùng mình. Chẳng hiểu sao cặp mắt cũng mở trừng trừng đầy căm hận của Ân lại trở lại như một ám ảnh hãi hùng, đã cứ nhiều lần xuất hiện trong những cơn ác mộng đã làm Đức choàng tỉnh trong đêm người toát mồ hôi đầm đìa.

Chàng dơ xác con diều hâu Vân trao cho đầy gượng nhẹ và cẩn trọng. Trong hai tay chàng thịt con diều hâu dưới làn lông tơ xám nhạt phủ ở bụng ức và trắng nõn sát da, còn ấm hơi nóng còn sót lại của sự sống và cặp chân với đôi cựa cong cũng mang lớp vẩy xám đục, vẫn còn hơi rung rung co dật nhẹ. Viên đạn AK xuyên qua bụng trổ ra trên lưng còn đọng máu thắm đỏ ở chỗ đạn xuyên qua, đôi cánh khá rộng còn nguyên vẹn với những lớp lông pha trộn nhiều “tons” từ xám nhạt chuyển sang đậm tạo thành một cái nền thật đẹp và óng ả, càng làm nổi bật lên cái ánh đỏ trong lạ lùng của cặp mắt, với hai điểm đen đồng tử – hai cái lỗ thông với sự sống vừa thoát ra từ bên trong.

Một tiếng nói nào đó của một bạn tù vẳng lên “Đức định làm gì với xác con diều? Xương để dành làm thuốc bó các khớp trật hay bong gân, nhưng thịt nó ăn được không nhỉ?” Tiếng cười của vài người vẳng lên cùng với vài lời bàn góp “Ăn thế quái nào được, vừa dai vừa tanh” “Ăn thịt diều hâu? Ai lại nghĩ đến chuyện kỳ vậy nhỉ. Tù mà! Thấy con gì cũng nghĩ đến chuyện thịt có ăn được không?”

Đức hơi mỉm cười không đáp vào trọng tâm câu hỏi của Vân,

“Vân à! Cậu xem có cách nào ướp được xác con diều này thì thú lắm nhỉ. Tưởng tượng xác ướp của nó toàn một mầu xám với hai cánh giương ra như nó đang bay lượn oai nghi và chiếu đôi mắt đỏ lên toàn cái giang sơn của nó, ở đấy vạn vật như chuột gà đều núp mình sợ hãi”.

“Đâu có đủ các loại thuốc để ướp xác. Công phu lắm anh ạ! Em chỉ định lấy các lông cánh của nó làm một cái quạt nhỏ để chơi thôi à”.

Đức kéo Vân đến gần chỗ bếp đun nước của Đội, móc túi đeo hông đưa cho Vân một gói trà ngon và hỏi vay một người bạn tù nửa bao thuốc Mai trao cho Vân và rồi chàng ngồi chờ Vân pha trà vào gô, đặt xác con diều xuống đất bên cạnh chàng. Đức lơ đãng nghe câu được câu chăng những lời nói hứng khởi của người bạn trẻ tính toán sẽ làm thế nào để nhổ lông chim diều và làm một cái quạt lông thật đẹp.

Đức đang bận tâm ôn lại nhiễu sự việc lộn xộn cứ chen chúc nhau dành sự chú ý của chàng trong trí óc. Không hiểu sao nhiều năm đi tù trí óc chàng lại ghi nhớ một cách rõ rệt khá lạ một số sự việc thật ra không có gì đặc biệt, mà lại cứ hay lãng quên hầu hết những nhọc nhằn gian khổ của việc lao động khổ sai, đơn giản có lẽ những cực khổ đó cứ đều đều lặp đi lặp lại chồng vào nhau tạo thành một khối đặc quánh đè nặng tựa một món đồ ăn độc khó tiêu tích lũy mãi trong máu thịt chàng.

Chàng vừa nhớ đến con ngan to nặng nề vụng về lạch bạch ở nhà bếp một trại chàng đã sống qua cả vài năm, con yến được một phóng viên ngoại quốc mở cửa chuồng thả ra khá bất ngờ tại một trại miền Bắc, con chim sáo luẩn quẩn theo sát chân một người bạn xấu số chết vì ung thư gan và đôi mắt mở trừng trừng đầy giận dữ căm hận của một người bạn trẻ khác Ân, đã chết vì một loạt đạn AK mà xác được tụi cán bộ bắt chàng bò vào kéo ra từ trong các vòng dây kẽm gai. Chàng đã cố vuốt mắt cho Ân nhiều ân, nhưng Ân vẫn trừng trừng mở mắt và chàng đã sợ hãi ân hận đọc thấy trong mắt Ân một lời trách móc hướng vào chàng.

Con ngan lạch bạch cứ hay ra làm quẩn chân chàng và các bạn đến lãnh cơm tại nhà bếp một buổi chiều khi chàng tới đã biến mất và chỉ khi chàng trở lại để lãnh cháo cho người bạn đau thời đã ngạc nhiên ngẩng đầu nhìn theo một con chim với sải cánh lớn và hình thù lạ mắt bay nhiều vòng tít lên cao. Mấy bạn chàng cũng bàn tán cho rằng con chim lớn này chắc đang tìm cách xuống và quả nhiên nó hạ thấp xuống thật và rồi bay là là trên bãi cỏ rộng sau bếp, để rồi thoáng một cái xếp cánh lại đỗ xuống khá vụng về cách bọn chàng không xa.

Tất cả mọi người đều vui thú và kinh ngạc reo lên khi khám phá ra con chim với lối bay hùng dũng đó lại chính là con ngan quen thuộc của nhà bếp. Tại sao nó lại trở lại? Mặc dầu linh tính nghìn đời của loại chim hoang dã đã bất chợt trở lại và sau một chuyến thử đập cánh lạch bạch chạy loạng quạng trong cả trăm lần như vậy, nó đã bất chợt bay bổng lên được để lượn những vòng bay vào trời xanh bao la, con ngan lại quay trở về sân bếp? Tại sao tự do đã lại không hấp dẫn nó như bọn chàng? Hay vì nó quen ăn cơm thừa đầy ra ở đây và chưa quen với những thử thách của thiên nhiên?

Suy nghĩ hoài chàng rồi cũng tìm ra một ví von thú vị và đắc ý: Có lẽ bọn chàng khi bị giam hãm trong cảnh tù đày, vụng về với cái cầy cái cuốc, nhưng cái khả năng bay bổng trong những khoảng trời cao rộng của ý tưởng đâu đã mất đi. Đúng thế! Chàng nghĩ trong những bộ đồ lao động vá chằng vá chịt, tay chai sần sùi vì cầm cuốc, da thịt cháy nắng đầy các vết sẹo vì nắng mưa, ẩn đâu đó vắn là tiềm năng suy nghĩ phóng khoáng đầy sáng tạo, chỉ chờ cơ hội thuận tiện là bay bổng.

Giòng suy nghĩ của chàng đến đây lại dẫn chàng trở lại với cái chết bi đát đầy uất hận của Ân. Ân đã thực chẳng may chết trong tức tưởi quá sớm. Giá chàng đừng mặc cảm với những lời nói khích bác có phần coi thường chàng của Phi, một người bạn trẻ hơn của Ân cộng tác với Ân trong mưu đồ trốn trại đã chỉ bị bắt lại ngoài rừng sau đêm vượt trốn một ngày, mà cương quyết thuyết phục được Ân bỏ ý định trốn trại cho nên ngày hôm nay Ân vẫn còn sống. Đôi mắt Ân cứ phải mở trừng trừng tức giận chết vướng trong hàng rào kẽm gai, cũng như đôi mắt trừng trừng ửng mầu hồng ngọc của con diều hâu xác còn nằm kia, đôi mắt mà chỉ khoảng khắc trước đó còn quét những tia nhìn soi mói sắc và ngạo nghễ lên cái giang sơn riêng.

Chàng cũng còn nhớ riêng phần chàng, chàng cũng đã dụ dự và bị giằng co nhiều ngày giữa ý muốn vượt trại và từ bỏ kế hoạch mà sự tính toán các yếu tố khách quan chỉ cho người tham dự một tỷ số thành công quá thấp. Sở dĩ chàng chỉ bỏ ý định trốn trại vào chập tối vào đêm tai họa đó và báo cho Ân và hai bạn Ân biết, là vì chiều đó chàng nhận được một lá thư khá dài của vợ con, lá thư chàng chong đèn đọc đi đọc lại nhiều lần. Chàng cũng nhớ mãi trong lời tái bút, con gái út chàng viết ké vào một câu với cái lối viết vụng về xiên xẹo của một đứa trẻ lên mười “Con không muốn bố đau ốm và buồn đâu. Bố phải vui khoẻ và nhớ bắt cho con một con sáo biết nói”.

Đức đã vừa cười rơm rớm nước mắt đọc những lời lẽ ngây thơ đầy tin cậy của con gái út. Chàng đã khám phá ra tay chàng đã bị trói lại vì những tình cảm thương yêu của lũ trẻ và so với mấy bạn trẻ chưa vợ con chàng còn rất nhiều trách nhiệm và mọi mạo hiểm với kết quả quá mong manh thật sự vượt khỏi tầm tay chàng. Chàng không hiểu là nếu không vì tự ái bị xúc phạm sợ bị coi là nhát gan, chàng đã không làm trái lòng mình lên tiếng khuyến khích Ân đừng trốn trại.

Ân liệu có thay đổi ý kiến ở lại với chàng hay không? Cũng rất có thể? Qua lời Ân trao đổi bàn bạc với Đức, Ân đôi lần lộ vẻ e ngại vì Ân rất thương bố mẹ già còn sống đang chờ đợi Ân mà Ân lại là con trai độc nhất trong một gia đình đông con. Bề nào chăng nữa, nếu chàng bộc lộ thẳng thắn lý lẽ của chàng vào những giây phút quyết định cuối cùng của đời Ân, Ân ở lại hay trốn trại chàng cũng yên trí làm hết mình, chứ đâu phải ôm xác Ân khóc thầm và kéo Ân ra khỏi mấy vòng giây kẽm gai và nhìn vào cặp mắt uất hận của Ân mở trừng trừng nhìn lên trời đêm bao la đầy sao và cái nhìn đó đâu có mang vẻ trách móc ám ảnh chàng mãi đến ngày hôm nay. Tuy tự biết mình đâu thực sự có lỗi lầm gì trong cái chết của bạn, nhưng cứ nghĩ lại kỷ niệm đau thương mất người bạn trẻ chàng rất mến này, Đức vẫn cứ dằn vặt mình mãi mãi sau này, tự làm khổ mình khá vô lý và thừa thãi như vậy. Có thể vì ở tù quá lâu sát cánh với cái chết, chứng kiến quá nhiều cái chết của bè bạn, tâm thần chàng đã trở nên không bình thường lắm? Chàng biết vậy mà không thể ngăn được ân hận hoài và cũng chẳng ngăn được những cơn ác mộng cứ trở lại.

Tiếng tên cán bộ quản giáo báo hết giờ giải lao vang lên thúc giục và làm Đức choàng tỉnh, nhỏm dậy cầm lấy cuốc, liếc nhìn cặp mắt trừng trừng màu hồng ngọc của con diều hâu rồi lên tiếng hỏi Vân

“Con sáo cậu nuôi cho tôi bóc lưỡi lâu rồi mà nói được tiếng nào chưa?”

Vân cầm xác con diều hâu bỏ vào túi treo cạnh đó cười khoái chí

“À! Thế là kỳ chủ nhật này cô bé gái út anh theo chị lên thăm sẽ có món quà. Nó nói được rồi. Em dạy hoài nó chỉ nói được một tiếng gọi tên Anh thôi à tuy nghe không sõi lắm. Vậy anh phải thưởng cho em một gói thuốc lào ngon đấy phải không?”

Đức thú vị nghĩ đến khuôn mặt nhỏ tươi cười rạng rỡ của con gái út khi nó được chàng tặng một con sáo biết nói, lời hứa chắc nó đã quên chàng đã đưa ra có lẽ từ bốn năm năm về trước, vào năm Ân chết, mà chỉ đến lúc này chàng mới thực hiện được. Đức cũng chợt nhớ ra chàng còn giữ một số thư từ vật dụng nho nhỏ riêng tư của Ân mà vẫn chưa tìm được cách trao lại cho bố mẹ Ân và người vợ trẻ mới cưới trước khi Ân đi tù. Chàng tự nhắc chủ nhật này gia đình đến thăm nuôi chàng phải nhớ hỏi vợ xem có dò hỏi gì được về địa chỉ của gia đình Ân chưa và chắc chàng có thể mang tặng vợ chiếc quạt lông chim màu xám cùng con sáo dành cho con gái út.

Trong buổi gia đình lên thăm chàng vào chủ nhật kế đó, vợ và con út chàng may mắn được phép ở lại buổi trưa để ăn với Đức một bữa cơm, sau những câu chuyện hàn huyên thật vui đầy tiếng cười nói, vợ Đức hớn hở ra mặt vừa được chàng báo tin chàng đã ra khỏi bệnh xá và bệnh lao phổi đã đỡ nhiều và đã đi lao động lại và khi chàng nhớ ra hỏi về gia đình Ân đã khoe với chàng tình cờ lên Đà Lạt thăm mẹ gặp gia đình Ân ở cùng khu phố. Vợ Đức cũng ái ngại cho chàng biết vợ Ân còn rất xinh đẹp và đảm đang lắm và có mang khi Đức đi tù nên đã sinh một con trai rất kháu khỉnh và hiện sống với bố mẹ chồng chưa lấy chồng khác. Gặp vợ Đức được biết Đức cũng đã ở cùng đội cùng trại với Ân, nên vợ Ân đã khóc lóc kể lại tất cả những đau đớn của một người vợ trẻ biết tin chồng chết tức tưởi và bi thảm. Vợ Ân cũng gửi tặng chàng một gói bột đậu nành. Đức cũng cảm động nhưng cố dấu vợ con và dĩ nhiên chàng cũng chẳng muốn kể về cặp mắt trừng trừng mở của Ân cứ đến trong những giấc mơ của chàng, sự ân hận của chàng không còn Ân, cặp mắt hồng ngọc của con diều hâu và tất cả những kỷ niệm mang một ý nghĩa riêng biệt mà dù kể ra cũng không ai thông cảm được với chàng, dù đó là trường hợp vợ con chàng đi chăng nữa.

Đó là gánh nặng của kỷ niệm mà chàng mãi mãi phải mang sau này trong đời, dù sau này chàng được tự do hay ở bất cứ phương trời nào. Điều này chàng biết với chàng. Đức chỉ trao cho vợ chiếc quạt lông nhỏ làm bằng các lớp lông cánh xám cho vợ và một gói nhỏ các món vật dụng thư từ hình ảnh của Ân để lại, mà nhiều lần trước đây khi ra thăm vợ con, chàng đều mang theo người với hy vọng vợ sẽ tìm được tung tích gia đình Ân. Chàng chỉ nhỏ nhẹ nhờ vợ nói hộ với vợ Ân một ngày nào đó sẽ đến thăm và kể lại tường tận về những ngày cuối cùng của Ân (và cái chết tức tưởi của Ân trong vòng giây kẽm gai mắt mở trừng trừng đầy uất hận hướng lên bầu trời đêm đầy sao). Đức thầm nghĩ chắc phải đợi lâu lắm, ít ra là đến ngày chàng được tự do gặp vợ Ân, tâm hồn chàng mới đủ thoải mái để kể hết về những gì đã xảy ra, kể cả niềm ân hận của chàng đã không hết mình can ngăn bạn.

Điều lạ là sau khi được tin về vợ Ân, chuyển được các vận dụng của Ân để lại đến gia đình Ân, tự nhiên giấc ác mộng ôm xác Ân mắt mở trừng trừng uất hận không còn đến với Đức nữa. Chàng không vui mừng lắm khi khám phá ra hiện trường tâm lý này nơi tâm hồn chàng. Như vậy là chàng đã trong chỗ sâu thẳm của ký ức chàng đã chấp nhận ân thực sự đã chết; và tuy chàng vẫn không thể quên cái chết với đôi mắt mở trừng trừng của bạn, nhưng chàng đã thấy cái lòng ân hận không lấy gì làm bình thường làm đã làm khổ chàng cũng dịu dần rồi mất sẽ một cách nào chết trong tù với đôi mắt mở trừng trừng như Ân, người bạn tù xấu số chàng sẽ mãi mãi không quên trong đời.

Duy Lam

 

No comments: