MỘT NGÀY ĐÃ TRÔI XA
Nơi tôi trở về cũng là nơi tôi sẽ ra đi. Cuộc sống đầy những biến đổi trong từng ngày âm thầm lặng lẽ trôi qua.
Như giai điệu bản tình ca, ru lòng ta về lại … với ta.
Sáng
Một
ngày bắt đầu bằng những âm thanh rộn rịp của sớm mai. Tiếng xe máy, tiếng rao
hàng, tiếng người làm công gọi nhau í ới. Ngoài đường, hàng quán mọc lên nhan
nhản, nhưng thật lạ, chỗ nào cũng có thực khách. Phở, bún riêu, cơm tấm, bánh
bao, hủ tiếu, bò kho, cháo lòng ….
Nhỏ
Nhung ngồi bên hàng bánh cuốn xập xệ gọi thất thanh: ” Chị ới, chị à, chị mới
về ? “. Nó tàn tạ nhanh kinh khủng, chẳng còn giữ lại chút gì dấu vết ngày xưa
ngoài nụ cười ngờ nghệt của một đứa dở hơi. Con nhỏ đẩy dĩa bánh cuốn ăn dở lem
nhem sang bên, nhìn tôi háo hức: ” Chị ăn tiếp đi ! “. Sự thật lồ lộ trong đôi
mắt nó làm tôi chợt mủi lòng. Thử hỏi cái kiếp tha phương biền biệt, người dưng
nước lã với nhau, đã mấy ai thật tình chia sẻ với mình mà không một chút giả
dối, vị kỷ. Con nhỏ mừng quýnh quáng vì có người ngồi xuống bên cạnh tỉ mỉ hỏi
han, mà lại là một Việt kiều hẳn hoi. Tôi vốn ghét làm Việt kiều ở cái nơi
mình sanh ra và lớn lên, nhưng trong cặp mắt sung sướng tự hào của nhỏ Nhung
tôi chẳng thể là một người Việt nam bình thường
Dạo
ấy tôi cứ nghĩ nó thật bất hạnh khi trở thành kẻ dở điên. Đến một ngày đủ khôn
tôi mới hiểu, người điên thì không biết đau khổ, đôi lúc mất trí là một trạng
thái ngủ quên để người ta trôi qua được dòng định mệnh nghiệt ngã mà sống nốt
những ngày còn lại. Buổi tối con Nhung rơi vào tay bọn lưu manh, những người
trong xóm cứ tưởng nó đã chết đi. Vậy mà nó vẫn sống nhăn, lại quên tuốt luốt,
quên luôn mình là ai, cười hềnh hệch với đời. Sẽ chẳng bao giờ nó còn biết đau
khổ, có được vài ngàn ăn bánh cuốn buổi sáng đã là hạnh phúc.
Trưa
Trời
nóng oi ả, nắng đến mờ mắt. Những buổi trưa hè thế này tụi con nít chỉ thèm
kem. Tiệm kem đầu xóm chợ lác đác người ngồi ngáp vặt, những lọai người không
biết làm gì ở Việt nam nhiều vô kể. Hàng quán nào cũng có những người ngồi cho
qua ngày tháng.
Kem
ở đây đủ loại, không mịn màng, béo ngậy như kem ở Đức nhưng thấm đượm hương vị
quê hương, kem sầu riêng vàng, kem khoai môn tím, kem sữa dừa trắng, kem đậu
xanh… xanh (lẽ ra phải gọi là màu lục). Một bác luống tuổi, răng rụng móm mém,
nhìn tôi cười ngập ngừng:
– Chị mới về ?
– Dạ thưa bác , con về được vài bữa rồi .
Tự nhiên rồi ổng méo xệch, lặp bặp:
– Em đây, thằng Quý đây, hồi đó hay chơi đá cá với chị.
Trời ơi, thằng Quý, nghe nói nó đi cai nghiện đến lần thứ … nhiều lắm, mà
vẫn không khỏi. Ngày xưa nó hay qua nhà hỏi tôi mấy bài toán lớp năm, cứ ngỡ nó
học hành tử tế để một ngày nào đó thoát khỏi kiếp nghèo. Bàn tay xương xẩu,
quắt queo của nó, sự thật sao đắng ngắt. Đã có một lần chị mong muốn cho em
những điều tốt đẹp, không ngờ giờ đây em đã đi đến cuối đọan đường lầy.
Hộp kem mang về, lạnh ngắt trong tay.
Chiều
Qua
cơn mưa rào, lá cây sạch bóng, long lanh nắng. Trời lại sáng !
Chị Xuân bế thằng cháu chạy ra hồ cá. Cô vú và thằng nhỏ ríu rít chuyện gì,
cười mãi, như hai mẹ con. Mười năm goá chồng, mười năm tần tảo nuôi con, đến
bây giờ vẫn chưa hết khổ. Một thân một mình vào Sài gòn làm thuê để lại hai con
ở miền Bắc giang xa lắc.
Căn phòng chị Xuân ở lẻ loi phía sau vườn, đấy ắp như một tiệm sách báo cũ. Chị
đọc mê mải những thứ lượm lặt được. Mẹ bảo chị thông minh chỉ tiếc nhà nghèo
không có điều kiện học hành tử tế.
– Buổi tối nằm phía sau một mình chị có … sợ ma không ?
Lẽ ra tôi muốn hỏi chị ” có buồn không “, nhưng lại sợ chạm vào nỗi đau của
người ta.
– Sợ gì ma, đến người tôi cũng chẳng sợ nữa là.
Hóa
ra chị hiểu điều tôi muốn hỏi và tự trong lòng cũng dành cho tôi một câu trả
lời. Ai cũng là người, ai cũng biết đau. Có những nỗi đau thầm lặng như bão
trong lòng hồ, nỗi đau của những người nghèo, không tên.
” Khổ mãi rồi cũng quen, chẳng còn thấy khổ “. Chị cười hàm răng trắng bóng,
sao trẻ thế, cái tuổi vừa bốn mươi.
Tối
Buổi
tối ở thị trấn đông vui và nhộn nhịp không thể tưởng. Xe cộ như mắc cửi, đèn
màu hai bên đường nhấp nháy mời gọi. Cầu thang quán café dẫn lên sân thượng cao
hun hút, cứ tưởng như lên non tìm động hoa vàng. Kem, chè, rau câu, café, sinh
tố đủ lọai …. cuối cùng chỉ có trà đá là ngon. Một góc đêm yên tĩnh, thoang
thoảng hương hoa nguyệt quế, dìu dịu nhạc khúc ” phượng hồng “. Vậy rồi đêm
bỗng thoáng chốc tan biến vì tiếng gầm rú kinh hoàng của hơn hai mươi chiếc xe
phân khối lớn. Đoàn đua xe xả tốc độ điên cuồng càn qua thị trấn, đẩy những
người đi đường vô tội dạt vào hai bên lề. Trên yên xe là những cô chiêu cậu ấm
mặt mũi non chọet, ăn mặc hở hang, ôm nhau khít rịt. Cái thuở yêu người chẳng
dám nói bị đẩy lại xa lắc, xa lơ. ” Em chở mùa hè của tôi đi đâu ??? “.
…
Nhành phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám, tuổi chẳng ai hay, thầm lặng mối
tình đầu …
Lúc
leo lên động hoa vàng chỉ thấy dốc đứng, đến lúc xuống mới thấy cầu thang sâu
thăm thẳm. Sợ té muốn chết ! Ở ngoài, tấm bản tuyển người nằm kín đáo, mãi bây
giờ tôi mới nhận ra.
” Cần tuyển nữ tiếp viên trẻ đẹp.
Ưu tiên cho người xa nhà, ở tỉnh lên. ”
Có
một cái gì đó thật là … không thật. Tôi chợt nhớ đến cô bán café mảnh dẻ,
rụt rè trên lầu, tay chân còn lọng cọng, ngượng ngập trong cái váy mini ngắn
củn cỡn. Tội nghiệp, chắc là dân tỉnh.
Chị
ăn xin đứng đợi bên đường, ốm tong teo lại vác theo thằng con tàn tật, tay chân
co quắp. Một ít tiền tôi cho, giúp hai mẹ con chị ngày mai ấm bụng. Nhưng – rồi
còn ngày mốt, ngày kia và những ngày sau, sau đó, những đêm mưa chẳng ai bước
ra đường. Chắc chị không nghĩ nhiều về những cái quá xa, cầm tờ tiền trong tay
ánh mắt rạng rỡ vì gặp may. Cuộc đời ơi, mi quái đản ! Một người nhận tiền sung
sướng bỏ đi, người ở lại nhìn theo trái tim trĩu nặng. Thôi thì, mình mang hộ
cho người một vài phút khổ đau. Tự nhiên rồi tôi ngao ngán nhớ đến những buổi
dạ vũ thâu đêm ở Đức, những bộ áo xiêm diêm dúa, hở hang dưới ánh đèn mờ, những
tâm hồn trống rỗng sau đêm vui … Ở một nơi rất nhiều người không thể hiểu
mình, mãi mãi với tôi, nơi ấy là xa lạ …
Đêm
khuya về chớm lạnh, trái tim người sao vội đóng băng.
Sự thật câm lặng, từ lúc nào âm thầm hóa đá.
Vô tình ta đi qua, một ngày đã trôi xa.
Sài
gòn , 5.8.06
Lưu Thuỷ Hương
Gửi bạn bè tôi một tiếng tơ lòng.
No comments:
Post a Comment