Thursday, October 7, 2021

Cây Đào Lộn Hột - Bình Nguyên Lộc

 

Cây đào lộn  hột


Con Dừa vừa ngạc nhiên trước tình trạng này thì bỗng nghe đất ướt lầy nhầy dưới chơn nó, nó chợt nhớ ra rằng đám mưa đầumùa mới dứt hột đã làm cho ngõ hẻm bẩn thỉu bắt nhờm nên trẻ mới không buồn ra đây. 

Nhờ im tiếng trẻ nên đêm nay con Dừa mới nghe được tiếng náo nhiệt của chợ Trương Minh Giảng (1) còn theo đuổi nó mãi tới trong này. 

Đến khúc quanh cây đào, nó nghe rờn rợn, mặc dầu năm nay, hăm mốt tuổi, nó đã hết sợ ma từ lâu rồi. Sinh trưởng ở xóm này, nó đã từng khủng khiếp thuở bé mỗi bận đi ngang qua mấy ngôi mộ đồ sộ dưới gốc cây đào cổ thụ ở góc ngõ này – cải ngõ chỉ mới có về sau đây thôi, ngày dựng lên khu chợ TrươnMinh Giảng, chớ trước đây, thuở nó còn bé, nơi này là đồng không mông quạnh. Cải rờn rợm đêm nay là di tích của nỗi kinh sợ ngày thơ của nó. 

Bỗng nó rụng rời, suýt kêu lên một tiếng. Một bóng trắng xuất hiện ra thình lình, cạnh gốc đào, khi nó qua vừa khỏi đường quanh. 

Nhưng nó tự trấn tĩnh được ngay và bật cười. Đó là bóng dáng quen thuộc, rất quen thuộc của anh mù mới tới ở đây chừng sáu tháng nay mà nó gặp mỗi sáng khi đi chợ. 

Đó là một thanh niên đẹp trai, đẹp trai theo con mắt nó, sáng nàocũng thơ thẩn trong mấy ngôi mộ cổ xanh rêu, nhất là hay đứng rờ rẫmcây đào lộn hột lâu đời, vỏ sù sì và đen thui. Ban đầu nó không biết hắn mù, vì hắn luôn luôn đeo kiếng mát, ăn mặc sạch sẽ và sang trọng, và không có cử chỉ quờ quạng của những kẻ mò đường. 

Nhưng hắn ở đó mãi rồi ai cũng biết bí mật của hắn cả, do con cái của người dì họ mà hắn ở trọ loan ra. 

Con Dừa là đứa con gái xấu xí nhất xóm, mà có lẽ xấu xí nhất nước Việt Nam cũng nên. Tuy nhiên nó không đần độn và sức khỏe của nó dồi dào nên nó đã biết mơ yêu từ mấy năm nay. 

Lúc vừa khám phá được tật kín của người thanh niên mới tới xóm, nó tiếc sao con người đẹp đẽ như vậy mà lại mù. Nhưng rồi nó thấy đó là điều hay cho nó. Nó cho hình ảnh hư ảo của vị hoàng tử đẹp trai của những giấc mơ yêu của nó nhập vào anh con trai mù, vì con người thật bằng xương bằng thịt vẫn hơn một hình bóng mơ màng, người con gái nào chắc cũng đã làm như vậy. 

Mà sở dĩ nó dám cho nhập như vậy, và cho nhập một cách ổn thỏa, lòng nó không ngập ngừng, là nhờ bịnh mù lòa đã hạ bệngười con trai tiểu tư sản này xuống tới giai cấp của nó. Nó nghĩ rằng mặc dầu hắn đẹp trai, hắn có vẻ người ănhọc, hắn vẫn kém sút người của giới hắn, tức là nàng có thể vói lên. 

Con Dừa sống những ngày vui vẻ với người tình tưởng tượng, người tình không quen biết, khá mãn nguyện với những buổi gặp gỡ nơi khúc quanh. Nó thường dừng chân lại ngắm chàng giây lát để ước ao được săn sóc chàng, đưa vai cho chàng vịn để cùng nhau đi ngoài phố. Nó chỉ dám yêu đến mức đó thôi, vì dầu sao cái uy tín “dân thầy” của người con trai vẫn còn và uy tín ấy đã làm nó mặc cảm. 

Nó sợ, nhưng càng sợ càng yêu nhiều, và rất khổ sở mà không được yêu cụ thể. Rất nhiều hôm, nó muốn liều, đến gần chàng, nhưng cứ sợ người ta cười, và sợ bị chàng hất hủi rồi phải tủi thân. 

Mấy đứa con của người dì họ của chàng rao lên rằng chàng là “văn sĩ”. Cả xóm, kể cả gia đình bà dì ấy, không ai biết văn sĩ là cái quái gì, nhưng nghe danh từ lạ, nó thán phục chàng lắm và càng mặc cảm hơn. 

Đêm nay… đường vắng, không ai thấy cả. Con Dừa dừng bước, do dự rất lâu trong sự hồi hộp rồi cố gắng vô biên, nó nhẹ bước đi vào đám mộ. 

– Anh! Nó kêu lên nho nhỏ.

Thanh niên giựt minh, làm thinh một lát rồi hỏi:

– Cô là ai?

– Em là Hoàng Mộng Dừa. 

Nghe cái tên lố lăng và dốt nát, thanh niên suýt bật cười, nhưng hắn cầm giữ được và hỏi: 

– Giọng cô là giọng miền Nam, sao cô lại họ Hoàng?

– Dân miền Nam không manghọ Hoàng à?

– Không bao giờ. 

Con Dừa ngạc nhiên hết sức. Nó có biết đâu điều đó. Hoàng Mộng Dừa là tên thật mà cũng là tên giả của nó, thật vì trong căn cước của nócó ghi rõ ràng: Hoàng Mộng Dừa, nhưng tên ấy không phải cha mẹ nó đặt ra. 

Nguyên năm ấy nó đi ở mướn cho một cô vũ nữ tên – hay hiệu là Hoàng Mộng Thúy. Cô ấy lại có một người em gái tên – hay hiệu – là Hoàng Mộng Điệp. Nó nghe hay quá, và ước ao được tên đẹp như vậy. Cô vũ nữ nói đùa: 

– Vậy mày nên lấy tên là Hoàng Mộng Dừa đi. Người miền Nam ta phát âm sai, Mọng dừa, không có dấu mủ, nhưng họ đọc y như là Mộng dừa. 

Cô ta đùa như vậy vì thấy cái mặt nó tròn bầu bĩnh như cái mọng dừa khô. Vả lại cô ta cũng dốt, hiệu của cô ta, cô ta nhờ bố đặt cho, còn tự cô ta đặt thì cô ta con biết Mộng gì bây giờ. Dừa không biết ất, giáp gì, nghe Hoàng Mộng Dừa cũng kêu lắm nên chíp trong bụng. Kịp năm sau, tới tuổi lấy giấy căn cước, nó khai tên đó, và nhờ chủ nó bịa ra tên cha mẹ cho ăn khớp với lời khai tên. Nó không được khai sinh lúc ra đời, nên lại nhờ chủ nó chứng cho và được thẻ với cái tên mà người hiểu biết, ai nghe cũng ôm bụng cười. 

Sợ thanh niên nghi ky, nó nói láo:

– Em là người Hà Nội VI CƯ DÀO đây mà! 

Muốn nhái giọng Bắc, nó lại phát âm sai chữ D và chữ V.

– Thế à? Thế cô tìm tôi có việc gì?

– Em… em… thương… anh. 

Nó nghẹn ngào, chỉ nói được có bấy nhiêu đó rồi thở hổn hển, mồ hôi toát ra dầm dề. 

– Có sớm lắm hay không? 

Con Dừa hiểu lầm tiếng “sớm” vội giúp hắn vững lòng: 

– Phải còn sớm lắm, nhưng họ đã đóng cửa hết rồi. Vả lại, em liều không thèm sợ ai hết. 

– Không, tôi nói sớm là ta chưa quen biết nhau, thương yêu vội vàng như vậy sao được. Dẫu sao, tôi cũng cảm ơn cô. 

– Sao lại không biết nhau. Em biết anh là Văng Xĩ, còn em, em là nữ xinh, ba em làm Ủy viên Cán bộ Chủ tịch, nhà ở đằng kia. 

Con Dừa thấy nữ sinh “le” lắm nên mới xưng láo như vậy. Còn về ba nó, thì nó đã trót nói là người VI cư mới DÀO, thì phải chọn cho ông thợ mộc ấy một cái nghề gì có vẻ miền Bắc. Nhìn thấy trong xóm có vài người miền Bắc làm gì ở đâu xa lắm, thỉnh thoảng mới về một lần, mang những chức vụ có mấy danh từ na ná như trên, nó mới gom tất cả các danh từ ấy lại làm một, để tăng uy tín cho ông bố thợ mộc của nó. 

Lần này, thanh niên phải bật cười ra tiếng vì cái chức kỳ cục “Ủy viên Cán bộ Chủ tịch” ấy. 

– Anh cười gì?

– Tôi… à… tôi… thấy là như vậy cũng chưa biết nhau nhiều.

Con Dừa rầu lòng than: 

– Anh không thấy đường, em làm thế nào để giúp anh biết em thêm! 

– À, cô nói đúng đó.

– Như vậy, anh bằng lòng được với bấy nhiêu đó hay không? 

– Kể ra thì cũng được. Nhưng mà, tôi bị bắt chợt, tôi chưa nghĩ gì vềcô hết. 

– Rồi anh sẽ nghĩ. Miễn là mỗi đêm, anh cho em gặp ở đây.

– Rất vui lòng. 

Từ ngày ngọa bịnh thinh linh, Thanh lui về nương náu nơi Xómnày cho đỡ tốn. Chàng tủi thân lắm và rất cần một an ủi tinh thần. Vả chàng đương tuổi trai, sinh lực cũng dồi dào như con Dừa, mà vì bịnh tật, túng thiếu, chàng không được gần phụ nữ cả năm rồi, nên nhu cầu sinh lý đang mãnh liệt nơi người chàng, thứ nhu cầu nó thường xui người ta nhắm mắt, không đắn đo. 

Cứ bằng vào mấy câu đối thoại trên đây, thì họ phải chia tay để rồi gặp nhau nữa, hầu biết nhau lần lần, nhưng Thanh lại đưa tay ra sờ soạn tìm người con gái có cái tên ngộ nghĩnh, vừa thơ mộng, vừa củi đụt, khiến chàng không thể căn cứ vào cái tên để tưởng tượng nàng đẹp hay xấu. 

Còn Dừa mỉm cười, đưa tờ báo ra cho tay chàng đụng phải. Thanh hỏi: 

– Em đi mua bảo về cho ba đây chắc?

– Dạ. 

Nó lại nói láo nữa. Ba nó không bao giờ đọc báo. Nó mua giùm cho bà Sáu vé số, một bà chuyên “cho tiền” các tay bán vé số lẻ. Nó rất mừng mà thấy Thanh đã đổi lối xưng hô và đánh bạo nó nắm lấy tay chàng. 

– Em thơm lắm, – chàng khen khi nó ngã đầu vào ngực chàng. 

Đêm nay, nhìn con gái bà Sáu trang điểm để đi xem hát, nó ké một chút xíu phấn thơm và nướchoa, hai bửu bối đã giúp phần nào quyết định của nó khi bước chân vào đây. 

– Anh cũng thơm lắm.

– Em mấy tuổi em?

– Dạ, mười tám.

– Em đẹp hay không? 

Thanh vừa hỏi, vừa sờ tay mò mẫm những chỗ lồi lõm trên mặt bạn. 

– Ảnh của em được chưng trong tủ kiếng tiệm chụp hình ngoài chợ. 

Dừa tự sụt đến ba tuổi và tự tăng nhan sắc của mình lên đến bực được bày ảnh nơi tiệm hình. 

– Em nè?

– Dạ.

– Anh mù lòa.

– Em biết rồi.

– Anh nghèo lắm.

– Không sao. 

– Hiện giờ anh vẫn kiếm được chút ít tiền, nhưng phải để dành cho đủ hầu mổ mắt. 

– Anh làm gì?

– Làm “Văng xử” như em nói đã biết rồi, khi nãy.

– Ừ, nhưng anh làm gì mới được chớ? 

– Anh viết tiểu thuyết đăng báo. 

– A, hay, hay quá, bà Sáu biểu em mua báo để coi cải tiểu thuyết “Thu sang, lá rụng, ngườivề bơ vơ” mà đọc lên ai cũng khóc hết. Trời, anh giỏi quá. 

Con Dừa bị ló đuôi vì vừa buột miệng khai sự thật là nó mua báo giùm cho bà Sáu nào đó không biết. Thanh thấy rằng nó vừa quê dốt, vừa giả dối. Nhưng chàng bỏ qua tất cả từ lúc nghe mùi hương nơi tóc nó từ lúc nghe hơi nóng và nhịp tim của nó trong lòng chàng. Chàng đính chánh: 

– Không, anh không có viết truyện đó. Anh viết truyện “Lúa vàng phẫn nộ”. 

– Sao nghe không hay bằng cái kia.

Thanh cười, hôn lên tóc nó rồi hỏi:

– Cái này có lẽ hay hơn tất cả, có phải không em?

– Dạ phải. 

Từ đó mỗi ngày, đi chợ ngang qua khúc quanh Cây Đào, con Dừa đều đằng hắng lên để thấy Thanh vịn gốc đào, ngó ra mỉm cười với nó, và mỗi đêm, họ đều gặp nhau ở đây, sau khi trẻ con thôi chơi giỡn. 

Nó thấy rằng “anh Thanh” nói chuyện nghe hay lắm, mặc dầu nó không hiểu nhơn tình của nó nói những gì. Thắc mắc đầu tiên của nó được Thanh giải đáp như thế này, nó nghe mê, mặc dầu không thỏa mãn. 

– Tại sao ngày nào anh cũng ra đây rờ rẫm gốc đào?

Thanh nhìn qua hướng cây đào lộn hột cổ thụ, cây đào độc nhất của một vườn đào ngày xưa nào, còn sót lại trong xóm nhờ mọc giữa một khóm mộ cổ, không bị người ta đến để lấy chỗ cất nhà. Chàng say sưa nói: 

– Tất cả cuộc đời đều xóa nhòa nơitrí tưởng của anh, anh quên hình dáng và màu sắc của mọi thứ, chỉ trừ cây đào lộn hột thiên niên này thôi, cái vật đẹp vô cùng mà khi chưa bịnh, anh thường ngắm, mỗi lần vô xóm này thăm dì anh. Em có thấy rằng nó đẹp hay không? Cây cổ thụ nào cũng đẹp cả vì nó gợi nhớ cả một thời dĩ vãng mà nó là nhơn chứng. Nó đã thấy Sài Gòn ngày xưa, hay nói cho đúng đã thấy một làng Sài Gòn ngày xưa với nếp sống chắc lạ lùng lắm, không hẳn thôn quê mà cũng không hẳn thành phố. Nó đã thấy mấy gia đình phú hộ ngoài Sài Gòn vào đây chôn ông, chôn cha, rồi tàn rụi luôn, không còn ai để trở vào đây săn sóc mồ ma nữa cả. 

Riêng cây đào này nó mọc lên cao được hai thước rồi nằm ngang, trông như một cây tùng quí của bộ cây cảnh non bộ nào. Hình ảnh cằn cỗi, cổ kính của nó là hình ảnh độc nhất của cuộc đời, còn ghi rõ nơi trí anh, nên anh thương mến nó lắm. 

Họ ngồi hụp trong thành ngôi mồ bằng vải trộn nhớt ô dước, to lớn nhất khóm, không ai trông thấy được cả, để tận hưởng hạnh phúc riêng của họ, Dừa thì hoàn toàn sung sướng trong tay người tình đẹp trai và thanh nhã với sự ăn học của chàng, Thanh thì cũng hoàn toàn sung sướng với trên tay một thiếu nữ mà chàng “mù quáng” yêu, không biết mặt mũi ra sao cả, nhưng cứ đinh ninh là nàng xinh đẹp vô cùng. 

Họ yêu nhau như vậy được sáu tháng, không hề có con sóng gió nào làm xao xuyến mối tình của họ cả. Nhưng một đêm kia, trong cuộc hội kiến thường lệ, Dừa buồn rầu báo tin cho bạn hay rằng nó đã có thai! 

Thanh chết điếng một hơi rồi hỏi:

– Em chắc hay không? 

– Chắc lắm. Em lén hỏi nhiều người, họ đều nói em có dấu hiệu ốm nghén. 

Qua cơn kinh sợ đầu, Thanh vui vẻ trở lại và an ủi bạn: 

– Em đừng lo, độ nửa năm nữa là anh có đủ tiền mổ mắt. Chừng ấy, anh sẽ làm ra nhiều tiền để nuôi em và nuôi con. Anh sung sướnglắm mà nghĩ rằng khi ra khỏi cảnh mù lòa, anh sẽ thấy mặt cả hai người thân yêu, em và con… 

– Nhưng bây giờ, em biết ăn nói làm sao với ba má?

– Em cứ nói thật, anh dám chịu trách nhiệm. 

Nhưng trái đời nhất thế gian, con Dừa quyết định không nói sự thật, khi có một chàng con trai lương thiện hiếm hoi dám đứng ra lãnh lấy gánh nặng mà phần đông con trai khác đều trốn tránh. 

Nó giấu mẹ để nôn ọi, bịt bụng để che cái thai. Nhưng khi thai được bốn tháng, không thể đậy điệm được nữa, nó đành nhẫn nại đợi sự trừng phạt. 

Má nó sanh nghi đã lâu vì thấy nó sức còn con gái mà tự nhiên biếng ăn, không đau ốm gì mà cứ rã rượi và thỏn cá hai má vô. Hôm ấy bà nhìn kỹ con Dừa rồi thấy rằng không thể lầm được, bà chết sững rất lâu rồi chụp lấy nó mà cật vấn: 

– Có phải là mày có nghén hay không?

– Con không biết.

– Đồ dịch, đồ quỉ, đồ yêu, đồ ngựa bà. Rõ ràng là có nghén đây chở còn gì nữa. Mày lấy ai hử con khốn kia? 

Con Dừa cứ đứng làm thinh rồi toan bỏ đi. Má nó lại chụp nó một lần nữa và chưởi: 

– Đồ con báo đời, đồ con trời đánh,mày lại định để vậy đặng bêu xấu tao với ba mày hả? Trời đất quỉ thần ơi, ngó xuống mà coi. Cả dòng cả họ tôi, bên nội bên ngoại có ai mà hư thân mất nết như vậy hay không nè! 

– Ăn thua gì với má mà má làm rùm? 

– Trời ơi, bà con xóm giềng nghe nó nói trẹo họng đây nè. Sao tao lại không ăn thua. Mày lấy ai, phải nói ra, để tạo bắt nó cưới mày, chớ để cái bụng bình rĩnh, xóm giềng cười tao với ba mày thúi đầu. 

– Con không biết má à!

– Sao lại không biết?

– Con gặp người đó có một lần, rồi y đi mất. 

– Con này nói khó nghe dữ! Gặp một lần mà có chửa được sao. 

Nó không cãi lẽ, nhưng nhất định giữ “lời khai”. 

Nổi nóng, má nó rút roi mây, chiếc roi sắm để đánh các em nó, mà quất nó một trận tơi bời. Đánh đến mỏi tay, má nó buông roi, chưởi nó một hơi nữa rồi tạm dẹp cuộc thẩm vấn lại. 

Con Dừa cắn răng làm thinh, không hề hít hà một tiếng. Tối lại má nó bèn đem sự khám phá ra để báo cho ba nó hay. Chú Đán đi làm trên trại hòm về còn mệt, nên làm thinh ăn cơm, mắng sơ vợ. “Hứ, đờn bà hư, có con mà không biết giữ. Lời tục người ta nói con hư tại mẹ là phải lắm. Giao cho mà lo cho tròn, không thôi, hai mẹ con chết với tao!” 

Rồi chú ấy tiếp tục ăn, ăn xong đi ngủ, như không có gì xảy ra cả. Thím Đán biết chồng là tay độc thủ, chú ta càng không nói gì, càng đáng khiếp sợ hơn bởi luôn luôn sau những lần làm thinh như vậy, chú hành động rất dã man, tàn nhẫn. Những trận đòn mà thiếm thỉnh thoảng phải chịu, làm cho thím khiếp vía mỗi khi nhớ đến. Vì thế mà sáng hôm sau, thím lại cất vấn con: 

– Mày khôn hồn thì nói thiệt để ba mày với tao lo. Bằng không ba màynó nổi giận lên thì nát xương, mày biết chớ? 

Con Dừa đã cả quyết, nên hôm nay nó không buồn đáp lại một lời. Thím Đán tra vấn một hơi vô hiệu quả nên nổi xung thiên, thím rút roi mà quất như mưa. Cả mặt, cả tay con Dừa đều mang lằn ngang, lằn dọc đỏ như vẽ bằng son Tàu, kể những lằn roi trên lưng, trên vế, trên mông, không thấy được. 

Nhưng rốt cuộc thím Đán cũng phải chịu thua nó vì quá mỏi tay. Nó là như trâu, cứ làm thinh mà chịu, không nói không rằng gì cả. 

Bốn hôm trôi qua, thím Đán xoay ra năn nỉ con, dỗ ngọt nó, mong đổi chiến lược, thím sẽ moi ra được tiết lộ nào chăng. Thím thương con, muốn nó được một tấm chồng, và rất lo sợ nó sẽ bị trận đòn nhứt sanh nhứt tử của chồng thím. 

Năn nỉ không xong, thím mua chuộc lời khai của nó bằng cả bao nhiêu tiền dành dụm chắt mót được của thím, nhưng thím chỉ hao hơi mỏi miệng mà thôi. 

Túng thế, thím Đán phải thú thật bí mật gia đình cho vài ngườibạn gái rất thân nghe, để nhờ họ dỗ con Dừa. Nhưng tất cả những người đàn bà khôn khéo ấy đều thất bại. 

Ngày chúa nhựt, chú Đán nghỉ làm, theo luật lao động. Sáng dậy, chú đi uống cà phê và la cà ngoài chợ cho tới gần mười giờmới về. Chú hỏi vợ: 

– Má nó đi chợ có mua ớt hiểm hay không?

– Có, chi vậy?

– Má nó đâm cho tui một chén muối ớt. 

Thím Đán rụng rời vì thím đã nếm mùi muối ớt nhiều lần rồi. Nhưng sợ chồng, thím không dám hó hé, vội thi hành mạng lịnh ngay. Khi thím làm xong công việc mà chồng thím giao phó, chú Đán bước xuống nhà sau, bắc ghế đứng lên rồi rút từ trên giàn bếp xuống một chiếc roi đuôi cá đuối. 

Thim Đán rưng rưng nước mắt, còn con Dừa thì tái cả mặt, toan bỏ chạy. Ba nó cười gằn một tiếng rồi chụp tóc nó, đè đầu nó xuống đất. Đoạn chú ta rẽ tóc con, làm thành hai sợi dây đánh, cột tóc ấy lại nơi chơn cột nhà bếp. 

Chú ta bình thản và chậm rãi như một nhà nho thời xưa, làm cái công việc ghê gớm ấy mà không lộ một tí sắc giận, y như là cột con gà hay cột một bó dây lạt. 

Thím Đán mếu máo nói: 

– Vừa vừa ông ơi, kẻo chết con tôi. 

Người mẹ đã mang nặng đẻ đau nào cũng thương con nhiều hơn cha, và đau lòng hơn khi thấy xác thịt con họ bị giày vò, chà đạp. Phương chi, chính thím đã biết tay ác hiểm của chồng thím hơn ai cả, thì làm thế nào mà thím an lòng được khi nhìn bao nhiêu chuẩn bị đó. 

– Dừa! Chủ Đán gọi. 

– Dạ!

– Mày lấy ai mà có chửa?

– Dạ con không biết. 

– Hừ! – Chú Đán cười gằn. Như vậy thì tao phải liều như không có đẻ mày. 

Nói xong, chú quật xuống một roi, kêu cói trót, nghe như con Dừa đang đứt làm hai đoạn. Thím Đán nín thở, lũ em của Dừa im thin thít, còn con Dừa thì cắn răng, cố nằm yên, không nhúc nhích. 

Đoạn trót… rồi trót… rồi trót… 

Chú Đán quất độ hai mươi roi thật thẳng tay lên lưng, lên mông con Dừa, vẫn cứ bình thản như là người ta đập một tấm nệm phơi chobay bụi ra vậy. Xong chủ giở áo nó lên. Thím Đán bậm môi, ngó lơ đi nơi khác. Những lằn roi, nổi gân lên đỏ lòm, vắt ngang qua lưng con Dừa. Chú Đán với tay cầm chén muối ớt ra thoa lên các lằn roi ấy, như một bà nội trợ ướp cá. 

Lần đầu tiên, con Dừa hít hà và cụ cựa. Muối ớt thấm vào thịt, qua các vết thương mới, làm cho nó đau đớn vô cùng. Chú Đán nhịp roi lên mông nó, chờ đợi một hơi kết quả của cách tra tấn riêng của chú, rồi hỏi: 

– Mày chịu khai hay không? 

Con Dừa vừa hít hà, vừa đáp:

– Con không biết ba à! 

Thím Đán rủa thầm nó: “Thật là đồ cố lì, như thằng cha nó. Quả rau nào sâu nấy”. 

Trận quất lại tiếp diễn, liên tu bất tận, khiến thím Đán nghe chóng mặt quá. Khi thím nghe con Dừa rên ư ư và nhìn thấy toàn thân của nó run rẩy lên, thím van chồng: 

Tôi lạy ông, nới tay giùm một chút. Dẫu sao, nó cũng là máu mủ của ta. 

Để đáp lại lời cầu khẩn của vợ, chú Đán mạnh tay thêm và mau tay thêm. Chiếc roi lên xuống kêu vù vù và không ai trong thấy nó được nữa. 

Con Dừa rên hừ hừ rồi khóc lên vài tiếng ngắn mà nó cố bóp cho chết. Thím Đán khóc lớn và lũ trẻ em của Dừa, đua nhau mà khóc rùm, khiến người lân cận ngỡ nhàcó ai vừa mới tắt hơi. 

– Hu… hu ông ơi, chết con, ông ơi! Ông cứ đánh tôi đi vì lỗi cùng tại tôi mà ra. 

Khi hàng xóm chạy tới thì thấy thím Đán nhào vô mà đỡ đòn cho con. Thím nằm sấp trên mình con Dừa, hứng lấy tất cả bao nhiêu cái vút của ngọn roi nhám, lởm chởm những cái gút cứng như đá của đuôi con cá đuối biển, dài đến hai thước tây. 

Chú Đán vẫn không ngớt tay quất, có lẽ chú nghĩ rằng đứa nào dại, nhào vô thì chịu lấy, và vợ chú cũng đáng đòn lắm. 

Nhưng lúc mấy bà láng giềng nhào tới thì chú buông roi liền, không phải vì nể họ mà vì chú đã mỏi rụng cánh tay rồi. Chú thở hổn hển, bỏ đi lên nhà trên. 

Thiên hạ xem lại thì con Dừa đã ngất đi từ lúc nào không biết. Họ vội ngậm nước phun lên mặt nó một hơi, nó mới tỉnh dậy. 

Bẵng đi mười hôm, con Dừa không đến với bạn. Trong mấy ngày đầu Thanh thắc mắc rồi đâm ghen. Con Dừa có nghén hay không, không chắc lắm. Quả chàng đã sờ bụng nó và thấy khác thường,nhưng cũng không phải là bằng cớ rõ rệt. Có thể nó ăn quá no trước khi đến rồi đặt điều cho vui vậy thôi. Và nó có thể chán anh mù để đi theo anh chàng nào khác. 

Rồi chàng nhớ nhung người bạn đã an ủi cảnh đời tăm tối của chàng và rốt cuộc lo lắng vì đoán nó có thể bị tai nạn gì cũng nên. 

Đêm đêm, chàng vẫn ra khóm mộ cây đào lộn hột, vì thói quen, mà cũng là để đi hành hương ở một nơi mà chàng đã qua một đoạn đời tình cảm có lẽ thú vị nhất đời chàng. 

Đêm ấy, chàng thấy hơi sương lạnh, vừa toan trởgót, bỗng nghe lá đào khô cựa mình dưới đất vì có chơn ai đạp lên đó. Chàng không dám vội mừng, sợ phải thất vọng, nhưng bỗng có tiếng gọi nho nhỏ. 

– Anh!

– Ủa em! Trời ơi, hôm nay em đi đâu…

– Em bịnh mới đó.

– Vậy à? Em bịnh làm sao? 

Con Dừa cầm tay bạn, dẫn cho hắn sờ lên lưng nàng, lên mông nàng. 

Trời ơi, sao em ra thế này?

– Ba đánh đòn.

-Trời ơi, sao vậy? 

– Ba đánh đến em chết giấc, nhưng em vẫn không khai. Rồi em nóng lạnh nằm li bì. 

– Không khai cái gì?

– Không khai anh ra. 

– Bậy nà! Trời, em dại quá! Anh đã nói là anh chịu trách nhiệm kia mà! 

– Không, em quyết không hại anh. 

– Em nghĩ sai. Có hại anh chỗ nào đâu. Bất quá ba má bắt anh cưới em là cùng. 

– Không, em thương anh lắm không đành làm khổ anh. 

Một lần nữa, con Dừa đã nói láo. Sở dĩ nó quyết chịu chết chớ không khai tác giả của cái thai là chỉ vì lợi riêng thỏi. 

Thanh yêu nó mà không ai biết và không biết nó là ai và ở đâu, và ngỡ nó xinh đẹp lắm. Nếu câu chuyện đổ bể tùm lum, sẽ có kẻ cho chàng biết rằng chàng đã ấp yêu một cô gái bẩn nhứt xóm và xấu xí nhứt Sài Gòn. Chàng sẽ vỡ mộng và không yêu nó nữa. 

Không, nó phải là cây đào lộn hột thứ nhì trong đời chàng, nó phải là hình ảnh thân yêu thứ nhì trong trí tưởng của kẻ mù lòa, hình ảnh thứ nhất là hình ảnh thật mà chàng còn giữ được và trung kiên với hình ảnh đẹp ấy, hình ảnh thứ nhì là nó, chàng chỉ mới tạo ra trong cảnh mù lòa đây thôi, nhưng cũng mến yêu lắm và trung kiên lắm với cái đẹp tưởng tượng của hình ảnh sau đó. 

Khai chàng ra, gia đình nó, và cả thiên hạ đều sẽ biết mối tình thầm lén này, và Thanh sẽ biết nó là ai, một đứa nghèo hèn, đen đúa và xấu như ma. 

Không, nó phải hoàn toàn là bí mật, là một bóng ma trong đời chàng, là một ảo ảnh mà chàng mê say như bất kỳ ảo ảnh tốt đẹp nào trên đời này. 

– Em nè.

– Dạ. 

– Em tên thật là gì, và con của ai?

– Đã nói em tên Hoàng Mộng Dừa mà. 

– Anh không tin rằng tên em lại kỳ cục như vậy. Em là con của ai, ở xóm nào, nói cho anh biết, anh sẽ tìm đến tạ tội với ba má. 

– Không. 

– Anh lạy em, sờ thấy vết thương trên người em anh sốt ruột, đau lòng lắm. 

– Không, nhất định không. 

Chú Đán chỉ đánh con có một lần thôi, rồi bỏ trôi luôn. Chú là kẻ biết rõ sức chịu đựng của con người. Khi con Dừa chịu đựng được như thế thì chỉ còn có nước chịu thua nó thôi. Và câu chuyện cũng tùm lum ra rồi, ai cũng biết nó chửa hoang cả rồi thì không còn cứu vãn được. 

Thôi, cũng xong một đời nó. Trong giới lao động của chú, người ta đã dám công khai nuôi nấng và thương yêu những đứa con hoang màrốt cuộc đời vẫn tốt đẹp, và rồi không ai cười ai cả. 

Chú Đán bỏ trôi, thím Đán nhẫn nại chịu cảnh không được gả con lấy chồng và cái thai của con Dừa cứ lớn một cách suôn sẻ. 

Đến cuối tháng thứ chín, Thanh cho bạn một số tiền để ăn đẻ. Chàng vui vẻ báo tin cho bạn hay rằng độ nửa tháng nữa là chàng đi mổ mắt vì đã đủ tiền rồi. Chàng sẽ thấy mặt vợ con, và sẽ tìm cha mẹ vợ mà xin thú phạt. 

Con Dừa hoảng hốt vội ngăn:

– Đừng, anh không nên mổ, rủi ro chết thì em khổ lắm.

– Không chết đâu. 

– Ai biết được. Nên để dành tiền là hơn. Em sẽ đi làm để nuôi anh. Ta tìm một căn nhà ở xa đây, rồi ở chung với nhau

– Em bắt anh đui mù trọn kiếp sao?

– Có hại gì đâu, anh mù mà em cứ thương anh là đủ rồi. 

Thanh sung sướng lắm, hôn bạn lu bù, nhưng chàng quyết không nghe lời khuyên mà chàng ngỡ là do tình yêu của bạn. 

Trong khi con Dừa nằm chỗ thì Thanh đi mổ mắt thật và chàng sáng ra, về nhà một lượt với bạn chàng đầy tháng. 

Giờ sáng rồi, Thanh lại không biết bạn ở đâu mà tim. Nhưng con Dừa lại thấy bạn nó ra khỏi cảnh mù lòa. Sáng sáng, đi ngang qua khóm mộ cổ, nó gặp người thanh niên đẹp trai đứng dựa gốc cây đào lộn hột, mắt không đeo kiếng mát nữa. Trước đó, nó đã xin với bạn cho nó thấy đôi con mắt bịnh của chàng mấy lần, chàng đã bỏ kiếng mấy lần khi nó đi chợ ngang qua đó và đánh tiếng lên. Nên chi ngày nay, nhìn sự khác biệt giữa tình trạng trước và tình trạng bây giờ, nó biết ngay Thanh đã mổ mắt xong. Hơn thế, cuộc giải phẫu ấy thành công vì Thanh đã nhìn đây, nhìn đó, mỉm cười khi thấy một đứa bé chạy té trên ngõ. 

Nó đi qua, Thanh thấy nó, nhưng không hề nhìn. Đối với Thanh, nó không chỉ là một kẻ xa lạ thôi, mà là một kẻ xa lạ không đáng chú ý. Nó vừa xấu vừa rách, trông bần cùng quá đi mất, ai còn chú ý đến làm gì. 

Con Dừa tủi thân, rưng rưng nước mắt. Khi nãy có mấy giây nó mừng quýnh muốn nhảy đến ôm lấy bạn mà mừng, nhưng giờ thì nó thấy rõ rằng hắn sẽ đẩy nó ra, cho dẫu biết rằng nó là nó, biết rằng nó là thiếu nữ mà chàng đã ôm ấp trên tay và thương yêu một cách chân thành. 

Chàng sẽ kinh ngạc, rồi ghê tởm nó, rồi xấu hổ vì nó. Trời ơi, chàng vẫn trung thành được với hình ảnh cũ của cây đào lộn hột mà chàng vuốt ve trong những ngày u minh của chàng, còn mình thì không! Trời ơi, thế là hết rồi, những ngày diễm ảo của chàng và của mình! 

Không, chàng đã ra khỏi cảnh mù lòa, nhưng không nên để chàng ra khỏi giấc mơ tiên của chàng. Dẫu sao, mình cũng mất chàng nhưngít lắm hình ảnh giả về Hoàng Mộng Dừa cũng phải được lưu mãi nơi trí chàng. 

Con Dừa lầm lũi bước, nước mắt rơi ướt cả mặt nó. 

Hôm ấy, chàng đang ngồi buồn, định đọc cho thằng bé con của ngườidì viết một đoạn tiểu thuyết, lối mượn tay những ngày bịnh tật, đã thành thói quen, thì một đứa bé bước vào sân có vẻ tìm nhà ai. 

– Gì đó – chàng hỏi.

– Tôi kiếm nhà thầy Thanh.

– Ở đây. Có chuyện gì?

– Có thơ cho thầy.

– Thơ của ai gởi?

– Của chị tôi. 

Thanh mừng đến muốn ngộp thở. Chàng sẽ níu thằng bé và Sẽ tìm ra tung tích vợ con chàng. Đưa tay nhận mảnh giấy xếp nhỏ, chàng nhìn đứa bé mang thơ và thấy nó rách và dơ quá, khiến chàng thắc mắc về bạn của chàng hết sức. 

Thằng bé trao thơ xong, toan đi. Nhưng Thanh níu nó lại và nói: 

– Để rồi đi với anh. Anh cần gặp chị.

– Đâu được, chị tôi chết rồi.

– Chết rồi! 

Thanh kêu lên, rồi đứng đó mà chết điếng. Lâu lắm, chàng mới hỏi thêm được: 

– Chết hồi nào? – Bảy ngày rồi, chôn rồi. 

– Trời ơi! 

Thằng bé bấy giờ mới khóc. Nó đã khóc nhiều, nhưng đã quên được rồi. Giờ nó thấy cảnh bị thảm, người thanh niên trước mặt nó đang rưng rưng lệ, nó mới sực nhớ đến đau thương trong gia đình nó. Nó mếu máo nói: 

– Chị tôi lúc gần chết, đưa thơ này dặn tôi tìm thấmà trao,lại dặn tôi đừng cho ai biết hết. 

Thanh rơi xuống ghế rồi úp mặt lên bàn mà khóc mù. 

Chiều hôm đó, chàng dọ hỏi rồi đi thăm mộ bạn, chôn trên đất chùa ông Tạ. Chàng đã biết rõ nguyên do cái chết của Hoàng Mộng Dừa, người tình yêu mến mà không bao giờ biết mặt, nhờ bức di thư của nàng. 

Con Dừa học chữ ở một lớp học bình dân, viết không rành rẽ, nhưng chàng vẫn hiểu được ý nó muốn nói gì trong đó. 

Đến nơi, chàng lấy nhang ra thắp ba cây cắm lên nấm mộ mới đắp rồi vừa khóc, vừa lẩm bẩm: “Em Dừa ơi, em đẹp hay xấu, sanghay hèn, anh không cần biết. Anh chỉ biết rằng anh đa thành thật yêu em và em đã cho anh hạnh phúc thật to lớn nhất của đời anh. Không, em sẽ còn mãi mãi, trường cửu tồn tại nơi lòng anh còn lâu bền hơn là cội đào lộn hột nó sẽ chết đi một ngày nào đây và anh quên nó dễ hơn là quên một người đáng thương như em vậy”. 

 

Bình-nguyên Lộc 

 

Nguồn: Nhựt báo Buổi Sáng. 1962. 

(1) Bây giờ là chợ Nguyễn Văn Trỗi, Q.3, TPHCM.

304Đen – Llttm - dsc

 

No comments: