Khuya Khuya Chút Nữa
Trong
chốn văn nghệ, trước 75, nhà văn phải viết truyện dài đăng nhiều kỳ trên nhựt
báo, gọi là viết feuilleton (phơi-dơ-tông) để kiếm sống. Nhưng trước cái biến
cố đau thương, miền Nam sụp đổ, nhiều nhà văn vượt thoát ra nước ngoài làm
người tị nạn lại chuyển qua làm thơ. Và thơ rất hay vì ý thơ phát xuất từ đáy
lòng đang đau đớn.
Nhà
văn Thanh Nam (1931-1985) là một trong những nhà văn đó. Cuộc đời tị nạn của
ông thật ngắn ngủi chỉ 10 năm; nhưng khoảng thời gian đó cũng đủ để lại cho đời
tập thơ với nhan đề “Ðất khách” (1983).
Tháng
Tư lại về trên đất khách, tui nhớ đến thơ Thanh Nam: “Ngó ra buổi sáng quê
người/ Tiếng xe lăn bánh nhịp đời trôi mau/Giã từ ngôn ngữ đã lâu/Hôm nay thèm
nói một câu chửi thề!”
Nhà
thơ sống bằng chữ nghĩa nên thèm nói một câu chửi thề; riêng tui lại thèm một
tô hủ tiếu Mỹ Tho mới chết.
Nói
nào ngay, Footscray nơi tui đến ở, cũng có quán bán hủ tiếu đó chớ. Nhưng khi
ăn ở mấy tiệm nầy tui lại càng nhớ hủ tiếu Mỹ Tho hơn. Vì ăn không hẳn chỉ là
ăn mà còn trong đó một cái tình quê tha thiết nữa đó bà con ơi!
o O o
Úc
hay Mỹ giờ đây mới có cái vụ đặt đồ ăn nhờ ‘Uber Eats’ giao tới tận nhà, chớ
chú Ba đã có cái dịch vụ phục vụ hủ tiếu, mì hoành thánh tới ngay tại chỗ, chỉ
còn thiếu cái điều là gắp đút luôn vào miệng khách hàng thương mến thương mà
thôi.
Ðó là
hủ tiếu gõ! Hang cùng ngõ hẻm của tám nẻo đường thành Sài Gòn nào mà không có
nó.
Trong
ngõ, xe đậu lại ngã ba, thằng nhỏ cầm hai thanh tre ngắn, gõ lóc cóc luồn quanh
hẻm nhỏ lúc đêm về. “Ê cho một tô hủ tiếu nhiều thịt ít tiền đi mậy!” Là 5 phút
sau một tô hủ tiếu nóng hổi mang tới tận nơi.
Ngôn
ngữ người Sài Gòn rất hay nhe. Nói cho một tô hủ tiếu, tuy xin như vậy nhưng có
trả tiền đàng hoàng chớ không ăn quỵt rồi chạy bao giờ!
Bán
hủ tiếu gõ đã lâu, làm ăn chí thú, ky cỏm tiền bạc, không chơi số đề hay vào
sòng bài Kim Chung hay Ðại Thế Giới thua sặc máu, thì trước hay sau chú Ba sẽ
lên đời bằng cách sắm một chiếc xe bán hủ tiếu trụ lại ngã tư đường có nhiều
ông đi qua bà đi lại!
Chiếc
xe nầy có miếng gỗ có thể bật lên, gài chốt làm thành một cái bàn hình chữ nhựt
dài và hẹp, vừa đủ để đặt lên tô hủ tiếu còn bốc khói và chai xì dầu, giấm đỏ
và hũ ớt sừng trâu ngâm giấm và một lọ tiêu xay.
Khách
ngồi trên ghế xếp, ngồi chờ, xem tranh Tàu vẽ trên mặt kiếng hình Quan Công
quánh nhau với Tào Tháo trong Tam Quốc Chí của Trần Thọ hay Tề Thiên Ðại Thánh
quánh với Ngưu Ma Vương trong Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân…
Những
chiếc xe hủ tiếu kỳ cựu, chủ nhân nó luôn chung thủy với những đũa, muỗng, tô,
vợt lưới to để trụng vớt bánh hủ tiếu hay trụng mì. Ghế xếp mặt ngồi bóng lưỡng
bằng gỗ và chân sắt mộc mạc cũ kỹ, nhưng chắc chắn.
Rồi
lại làm ăn chí thú, ít xít ra nhiều, chú Ba nấu, thiếm Xẩm rửa chén, con Muổi
chạy bàn kha khá hơn, bèn ra ngã tư mướn nhà mặt tiền mở quán nước.
Nhưng
bất cứ quán nước nào xe hủ tiếu cũng chiếm vị trí mặt tiền, trung tâm của quán.
Vì mùi thơm của nồi nước lèo bốc ra ngào ngạt, lan tỏa trong buổi sáng tinh
sương của đất Sài Gòn làm ai nấy đi qua mà không đói bụng, thèm một tô hủ tiếu
mì nóng hổi… vừa thổi vừa ăn chớ?
o O o
Bà
con mình đi qua những ngã tư đường ở vị trí tiện lợi sẽ gặp: Tuyền Kỳ, Hưng Ký,
Phánh Ký, Phát Ký, Gia Ký, Oai Ký… Mì gia!
Sao
chú Ba nào cũng ‘Ký’ hết vậy cà? Té ra chữ Ký trên bảng hiệu nghĩa là nhãn
hiệu, thương hiệu như Phánh Ký là tiệm mì của chú Phánh vậy mà.
Trên
bước đường hành hiệp chốn giang hồ, tui đã ăn hủ tiếu nhiều nơi nhiều chỗ. Ở
Cần Thơ, Tây Ðô thì có Hoạt Ký, Khung Ký đối diện rạp hát Minh Châu trên đường
Phan Ðình Phùng thuở ấy. Rồi về lại Sài Gòn ra đường Trần Quý Cáp gần tới đường
Cao Thắng quận Ba, ăn hủ tiếu Nam Vang Hồng Phát (Ðường Trần Quý Cáp đặt tên
một nhà Nho yêu nước đất Ðiện Bàn Quảng Nam vì tham gia Phong Trào Duy Tân nên
bị án tử yêu trảm là chém ngang lưng; nhưng sau nầy VC vô đặt lại tên đường là
Võ Văn Tần! Tui thú thiệt không biết ông nội con nít nầy là ai? Có công trạng
gì với đất nước mình mà dám cả gan thay thế nhà chí sĩ Trần Quý Cáp?!).
Rồi
trên đường Huỳnh Thúc Kháng ở quận Một có quán hủ tiếu Thanh Xuân quảng cáo là
hủ tiếu Mỹ Tho, nhưng ăn có cả rau tần ô nữa(?!).
Hai quán nầy bán đắt ắt hẳn là ngon nhưng không thể nào làm tui quên được xe hủ
tiếu của em yêu bên hông rạp Ðịnh Tường nằm trên đường Lý Thường Kiệt, chỉ đi
chục bước chân là ra tới đường Trưng Trắc, dọc theo bờ sông Bảo Ðịnh.
Em
yêu, Á xẩm, con chú Phu bán hủ tiếu ngày xưa là vợ yêu, má của hai thằng ‘cu’
tui bây giờ.
Chẳng
qua mất nước, đi học tập cải tạo, nghĩa là ở tù VC về, tui đi chạy xích lô.
Bữa
nào trúng mối, thèm, tui ghé xe hủ tiếu của ba má em để thiếm xực một tô, làm
thêm xị đế mà bùi ngùi nhớ những huy hoàng ngày cũ. (Dẫu sao mình cũng từng làm
quan đóng tới lon thiếu úy chớ bộ!)
Ăn
riết rồi quen. Rồi được em lén Tía em cho tui thiếu chịu. Nói nào ngay thiếu
cũng chừng chục tô thôi. May mắn canh me, vượt biên ra khỏi nước, rồi bèo giạt
hoa trôi tới tận cái nước Úc nầy đây, nhớ cái ơn cho ăn chịu ngày xưa tui quay
về mà rước em qua.
Qua
tới đây em chỉ lo cơm nước, tui đi cày mà trả nợ em. Trả hoài mà tới giờ chưa
có hết. Hu hu!
o O o
Chiều
nay quê người đất khách. Tháng Tư lại về mặt tui rầu rầu như vừa bị ăn cướp.
Phải rồi tụi nó đã cướp nước tui, cướp quê hương tui, cướp luôn một thời tuổi
trẻ nhiều ước vọng của tui thì hỏi tui không buồn sao đặng!
Vợ
chồng đầu ấp tay gối bấy lâu em yêu thấy tui rầu nên lòng em cũng xót.
Em
thỏ thẻ rằng: “Ngộ sẽ nấu hủ tiếu cho nị ăn! Rồi còn xí quách làm một tô cho nị
nhậu để bớt buồn nhớ quê vì xa xứ! Thấy nị buồn, ngộ chịu không có nổi!”
He
he! Lấy vợ là á xẩm mấy chục năm nay mà em yêu nói tiếng Việt chưa rành. Tiếng
Việt em chưa sõi nhưng tài nấu hủ tiếu gia truyền của em đã chinh phục lòng anh
(lòng nghĩa đen là cái bao tử) thì không cần phải hỏi. Nói theo kiếm hiệp là
công phu đã đạt đến chốn thượng thừa!
Sáng
hôm sau em đi chợ Footscray một mình rồi lỉnh kỉnh mang về hầm bà lằng đủ thứ.
Em
giảng rằng: Bánh hủ tiếu hồi xưa ở Mỹ Tho làm bằng gạo phải là từ Gò Cát, bên
kia sông Bảo Ðịnh, từ cây lúa mùa mới đặng. Bằng lúa Thần Nông cọng hủ tiếu sẽ
không dẻo, không dai và cũng không thơm.
Sau
đó là xay gạo ra thành bột. Thêm bột lọc và trộn cho đều. Xong tráng bột thành
bánh rồi đem phơi ngoài nắng. Cuối cùng là cắt thành sợi. Mình ăn hủ tiếu tươi
không hè!
Giờ
hủ tiếu để trong bọc, có chất phụ gia bảo quản. Chết em, em không tiếc nhưng
chết anh, em không đành… Vì cứ hai tuần ai lãnh lương về đưa tiền chợ cho em?
Bàn
tay thoăn thoắt, em ngắt một nhúm bánh hủ tiếu khô, nhét sâu vào cái vợt cán
tre, cùng ít giá, trụng vào nồi nước sôi, dạo lên dạo xuống mấy lượt, xốc lên
xốc xuống cho ráo nước. Xong, cho vào tô, cho ít mỡ tỏi phi và hành phi trộn
nhẹ cho đều thêm cải bắc thảo.
Lấy
dao bén em xắt miếng thịt nạc heo mỏng còn hơn tờ giấy quyến trải đều lên mặt,
vài lớp gan heo cũng mỏng không kém. Không phải hà tiện gì đâu! Ở Úc mà! Nhưng
phải xắt mỏng như vậy để cho nước lèo mới thấm vào từng sớ thịt ăn mới ngon.
Rau
kèm theo thì có ngò rí, hẹ, hành lá thêm hai lá xà lách to, ít cọng hẹ rẫy, một
miếng bánh tôm chiên.
Em
dọn tô hủ tiếu bốc khói ra để trước mặt chàng. Chàng hỏi còn ‘giấm sửu’ đâu?
Em
hiểu ý, hứ nghe cái cốc. “Ban ngày ban mặt mà ‘giấm sửu’ cái gì? Nị ăn hủ tiếu
của ngộ với xì dầu và giấm đỏ đi! Còn‘giấm sửu’ thì để khuya khuya chút nữa
nhe!”
Đoàn
Xuân Thu - DXT – Melbourne
304Đen
– llttm - tvvn
No comments:
Post a Comment