NGÀY KHAI TRƯỜNG
Tại thành Torino (1),
thứ hai, ngày 17
Hôm nay là ngày khai
trường. Mấy tháng hè đã thoáng qua như giấc mộng. Sáng nay, mẹ tôi đưa tôi vào
trường Baretti để ghi tên lên lớp ba. Đi đường, óc tôi cứ vơ vẩn đến chốn thôn
quê, lấy sự đi học làm ngại. Phố nào cũng thấy nhan nhản học trò. Hai hiệu sách
lớn chật ních những phụ huynh vào mua sách vở, giấy, bút cặp da. Cửa trường
đông nghịt những người, cảnh binh và người gác cổng phải khó nhọc mới mở được
một lối vào.
Vừa bước qua cổng
trường thấy một bàn tay vỗ vào vai, tôi giật mình ngoảnh lại thì ra thầy giáo
lớp hai tôi học năm ngoái, mái tóc đỏ hoe vẫn để rối, nét mặt vẫn tươi, thầy
bảo tôi:
-Enricô ơi! Thầy trò
ta từ nay chia tay nhau nhỉ?
Điều ấy, tôi đã nghĩ
đến, nay thầy tôi lại nhắc, khiến tôi thêm chạnh lòng. Mẹ tôi và tôi phải chen
chúc mãi mới vào được trong trường. Các ông, các bà sang trọng, các bà thường
dân, thợ thuyền, sĩ quan, các cụ già, những đầy tớ, ai nấy đều một tay dắt trẻ,
một tay cắp gói, đứng chặt phòng trú chân và ở trên thang gác. Cảnh tượng rất
là náo nhiệt.
Hôm nay, lại được
trông thấy 7 phòng học ở từng dưới là nơi ròng rã ba năm trường, ngày nào tôi
cũng lui tới, lòng tôi sung sướng vô cùng!
Trên thềm, các cô giáo
đi lại tới tấp. Cô giáo lớp một đứng ở cửa lớp, thầy tôi liền bảo:
-Enricô ơi! Năm nay em
học trên gác. Ít ra ta lại được nhìn em qua lại!
Mẹ tôi đỡ lời:
-Thưa cô, cháu sẽ đến
thăm cô luôn.
Chúng tôi chào cô rồi
đi.
Ông Hiệu trưởng, râu
tóc bạc hơn năm ngoái, có vẻ bận rộn vội vàng, đang bị vây trong đám các bà,
một số người thất vọng vì không còn chỗ cho con. Bạn tôi đi học đông đủ. Nhiều
người coi lớn vọt lên. Ở từng dưới, việc chia lớp đã xong. Mấy trò em mới đến
trường là lần thứ nhất, không chịu vào lớp, giật lùi như những con ngựa bất
kham; người ta phải dùng sức lôi vào. Có em đã ngồi vào ghế rồi lại trốn ra, có
em thấy cha mẹ thì tru lên khóc.
Em trai tôi vào lớp cô
Đencatri, còn tôi thì học thầy Perbôni ở trên gác.
Đúng 10 giờ thì học
trò lớp tôi đều vào cả; 54 người trong bọn, tôi nhận mãi mới thấy 15 hay 16 bạn
lớp cũ. Trông thấy tôi, anh Đêrôtxi, người học trò bao giờ cũng chiếm phần
thưởng thứ nhất, liền ra hiệu mừng rỡ.
So với rừng rậm và non
xanh là những nơi tôi đã qua chơi mấy tuần lễ trước thì trường học coi bé nhỏ
và buồn tênh! Hết nhớ cảnh lại nhớ người. Tôi nhớ thầy cũ tôi ở lớp hai, một
ông thầy khoan từ và vui vẻ, bao giờ trông thấy tôi cũng mỉm cười. Tôi rất tiếc
không được thấy thầy ở đây với bộ tóc hoe đỏ rối bù.
Thầy giáo chúng tôi
bây giờ, người to lớn, không có râu, tiếng nói sang sảng. Đứng trên bục cao,
thầy nhìn xuống chòng chọc hết người này đến người khác hình như muốn coi thấu
tâm tình chúng tôi. Thầy nghiêm quá, ít khi thấy nở một nụ cười.
Tôi nghĩ bụng: “Hôm
nay mới là ngày đầu, còn mười tháng nữa mới đến nghỉ hè. Trong mười tháng ấy sẽ
có biết bao nhiêu là việc làm, bao nhiêu là bài làm và bao nhiêu là sự khó nhọc
đang chờ ta!”, nên lúc ra về tôi có vẻ chán nản. Mẹ tôi khuyên rằng:
-Enricô ơi! Hãy can
đảm lên, con ạ! Mẹ sẽ cùng học bài với con…
Tôi yên tâm theo mẹ
tôi về nhà, nhưng lòng vẫn nhớ tiếc một ông thầy vui tính và hiền từ, vẫn thấy
trường học kém vui, không bằng năm ngoái./.
Trích: Trong cuốn “Tâm Hồn Cao Thượng” do GS Hà Mai Anh dịch.
(1) Tôrinô: một thành phố ở khu tây bắc nước Italia.
Nhà giáo Hà Mai Anh (1905-1975), bút hiệu Mai Tuyết và
Như Sơn, tác giả của nhiều sách giáo khoa và dịch giả của nhiều cuốn sách phổ
biến trong thập niên 50, 60 và giữa thập niên 70 ở Sài Gòn.
Năm 1954 di cư vào Nam làm hiệu trưởng trường tiểu học
Trần Quý Cáp ở góc đường Trần Quý Cáp và Pasteur, Sài Gòn rồi chuyển sang làm
việc trong Ban Tu Thư và Học Liệu thuộc Bộ Quốc Gia Giáo Dục của Việt Nam Cộng
Hòa.
Từ trang CSVQGHC Úc châu
No comments:
Post a Comment