Tuesday, October 12, 2021

Chuyện Của Hắn - Nguyễn Đạm Luân

 

Chuyện Của Hắn

 Mượn từ một phần nhỏ có thật, mà người ta biết về hắn, phần còn lại, chuyện tự dựng bối cảnh, nhân vật và tình tiết. Tên người, địa danh không nêu ra là do cố ý, có thể đúng và cũng có thể sai

 


    Ở chợ xã, phố nhà cất dọc hai bên, một phần lớn dùng phía trước làm tiệm buôn tiệm bán đủ thứ, nồi niêu đèn đuốc, vải vóc áo quần, tập vở viết mực, hủ tiếu cơm nước, cà phê cà pháo, cái nhà lồng chợ nền xi măng cao nằm giữa, không tường không cửa nhưng mấy cái sạp bán hàng sắp xếp tương đối ngay hàng thẳng lối, bến xe lam đi chợ quận, nằm xế ngoài đầu phố, cạnh lề đường lộ, lên xuống Sài Gòn, nhờ bóng của mấy cây Bả đậu già che, người ngồi chờ cũng tạm mát.

    Hắn, con trai một, gia đình không nghèo mạt rệp, nhưng ở đây, như vậy người ta xem là nhà nghèo, tạm có đủ ăn, chưa bị đói lần nào, đủ mặc, không đẹp đẽ gì, tương đối lành lặn, ba hắn làm công giữ nhà kho chứa gạo cho cái nhà máy xay lúa lớn ở xã dưới, của ông Cai tổng thời xưa, giàu nhưng rộng rãi tốt bụng, xe đạp sáng đi chiều về, cách nhà chừng ba bốn cây số, qua ngang cái đồn lính nghĩa quân, chòi canh cao cao, chằng chịt bao cát kẽm gai, giao thông hào dài ngoằn ngoèo, nằm cuối ranh xã, má hắn ở nhà trồng rau nuôi gà, nấu cơm nấu nước, đi ra đi vô.

   Rồi hắn vào học trường xã, trường nằm sát cạnh hàng rào cái đình cũ, cách nhà lồng chợ một khoảng đất rộng, nhiều cỏ, nhiều hoa dại và hai ba con đường đất mòn, băng qua băng lại, căn nhà vách đất lợp tôn của hắn cách dãy nhà ngói bên này khu phố chợ một con đường trải sỏi rộng đủ xe hơi chạy, con đường này nối từ ngoài đường lộ vào, rồi đổ xuống tới cuối bờ ấp chiến lược, chạy ngang khu rừng thưa tới cái rạch nhỏ dẫn ra con sông Vàm Cỏ, xa trường không xa bao nhiêu, tính từ cây Phượng cành lá um tùm ngay đầu cổng vào, cho nên nghe trống đánh thì hắn ung dung chạy vào, không ngày nào trễ. Từ nhà hắn trở xuống cuối làng, thêm mười mấy căn nữa, cũng tranh cũng đất, nghèo như gia đình hắn, có tên là xóm đèn dầu vì phía chợ, bên nầy bên kia đã xài đèn điện tự hồi nào.

    Những năm tiểu học, hắn chẳng có chuyện gì đáng nói tới, tầm thường, hắn không có bạn nhiều, phần lớn học trò nhà từ các ấp trong, ấp trên xa tít, đám còn lại tại chợ xã, chung lớp khác lớp, là con nhà giàu, thời buổi này nhà họ đã có xe hơi, xe gắn máy. Đám con nhà giàu này không mấy khi nói chuyện, đùa giỡn với hắn, tuy nhiên có một điều là hắn học giỏi, hơn những đứa chung lớp từ lới năm tới lớp nhất, mặc dù cũng có đứa giỏi nhưng hắn giỏi hơn, vậy thôi. Nói vậy chứ hắn cũng có hai thằng bạn, cũng học chung suốt năm năm tiểu học, một thằng ở xóm ấp trên, cũng nhà nghèo quần ống cao ống thấp, đi bộ tới trường, dép quay xanh quay đỏ, thằng kia nhà căn phố gần ngoài đường lộ, bên cái tiệm bán chạp phô của vợ chồng già người Tiều, vui vẻ nhiều chuyện, cùng một bên phía nhà hắn, thằng này có đứa em gái học dưới hai lớp, ở với má và ông bà ngoại, ba nó là sĩ quan lớn, làm việc đâu đó dưới Sài Gòn, thỉnh thoảng về thăm nhà thứ Bảy Chủ nhật bằng xe “díp” quân đội, mỗi lần ông về là hắn có bánh có kẹo ăn, buổi sáng mấy ngày đi học, ba thằng chờ có đủ bộ “tam sên”rồi cười nói vào trường.

*

    Cuối năm lớp Nhất, thằng bạn nhà ngói, ba làm sĩ quan, theo gia đình dọn về đâu đó dưới miệt gần Sài Gòn, chia tay nhau từ đó, nói chia tay cho có vẻ văn chương chứ cái tuổi lên mười, nhà quê chân đất chỉ biết đứng xa xa, ngó theo, may mà bàn tay còn biết vẫy qua vẫy lại, nhưng cũng biết buồn. Phần lớn chung lớp đều bỏ học sớm, còn lại chừng năm bảy đứa học tiếp, hắn đậu vào Đệ Thất trường tỉnh, thằng bạn con nhà nghèo ấp trên vào trường quận với mấy đứa nhà giàu. Hắn và thằng bạn con nhà nghèo ít gặp nhau như trước, trừ năm ba ngày nghỉ hè, vì nó bận bắt ốc hái rau phụ gia đình nhiều hơn ngày còn đi học. Không còn bạn quanh đây, hắn lủi thủi ra vào, sáng ra sân thả gà cho đi ăn, chiều đếm gà lùa vào chuồng, Nghỉ bải trường, sáng theo ba, cha con chở nhau xuống nhà máy xay lúa phụ ông một tay, ba hắn già hơn xưa và cũng từ đó hắn biết buồn nhiều hơn mỗi lúc đứng nhìn ra ngoài những căn phố gạch rộn rịp tiếng xe tiếng cười ngoài đầu chợ.

    *

   Lên Đệ Thất, như những thằng nhỏ khác từ làng xã xa lên tỉnh học, hắn cũng lang thang nhà trọ hết mấy năm, bạn bè chung lớp, trước lạ sau quen, người chợ kẻ quê quen nhau, không có thằng nhà tranh nhà ngói, chơi chung, mầy mầy tao tao cười vang rộn rã. Mấy ngày đầu nhớ nhà, nhớ mấy con gà, nhớ ba má muốn khóc, may mà ở trọ chung với vài người lớp trên, mấy thằng cùng lớp, xa nhà, cơm chưa no lo chưa tới, vui buồn có nhau nên dần dần rồi cũng nguôi ngoai. Lên trung học hắn học hành cũng tạm giỏi, không được nhứt nhì thì cũng nhích lên nhích xuống bốn năm, vậy quá tốt rồi, ráng lắm chắc không ráng hơn nổi. Hắn cũng khá lanh lẹ, theo bạn chung nhà trọ, chiều thứ Sáu tan học, biết chờ đón chuyến xe cuối từ tỉnh về làng về nhà, thằng xuống trước chỗ này, thằng xuống sau chỗ kia, cười vang trời, hẹn lại gặp nhau trên chuyến xe chiều Chủ nhật, cũng chuyến xe này trở lên trường. Hè cuối năm Đệ Lục, nhà hắn không còn đèn dầu âm u, nhờ bác Tư, có đất trồng khoai mì, gần phía ngoài bờ ấp chiến lược cũ, kéo dây qua sau khi nối dây với ai đó gần bên, nên có được vài bóng đèn điện vừa đủ sáng.

   Hắn biết thương lần đầu, năm lên Đệ Ngũ, nói thương chứ hắn thiệt chưa biết thương là như thế nào nhưng hắn thấy khoái, giống kiểu nhà quê, nghe bà ngoại ai đó hỏi “mầy  khoái con nhỏ đó hông” vậy. Ở trường, trai gái học riêng lớp, ra chơi, chạy lòng vòng với thằng bạn trong sân, ngang qua đám con gái tụm ba tụm bốn dưới mấy cây trứng cá, bên dãy lầu phòng học, hắn khựng lại, bỗng dưng thấy có cảm giác là lạ ngồ ngộ dâng lên trong lòng, khi đứa con gái tóc dài nhất ngước nhìn lên, hắn đỏ mặt, ráng làm bộ ngó lơ rồi bỏ chạy đi, chuông vào học reo lên, từ một khoảng xa trên đường trở vào lớp, hắn nhìn lại, hắn nói thầm như bà ngoại ai đó dưới làng thường hỏi, thấy “khoái” rồi.

    Buổi chiều tan trường hôm đó, hắn tách đám bạn, ngược lên đường ra phố, thay vì trở lại nhà trọ như mọi lần, hắn chờ và cuối cùng, hắn tìm thấy đứa con gái tóc dài dưới cây Trứng cá trong mấy đứa khác, hắn làm bộ ngó trời ngó đất, rồi ngập ngừng theo sau một khoảng xa, cho tới khi đám con gái tới đầu dốc ngã ba ra chợ tỉnh, hắn quay lại, trên đường về, hắn cười thầm một mình,

    Rồi những ngày sau đó, chiều nào cũng như chiều nấy, tan trường, đường ra phố, có hắn âm thầm theo đứa con gái đó và hình như hay có lẽ, cô nàng biết hay sao đó, thỉnh thoảng ngừng bước chậm, xí xô xí xào với bạn nhìn lại sau, hắn đỏ mặt, đứng khựng lại nhiều lần, con tim chập chững làm người mới lớn của hắn đập liên hồi, hắn không đi theo tiếp, đứng đó, đường bắt đầu vắng, nắng chiều thoi thóp vàng. Cứ như vậy, độ chừng hơn một tháng sau đó, hè bải trường ngấp nghé không bao lâu nữa, hắn viết lá thư tình đầu đời, chữ nghĩa xem ra vụng về nhưng cứ viết, thằng bạn cùng lớp, nhà có tiệm sách ngoài chợ, rù rì rủ rỉ nhau, hắn mừng khôn xiết, mừng cứ mừng chứ biết có được gì không, nó có đứa chị bà con, học cùng lớp với “người tình trong mộng” vừa biết tên của hắn, hắn can đảm đưa lá thư nhờ trao lại, thằng bạn nhanh nhẹn sẳn sàng làm giúp, thư đi rồi, qua hè, trở lại trường, không thấy thư về, đứa con gái tóc dài đã không trở lại học, mà theo gia đình bỏ tỉnh về dưới Sài Gòn, cũng xong, hắn không buồn, thả gió cho mối tình mới chớm theo mây ngàn bay đi đâu đó. Hắn quên không hề nhắc lại.

*

    Lên Đệ Nhị, hắn may mắn, được ông thầy dạy vẽ, vui tánh nhưng hơi gàn, có phần tửng tửng, từ năm Đệ Tam, trò chuyện trời đất, đời người, thơ văn chữ nghĩa sao đó, ông thấy thương, dẫn về nhà cho ở không, căn nhà là cái biệt thự nhỏ, có vườn mãng cầu, cao nhưng lá úa nhiều hơn lá xanh, trên con đường ngắn chạy dọc theo bờ tường bệnh viện tỉnh, là nhà của ba má ông thầy, hai bác lớn tuổi, về hưu từ lâu, người ngoan đạo, nhà thờ gần đó hai lễ sáng chiều, ông thầy không ở chung mà ở riêng tại một cái nhà sàn gỗ bên bờ sông chạy ngang phố.

   Dạo này hắn không về thăm nhà thường vì tình hình chiến trận xem ra xích lại gần hơn mấy năm trước, đường xá có khi bị ngưng trệ vì đánh nhau vì mìn mô, cũng đã có người đi xe bị chết bị thương. Chủ Nhật ở lại tỉnh, chiều nào hắn cũng theo hai bác đi nhà thờ, cũng đứng quỳ theo giáo dân nhưng không dám làm dấu thánh giá vì chưa thuộc một đoạn kinh thánh nào, vậy mà hắn vui, hai bác cũng thương hắn lắm “một con hai con”. Hắn không biết là, trong thánh đường này, trong mấy ngày qua, thấy dáng bộ hắn, có người để ý và đã tìm biết hắn ở đâu, trong xóm đạo này ai cũng biết cũng kính trọng hai bác, cho nên hắn được hưởng lây với tiếng gọi “thằng cháu”.

   Sau lễ nhà thờ một chiều Chủ Nhật đầu mùa Hạ, những ngày gần cuối năm học, mùa thi Tú Tài Một, người đi lễ lần lượt ra về, hắn đứng chờ hai bác nói chuyện với Cha xứ, ở góc xa sân trước nhà thờ, dười tàn cây Phượng đầy hoa đỏ thẳm, đỏ mùa Hạ, nhìn trời mông lung, chị, trong tà áo dài màu hồng phấn nhạt, khá đẹp, chậm ngang qua, chị chính là người để ý hắn quỳ đứng vụng về trong thánh đường những buổi lễ qua, rồi đứng lại, nhìn hắn, nhìn lên hoa, nói trỗng “Phượng mùa này đỏ quá, chắc trời sẽ nóng lắm”, hắn nhìn chị cười gật đầu, hai bác vừa tới, chị chào hỏi đôi ba câu, rồi cùng đi, có hắn, thong thả ra cổng nhà thờ, chuông cuối lễ ngưng từ lâu, bên kia sông mây chiều bỗng dưng xuống thấp sớm, hắn quen chị từ đó.

   Chị lớn hơn hắn năm sáu tuổi, tốt nghiệp Cán sự Điều dưỡng, hiện làm tại bệnh viện tỉnh, nhà chỉ có bà mẹ, ở ngay ngã ba đầu con dốc lơi, xa xa là ty cảnh sát, không xa bệnh viện cho lắm, bà ăn chay trường, hiền từ, gia đình gốc ngoài miền Trung, bà theo chồng tới đây vài năm sau ngày cưới, ông là công chức đổi về, không may ngày chị lên sáu bảy, ông mất vì bạo bệnh. Hắn thấy đời mình lần này vui hơn lần trước, hắn với chị thương nhau nhưng cứ lẳng lặng tới nhau, bên nhau mà không ai nói ra hai tiếng yêu thương gì hết, chị lo cho hắn đủ chuyện, chiều nào tan ca làm từ bệnh viện cũng chạy xe Honda tới trường chờ đón, mấy thằng bạn cùng lớp ở nhà trọ cũ đều biết chuyện, hắn cảm thấy đời hắn sung sướng vô cùng, dù chẳng biết ngày sao ra sao. Đường phố loanh quanh, phố chiều chợ đêm, nơi nào cũng có dấu chân hai người lên xuống, nhà thờ từ đó có thêm một tín đồ mới dù chưa phải là con chiên nhưng lễ chiều Chủ Nhật chưa bao giờ vắng mặt.

    Chị không giấu là đã có một mối tình trước đó, anh là một trung úy quân y của một binh chủng nổi tiếng, đang làm ở ngoài miền Trung, sắp thành hôn nhưng lại thôi, chị không gặp lại anh từ đó. Đôi ba lần, chị cùng hắn chở nhau chạy xe Honda về tận nhà dưới chợ xã, ba má hắn thấy cũng vui vui, vì ít ra thằng con nhà nghèo giờ cũng có bạn gái, vậy thôi, chị nhanh nhẹn, bác ơi bác à, hỏi cười luôn miệng, hết chuyện này tới chuyện kia, không quên khen hắn vài câu, lần nào cũng vậy, mấy người quanh chợ, tụm năm tụm ba, xì xầm, chỉ chỏ, nói ra nói vô, nhỏ to.

    Đậu Tú Tài Một, hắn về nhà ở chơi mấy ngày, ông bà vui ra mặt, ông Cai tổng biết tin cũng gởi cho ba hắn đem về, một chút tiền là quà mừng hắn thi đậu, người duy nhất biết tin này là chú Năm chủ tiệm cà phê, vì chú với ba hắn thường hàn huyên tâm sự mỗi sáng, trước khi đi xuống nhà máy xay lúa. Người tốt bụng thì mừng giùm, người xấu bụng thì hỏi đon hỏi ren, rốt cuộc tin hắn thi đậu cả chợ đều biết, chú chủ tiệm cà phê thản nhiên khoái chí sang sảng “bộ chỉ có người giàu giỏi thôi sao, nghèo cũng đâu thua gì” trong tiệm. Thằng bạn nhà nghèo ấp trên cũng đậu, có ghé thăm ba má hắn, rồi từ giã, nhắn lời thăm hắn, anh ta vào lính. Trở lên tỉnh, chị mừng muốn khóc, nghỉ việc hai ba ngày, ở nhà nấu món này món kia mang đến nhà, mời cả hai bác cùng chung vui, ông thầy dạy vẽ cũng quên vẽ tranh về, ngồi gục gặc đầu khen hắn, chị cười vui sướng, hắn xúc động không nói được lời nào.

   Chuyện tình hắn và chị cứ như vậy mà theo ngày tháng đi qua, suốt năm Đệ Nhất, vui nhiều buồn ít, hình ảnh ngày sao ra sao không ai màng nói tới, có hôm nay cứ giữ trọn hôm nay thay vì không bao giờ, hắn vẫn cố học nhưng thật tình mà nói giờ giấc đã có phần nghiêng về bên tình nhiều hơn bên đèn sách, cũng có đôi lúc hắn lo, rũi thi rớt khi nhớ tới ba má ở nhà, nhưng quả thật nó chỉ thoáng qua rồi vụt mất, hình ảnh chị vẫn quanh anh, trên trang sách toán khó giải, trang vật lý khô khan nhức óc, có cố đuổi xa nhưng không tài nào làm được.

   Một đêm mưa, một vài tháng trước ngày cuối năm học, năm mà đám học trò như hắn sẽ bỏ đi, không còn dịp ngồi thương bảng đen, phấn trắng nữa, hắn và chị bên nhau thì thầm trong căn phòng, đã quen từ cái bàn cái tủ, lần đầu tiên trong đời một thằng con trai vừa chập chững làm người lớn, run rẩy, vụng về, hắn biết cái gọi là đời con gái, xác thịt và hơi thở, nghe rõ hơn tiếng mưa rớt ngoài sân. Tàn cuộc hai người thả bộ bên nhau trên đường về nhà hắn, chị ôm hôn mĩm cười, một lần nữa chị nói khẻ “một khi đã yêu thì cho đi tất cả mà không chờ nhận lại”, rồi thong thả chân vui từng bước đi về phía ngã ba đường vào bệnh viện, chị trực ca đêm, hắn đứng ngẩn người nhìn theo, bỗng dưng muốn khóc.

    Buổi chiều trở lên tỉnh, sau khi về thăm nhà, để ngày mai đi ké theo thằng bạn nhà giàu, anh chàng đưa giùm lá thư tình “chữ nghĩa lá mít” của ngày nào, để ở tạm nhà người quen của anh ta vài ngày thi. Từ bến xe thả bộ lên dốc hướng nhà của chị mà không về nhà mình ngay, trời còn sớm, nắng còn một màu hồng tươi, tới đầu ngã ba, còn cách nhà chị không xa lắm, hắn chợt đứng khựng lại bên gốc cây Sao cao, trước nhà, chị và người bác sĩ quân phục hoa Dù, đứng gần nhau, nói cười bên cạnh cái xe “díp” in hằn bụi đỏ, hắn lặng lẽ quay lại đường cũ về nhà, không biết họ đứng ở đó bao lâu.

*

    Rớt Tú Tài Hai, hắn buồn nhưng biết tại sao, hắn đã yêu tình hơn yêu sách vở, vậy là không phải tại trời “học tài thi mạng”, hối hận cũng quá muộn, không có chữ nếu, xem kết quả xong, hắn lang thang đường phố Sài Gòn, ăn bánh mì ngủ bến xe tới sáng hôm sau đón chuyến xe đò lỡ sớm về quê nhà.

    Tin thi rớt, ba thì không buồn nhưng má hắn, cứ đi ra đi vô than thở “tội nghiệp con tôi” vậy thôi, mấy đứa con nhà giàu bên kia phố đều đậu hết, họ tưng bừng ăn mừng từ hôm qua, rình rang áo mão, ba hắn bình thảng như từ trước tới giờ, cuộc đời ông cũng ba chìm bảy nổi rồi, nhỏ nhẹ khuyên “thôi con, có ráng được lần sau thì ráng, không thì thiếu gì đường mà”, hắn nghe mà khóc rấm rứt dù đã khóc thầm từ buổi sáng có kết quả. Ở với ba má thêm vài ngày, không biết hắn đã suy tính gì, hắn xin lỗi tạ tội rồi bỏ chợ xã đi, hứa sẽ về. Hắn từ đó, không quay lên tỉnh, bỏ lại mối tình thứ hai không một lời từ biệt. Hắn đi rồi, người chợ xã thấy nhà hắn im lìm, chú Năm chủ tiệm cà phê cũng im tiếng vì ông hiểu được nổi lòng của ba má hắn, người trong chợ xã xì xầm “nó rớt rồi, đáng đời, làm bộ, không tiền bày đặt lên tỉnh, lên đó chơi chứ học hành gì”. Ba má hắn dửng dưng nghe, không buồn không giận, chẳng trách móc.

*

    Xuống Sài Gòn, tình cờ gặp lại thằng bạn, con nhà giàu, cùng lớp suốt bảy năm trung học, có nhà Thuốc tây, đi học bằng xe vet -pa Ý, hiền khô, nhát gái, cũng lỡ vận, lỡ thời, ngồi bên ly cà phê nguội một mình trên lề đường dọc tường cao nhà ga chính khi hắn đi lên đi xuống, chưa biết sẽ ở đâu đây giữa chốn phồn hoa ngựa xe phố xá, hắn cũng kêu ly cà phê, hai thằng ngồi nhìn thiên hạ lại qua, ồn ào gọi thúc nhau đi cho kịp chuyến xe lửa sáng ra Trung. “Buồn ngủ gặp chiếu manh”, hắn theo anh chàng về nhà trọ, căn nhà sàn ở khu xóm lao động nghèo, bên cầu Chữ Y, ở đó cũng có một người bạn cùng quê với bọn hắn, lớn hơn học cùng bên Luật với anh ta. Năm học mới, hắn vào trường học làm “thầy giáo làng”, lớp trên dãy lầu ngó ra đường Thành Thái và bờ tường trường tư thục Bác Ái. Hắn vui, bằng lòng với số phận, không thấy gì hối tiếc.

    Tuy vậy hắn vẫn nhớ tỉnh nhà cũ, nhớ cái đêm mưa đầu đời với người đó nhưng hắn cố quên, vì thấy không xứng đáng để nhận thêm và cũng không có gì để cho lại, hắn cầu mong người đó vẫn bình an, hạnh phúc mà quên dần ngày tháng cũ. Bên cạnh đó, hắn may mắn tìm được công việc, đứng bán cho cây xăng Shell ngã tư xế tòa đại sứ Miên nửa ngày thứ Bảy và Chủ nhật nên cũng có chút tiền cơm tiền nhà, không dư cũng không thiếu.

   Năm thứ nhất, lớp hắn, dân tỉnh nhiều hơn dân thành, thân thiết nhau ngay từ ngày đầu, người nào cũng có kiểu cách riêng nhưng tận tình mọi chuyện, riêng nhờ vốn liếng chữ nghĩa ba xu, văn chương ba cọc, vớt vát được mấy bài thơ con cóc đăng khiêm nhượng đâu đó trên cột “bút nhóm, vườn thơ” của mấy tờ báo quen tên Trắng Đen, Tin Sáng, Sài Gòn Mới bình dân mà mấy cô xem anh có giá hơn mấy anh chàng khác.

    Hắn vui vẻ với ngày tháng này, nửa năm học đầu, mọi việc êm xuôi, hắn trở về thăm nhà như đã hứa, thấy hắn người quanh chợ ồn ào, nhỏ to hỏi ron hỏi ren, không biết giờ hắn làm gì, ba má hắn cười khì, ly cà phê buổi sáng của ba hắn xem ra ngọt thơm hơn, vì có chút lòng chia vui của chú chủ tiệm. Mấy người con nhà giàu thật tình giỏi hơn hắn, người vào trường Y người vào Phú Thọ, thôi cũng mừng cho họ. Ba má hắn cho biết, người đó, có xuống nhà tìm, ba má xin lỗi là thi rớt, hắn đã bỏ đi, không nói gì, biệt tin, không biết ở đâu nữa, chị ra về mắt đỏ hoe.

*

    Từ đầu năm, sau những lần đi thăm chỗ này chỗ kia, theo chương sinh hoạt của trường, hắn ngầm để ý và nhìn trộm, rồi thương thầm cô nàng, người miền biển, dáng cao, tóc dài, nói năng nhỏ nhẹ, luôn cười nửa miệng, không đẹp lắm nhưng nhìn vào là có cảm tình, cũng đã có mấy anh chàng “đẩy đưa, đưa đẩy” vậy thôi, không ngờ là cô nàng cũng đã “đôi khi trộm nhìn anh” rồi thương thầm hắn, không ai nói ra, chắc còn phải hỏi lại lòng mình hay sợ bị từ chối mà buồn. Gần cuối năm, trước ngày bải trường vài ngày, buổi chiều tan trường, sau khi cả bọn cùng lớp chia tay ở tiệm chè quen, hắn theo chân đưa cô nàng tới bến xe buýt về, trên đường hai người nói qua nói lại với nhau gì đó, chỉ thấy dưới ánh nắng ráng hồng của trời xế chiều lùa ngang, cả hai đỏ mặt, màu đỏ thẹn thùng, mắc cở. Hắn và cô nàng nói thương nhau từ đó.

    Hè qua, đầu năm thứ hai, hắn dọn về một căn gác cây trong con hẽm nhỏ, ngay ngã ba đầu đường Phan Thanh Giản, phía bên kia là rạp hát và trường tư thục. Cũng năm này, sau những tháng ngày tạ tội cho chính mình và cho gia đình, hắn đậu Tú Tài Hai bằng cái hạng thấp nhất, vậy là đủ rồi, không mong gì hơn. Thiên hạ vào đại học, hắn dở đủ thứ từ toán tới vật lý hóa học, nên an phận thủ thường, cũng ghi danh vào Văn Khoa, cũng được người ta gọi hai tiếng “sinh viên”. Cả lớp của hắn, biết tin, biết chuyện “tình trong như đã dẫu ngoài con e” của hắn và cô nàng xứ biển, rộn rã chúc mừng và xem ra hắn “có thớ” hơn trước chút xíu. Chuyện tình của hắn và cô nàng thì cũng vậy, nhấp nhô không tới không lui như con suối mùa nước cạn theo tháng ngày tiếp nối, từ lớp học sân trường tới bóng chiều gác trọ, kỷ niệm thì cũng là những thứ của quán nước công viên, cây dài bóng mát thường tình, công thức cứng ngắt của cái gọi là tình yêu.

   Rồi trước ngày thi tốt nghiệp vài hôm, một sáng Chủ Nhật đầu thu, không hẹn, cô nàng đến gác trọ, một lần nữa hắn run rẩy, vụng về, bàn tay, mắt môi, hương thơm thân thể nhưng tới một lúc hơi thở dồn dập trong cái lặng thinh của căn phòng nhỏ, cả hai dừng ở đó, sung sướng, bằng lòng vì hắn không thể tiến xa hơn, lại sợ hai tiếng “tội đồ”. Thi xong, hè cũng tới, trường rục rịch cửa khép, bạn bè từ giã, hẹn ngày trở lại chọn nhiệm sở, hắn và cô nàng cũng chia tay, và vui vẻ chia tay luôn cuộc tình, một cách thoải mái, không ai nợ gì ai, với lý do hết sức đơn giản là có lẽ không có duyên số sao đó, cô nàng về thành phố biển, hắn ở lại Sài Gòn, chưa về quê, hắn chờ một kỳ thi khác. Hắn cũng không trở lại trường nhận bằng tốt nghiệp, không ai biết tin và hỏi han gì hắn, hắn cũng không hỏi han gì ai, cả cô nàng.

    *

    Hắn đậu vào trường khác, rẽ ngả đời, học làm” quan”, cái nghề mà hắn chưa hề nghĩ tới. Tạm gọi là “công thành” dù “danh chưa toại” hắn về thăm nhà, nghe tin đậu rồi ba má hắn quá vui, mừng mà khóc, cũng vậy, không ai chung vui ngoại trừ chú chủ tiệm cà phê, sự có măt của hắn ở cái chợ xã này, tưởng chừng một người khách lạ qua đường. Hắn muốn giữ cho gia đình ngạc nhiên hơn, chỉ nói là tiếp tục học lên đại học mà không nói học nghề gì, ba má hắn có biết gì đâu hơn nên cũng chẳng cần hỏi. Buổi sáng trở xuống Sài Gòn nhập học, hai cha con tới tiệm cà phê sớm hơn giờ ba đi làm, cũng để chào chú chủ tiệm, trước khi ra đường đón xe đò, chợ chưa nhóm, có năm sáu người trong chợ ngồi đó, hắn biết mặt, không ai nói gì hắn cũng chẳng màng, ra khỏi tiệm, chú Năm chủ tiệm nói vọng ra theo “ráng nghe con”. Từ ngày đó, hắn cũng ít về thường, trừ mấy ngày Tết ngày lễ nghỉ, ba má hắn vẫn mạnh lành nên hắn đở lo, dù sao thì tuổi già của ông bà cũng thập thò đâu đó rồi, giờ nhờ tiền lãnh của trường hàng tháng, nên lần nào về nhà, trong túi xách hắn luôn đựng đầy đủ thứ thuốc tây thuốc bổ, cảm cúm, ho hen và vài món gọi là ngon của đất Sài gòn, biếu cho mấy đứa con chú Tư chuyền điện cho có mà xài, và chú Năm chủ tiệm cà phê, cho ba hắn uống chịu nhiều lần, chừng nào có thì trả, chút ăn lấy thảo.

*

    Tốt nghiệp trường “quan”, trước ngày chờ chuyến bay ra nhiệm sở ở một tỉnh miền Trung, hắn về thăm nhà, ngày Chủ Nhật, bấy giờ ba má hắn mới biết hắn sắp làm gì, gần suốt buổi sáng, ông bà đứng ngồi không yên, đi vô đi ra mừng gần chết, mừng mà khóc rấm rứt, đám người cũ hai bên phố ngói, vẫn như cũ, hắn vẫn là người khách lạ. Ba hắn chạy vội qua tiệm cà phê, tiếng còn tiếng mất mượn chú Năm chủ tiệm cái xe Honda đi một chút, chú há hốc ngạc nhiên đứng trước tiệm nhìn theo, không lâu sau đó lắm chừng hơn nửa giờ ông trở về, trả xe, cám ơn, cầm tay chú Năm rươm rướm nghẹn lời.

    Trời sắp đứng bóng nắng, nóng không nóng lắm, chợ chưa tan hẳn, mấy cái sạp vẫn còn người qua người lại. Chiếc xe trắc- xông đen của ai đó từ ngoài đường chạy dọc theo ngang hông chợ bên dãy phố tiệm cà phê, tới ngừng ngay trước cửa nhà hắn, ông Cai tổng già chủ nhà máy xay lúa, người làng trên xã dưới không lạ gì, anh tài xế đứng mở cửa, ông bước xuống, hai cha con ra chào, ông và ba hắn đi vào nhà trước, hắn theo sau, xa ngoài hàng rào trước nhà, đám người trong chợ, tò mò chạy lại, đứng tụm xúm nhau từng nhóm đông nghẹt nhìn vào, lào xào to nhỏ, trong đó có mặt ông phó chủ tịch xã, đứng xa xa phía sau, cạnh gốc cây Phượng cổng sân trường tiểu học.

    Thì ra, nghe ba hắn vừa mừng báo tin, ông Cai tổng vội vã lên thăm ngay cho được vì ông có dặn phải cho ông biết khi hắn có gì vui. Ra về, ông đi trước, cha con theo sau, anh tài xế đứng chờ, chưa tới xe thì có tiếng ai đó chào lớn, ông nhìn lên, từ phía đám đông người, ông chủ tịch và phó chủ tịch xã đi tới, cha con hắn lùi lại một khoảng trong sân khá xa, không rõ họ nói gì nhưng chỉ nghe loáng thoáng tiếng ông cai tổng “nghe tin tui ghé qua thăm ông quan phó xa về thăm nhà, hổng chừng mai mốt ổng đổi về đây à”. Sáng hôm sau, ba má hắn và có cả chú Năm chủ tiệm cà phê ra bến xe đầu chợ, chờ đón xe đò từ giã, ba hắn và chú Năm cười nói luôn miệng, má hắn mĩm mĩm nhìn hắn, không nói gì nhiều, trời rựng sáng hẳn, chợ sớm đã có đông người nhóm, một nhóm mười mấy người đứng trước mấy căn phố dãy tiệm nhà giàu cùng nhìn ra bến xe nói nhau gì đó, có cả ông chủ tịch xã vừa ở tiệm cà phê chú Năm ra, xe tới rồi chầm chậm chạy đi, qua cửa sổ ngó lại, trên đường quay vô nhà, thấy ông chủ tịch và mấy ông nữa đi về hướng ba má hắn và chú Năm tiệm cà phê, dáng bộ xem ra vui vẻ thân thiện chừng như quen lắm rồi, hắn buột miệng cười một mình, cũng lại một màn tuồng đời.

*

   Miền Nam thua cuộc, Sài Gòn mất, hắn vào tù, vài năm được người ta thả ra, trong thời gian hắn đi làm xa, ba má hắn không còn ở chợ xã mà dời nhà lên tỉnh, nhưng đã mất, người trước người sau, cũng may có người dì bà con xa bên ngoại lên đem về chôn ở quê ngoại, căn nhà vách ván, mái ngói âm dương nhỏ, gần nghĩa địa trên đường vào phố tỉnh đã bị tịch thu không lâu sau, vì lý do “tài sản ngụy quyền”. Hắn lếch thếch cầm tấm giấy ra tù, chen lấn xe đò về quê ngoại, khóc trước hai nấm mộ tội tình, đơn lẽ, rồi bỏ đi, ngay buổi chiều sau bữa cơm trưa với bà dì, bữa cơm dế cơm kho muối ớt. Hắn đi lần này không biết khi nào mới về, hai nấm mồ từ đó lẽ đơn ở lại.

    Xuống Sài Gòn, hắn ngần ngại trở lại nhà người con gái mà hai người thương nhau trong những tháng cuối, chờ thi tốt nghiệp, lần thương này, hắn mới tính tới chuyện trăm năm, nhưng “mưu sự tại nhân thành sự tại thiên”, miền Nam không còn và mộng công hầu của hắn cũng tan theo. Cả nhà cô nàng, ngạc nhiên mừng mà khóc, hắn quen cô nàng qua bà mẹ, bác góa chồng từ lâu, có hai người con gái, hắn quen bác khi đến thực tập tại một bộ của chính phủ trung ương, nơi bác làm thư ký trong sở nhân viên. Thăm hỏi hỏi thăm qua lại, đôi ba lần theo bác và mấy cô chung sở ra hẽm Casino ăn trưa, vậy mà bác thương, mời về nhà, trước lạ sau quen, gặp nhau, không do dự không chần chờ, cô nàng cũng thấy thương hắn như mẹ ngay từ buổi đầu “người ơi gặp gỡ làm chi”.

     Gia đình này, khi hắn vào tù, vẫn một lòng lo toan, sau ngày ba má hắn mất, là những người chắt chiu gởi vào tù từng hủ cá khô, tép rang, chút đường chút muối, dù ở ngoài không chắc có dư giả, lần này lần kia khi người ta cho phép và cũng gởi thơ nhắn báo tin ba má hắn mất.

    Nói làm sao cho trọn tình người, “thân bại danh liệt” vậy đó mà bác cho phép và cô nàng đồng ý, hắn làm đám cưới, có mặt người quen cùng sở bác làm cũ còn ở lại, bạn bè hắn, đám mới ra tù và bạn bè cô nàng còn có việc làm, chút bánh chút trà chung vui tại căn nhà chật chội, không có hoa có pháo nhưng có tiếng cười, cười để quên một cuộc đổi đời.

    *

    Vợ chồng hắn theo ghe đánh cá ai đó ra biển, từ một cửa biển miền Tây, vượt biên vào một đêm mưa gió bão bùng, có rượt bắt có tiếng súng, tiếng khóc. Từ đó không ai biết gì về vợ chồng hắn, tên tuổi, ở đâu, sống hay chết, họ biến mất, xem như đã đóng xong vai mình diễn của một màn nào đó, trong vở tuồng đời quá nhiều “hĩ nộ sân si ái ố” còn lâu lắm mới hạ màn.

 

Nguyễn Đạm Luân

Bất chợt viết cho hắn - trời tháng mưa 2020

No comments: