Ngày Xưa Tôi Bé…
Cai tôi vốn là đứa lêu lổng từ tấm bé, thích la cà lang thang ở
ngoài đường hơn là quanh quẩn trong nhà. Vả lại, gia đình Cai tôi không khá giả
gì, đâu ai chăm lo săn sóc, thế cho nên lãng du là nghề của chàng rồi.
Bố mẹ Cai tôi thộc giới bình dân lao động, mỏ lết bù loong, buôn
thúng bán mẹt nuôi một lũ con nên ít có thời giờ để ý đến con cái. Nuôi ăn còn
chưa xong, nói chi đến dậy bảo. Thôi thì mọi chuyện phó thác cho nhà trường,
cho các thầy, các cô chăm lo cho cháu.
Nhà trường nào cũng có kỷ luật phân minh, theo dõi việc học hành
của học sinh hàng ngày rất là cẩn thận. Như điểm danh, làm toán, làm thủ công,
học thuộc lòng, viết ám tả, tập thể dục, bài làm ở nhà v.v… Sự trừng phạt cũng
rất rõ ràng, xứng đáng. Trò nào học giỏi, thuộc bài thì được điểm cao. Trò nào
lười biếng, bết bát thì ăn “trứng gà” – tức số 0 – có khi bị chép phạt, có
lúc bị quỳ, có phen bị ăn vài cái thước kẻ đét đít.
Nhà trường tuy trách nhiệm về vấn đề dậy chữ nghĩa nhưng cũng
không quên uốn nắn, đạy dỗ các học trò rằng “Có học phải có hạnh”. Hiểu biết là một
chuyện, còn nhân cách lại là một chuyện khác. Trong hai chuyện đó, phẩm hạnh
quan trọng hơn. Cho nên, lớp nào cũng có dán câu châm ngôn, chữ cắt bằng bìa
bóng đủ mầu, rằng: “TIÊN HỌC LỄ, HẬU HỌC VĂN” tức là điều cần
thiết trước tiên của học trò là phải lễ phép, đạo đức, học cái đạo làm người
ngay thẳng, hiếu đễ, trung thành, yêu thương trước đã rồi sau mới học chữ nghĩa
đễ hiểu biết mà lập thân, phụng sự gia đình, xã hội.
Cứ coi như vậy thì đủ thấy học văn không khó bằng học lễ.
Riêng Cai tôi nhận xét thì cả hai món đều khó nhá chứ chả món
nào khó hơn món nào đâu. Hóa nên, từ thuở cắp sách đến trường đã thấy rằng cuộc
đời mình sớm muộn gì cũng ba chìm bẩy nổi, chín lênh đênh.
Nói riêng về cái học thôi, Cai tôi đã từng bị nhiều phen khốn
đốn.
Ngày bé, học lớp tư lớp ba, Cai tôi luôn luôn chọn bàn cuối cùng
để ngồi chung với mấy đứa hay nghịch và ưa nói chuyện trong lớp. Những đứa ngồi
bàn đầu thường là những tên chăm chỉ học hành, ngoan ngoãn, giỏi giang. Cai tôi
tự biết mình nên khiêm tốn, tự tìm cho mình một chỗ ngồi thích hợp.
Cái nguy của những tên ngồi bàn đầu, bàn nhì là thầy giáo, cô
giáo thường nhớ mặt để thân ái gọi lên bảng làm bài, đọc bài, sai vặt.
Mỗi ngày đi học, khi thầy giáo giở quyển sổ điểm ra, gọi
một vài trò theo vần A,B,C là Cai tôi mặt xám như chì, tim đập thình
thình, hãi ơi là hãi. Chẳng may bữa nào thầy chiếu cố đến vần P mà lại
gọi đích danh thủ phạm thì y như rằng bữa ấy Cai tôi khốn đốn. Lý do dản dị là
chả bao giờ Cai tôi học bài, làm bài, chả bao giờ ngó ngàng chi đến sách vở thì
có vào lớp học cũng như không. Bởi Cai tôi thấy thời giờ trong lớp nó trôi qua
rất nặng nề, chậm chạp nên Cai tôi thường mang tiếng là hay nói chuyện. Thầy cô
rầy la, cảnh cáo, cốc đầu, đét cho vài cái thước kẻ thì cũng như phủi bụi, như
nước đổ lên đầu con vịt.
Có lần, Cai tôi huýt sáo trong lớp bị thầy phạt mà nhớ đời. Thầy
không đánh mắng làm chi cho phí sức phí nhời. Lần đó, thầy nhỏ nhẹ gọi Cai tôi
lên bàn, ra lệnh quay mặt vào góc tường, tự do huýt sáo.
Các cụ thử nghĩ xem, lúc nào vui, lúc nào khoái thì mình mới
huýt sáo được chứ! Đằng này, trongcái cảnh chịu phạt, bao nhiêu con mắt trần
gian chăm chú theo dõi, còn ông thầy thì lại đang lăm le cái thước kẻ thì làm
sao Cai tôi có thể thi triển tài năng mới được?
Nhưng Cai tôi cũng phải thi hành án lệnh, chúm môi huýt
gió mà sao nước mắt cứ tuôn trào. Còn tiếng huýt gió thì chả thấy gió dâu hết
cả.
Ông thầy vẫn tiếp tục giảng bài, thỉnh thoảng liếc một cái xem
tên học trò này tính dở trò gì khác nữa không.
Học trò vẫn làm bài nhưng hình như cả trăm con mắt đều hướng về
tài tử chính đang trình diễn màn huýt sáo.
Thời gian cứ nặng nề, lặng lẽ trôi qua. Một lúc lâu lắm thì
phải, ông thầy mới gọi Cai tôi lại gần bàn để giảng giải mấy lời
giáo huấn. Cai tôi biết thân biết phạn, mặt mày nom ủ rũ, nước mắt nước mũi
chẩy tùm lum coi bộ rất thê thảm, khoanh tay cúi đầu chịu trận.
Ông thầy lại cầm thước kẻ, chỉ vào mặt Cai tôi mà mắng rằng:”
Ngồi trong lớp học thì phải học hành cho chăm chỉ. Giờ học ra học, giờ chơi ra
chơi. Không thể nào trong giờ học mà mà lại đùa nghịch, nói chuyện, huýt sáo
làm mất trật tự được. Học trò thì phải nghe lời thầy thì sau này mới ấm vào
thân, chứ cứ lêu lổng chơi bời thì sau này chỉ là kẻ ăn hại xã hội”.
Nói xong, thầy lại chỉ cái thước kẻ về phía câu châm ngôn dán
bằng chữ bìa bóng ở trên tường:”Tiên học lễ, hậu học văn” để giảng giải cho cả
lớp nghe về ý nghĩa cao quý của danh ngôn đó. Chớ có trò nào ỷ rằng mình học
giỏi mà khinh người, làm tàng làm phách, vô lễ với kẻ trên người dưới. Vì như
câu châm ngôn khác trên tường đã nói rằng:“Có học phải có hạnh”.
Sau màn luân lý giáo khoa thư ấy, ông thầy có vẻ hơi mệt vì nói
hơi nhiều, ngồi xuống ghế thở dài. Thầy không bạt tại, đét đít, bắt Cai tôi
chép phạt gì cả. Thật là hú vía. Và thế là qua cầu thoát nạn.
Nhưng có điều này lạ lắm, Cai tôi phải trình các cụ: Rằng từ
ngày bị thầy phạt quay mặt vào tường huýt sáo cho đến bi chữ đã hai, ba thứ tóc
trên đầu, Cai tôi mất hẳn cái thú huýt sáo. Mà có muốn huýt sáo, cũng không
thành tiếng nữa. Lúc nào thèm nghe tiếng huýt sáo thì Cai tôi chỉ còn có mỗi
một cách là mở băng nhạc có bài “Vết thù trên lưng ngựa hoang” do Elvis Phương
ca, lắng nghe tiếng huýt sáo rất điệu nghệ, rất có hồn để nhớ, để thương về một
khung trời kỷ niệm…
***
Ngày xưa, các thầy giáo, cô giáo chọn cái nghề dậy học –
gọi nôm na là nghề “bán cháo phổi” vì nói nhiều, giảng nhiều nên rất
hại phổi – ít ai suy bì về lương bổng mà vì yêu nghề nên dành cả cuộc đời mình
cho thế hệ tương lai, những mong đào tạo giới trẻ thành người hữu ích cho nhân
quần xã hội.
Với lý tưởng cao cả ấy, nhà giáo thường sống đạm bạc, bình dị để
tâm hồn được thảnh thơi đọc sách thánh hiền, tu tâm dưỡng tính,
truyền bá đạo học và làm gương cho các học sinh.
Người xưa cũng đặt vai trò của nhà giáo rất cao theo
cấp bậc: Quân, Sư, Phụ, tức là thầy học chi dưới vua nhưng lại trên cả bậc cha
mẹ. Bởi thầy là người thay thế cha mẹ, hàng ngày gần gũi, săn sóc ta cả hai
phương diện đức dục và trí dục, nghĩa là về hạnh kiểm và học hành.
Cổ nhân cũng dậy rằng “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, nghĩa là dậy một chữ
hay dậy có một nửa chữ thôi cũng đã là thầy ta rồi. Xem như thế, địa vị của
thầy học thật là nặng nề và cũng thật là hãnh diện. Nặng nề vì thầy gánh gần
như nguyên con trách nhiệm tinh thần. Hãnh diện vì thầy học chính là “Kiến trúc sư của tâm hồn”, tạo
cho ta và cha mẹ, họ hàng… xã hội những nhân tài, làm vẻ vang trường cũ, thầy
học, thơm lây cả đến nơi sinh trưởng, thôn làng.
Trong “Quốc văn giáo khoa thư” lớp Dự Bị có bài nhắc
nhở học trò phải nhớ đến công lao đạy dỗ của thầy qua bài rất nổi tiếng, rất đễ
nhớ, ai đã học đều không thể quên được. Aáy là truyện ông Carnot trong
bài “Học
trò biết ơn thầy”:
“Ông Carnot xưa kia là một ông quan to nước Pháp. Một hôm, nhân
lúc rảnh việc, về chơi quê nhà. Khi ông đi ngang qua tràng học ở
làng, trông thấy ông thầy dậy mình lúc bé, bây giờ đã đầu tóc bạc phơ, đang
ngồi trong lớp dậy học. Ông ghé vào thăm tràng và chạy ngay lại trước mặt
thầy giáo, chào hỏi lễ phép mà nói rằng:” Tôi là Carnot đây, thầy còn nhớ tôi
không?”. Rồi ông ngoảnh lại khuyên học trò rằng:” Ta bình sinh, nhất là ơn cha,
ơn mẹ ta, sau ơn thầy ta đây, vì nhờ có thầy chịu khó dậy bảo, ta mới làm nên
sự nghiệp ngày nay”.
Bài này có ngụy ý là “Học trò phải biết ơn thầy”.
Thưa các cụ, hồi bé Cai tôi đọc bài này và ngó cái hình ông
Carnot cầm mũ, đeo gươm, đi ủng, đứng trong lớp chào thầy, còn đám học trò đang
đứng cả lên nhìn ông khách lạ thì Cai tôi nghĩ chả thấy gì là đặc biệt cả.
Cũng giống như Cai tôi đã học thuộc lòng bài “Khuyến hiếu đễ”, nói
về chữ hiếu và chữ đễ:
“Cha sinh, mẹ dưỡng
Đức cù lao
lấy lượng nào đong
Thờ cha mẹ ở
hết lòng
Ấy là chữ
“Hiếu” dậy trong luân thường
Chữ “Đễ”
nghĩa là nhường
Nhường anh,
nhường chị lại nhường người trên
Ghi lòng tạc
dạ chớ quên
Con em phải
giữ lấy nền con em.”
Hoặc như bài “Khuyến
học”:
Hỡi các cậu
bé con
Đang lúc tuổi
còn non
Các cậu phải
chăm học
Có học mới
nên khôn”.
(Ghi chú riêng: Không thấy khuyên răn gì đến “các cô bé con” cả
? Nếu có, hẳn đã viết: Hỡi cô cậu bé con…)
Hay như truyện Thừa Cung chăn lợn vì nhà nghèo, mồ côi cha, sau
này nhờ thầy giáo Từ Tử Thịnh mà nên người có tiếng.
Sau này khôn lớn hơn, Cai tôi nhớ lại truyện ông Carnot cũng
thấy có ý nghĩa đấy nhưng có nhẽ chỉ đúng với thầy trò ở bên Tây thôi, chứ ở
bên ta, tình nghĩa thầøy trò đậm đà, cao quý hơn nhiều.
Ở nước ta, vào mỗi dịp mùa màng, lễ lạc, phần đông cha mẹ học
trò đều nhớ ơn thầy một cách cụ thể.
Gia đình Cai tôi cũng thuộc thành phần đại đa số ấy. Cho nên, hễ
khi nào bác Hội Huân bên Tâng Thượng, Gia Lộc đem cho ít gạo Nàng Hương, rổ
khoai mới, thúng đậu đen thì Cai tôi lại có bổn phận sẻ mỗi thứ một phần, lễ mễ
ôm lại nhà thày kính biếu thầy, lễ phép mà thưa rằng:
-“Thưa thầy, bó mẹ con có chút quà nhà quê biếu thầy ạ!”
Thầy nhận, cười vui vẻ mà rằng:
-“Gớm, hai bác cẩn thận quá đi thôi. Anh về thưa lại với hai bác
là thầy cám ơn nhiều lắm nhá!”.
Cai tôi khoanh tay, cúi đầu chào thầy, nom rõ ra là một học sinh
ngoan ngoãn, dễ thương, con nhà tử tế…
Vào dịp tết ta, bố mẹ Cai tôi lo mua các thứ cúng lễ, bầy biện
trang trí nhà cửa nhưng không bao giờ quên tết thầy.
Thế là vào một ngày cuối năm, Cai tôi lại lẽo đẽo theo ông bố
đến nhà thầy giáo.
Ông bố tôi một tay cầm gói trà và hộp mứt sen, tay kia cầm cái
rổ nhỏ, trên có chục quả trứng gà. Còn Cai tôi xách chiếc lồng tre, trong có
con gà mái tơ.
Đối với số tuổi của Cai tôi hồi ấy thì công tác này hơi có vẻ
nặng tay một tí. Nhưng mà ở cái tỉnh nhỏ Hải Dương, phố nọ cách phố kia có dăm
chục căn nhà nên đi cũng thấy mau.
Nhà thầy ở cách nhà tôi chừng 15 phút, đi từ phố Hàng Đồng ra
vườn hoa Bảo Đại.
Đến nhà thầy, bố tôi gõ cửa, gặp bà giáo mời vào, chờ thầy giây
lát. Bố tôi đặt mấy món quà trên bàn, còn tôi thì hạ chiếc lồng gà mái tơ xuống
đất, cạnh chân bàn.
Hai bố con ngồi ghế gỗ nhìn quanh quẩn. Cai tôi lại thấy trên
tườøng nhà thầy mấy câu gì nghe rất lạ tai, như: “Aáu bất học, lão hà vi”, “Nhân bất học, bất tri lý”.
Cai tôi chả hiểu trời trăng mây nước nghĩa lý ra làm sao, nhưng
đoán rằng chắc lại để răn dậy, cảnh cáo các con cái của thầy chứ không có mục
đích gì khác đâu!
Khi thầy từ nhà trong ra nhà ngoài tiếp khách, bố con tôi đứng
dậy chào rất là kính cẩn. Bố tôi nói những gì, Cai tôi không còn nhớ. Chỉ thấy
thầy giáo đáp:
-” Bác cứ bầy vẽ làm chi!”
Cai tôi đứng cạnh bố, vốn là đứa bé thông minh từ nhỏ, muốn
trình thầy rằng ngoài các món thầy trông thấy trên mặt bàn, bố mẹ con còn biếu
thầy nguyên một con gà mái tơ nữa cơ. Nhưng mà, Cai tôi không thể xách lồng gà
ở dưới đất để lên trên bàn, coi vậy không đẹp mắt chút nào.
Nhờ thông minh từ bé, Cai tôi thuận chân trái, đá nhẹ ngay vào
cái lồng gà một phát khiến con gà mái tơ hoảng hồn, kêu quang quác! Thế là thầy
hiểu ý trò.
Thầy giáo tủm tỉm cười, trò chuyện cùng bố tôi về công việc làm
ăn, đình đám. Khi bố con tôi cáo từ, thầy tiễn ra tận cửa, còn cám ơn mấy lần
nữa.
Đây là nói về cái chân tình mộc mạc đơn sơ của cha mẹ học sinh
đối với thầy.
Lớn lên, Cai tôi đem truyện ông Tây Carnot khi công thành
danh toại về quê cũ trường xưa, so sánh mí lị các trạng nguyên, bảng
nhỡn, thám hoa của ta khi về thăm quê xưa, thày cũ thì thấy có khác nhau
một trời một vực.
Một đằng ,ông Tây Carnot về thăm quê, tình cờ đi qua trường,
thấy thầy cũ thì vào thăm rồi có vài lời khuyên bảo, nhắn nhủ đám học trò là
phải biết ơn thầy, ý nói “Không thầy đố mày làm nên”.
Hành động, cử chỉ của ông Carnot tuy tự nhiên nhưng cũng chỉ là
hình thức, tiện thì ghé thăm chứ không có ân nghĩa, thâm tình với thầy học cũ
cả.
Cái sâu sắc, đậm đà mang đầy tình nghĩa thầy trò của ta là mặc
dầu các trò đã đỗ đạt cao, chức vị lớn của triều đình nhưng vẫn tìm về nơi
trường cũ ngày xưa.
Rồi các vị quan lớn này cởi bỏ mũ mão cân đai, võng lọng quân
hầu, đi bộ từ đầu làng vào trường cũ gặp thầy, khoanh tay đứng hầu, đun
nước hầu trà, xin được lắng nghe những lời giáo huấn, y như ngày xưa ngồi dưới
mái trường làng.
Các cậu học trò đang sôi kinh nấu sử, bò lê bò càng quanh đó khi
nhìn các quan lớn nhất phẩm triều đình, tiền hô hậu ủng, nay về thăm thầy cũ mà
khoanh tay đứng hầu, đun nước pha trà như thế kia, đã thấy là một tấm gương
lớn, một bài học không bao giờ quên trong đời học trò của họ.
Thiết nghĩ, lời khuyên nhủ nào của người thành đạt đối với
học trò cũng là thừa trong hoàn cảnh này.
***
Mỗi năm đến hè, lòng Cai tôi lại man mác buồn. Chả phải vì nhớ
nhung trường cũ, xa bạn bè, thương cây hoa gạo đỏ ối, mà vì cứ mỗi độ hè về, bố
tôi lại bắt tôi học lớp hè của cậu giáo Thành.
Suốt năm, Cai tôi đã khổ sở vì học, đến hè bố tôi lại bắt học
thêm. Lý do là Cai tôi vừa lười vừa dốt vừa trốn học, nếu không có người kèm
thì làm sao lên lớp được.
Bố tôi là người biết rất rõ về thằng con nghịch ngơm, ma mãnh,
dối trá, cà chớn cho nên phải nhờ đến tay cậu giáo Thành trị mới nổi.
Cậu giáo có cái tiệm sửa đồng hồ gần nhà thuốc tây Quản Trọng
Tiến và cách đó không xa là nhà thờ. Mấy nơi này đều tọa lạc trên trục lộ số 5,
phố chính của tỉnh lỵ.
Cậu gíao có lớp học phía nhà trong, học trò chừng hơn chục đứa.
Cai tôi vốn sợ các món toán, tiếng Tây mà lớp hè của cậu
lại chuyên về tiếng Tây và toán.
Mỗi ngày đi học với Cai tôi là một cực hình. Cai tôi không thể
biến cuộc đời mình thành một cái nhà giam và đau khổ mãi được.
Nhờ thông minh từ bé, Cai tôi lựa tên bạn nào khá toán thì ngồi
cạnh nó để chép bài. Còn về tiếng Tây, Cai tôi học ba xí ba tú, qua loa rơ măng
cho có lệ.
Bữa nào cậu giáo bận khách, sửa giây cót, kim đồng hồ hay vợ cậu
nhờ cậu đi đâu có chút việc thì bữa đó là dịp may cho Cai tôi tháo cũi xổng
chuồng.
Cái thú thứ nhất là Cai tôi chạy tọt sang nhà thuốc tây của dược
sĩ Quản Trọng Tiến, lê la trên các bậc cửa lát đá hoa mát rượi, vừa sạch vừa tự
do lại có đủ các mùi thuốc tây thoang thoảng. Không có ai nỡ đuổi trẻ con ngồi
chơi hiền lành cả nên Cai tôi ngồi thềm đá hoa, nhìn kẻ qua người lại, xe cộ
chạy trên đường bằng cặp mắt vô tư, yêu đời, thanh thản.
Lâu lâu, có ai trong tiệm thuốc cho Cai tôi chiếc kẹo thì quả nhiên
cuộc đời rất mực thần tiên.
Cái thú thứ nhì, là khi nào thèm bánh khảo, bánh đậu, mứt
bí, mứt gừng thì Cai tôi lò dò lại góc đường, vào tiệm bánh Cự Hương, quanh
quẩn đấy, hít hà dăm hơi cho đỡ nhớ mùi bánh đậu, sen trần, nước bọt chẩy như
suối!
Có tay thợ làm bánh nào nhân đức, thương người mà thảy cho Cai
tôi vài mẩu bánh khảo cắt dư thì ôi thôi, ăn xong có chết cũng mát lòng
mát dạ!
Cái thú thanh cao, thánh thiện hơn là Cai tôi mò vào nhà thờ.
Cai tôi thuộc gốc “A
Di Đà Phật”, đâu có biết làm dấu, đọc kinh ra làm sao. Thì cứ
vào giáo đường mát lạnh, yên tĩnh, quỳ xuống, cúi đầu, Cai tôi thiếp đi một
giấc cũng sung sướng lắm rồi.
Ngồi chán trong nhà thờ, Cai tôi chạy ra sân đuổi chim bồ câu,
đi tìm tổ chim để chọc. Khi nào gặp cha hay người trong nhà thờ thì Cai tôi lại
làm ra vẻ một con chiên ngoan đạo, đứng dựa cột nhà thờ nhìn tháp chuông, nhìn
lên cây thánh giá.
Mỗi lần đi chơi kỳ thú như thế, khi quay về lớp, cậu giáo
đều tỏ vẻ bực tức về tên học trò ba-gai, lười biếng. Lần nào cậu cũng
hỏi:
-” Mày đi chơi đâu về?”
Và Cai tôi đều hiền lành, nhỏ nhẹ thưa rằng:
-” Thưa cậu, cháu vừa mới qua bên nhà thờ xem lễ một tí thôi ạ!”
Cai tôi chỉ thấy cậu giáo Thành lắc đầu thở dài. Cái thở dài
tượng tự của bố tôi.
Như ngụ ý cuộc đời của Cai tôi sau này khó khá…
(Ghi chú: Nói bạn thương, sau này Cai tôi khá quá đi ấy chứ lị!)
Lê Văn Phúc
304Đen
llttm - tvvn
No comments:
Post a Comment