Sài Gòn-một thuở “uống môi em ngọt”
Bạn
đã uống cà phê nhiều, bạn biết muốn pha một ly cà phê tuyệt vời đâu có khó: Cà
phê Sẻ loãng nước nhưng đậm mùi thơm, cà phê Mít đặc quánh mà vô vị, hãy chọn
một tỷ lệ pha trộn thích hợp là đã đi được 70% đoạn đường rồi; muốn kẹo thêm
nữa hả? Muốn hưởng cái cảm giác chát chát, tê tê đầu lưỡi phải không? Dễ mà,
thêm vào chút xác cau khô là xong ngay. Bạn muốn có vị rhum, thì rhum; bạn
thích cái béo béo, thơm thơm của bơ, cứ bỏ chút Bretel vào. Bạn hỏi tôi nước mắm
nhĩ để làm gì à? Chà, khó quá đi, nói làm sao cho chính xác đây! Thì để cho nó
đậm đà. Đậm làm sao? Giống như uống coca thì phải có thêm chút muối cho mặn mà
đầu lưỡi ấy mà. Uống chanh đường pha thêm chút rhum cho nó ra dáng tay chơi.
Như kẻ hảo ngọt nhưng vẫn cắn răng uống cà phê đen không đường cho lập dị. Thèm
đá muốn chết nhưng cứ chốn bạn nhậu thì nằng nặc đòi uống chay không đá cho
khác người, cho đẳng cấp.
Tôi không biết, không tả được, mời bạn hãy thử và tự cảm lấy. Bạn đòi
phải có tách sứ, thìa bạc; bạn nói phải nghe nhạc tiền chiến, phải hút Capstan
(dộng vài phát hết gần nửa điếu và rít đỏ đầu), Ruby quân đội hay Basto xanh
mới đã đời, thú vị phải không? Thì đó, bạn đã có đủ hết những gì bạn cần, sao
không tự pha ra mà uống, lại cứ đòi đi uống cà phê tiệm, dị hợm không? Nói vậy
chứ tôi biết, tôi không trách bạn đâu. Cà phê ngon chỉ mới được một nửa, nhưng
chúng ta đâu chỉ cần uống cà phê, chúng ta còn ghiền “uống” con người tại quán
cà phê; “uống” không khí và cảnh sắc cà phê; “uống” câu chuyện quanh bàn cà phê
và nhiều thứ nữa. Vậy thì mời bạn đi với tôi, quanh quanh Sài Gòn làm vài ly
chơi. Dĩ nhiên là tưởng tượng, cả bạn và tôi đều biết, đã xa rồi, biền biệt
lắm rồi cái thời sinh viên (SV) ngày đó.
Bắt đầu từ thập niên 70, những năm Sài Gòn đã trải qua những trở mình to
lớn; những cơn lốc kinh hồn; những bùng vỡ vượt mọi giới hạn; những xô đẩy, mời
gọi đầy lôi cuốn và cũng nhiều cạm bẫy. Niềm vui và nỗi hy vọng về một vận hội
mới sau biến cố 1963 qua nhanh theo với sự yểu tử tất yếu của những người đã
nhân danh một cuộc cách mạng, nhưng là thứ cách mạng nửa vời, có khả năng đả
phá nhưng lại thiếu bản lãnh và tâm lực để xây dựng, kiến tạo; người Mỹ đổ bộ
càng lúc càng đông, theo với nó là các Snack Bar, gái làm tiền và sự phá sản
nghiêm trọng của nhiều giá trị luân lý và đạo đức. Chiến trường càng lúc càng
khốc liệt, càng áp gần và đã trở thành một nỗi ám ảnh dai dẳng; một cơn ác mộng
thường trực.
Miền Nam Việt Nam những năm giữa thập niên 60 đến đầu thập niên 1970 như
vậy đó. Tuổi trẻ Việt Nam lột xác: lớn ra và tự già đi trước tuổi của mình.
Những “lưu bút ngày xanh” đành gấp lại; những mơ mộng hoa bướm tự nó đã thành
lỗi nhịp, vô duyên. Tiếng cười dường như ít đi, kém trong trẻo hồn nhiên; khuôn
mặt, dáng vẻ dường như tư lự, trầm lắng hơn và đầu óc không còn, cũng không thể
vô tư nhởn nhơ được nữa. Những điếu thuốc đầu tiên trong đời được đốt lên;
những ly cà phê đắng đầu tiên trong đời được nhấp vào và dù muốn hay không,
tuổi trẻ đã thực sự bị chi phối, và phải thường xuyên đối diện với những bất
hạnh của dân tộc; những thảm kịch của thân phận mình và quán cà phê trở thành
cái nơi chốn hẹn hò để dàn trải tâm tư, để trầm lắng suy gẫm. Có một chút bức
thiết, thật lòng; có một chút làm dáng, thời thượng. Thông cảm giùm đi, tập làm
người lớn mà.
Đối với một thanh niên tỉnh lẻ mới mẻ và bỡ ngỡ, Sài Gòn lớn lắm, phồn
vinh và náo nhiệt lắm. Trong suốt nhiều tuần lễ đầu tiên đi lại phải dè dặt và
lúc nào cũng lẩm nhẩm câu “thần chú”: Phan Thanh Giản đi xuống, Phan Đình Phùng
đi lên và mường tượng ra một “lá bùa” như một thứ kim chỉ nam khả dụng. Hai con
đường một chiều và ngược nhau như cái xương sống xuyên dọc trung tâm thành phố
giúp định hướng, tạo dễ dàng cho việc di chuyển. Dĩ nhiên nếu tính từ khu Chợ
Cá tôi lưu trú, Phan Thanh Giản được hiểu như bao gồm cả khúc Minh Mạng nối từ
Ngã Bảy đến Ngã Sáu Chợ Lớn và Phan Đình Phùng phải cộng thêm khúc Lý Thái Tổ
rẽ phải đến Ngã Bảy hay rẽ trái đến Trần Hoàng Quân để về Ngã Sáu.
Về sau khi đã khá quen quen, lá bùa được vẽ lớn thêm ra: Từ Phan Thanh
Giản, rẽ phải theo Lê Văn Duyệt sẽ đến phố chính Lê Lợi, nhà sách Khai Trí, chợ
Bến Thành, rẽ trái lên Hòa Hưng, Bảy Hiền; từ Phan Thanh Giản rẽ phải ở Hai Bà
Trưng sẽ đến bến Bạch Đằng, rẽ trái sẽ qua cầu Kiệu, Ngã Tư Phú Nhận; cũng từ
Phan Thanh Giản rẽ trái ở Đinh Tiên Hoàng sẽ đến rạp Casino Dakao, Lăng Ông Bà
Chiểu và hướng ngược lại là trường Văn Khoa, Trung tâm Quốc gia Nông nghiệp. Cứ
như thế, cái xe cọc cạch, trung thành như một người bạn thân thiết lê la khắp
Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định.
Những ngày này, tôi là khách thường trực của quán Cà phê Thu Hương đường
Hai Bà Trưng. Quán nằm ở một vị trí đẹp, chiếm ba lô đất ngó chéo qua phía trại
hòm Tobia; nơi đây có một căn phòng hẹp vừa đặt quầy thu tiền, vừa là chỗ ngồi
cho những ai thích nghe nhạc với âm thanh lớn, phần còn lại là một sân gạch
rộng, có mái che nhưng không ngăn vách, từ trong có thể nhìn rõ ra đường qua
những song sắt nhỏ sơn xanh với một giàn hoa giấy phủ rợp. Ngồi đây có thể nghe
được văng vẳng tiếng nhạc vọng ra từ bên trong; cảm được chút riêng tư cách
biệt, nhưng đồng thời cũng có thể nhận ra được sức sống bừng lên mỗi sáng, dáng
vẻ mệt mỏi, u ám mỗi chiều đang lặng lờ chảy qua trên đường phía ngoài.
Chủ quán ở đây là một người đặc biệt: Khó chịu một cách dễ thương. Hình
như với ông, bán cà phê chỉ là thú tiêu khiển và pha cà phê là một nghệ thuật
kỳ thú. Ông hãnh diện với tên tuổi của Thu Hương và muốn bảo vệ nó. Bạn là
khách uống cà phê phải không? Xin cứ ngồi yên đó, việc của bạn là uống vậy thì
đừng táy máy đụng vào làm hư cà phê của tôi. Cà phê được bưng tới, ông chủ sẽ
ngồi đâu đó quan sát và chờ. Yên tâm đi, đừng nôn nóng gì cả, bạn sẽ có cà phê
ngon để uống mà.
Ông chủ sẽ xuất hiện đúng lúc cạn phin, sẽ bỏ đường cho bạn, khuấy đều
cho bạn và sẽ lịch sự “xin mời” khi mọi việc hoàn tất. Ly cà phê như vậy mới là
cà phê Thu Hương, đó là cung cách của Thu Hương, đặc điểm của Thu Hương. Nhiều
người mới đến lần đầu không biết, cà phê bưng tới là tự lo liệu cho mình đều bị
chỉnh ngay: Ông nôn nóng mở phin lỏng như vậy nước chảy ào ào còn gì là Thu
Hương! Ông bỏ đường ngọt như ăn chè vậy còn gì là Thu Hương! Ống khuấy cốp cốp
kiểu đó cà phê sẽ chua lét là ông giết Thu Hương rồi! “Thằng cha” này rắc rối
thật nhưng là sự rắc rối có thể hiểu được, thông cảm được miễn là cà phê ngon.
Mà cà phê Thu Hương ngon thiệt, ngon lắm. Trong lĩnh vực kinh doanh quán
cà phê, có người dùng âm thanh; có người dùng ánh sáng và cảnh trí; có người
nhờ sự duyên dáng của tiếp viên; có người dùng phẩm chất của cà phê để hấp dẫn
khách. Ông chủ Thu Hương đã chọn cách cuối cùng, cách khó nhất và ông đã thành
công. Khách đến với Thu Hương là ai? Nhiều lắm, có thể họ từ bên trường Luật
qua, từ dưới Văn Khoa, Dược, Nông Lâm Súc lên; từ Trung Tâm Văn Hóa Pháp, Hội
Việt Mỹ lại; từ Huỳnh Thị Ngà, Nguyễn Công Trứ, Vương Gia Cần, Võ Trường Toản,
Thư Viện Quốc Gia tới, quanh quanh khu Tân Định, Đa Kao cả mà.
Cũng có người từ xa hẹn nhau đến nhưng dù từ đâu họ đều có điểm giống
nhau là tất cả đều trẻ và đều có vẻ “chữ nghĩa” lắm; “ông” nào “bà” nào cũng
tha tập cours quằn tay, cộng với nào là Hố Thẳm Tư Tưởng của
Phạm Công Thiện, Cho Cây Rừng Còn Xanh Lá của
Nguyễn Ngọc Lan, Nói Với Tuổi 20 của Nhất Hạnh;
các tạp san Tư Tưởng, Sử Địa, Bách Khoa, Văn và v…v… Ở Thu Hương dĩ nhiên là có
thể “uống ly chanh đường, uống môi em ngọt” hay nhiều thứ giải khát khác; tuy
nhiên, phần lớn là nhâm nhi ly cà phê.
Thu Hương nổi tiếng như vậy; ông chủ điệu như vậy, dù rành hay không
cũng phải ráng tỏ ra sành điệu với người ta chứ! Lại còn phải cố bậm môi kéo
Basto xanh cho có vẻ phong trần. Cứ như thế mà trầm ngâm suy tư, rì rào tâm sự;
đốt bao tử, đốt phổi và đốt thời gian. Nghĩ lại thật phí phạm và đáng tiếc
nhưng hồi đó thì không thấy như thế. Phải như vậy chứ sao! Thời chiến mà, buổi
nhiễu nhương mà! Ngày đó tôi thường ngồi Thu Hương với T, một người bạn đang
học năm thứ hai ở trường Y khoa. Anh là người rất mê giáo sư Trần Ngọc Ninh,
coi ông là một nghệ sĩ tài hoa, một tay dao bậc thầy trong ngành giải phẫu và
vẫn thường say sưa kể việc thầy Ninh có thể cầm lưỡi dao lam khẻ vào tập giấy
quấn thuốc và cho biết trước là sẽ rạch đúng mấy tờ.
Bạn tôi đúng là người trời sinh ra để làm thầy thuốc, anh muốn xoa dịu
mọi khổ đau và không chịu được những điều tàn nhẫn, thô bạo. Hồi sinh viên N té
lầu chết ở trường Y khoa, báo đăng nói là tai nạn nhưng không biết từ đâu bạn
tôi khẳng định đây là một vụ ám sát, thanh toán lẫn nhau và anh đau đớn, tức
giận lắm (thật ra bạn tôi lầm, vì vụ té lầu và cái chết của N tại trường Luật
là hoàn toàn khác nhau). Người với người cùng trăm trứng chui ra, chả lẽ không
còn cách đối đãi nào tốt hơn với nhau hay sao? Đến lúc này anh đã có câu trả
lời cho điều ám ảnh nhiều năm trước: Không phải không có cách mà là dường như
người ta không cần và cũng không muốn phải chăng với nhau. Đau thật, nỗi đau
quặn thắt tim gan.
Bạn thường ăn phở gà Hiền Vương, phở Pasteur; bạn thường đi qua đi lại
liếc liếc mấy bộ đồ cưới đẹp ở nhà may Thiết Lập, vậy bạn có biết cà phê Hồng ở
đâu không? Thì đó chứ đâu, gần nhà may Thiết Lập, cách vài căn về phía đường
Nguyễn Đình Chiểu, ngó chéo qua mấy cây cổ thụ ở bờ rào Trung tâm Thực nghiệm Y
khoa (Viện Pasteur). Tôi phải hỏi vì tôi biết có thể bạn không để ý. Quán nhỏ
xíu hà, với lại cái tên Hồng không biết do ai đặt, gọi riết thành quen chứ thực
sự dường như quán không có bảng hiệu, và tiền diện của nó trông ủ ê cũ kỹ lắm
chứ không sơn phết hoa hòe, đèn treo hoa kết gì cả. Từ ngoài nhìn vào, quán như
mọi ngôi nhà bình thường khác, với một cái cửa sổ lúc nào cũng đóng và một cánh
cửa ra vào nhỏ, loại sắt cuộn kéo qua kéo lại.
Quán hẹp và sâu, với một cái quầy cong cong, đánh verni màu vàng sậm,
trên mặt có để một ngọn đèn ngủ chân thấp, với cái chụp to có vẽ hình hai thiếu
nữ đội nón lá; một bình hoa tươi; một con thỏ nhồi bông và một cái cắm viết
bằng thủy tinh màu tím than. Phía sau, lúc nào cũng thấp thoáng một mái tóc
dài, đen tuyền, óng ả, vừa như lãng mạn phô bày vừa như thẹn thùng, che giấu.
Cà phê Hồng, về ngoại dáng, thực ra không có gì đáng nói ngoài cái vẻ xuề xòa,
bình dị, tạo cảm giác ấm cúng, thân tình và gần gũi; tuy nhiên, nếu ngồi lâu ở
đó bạn sẽ cảm được, sẽ nhận ra những nét rất riêng, rất đặc biệt khiến bạn sẽ
ghiền đến và thích trở lại.
Hồi đó nhạc Trịnh Công Sơn, đặc biệt là loại nhạc “mệt mỏi” cỡ “đại bác
đêm đêm…” hay “đàn bò vào thành phố…” đã trở thành một cái “mốt”, một cơn dịch
truyền lan khắp nơi, đậu lại trên môi mọi người, đọng lại trong lòng mỗi người.
Cà phê Hồng đã tận dụng tối đa, nói rõ ra là chỉ hát loại nhạc này và những
người khách đến quán – những thanh niên xốc xếch một chút, “bụi” một chút (làm
như không bụi thì không là trí thức) – đã vừa uống cà phê vừa uống cái rã rời
trong giọng hát của Khánh Ly. Đến Hồng không chỉ có nghe nhạc về quê hương,
chiến tranh và thân phận; ở đây còn có thể đọc về những điều đó. Không hiểu do
sáng kiến của các cô chủ, muốn tạo cho quán một không khí văn nghệ, một bộ mặt
trí thức hay do tình thân và sự quen biết với các tác giả mà ở cà phê Hồng lâu
lâu lại có giới thiệu và bày bán các sách mới xuất bản, phần lớn là của hai nhà
Trình Bày và Thái Độ và của các tác giả được coi là dấn thân, tiến bộ. Lại có
cả Time, Newsweek cho những bạn nào khát báo nước ngoài. Tôi đã đi quá xa rồi
phải không?
Xin lỗi, cho tôi được mượn cơ hội này để nói về tuổi trẻ của chúng ta
một chút. Tôi đang trở lại với cà phê Hồng đây. Hồng là ai? Tôi không biết,
quán có ba cô chủ, ba chị em; người lớn nhất trên hai mươi và người nhỏ nhất
mười lăm, mười sáu gì đó. Nói thật lòng, cả ba cô đều chung chung, không khuynh
quốc khuynh thành gì nhưng tất cả cùng có những đặc điểm rất dễ làm xốn xang
lòng người: Cả ba đều có mái tóc rất dài, bàn tay rất đẹp và ít nói, ít cười,
trừ cô chị; cái kiểu ít nói ít cười làm chết người ta. Còn cái dáng đi nữa, bạn
còn nhớ không? Làm ơn nhắc giùm để tôi tả cho chính xác đi, khó quá. Nhạc sĩ
Trịnh Công Sơn có những lời hát khó giải thích nhưng dễ cảm nhận như “vết lăn,
vết lăn trầm” hay “vết chim di” gì đó có lẽ có thể mượn để hình dung ra dáng đi
của mấy cô chủ cà phê Hồng; nó nhẹ lắm, êm ái thướt tha lắm và cũng lặng lờ
khép kín lắm.
Chính cái vẻ lặng lờ vừa như nhu lệ thẹn thùng, vừa như kênh kiệu kiêu
sa, vừa lãng đãng liêu trai đó đã làm khổ nhiều trái tim trai trẻ lắm, rất
nhiều. Những năm 1980, cà phê Hồng không còn, dãy phố nhỏ buồn thiu, im lìm và
trống vắng như nét ảm đạm chung của toàn thành phố một thời rộn rã. Đối diện
nơi quán cũ, gần cuối bờ thành Viện Pasteur là một bãi rác khổng lồ, ruồi nhặng
đen nghịt và mùi hôi thối nồng nặc, phủ trùm; ở đó, hàng trăm ông lão bà cụ;
hàng trăm trẻ em trai gái tranh nhau giành giật, đào móc từng chút sắt vụn,
từng mảnh nhỏ nylon.
Tôi đã thường đứng lại rất lâu, nhìn cảnh não lòng này và tự hỏi: Những
người đã có thời ngồi đây mơ ước và hy vọng giờ đâu cả rồi? Còn chị em cô Hồng:
Những nhỏ nhẹ tiểu thư, những thon thả tay ngà, những uyển chuyển “chim di” giờ
mờ mịt phương nào? Ai có thể trả lời được về số phận của những con người nhỏ
nhoi trong thân phận chung của cả một dân tộc! Nay khu vực này đã thay da đổi
thịt nhiều, nhưng vẫn nhớ không khí xưa của một thời làm cách mạng và phản
kháng trong… quán cà phê!
Viện Đại học Vạn Hạnh mở cửa muộn màng nhưng ngay từ những năm đầu tiên
nó đã thừa hưởng được những thuận lợi to lớn về tâm lý: Hào quang của phong
trào Phật giáo đấu tranh từ nhiều năm dồn lại, cùng với những tên tuổi chính
trị đã giúp cho Đại học Vạn Hạnh được nhìn vừa như một cơ sở giáo dục khả tín
vừa như một tập hợp của những thành phần trẻ tuổi ý thức và dấn thân nhất. Tuy
nhiên, dường như cái hồn của Đại học Vạn Hạnh được đặt tại một tiệm cà phê:
Quán Nắng Mới ở dốc cầu, ngó chéo về phía chợ Trương Minh Giảng. Quán Nắng Mới
có nhiều ưu thế để trở thành đất nhà của dân Vạn Hạnh, trước nhất vì gần gũi,
kế đến là khung cảnh đẹp, nhạc chọn lọc và cuối cùng, có lẽ quan trọng nhất là
sự thấp thoáng của những bóng hồng, có vẻ tha thướt, có vẻ chữ nghĩa.
Tôi quen với Nắng Mới vì họa sĩ HĐ Ngọc, bạn tôi có lúc thuê nhà ở bên
hông ĐH Vạn Hạnh; và NN Trường thuê nhà trong hẻm sâu gần quán cà phê cóc của
nhạc sĩ Lê Đô được biết đến với tập sách dạy tự học đàn guitar Carulli. Chừng
đó là quá đủ, quá đạt để phe ta tụ lại: Các anh chị em thuộc khối Văn Thể Mỹ
của nhạc sĩ PT Mỹ tấp vào nói chuyện văn nghệ; nhóm làm thơ trẻ Nguyễn Lương
Vỵ, Võ Chân Cửu – lúc đó đang lên và đang chiếm đều đặn nhiều cột thơ trên báo
Khởi Hành – ngồi đồng từ sáng đến tối để… làm thơ; những “chuyên viên xuống
đường và lợi dụng xuống đường” cũng chụm đầu lại để bàn mưu kế.
Nhưng đông hơn cả, ấm áp hơn cả là những nhóm hai người, một tóc dài,
một tóc ngắn chờ vào lớp, chờ tan trường và chờ nhau ở Nắng Mới. Mỗi lần có đêm
không ngủ, sáng Nắng Mới không còn chỗ ngồi. Vạn Hạnh như một lò lửa, một điểm
nóng, một trung tâm. Hình như Nắng Mới đã sống với Vạn Hạnh, sống theo Vạn Hạnh
cho đến ngày cuối cùng. Nắng Mới nay không còn. Những con người cũ tứ tán muôn
phương. Cái nơi chốn đầy sức sống và niềm tin ngày nào giờ tiêu điều buồn bã
như dòng kinh nước đen uể oải dưới chân cầu Trương Minh Giảng.
Có một quán cà phê thân quen nữa không thể không nhắc đến: Quán chị Chi
ở gần đầu đường Nguyễn Phi Khanh, cách không xa Casino Đa Kao. Thật ra đây
không phải là quán cà phê mà là quán trà; mà có lẽ cũng không thể gọi là quán
trà mà chỉ có thể nói là “chỗ uống trà ở nhà chị Chi” mới hoàn toàn đúng. Bạn
hãy tưởng tượng giùm tôi cái khu gia cư xưa cũ, rất yên tĩnh và rất dễ thương,
nằm phía sau rạp Casino Đa Kao, ở đó có những con đường rất nhỏ, những ngôi nhà
mái ngói phủ đầy rêu xanh, những hàng bông giấy che kín vỉa hè; ở đó không có
cái ồn ào náo nhiệt như ngoài Trần Quang Khải, khúc đổ về Tân Định, cũng không
có cái tập nập ồn ã của đoạn Lê Văn Duyệt hướng về Lăng Ông; nó trầm lắng cô
liêu và im ả tách biệt lắm. Nhà nào cũng nhỏ, cất cao hơn mặt đường mấy bực tam
cấp xi măng, mở cửa ra là có thể nghe người bên trái nói, thấy người bên phải
cười và có cảm tưởng như có thể đưa tay ra bắt được với người đối diện bên kia
đường.
Quán chị Chi ở một trong những ngôi nhà này. Làm sao để nhận ra? Không
biết, tôi đã nói là không phải quán xá gì cả mà, chỉ là tới nhà bà chị uống trà
chơi vậy thôi và đã là nhà bà chị thì phải tự biết chớ, cần gì hỏi. Phòng khách
chị Chi – được gọi là quán – nhỏ lắm, chắc độ chín mười thước vuông gì đó, chỉ
đủ chỗ để đặt ba bốn chiếc bàn nhỏ. Nhà không có nhạc, không trưng bày trang
trí gì cả ngoại trừ một bức tranh độc nhất treo trên vách, bức tranh đen trắng,
cỡ khổ tạp chí, có lẽ được cắt ra từ một tờ báo Pháp. Tranh chụp để thấy một
bàn tay giắt một em bé trai kháu khỉnh, vai đeo cặp sách, miệng phụng phịu làm
nũng, hai mắt mở to nhưng nước mắt đang chảy dài theo má, phía dưới có hàng chữ
nhỏ: “Hôm qua con đã đi học rồi mà”.
Giang sơn của chị Chi chỉ có vậy và chị mở “tiệm”. Khách đến với chị Chi
không phải coi bảng hiệu mà vào, cũng không phải nghe quảng cáo trên đài địa
phương hay đọc giới thiệu trên báo chợ báo bán gì cả, mà hoàn toàn do thân hữu
truyền miệng cho nhau để đến, nhiều lần thành quen, từ quen hóa thân và quyến
luyến trở lại. Chị Chi có bán cà phê nhưng tuyệt chiêu của chị là trà; loại trà
mạn sen, nước xanh, vị chát nhưng có hậu ngọt và mùi thơm nức mũi. Trà được pha
chế công phu trong những chiếc ấm gan gà nhỏ nhắn, xinh xinh. Ấm màu vàng đất,
thân tròn đều, láng mịn, vòi và quai mảnh mai, cân đối.
Mỗi bộ ấm có kèm theo những chiếc tách cùng màu, to bằng ngón tay cái
của một người mập, vừa đủ cho vài hớp nước nhỏ. Ấm có ba loại, được gọi tên ra
vẻ “trà đạo” lắm: Độc ẩm, song ẩm và quần ẩm nhưng hồi đó chúng tôi thường
“diễn nôm” theo kiểu “tiếng Việt trong sáng” thành ấm chiếc, ấm đôi và ấm bư.
Trà được uống kèm với bánh đậu xanh – loại bánh đặc biệt của chị Chi – nhỏ, màu
vàng óng và mùi thơm vô cùng. Nhắp một ngụm trà, khẽ một tí bánh, cà kê đủ
chuyện trên trời dưới đất trông cũng có vẻ phong lưu nhàn tản và thanh cao
thoát tục lắm.
Đến với chị Chi có cái thú vị là được hưởng một không khí thân mật,
thoải mái như đang ngồi trong nhà của mình; điều thích nữa là không bao giờ
phải bận tâm đến chuyện tiền bạc gì cả; muốn đến lúc nào cứ việc đến, không có
tiền thì chỉ cần ngồi cười cười, chị Chi sẽ nói giùm cho bạn điều bạn khó nói:
“Cuối tháng chưa lãnh măng-đa phải không? Uống gì nói chị lấy”. Chưa hết đâu,
khi đã thân, đã thành “bạn của chị Chi”, hai lần mỗi năm vào khoảng trước Giáng
Sinh và hăm ba ông táo về trời bạn sẽ được chị Chi kêu “đến chị chơi”. Đến chị
chơi có nghĩa là đến uống trà mà không phải trả tiền và nếu gặp lúc chị Chi vui
và khoẻ, “chơi” còn có nghĩa là có bánh bèo tôm chấy hay bánh hỏi thịt nướng
kèm thêm nữa.
Khách của chị Chi không đông, giá nước ở chị Chi không đắt vì vậy chắc
chắn chị Chi không sống bằng “cửa tiệm”. Chị bán cho vui, bán mà như kêu anh em
góp chút tiền cho chị để chị nấu giùm chút nước uống cho vui. Mà quả tình ở chỗ
chị Chi vui thật, vui vì những đậm đà tình nghĩa. Hồi đó chị Chi đã khá lớn
tuổi, bây giờ chị đã lìa xa chúng ta (mà nếu còn cũng không còn đủ sức để nấu
nước giùm cho ai được nữa). Quán chị Chi đã biến tướng ít nhiều nhưng dù sao
cũng xin cảm ơn chị và xin đại diện cho những anh chị em đã từng ngồi quán chị
Chi bày tỏ lòng tiếc nhớ đến chị và đến những ngày khó quên cũ. Tôi nghĩ anh
chị em cũng không hẹp lòng gì mà không cho tôi nói lời đại diện này. Cuộc
đời chúng ta đẹp vì những niềm vui nho nhỏ không tên; Sài Gòn của chúng ta đáng
nhớ vì những dễ thương nho nhỏ không tên. Chị Chi, chị đã cho chúng tôi
những niềm vui ấy; chị đã góp cho Sài Gòn một phần của cái dễ thương ấy. Cảm ơn
chị và cà phê sánh đặc rất ngon của chị trong mùa hè đỏ lửa và lệnh tổng động
viên.
Những năm cuối thập niên 60, Sài Gòn có mở thêm nhiều quán cà phê mới,
những quán sau này thường được trang hoàng công phu hơn, có hệ thống âm thanh
tối tân hơn và nhất là quán nào cũng chọn một cái tên rất đẹp, phần lớn là dựa
theo tên những bản nhạc nổi tiếng: Cà phê Hạ Trắng, Lệ Đá, Diễm Xưa, Hương Xưa,
Hoàng Thị, Biển Nhớ, Hoài Cảm, Da Vàng… Tuy nhiên, ở một con đường nhỏ – hình
như là Đào Duy Từ – gần sân vận động Cộng Hòa có một quán cà phê không theo
khuôn mẫu này. Nó mang một cái tên rất lạ: Quán Đa La. Đa La là Đà Lạt, quán
của chị em cô sinh viên Chính Trị Kinh Doanh, có lẽ vừa từ giã thác Cam Ly, hồ
Than Thở để về Sài Gòn học năm cuối tại nhà sách Xuân Thu hay sao đó, mở ra.
Trường kinh doanh quả là khéo đào tạo ra những môn sinh giỏi kinh doanh:
Tin mấy cô sinh viên mở quán thật tình là không được chính thức loan báo ở đâu
cả; tuy nhiên, cứ úp úp mở mở như vậy mà tốt, nó được phóng lớn, lan xa, tạo ấn
tượng mạnh và quán được chờ đón với những trân trọng đặc biệt, những náo nức
đặc biệt. Những cô chủ chắc có máu văn nghệ, đã cố gắng mang cái hơi hướm của
núi rừng Đà Lạt về Sài Gòn: Những giò lan, những giỏ gùi sơn nữ, những cung tên
chiến sĩ đã tạo cho quán một dáng vẻ ngồ ngộ, dễ thương; rồi những đôn ghế,
những thớt bàn được cưa từ những cây cổ thụ u nần, mang vẻ rừng núi, cổ sơ đã
giúp cho Đa La mang sắc thái rất… Đa La.
Ngày khai trương, Đa La đã mời được Linh mục Viện trưởng Viện Đại học Đà
Lạt đến dự và đã chuẩn bị một chương trình văn nghệ hết sức rôm rả với những
bản nhạc “nhức nhối” của Lê Uyên Phương, Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà… Chừng đó
là đủ chết người ta rồi, dân Đại Học Xá kéo qua, dưới Sư Phạm, Khoa Học lên; Y
Khoa; Phú Thọ xuống; cả Petrus Ký, Chu Văn An nữa là đủ bộ, quanh quanh khu Ngã
Sáu chấm Đa La và dồn tới. Những ngày đó Đa La đông vui lắm, nó trở thành một
chốn tụ tập hết sức văn nghệ; nó đã chứng kiến sự nở hoa của nhiều mối tình và
cũng chia xẻ sự héo tàn của nhiều mối tình khác, nó có thể tiếp tục buồn vui
với những người bạn trẻ như thế nếu như đất nước không có những đột biến to tát
làm thay đổi rất nhiều nhịp sống chung và tác động sâu xa đến suy nghĩ và hành
động của từng con người.
Đa La vắng dần những người khách cũ, lưa thưa có thêm những người mới
với dáng vẻ ủ dột trầm ngâm hơn. Đa La lần lượt nhận được tin tức về nhiều
người bạn cũ không bao giờ còn trở về; Đa La tiếp tục có thêm nhiều buổi cà phê
cuối cùng để tiễn những người đến lượt ra đi. Đa La còn đến lúc nào? Đóng
cửa bao giờ tôi không biết, có điều là đã có thời Đa La giống như một tri kỷ
của nhiều người, nó cũng buồn, cũng vui, cũng hy vọng, cũng rã rời, cũng phấn
chấn, cũng mệt mỏi, cũng khóc, cũng cười, cũng muốn ngoan ngoãn xây dựng, cũng
thích tung trời phá phách, cũng tỉnh, cũng điên, nói chung là nó chung chịu với
bạn bè những tháng ngày nhiều chuyện, dễ thương lắm và đáng nhớ lắm, một chút
Sài Gòn.
Cà phê Hân ở Đinh Tiên Hoàng Đa Kao là quán thuộc loại sang trọng. Khách
phần lớn ở lớp trung niên và đa số thuộc thành phần trung lưu, trí thức. Bàn
ghế ở đây đều cao, tạo cho khách một tư thế ngồi ngay ngắn, nghiêm chỉnh và bàn
nào cũng có đặt sẵn những tạp chí Pháp ngữ số phát hành mới nhất. Câu chuyện ở
Hân chắc là quan trọng lắm, lớn lắm; nhìn cái cách người ta ăn mặc; trông cái
vẻ người ta thể hiện là biết ngay chứ gì; có lẽ cả thời sự chính trị, kinh tế
tài chánh, văn chương, triết học đều có cả ở đây. Một chỗ như vậy tốt lắm, đáng
trân trọng lắm chứ; tuy nhiên, dường như có một chút gì rất xa, rất lạ với một
dân ngoại đạo cà phê.
Hân vốn tự nó là một nơi chốn hết sức đáng yêu và chắc chắn là một nơi
chốn rất đáng nhớ của nhiều người, dù ngồi quầy là một ông già đeo kính như
bước ra từ một câu chuyện của văn hào Nga Chekov. Về sau, ở đối diện với Hân
người ta mở thêm quán cà phê Duyên Anh của hai chị em cô Hà, cô Thanh; cô em
xinh hơn cô chị và được nhiều chàng trồng cây si (không biết nơi này có liên
quan gì với nhà văn Duyên Anh hay chỉ là tên đặt bởi một người chủ ái mộ nhà
văn này). Quán này cũng là nơi đóng đô của một người bạn tôi, một kẻ si tình
thoát ra từ Tự Lực Văn Đoàn duy nhất còn lại của thế kỷ 20 với tình yêu đơn
phương dành cho cô em.
Hai tiệm cà phê, một sang trọng chững chạc, một trẻ trung sinh động, cả
hai đã trở thành một điểm hẹn, một đích tới mà khi nhắc đến chắc nhiều anh chị
em ở trường Văn Khoa, trường Dược, trường Nông Lâm Súc (Trung Tâm Quốc gia Nông
Nghiệp rồi Học viện Quốc gia Nông nghiệp saa này) ngay góc Hồng Thập Tự – Cường
Để còn nhớ, cũng như nhớ món bánh cuốn ở đình Tây Hồ bên trong chợ Đa Kao thờ
cụ Phan, nhớ quán cơm lúc lắc trong một con hẻm nhỏ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm mà
nữ sinh viên vừa đi vừa run khi được mấy chàng mời cơm.
Quán cơm ghi sổ bên hông trường và trong con hẻm trại gia binh gần nhà
thờ Mạc-Ti-Nho (bà chủ người Huế rất nhân hậu và hiểu cho sinh viên xa nhà. Bạn
có thể ghi sổ hai, ba tháng ở đây mà không sợ bị nắm áo. Trong số ghi sổ kinh
niên có tôi và Lê Quang. Có lúc đói quá hai thằng bỏ ngang tiết học để đi ăn
cơm lúc… 10 giờ sáng). Rồi cả quán cơm sinh viên trong sân Hoa Lư khi đã “viêm
màng túi” (từ thường dùng bây giờ). Có tiền kha khá thì ăn cơm thố ở đường Phan
Đình Phùng gần Bàn Cờ, rất ngon và lạ.
Bạn nào muốn gặp các nhà văn nhà thơ, muốn nhìn họ ngậm ống vố, đeo
kiếng cận nói chuyện văn chương thì mời đến quán Cái Chùa, anh em nào muốn có
không khí trẻ trung đầm ấm mời đến Hầm Gió; anh em nào muốn có chỗ riêng tư tâm
sự thì cứ theo đường Nguyễn Văn Học chạy tuốt lên Gò Vấp, vào quán Hương Xưa, ở
đó có vườn cây đẹp, các cô chủ đẹp và cái cách người ta đối đãi với nhau cũng
rất đẹp.
Cũng đừng quên nhắc đến quán Chiêu, hẻm Cao Thắng, rồi còn cà phê hàng
me Nguyễn Du, bên hông Tổng cục Thực phẩm (một cơ quan tự trị – như Tổng cục
gia cư – nơi tôi vào làm việc với lương tháng hơn 40,000 đồng trước khi chuyển
qua Tổng cục Thủy nông ở chân cầu Thị Nghè), cũng Beatles với Don’t let me down, cũng Elvis Presley như ai; và
cả pha chút Adamo quyến rũ. Vợ tôi có cô bạn Nina với quán Nina gần ngã ba, giá
cao gấp rưỡi những quán bình dân gần hãng Shell nhưng so với Pole Nord hay La
Pagode thì chỉ bằng 1/4 là cùng. Dần dần cà phê Nguyễn Du kéo tận đến bên hông
trường đạo gần Nhà thờ Đức Bà, bản doanh của các luật sư; và kéo đến sát hông
Thư viện Quốc gia.
Chán cà phê thì đi ăn nghêu sò, bò bía, ăn kem trên đường Nguyễn Tri
Phương, góc Minh Mạng hoặc bên hông chợ Tân Định. Phá lấu đã có góc Pasteur-Lê
Lợi, nhưng chỉ dành cho các bạn có tiền. Rủng rỉnh tí xu dạy kèm cuối tháng có
Mai Hương hay Chiêu ở Cao Thắng. Quán Mù U, hẻm Võ Tánh, chỗ thương binh chiếm
đất ở gần Ngã tư Bảy Hiền dành cho những bạn muốn mờ mờ ảo ảo. Muốn thưởng thức
túp lều tranh mời đến cà phê dựa tường Nguyễn Trung Ngạn gần dòng Kín, đường
Cường Để. Rồi quán cà phê Lú ở chợ Thị Nghè của một tay họa sĩ tên Vị Ý. Cao
cấp hơn có La Pagode, Brodard.
*****
Thích xem phim Pháp xưa, phim Mỹ xưa và ngồi… cả ngày xin mời vào rạp
Vĩnh Lợi trên đường Lê Lợi để chung vai với đám đồng tính. Vào Casino Sài Gòn
có thể vào luôn hẻm bên cạnh ăn cơm trưa rất ngon tại một quầy tôi đã quên tên.
Nhưng rạp Rex vẫn là nơi chọn lựa nhiều nhất của SV, cả nghèo lẫn giàu. Người
chịu tiền vé xem phim, người chịu tiền cà phê, cuộc sống SV cứ chia sẻ như thế
mà đi tới vô định. Nghèo nhưng vui và mơ mộng tới trời. Tống Biệt hành, Đôi mắt người Sơn Tây sống chung
với Cô hái mơ. Đại bác ru đêm sánh
vai với Thu vàng. Ảo vọng và thực tế lẫn vào nhau. Thi thoảng
lại pha thêm chút Tội ác Hình phạt, Zara đã nói như thế,
Che Guervara, Garcia Lorca… nhưng định hướng vẫn mịt mờ, vô định, không thấy
đâu là đường. Cứ ngỡ mở mắt dậy sẽ thành anh hùng nhưng lại không có ngày mai.
Trong tâm trạng đó SV nào chả có một lần ghé Ngã ba Chú ía hay Ngã năm
Chuồng chó để biết mùi đàn bà? Và rồi kết thúc tại Trung tâm Da liễu Hồ Xuân
Hương nếu thiếu may mắn. Nhưng không sao, sinh viên mà! “Cõi trên” một chút,
tâm thần một chút, lập dị một chút, đói (giả hay thật) một chút, “thầy tu” một
chút, du đãng một chút và cả ở bẩn một chút, thì mới là sinh viên. Tất cả
những gì tôi nhắc tới là một chút ngày cũ, một chút cảnh xưa, một phần hơi thở
và nhịp sống của Sài Gòn trong trí nhớ. Xin tặng anh, tặng chị, tặng em, đặc
biệt là tặng tất cả những ai tha hương có lúc bỗng bàng hoàng nhận thấy, dường
như một nửa trái tim mình còn đang bay lơ lửng ở cà phê Hồng, Duyên Anh, hay
đâu đó ở quê nhà…
Lương Thái Sỹ & An Dân
Sài
Gòn, Tháng Tám 2021
(Kỷ niệm những năm ở cư xá HỌC VIỆN QUỐC GIA NÔNG NGHIỆP SÀI GÒN trước
1974)
Nguồn: https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/sai-gon-muon-neo/sai-gon-mot-thuo-uong-moi-em-ngot/
No comments:
Post a Comment