CUỐI NĂM, MỘT ĐỜI, MỘT NGƯỜI...
Trong năm qua, tôi có gặp lại người đã về hưu từ mấy năm trước. Tay bắt mặt mừng
giữa chợ vì thường đâu gặp lại những người đã về hưu, hơn nữa chị là người Việt
nên tình nghĩa đậm đà hơn sự xã giao đơn thuần với đồng nghiệp thuộc những dân
tộc khác. Chị đã về hưu năm bảy mươi tuổi, và đã ba năm rồi mới gặp lại chị hôm
trước Giáng sinh.
Những lời thăm hỏi không phải nghĩ suy nhiều cũng nói ra được trong đời sống
văn minh, nhưng những gì lắng đọng lại không dễ tiêu hoá…
“Chị đã ráng hết sức mới chịu về hưu năm bảy mươi tuổi, nên chỉ hơn năm sau là
chị phải vô Viện dưỡng lão rồi em, khi không còn trông cháu nổi nữa, nấu ăn thì
quên muối quên đường hay cho muối hai lần, đến quên tắt bếp thì con chị không
cho chị nấu nữa; đến sinh hoạt hàng ngày cũng không còn có thể tự xoay xở, mà
con gái chị thì vừa làm việc bận rộn, vừa phải chăm sóc hai đứa cháu ngoại của
chị. Nó còn đâu thời giờ để quan tâm đến chị, chị không có chọn lựa khác…”
“Nhưng chị sống ở Viện dưỡng lão có thoải mái không?”
“Không tệ. Một mình chị một phòng sạch sẽ, tiện nghi đơn giản nhưng đủ xài, các
phương tiện giải trí cũng nhiều, thức ăn tương đối ngon miệng, phục vụ chu đáo,
cảnh quan cũng khá…”
“Được như chị nói thì tiền già, tiền hưu của chị có đủ trang trải không?”
“Không đủ em ơi! Con cái phụ thêm thì chị không muốn vì con cái trưởng thành
thì còn con dâu, con rể nữa! Nhưng chị chuyển đổi đến Viện dưỡng lão rẻ tiền
hơn cho phù hợp thì sống không nổi, đổ bệnh tưởng chết…”
“Vậy chị tính sao?”
“Chị còn nhà riêng của chị. Hồi ông xã chị mất có nói, bà ráng giữ lấy căn nhà
để bán đi khi bà phải vô Viện dưỡng lão vì tiền hưu, tiền già không đủ trang trải
đâu! Nên chị mới bán căn nhà để đắp đỗi tới đâu hay tới đó! Chị cũng mừng được
con cái thông cảm. Các con chị nói: Tài sản của mẹ thì mẹ sử dụng, không cần lo
cho tụi con. Nên số tiền bán nhà chị định chia cho con cháu, nhưng hoàn cảnh chị
bây giờ phải giữ lấy để độ thân…”
“Thôi vậy cũng ổn cho chị về tài chánh. Nhưng mấy năm nay chị mạnh khoẻ chứ hả?”
“Trời độ, chị không bệnh vặt, chỉ lú lẫn đi nhiều. Lú lẫn thì đã có người lo
cho mình từ chuyện ăn tới đi ngủ, chỉ buồn lúc tỉnh táo thôi em…”
“Rồi ai thì cũng vậy ở xứ này. Chị hơi đâu buồn cho tổn hại sức khoẻ. Sống ngày
nào vui ngày nấy đi. Chị thích ăn gì cứ ăn, thích đi chơi đâu cứ đi… Hơi đâu buồn!”
“Nói vậy thì đúng, nhưng làm được mới khó! Đã bao nhiêu năm sống trong nhà
không thiếu thứ gì, dù không có thứ gì giá trị nhưng mỗi thứ đều có kỷ niệm. Mọi
ngăn kéo đều đầy ắp đồ dùng còn chưa xài tới, quần áo bốn mùa không nhớ hết. Chị
lại hay mua rồi cất giấu nhiều thứ linh tinh mà hồi còn trẻ nhỏ ham thích nhưng
không có tiền mua như cái kẹp tóc đẹp, cái nơ màu hồng, mấy hòn đá cuội vớ vẩn…
Đặc biệt là sách của ông xã chị, cả một phòng sách.
Phần chị còn nguyên bộ dao, bộ nồi chưa xài mà vợ chồng chị tha từ bên Đức về Mỹ
vì chị mê đồ nhà bếp của Đức. Chỉ tiếc là để dành mà không nấu được một bữa ăn
cho ông xã chị để trả ơn ổng bưng bê cực khổ khi chuyển máy bay bên Anh, phải
nhận hành lý lại… Hôm bán nhà, chị bệnh luôn vì nhìn nồi niêu xoong chảo, tôm
khô mắm muối, đủ loại gia vị xài dở dang mà thương ông xã chị đi làm miết tới
chết, chị cũng đi làm miết, không có thời giờ nấu cho ổng ăn. Bây giờ bỏ hết! Tới
hình ảnh gia đình trên tường, trên tủ lạnh cũng bỏ luôn, chị phát rầu mà sinh bệnh…”
“Em chưa nghĩ đến những điều chị vừa kể. Nhưng em thấy đến sinh mạng mình rồi
cũng phải giã từ, nên đã từ lâu em chỉ nhận quà tặng là những gì ăn được, uống
được, để không phải cất giữ cho vấn vương. Con em mua cho em áo lạnh, đôi giày…
em đều nói đem trả. Mua cho em chai rượu vang ngon, miếng cheese ngon thì em cảm
ơn. Chị đừng nặng lòng với kỷ vật nữa vì chúng ta đến tay trắng nên khi về cũng
tay không! Chị hiểu ý em mà?”
“Đàn ông mau quên chứ đàn bà đâu dễ đâu em. Viện dưỡng lão chỉ có một gian
phòng, một cái tủ, một cái bàn, một giường ngủ, một ghế sô pha, một tủ lạnh, một
tivi… không có chỗ để lưu giữ kỷ vật thì tiền già, tiền hưu mình đã không đủ trả
hằng tháng rồi! Thật ra chị cũng cảm nhận được tất cả là dư thừa, nồi niêu sẽ
không dùng đến nữa, kỷ vật cũng không giữ được hoài vì căn nguyên chúng không
thuộc về mình. Đời người cuối cùng chị mới hiểu chẳng qua là nhìn một cái, chơi
một chút, xài một lát rồi thôi! Tất cả thuộc về thế giới này để mọi sinh mệnh
lướt qua một lần cho biết rồi thôi. Ngai vàng không chôn theo hoàng đế dù ông ấy
chinh chiến, sống chết mới có được. Tỷ phú muốn cho hết gia tài trước khi chết
vì hiểu ra tiền của trên thế gian cũng không phải của mình… Ai cũng chẳng qua
là nhìn một cái, chơi một chút, dùng một lát, sinh không mang đến, chết không
mang đi. Chị hiểu được tích đức làm việc thiện lưu lại phúc đức cho con cháu là
điều quan trọng nhất thì cả đời người lại chú tâm, gắng sức tích lũy của cải…”
“Thì ra mấy năm nay không phải thức dậy theo cái đồng hồ báo thức nên chị đọc
sách nhiều hả. Lú lẫn khi tuổi già kể ra là điều tốt đó chị vì già rồi mà nhớ
nhiều quá chỉ khổ cho mình.”
“Hiểu biết là một chuyện, nhưng từ cây kim sợi chỉ cũng phải nai lưng đi làm mới
có tiền mua. Rồi bỗng nhiên bỏ hết, không dễ đâu em! Bao nhiêu đồ đạc của chị
hôm bán nhà, chị thật lòng muốn đem hiến tặng, nhưng lại không nỡ. Phải tính
sao đã trở thành vấn đề khó khăn, con cháu lại chẳng dùng được bao nhiêu. Chị
tưởng tượng, lúc con cháu mình tiếp nhận những bảo bối mà chị đã khổ tâm tích
lũy thì sao: Quần áo chăn nệm toàn bộ đều vứt đi, hơn chục cuốn album quý báu bị
đốt bỏ, sách bị coi như đồ thừa đem bán rẻ hay cho đi, đồ cất giữ không có hứng
thú sẽ bị dọn sạch, đồ gỗ qúy trong nhà không dùng đến cũng sẽ bán rẻ cho ai cần…
Giống như phần cuối Hồng Lâu Mộng mà chị thấm thiá… Chỉ còn lại trắng xóa một mảnh,
thật sạch sẽ!
Nên hôm chị đứng nhìn đống quần áo như núi, chỉ lấy vài bộ thích mặc, đồ dùng
nhà bếp chị chỉ sờ qua nồi niêu chén bát lần cuối. Sách chọn lấy vài cuốn chưa
đọc, ấm trà của ông xã chị nhiều lắm, nhưng chị lấy một cái thôi để uống trà
khi nhớ tới ông ấy chứ chị đâu uống trà thường. Chị mang theo giấy tờ cần thiết
là đủ rồi! Chị đi từ biệt mấy người hàng xóm. Nhìn lại ngôi nhà mà vợ chồng chị
đã đổ mồ hôi sôi nước mắt để có được, nhưng nó thuộc về không phải của mình nên
trả lại cuộc đời. Không tiếc nữa đâu em, thậm chí cảm ơn cuộc đời đã cho mượn
ngôi nhà để trú thân mà đi làm, nuôi con…
Cuối cùng chị cũng hiểu được người ta chỉ có thể ngủ một giường, ở một
gian phòng, dù nhiều hơn nữa cũng chỉ để nhìn chơi. Thì ra sống ở trên đời
không cần quá nhiều, đừng quá coi trọng của cải vì tất cả đều phải trả lại cho
cuộc đời này! Nên chị đọc nhiều sách, khi có thể thì về nhà chơi với con cháu
trước lúc mình đi xa…
Như lần này chị về nhà con chơi, chị còn đi chợ một mình được nè! Nhưng
chị về chơi trước lễ cuối năm để gia đình nó có thể đi chơi xa vào dịp lễ mà
không kẹt bà ngoại đi theo thì theo không nổi mà ở nhà thì cản trở tụi nó cũng
phải ở nhà với bà ngoại. Chị thấy vui khi nhớ lại hồi còn trẻ, vợ chồng đi làm
miết, chỉ mong nghỉ lễ để đưa mấy đứa con nhỏ đi chơi xa. Chị không muốn mình cản
trở mấy đứa cháu ngoại vì bà ngoại mà không được đi tắm biển trong mùa đông ở
những xứ nóng; con cái chị còn trẻ thì vợ chồng cũng đáng được thụ hưởng chút
riêng tư hơn là cứ phải chăm sóc cho cha mẹ già…”
“Được như chị thì hay quá! Chị nuôi con lúc nhỏ, nhưng khi con chị lớn khôn thì
chị lại cho con sự thông cảm còn qúy hơn tuổi nhỏ đủ đầy…
Chúc chị mùa lễ này thật bình an trong tâm tưởng. Em rất vui được gặp lại chị.
Cảm ơn chị đã cho quà em trong mùa lễ là chia sẻ những tâm tư tình cảm của chị
khi chị đã về hưu. Em sẽ nhớ lời chị hôm nay, cuộc đời chẳng qua chỉ để nhìn một
cái, chơi một chút, dùng một lát… rồi trả lại hết cho thế gian này.
Em chào chị. Chúc chị mùa lễ bình an và mong gặp lại chị…”
Không đề tên tác giả
Người chuyển bài – PPH - AUS
No comments:
Post a Comment