Đi Thực Tế Miền Nam Mới
“Giải Phóng”
Đi Thăm… Giàu Hỏi… Sướng!
Tớ lợi dụng một loạt entries sau đây để giải đáp một
số câu hỏi đặt ra về những vấn đề so sánh văn nghệ giữa hai miền mà người đọc
chưa rõ, về sự đánh giá chưa chính xác của tớ về sự khác biệt giữa hai miền
trong lãnh vực âm nhạc, về cái “gu” thẩm mỹ “không thể thống nhất”….vv..vv.. Vì
thế, nếu có dông dài…các friends chịu khó đọc nhé. Blog chứ có phải viết tiểu
thuyết, hồi ký, hồi kiếc,…gì đâu!
Có một điều cơ bản nhất của chủ trương “đi thực tế
sáng tác” mà các nhà lãnh đạo văn nghệ vô sản không tính đến: Đó là những phản
tác dụng mà bọn tớ còn gọi là “phản ứng ngược” mà rất nhiều những Thực Tế Thật
(vérité vraie) đã vả vào mặt anh em văn nghệ những cái tát tỉnh người! Đó là
những thực tế không giống hoặc hoàn toàn trái ngược với thực tế mà các vị ngồi
một chỗ, tưởng tượng ra qua các báo cáo.. láo!
Khỏi nói đến Cải Cách Ruộng Đất, đi thực tế để viết
được ra một sự thật nhỏ (rất nhỏ) như “Ba Người Khác”của Tô Hoài, hoặc như bài
thơ như “Tôi? Ai?, “Bánh Vẽ”, “Trừ Đi” của Chế Lan Viên hoặc như “Nỗi Buồn
Chiến Tranh”, “Mảnh Đất Lắm Người Nhiều Ma” thì có lẽ các nhà chủ trương “xua”
văn nghệ sĩ đi về với công nông sẽ… ra lệnh stop liền! Buồn thay, chỉ vì …”sợ”
(chữ của cụ Nguyễn Tuân) nên những thực tế thật đó đều phải chờ cả gần nửa thế
kỷ mới được phản ảnh thật (tuy chưa đến lúc thật 100%) lên giấy trắng mực đen…
Riêng tớ thì đã có lần viết một entry khá dài “Vì
sao tớ mất cái mẩu hạnh phúc cỏn con” được nhiều người comment, được nhiều blog
copy, được đăng lại trên cả những website của nước ngoài và cả trên “ngôi sao
net” nữa! Chính cái thực tế gớm ghiếc của Cải Cách Ruộng Đất và của cuộc chiến
ghê rợn trên đường Trường Sơn đã làm tớ không sao tiếp tục viết láo, viết để
“hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” được nữa mà chỉ viết những gì rung động của trái
tim mình. Thế rồi nào các phong trào xây dựng hợp tác xã cấp cao, nào “sóng
duyên hải”, “gió đại phong”, “cờ ba nhất”, rồi “cải tạo tư sản”… Tất cả đều
được động viên đi vào thực tế, nắm bắt thực tế để có những tác phẩm “xứng tầm
thời đại”… Nhưng hôm nay đây, có ai in lại “Mùa Lạc” hay “Hòa Vang” của Nguyễn
Khải, “Cái Sân Gạch” của Đào Vũ, hát lại “Miền Nam Đau Thương Và Anh Dũng”,
“Không Cho Chúng Nó Thoát”, “Tiến Về Sài gòn”…? Lịch sử đã chôn vùi hết những
gì là văn nghệ phi nhân bản mà chính các tác giả của nó cũng phủ nhận và nhận
“tội” lúc cuối đời như Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi và rồi đây theo tớ được
biết, sẽ còn nhiều người nữa viết nhiều sự thật. THẬT như những câu: “Ai chịu
trách nhiệm về 2.000 người đó/Tôi! Tôi người viết những câu thơ cổ võ/Ca tụng
người không tiếc mạng mình trong mọi cuộc xung phong/….Ai chịu trách nhiệm
vậy?/Lại chính tôi/Người lính kia cần một câu thơ giải đáp về đời/Tôi ú ớ…-(xem
toàn bài thơ trên entry nói trên). Và tớ tin hoàn toàn vào những gì mà các bạn
trẻ hôm nay và mai sau sẽ còn được đọc nhiều “những trang đời” rất thật của
nhiều tác giả khác nữa sau này… trong đó có tớ! Tóm lại là, như tớ đã viết
trong một entry, văn nghệ sỹ miền Bắc chúng tớ, so với anh em ở miền Nam
thì…thua đứt đi cái Tự Do Sáng Tác! Họ không phải viết theo yêu cầu của một
cơ quan, đảng phái hay một tổ chức, nhà nước nào, không ăn lương của ai để làm
văn nghệ! (tất nhiên không thể tránh được cũng có một số nào đó dùng văn nghệ
để kiếm chác tí chính trị). Nhưng phải khẳng định là họ tự do, tự do và tự
do… kể cả tự do làm… hại cái chính thể mà họ đang phải sống! Có người còn mang
tiếng “ăn cơm Quốc Gia thờ ma Cộng Sản!?” (tội nghiệp Trịnh công Sơn, cho
đến nay vẫn bị gán là “Đặc Công Đỏ” mà chết rồi vẫn chưa được Đỏ tặng cho một
danh hiệu, một giải thưởng gì so với các nghệ sĩ cải lương Phùng Há, Diệp Lang,
Bạch Tuyết!)! Cái thứ quý nhất trên đời đối với người nghệ sĩ là Tự Do, tớ sẽ
kể dần dần trong những lần bọn tớ tiếp xúc với anh em “tại chỗ”! Vì thế một
loạt entries sau này có cái tên chung là “Thăm giầu hỏi…sướng”!! Và cũng chính
vì những cái thực tế hiện hữu ở khắp nơi đang diễn ra trên khắp các ruộng đồng,
nhà máy hiên nay ở cả hai miền đất nước mà gần đây, chẳng thấy mấy đoàn văn
nghệ sĩ được tổ chức đi thực tế sáng tác như xưa nữa. Thậm chí, càng mong các
nhà “kỹ sư tâm hồn” càng tránh xa thực tế càng… tốt! Dẫn chứng gần đây nhất là
nhà báo, (có thẻ đàng hoàng) Tùng Quang của báo Đại Đoàn Kết đi thực tế viết
bài ở Quân Khu 2, đã không những không được mời mọc, chiêu đãi như xưa còn bị
chính quyền hạng bét nhất ở địa phương tịch thu luôn cả phương tiện hành nghề,
câu lưu tại chỗ !!?! Phải chăng thực tế THẬT đã khiến cho những người đang nhân
danh cách mạng làm những điều hoàn toàn trái ngược với luật pháp, chẳng coi
người cầm bút là cái… cục phân gì? Thôi! Bỏ đi mấy cái chuyện nhức đầu thường
ngày ở phường, ở quận,… trở lại với “chuyện xưa” để đọc mà …ngẫm nghĩ cái sự
đời “Xưa Sai Nay Đúng, Xưa Đúng nay Sai”, nó đã “làm loạn” trong đầu biết bao
người như tớ!
Thế là….sau khi dẹp tiệm “Nhà Xuất Bản Âm Nhạc Giải
Phóng”, tiện có đoàn nhạc sĩ của Trung Ương do Chủ Tịch Nguyễn Xuân Khoát và
Tổng Thư Ký Huy Du vào, tớ có dịp nhập bọn đi thực tế miền Nam, đi sâu vào từng
gia đình, họ hàng bà con, bạn bè cũ, mới. Tớ đi ra tận đất mũi Cà Mâu, ăn dầm
nằm dề cả tháng ở đồng bằng sông Cửu Long… Và đi đâu tớ đều thấy cái THỰC TẾ
RÀNH RÀNH là miền Nam sướng gấp trăm lần miền Bắc, dù tiếng súng chỉ mới im
lặng sau miền Bắc có hơn 2 năm trời (chỉ tính từ khi Mỹ ngừng ném bom miền
Bắc). Hàng hóa, thực phẩm từ nông thôn đến thành thị, đâu đâu cũng thấy thừa
mứa, rẻ rề. Trong khi ở miền Bắc, miếng đậu phụ, lạng thịt cũng phải có phiếu
thì ở miền Nam, bác ngư dân, Hai Tường, ở Cà Mâu có thể ngồi tại nhà quờ tay xuống
nước vớt lên cả một cần xé cá, tôm đang còn giãy đành đạch, chiêu đãi đoàn nhạc
sĩ cánh tớ nhậu suốt một ngày! Buồn cười Huy Du, có tiếng là thật thà còn hỏi
nhỏ bác chủ nhà: “Ba bữa nhậu ngày, một bữa cháo rắn hổ mang đêm, thế này, có
làm bác tốn kém lắm không”? Bác ta cười ha hả trả lời “Tôm cá dưới sông, rắn
nằm trong bụi, có mất tiền mua đâu mà tốn với kém!”. Nói rồi, bác cầm bao
“555”, rút một điếu, xé giấy, vứt đầu lọc, nhồi thuốc vào… nõ điếu thuốc lào,
rít một hơi dài, rồi nói thêm trong khói thuốc: “Các chú thế là chưa biết gì về
miệt Cà Mâu này rồi! Chim trên trời, cá tôm dưới nước, thiên nhiên này nuôi
sống chúng tôi bao đời nay! Chẳng lo phải thiếu miếng ăn đâu mấy chú ạ! Bây giờ
hòa bình rồi, tha hồ mà đi khơi, đi lộng, chẳng lo tên bay đạn lạc, lo tàu Hải
Quân xục sạo tìm Việt Cộng, cản trở làm ăn, thế là sướng rồi! Nào! nhậu đi mấy
chú! “Thế đấy, một người ngư dân bình thường đã “tuyên truyền” về cái sướng
vật chất (và có lẽ cả tinh thần?) hơn hẳn của miền Nam bị “kìm kẹp”, cho chúng
tớ quá đơn giản nhưng cực kỳ… thuyết phục! Tớ không đến nỗi bất ngờ mà phải
“ngồi xuống vệ đường mà khóc vì thấy mình bị đánh lừa” như Dương Thu Hương.
Trái lại tớ lo, lo cho tương lai của bác ngư dân này khi “bị” vào hợp tác xã,
phải bán sản phẩm cho Mậu Dịch, phải cấm cả miệng mình ăn một con tôm do chính
tay mình câu lên, (một trong những điều cấm của các hợp tác xã đánh bắt thủy
hải sản ở Đồ Sơn, ở Cát Bà, Cát Hải mà Sở Thủy Sản Hải Phòng đã tổ chức cho một
đoàn nhạc sĩ chúng tớ đi thực tế để …trái tim thấy nhiều lần nhói lên về cái
thực tế phũ phàng này!). Trên đường về, trên xe, một trong những đề tài thường
được chúng tớ tranh luận là: Miền Nam có thể nào đi theo con đường tiến lên
XHCN kiểu miền Bắc không? Và gần như ai cũng nhận thức được “cái mảnh đất giầu
có trời cho”, cái con người miền Nam sống tự do như dân vùng Cà Mâu này khó có
thể chịu cái cảnh sống của ngư dân Đồ Sơn, Cát Hải được!
Trở về thành phố, lại lang thang đi khắp chợ Bến
Thành, đường Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Huỳnh Thúc Kháng, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ…anh
nào anh nấy đều ù tai, hoa mắt về những hàng hóa, về những câu chào hỏi “1 đồng
(tiền mới) một mét mua dzô!”. Còn vào đên Chợ lớn thì …cứ như …lạc sang Tầu!
Đặc biệt ngon và rẻ thì có lẽ không anh nào đã được hưởng cái thú ăn cơm Tầu
như ở đây! Huy Du, 5 năm học bên Tầu cũng chưa bao giờ được hưởng những món
sang trọng mà lại rẻ rề đến thế! Bữa ăn có cả bào ngư, kim tiền kê mà đứng lên
trả tiền, 4 vị chỉ mất có 4 đồng rưỡi!… Một giấc mơ? Một ảo giác? Không, thực
sự là như vậy! Tuy nhiên, đêm đó tại căn hộ của tớ cũng nổ ra một cuộc tranh
luận về đề tài: Liệu “Ta” có cải tạo tư sản, có cấm buôn bán, liệu có đóng cửa
hết mọi cửa hàng ăn, các cafeteria, các bar như Rex, Givral, Maxim’s… không?
Chỉ riêng tớ là dám nói: “Sẽ cấm!” còn tất cả đều ngờ vực… Vì tớ là một anh ăn
nói liều mạng nhất nên tớ dám phát ngôn “vô trách nhiệm” là …Trong tay ông X,
ông Z thì… mười Chợ Lớn các ông ấy cũng phá tan như không! Chủ nghĩa xã hội đâu
chấp nhận cái cảnh giai cấp trung gian (tức là thương nghiệp) đâu có chấp nhận
công cụ sản xuất (nhà máy) nằm trong tay bọn tư sản!
Nhân đây cũng xin kể một chuyện vui mà có thật 100%.
Em ruột tớ, nhân có dịp các văn nghệ sĩ miền Bắc vào cũng có ý “khoe” tớ và đám
bạn bè tớ cho mấy anh em trí thức văn nghệ sĩ miền Nam, bèn tổ chức một bữa
tiệc mừng tại Biệt Thự Tĩnh Tâm của bố tớ để lại. Trong lúc Tô Hiền đang còn
dài giòng giới thiệu chưa xong thì, họa sĩ Lưu Công Nhân, bạn học của Hiền thời
kỳ Pháp thuộc, bỗng cầm cốc rượu Napoléon lên, đứng phắt dạy, ngắt lời: “Này
thôi thôi! Mời các vị nâng cốc uống mau đi, kẻo ít nữa chẳng có.. đéo gì nữa mà
tiệc với tùng đâu!!”. Cử tọa lặng người vì câu nói quá “bá láp” của cái ông họa
sĩ Cộng Sản này ! Kể ra LCN nói cũng thiếu… văn nghệ một chút nhưng những điều
anh nói ra rõ ràng là sau này trở thành sự thật (!) khi nhu yếu phẩm, từng lạng
thịt, thìa bột ngọt cũng phải chia về cơ quan, khối phố! Cũng xin nói thêm sau
này chính anh là người thứ hai, sau Dương Bích Liên xin ra Đảng và còn cười
giỡn và nói: “Tao vào Đảng sau mà lại được ra trước, khối thằng vào trước tao
mà cũng chưa được ra!”. Chuyện này trong giới văn nghệ miền Bắc còn kể cho nhau
nghe mãi về sau… khi anh đã không chịu “lệnh trục xuất” về Bắc của ông Bảy Bảo
Định Giang (*) mà sẵn sàng ra khỏi biên chế để được ở lại miền Nam làm một anh
“họa sĩ tự do” cho đến năm 2007 thì qua đời ở Đà lạt..
Thực tế ở miền Nam nó phản tỉnh vào tâm hồn con
người văn nghệ sĩ bằng nhiều cách nhưng nói chung là mọi nhân sinh quan, mọi
lập trường, quan điểm nó đảo lộn tất cả trong mọi cái đầu và trái tim của những
người đã từng làm văn nghệ minh họa (mà đại tá nhà văn Nguyễn Minh Châu đã viết
lời ai điếu). Dẫn chứng gần nhất là lời tuyên bố của nhà văn nổi tiếng là khôn,
Nguyễn Khải, trên giường bệnh lúc sắp giã từ cuộc đời được đăng trên Tuổi
Trẻ ngày 11/1/2008 là: “Miền Bắc cho tôi Độc Lập, miền Nam cho tôi Dân Chủ và
Tự Do”, “thì đủ biết THỰC TẾ MIỀN NAM đã giải phóng cái đầu và trái tim tụi tớ
như thế nào! Và… chẳng phải một mình giới văn nghệ, giới chính trị cũng
phải nhận thức ra “Không thay đổi cách nhìn, cách lãnh đạo là…nguy to! Và… “Đổi
Mới” đã ra đời…Cả hai miền đã đuợc… “cởi trói” tiến vào kinh tế thị trường
nhưng…. đang còn vướng cái đuôi…XHCN????????
*Ở miền Bắc, một số văn nghệ sĩ được “giải phóng
sáng tác” 100%, nghĩa là ăn lương của Hội nhưng không phải làm việc gì ngoài
sáng tác. Tuy nhiên, đi đâu, làm gì, kế hoạch sáng tác, sinh hoạt Đảng vẫn phải
do Đảng Đoàn quản lý. Lưu Công Nhân, Phan Huỳnh Điểu… là hai văn nghệ sĩ tuy
vào miền Nam rất sớm nhưng không thuộc bất cứ Hội nào của thành phố. Riêng LCN,
vì “quậy” quá mới có cái “lệnh trục xuất” của Đảng Đoàn Hội Liên Hiệp V.H.N.T
thành phố vô lý này…
Tô
Hải
24 tháng 3, 2008
304Đen – llttm - tvvn
No comments:
Post a Comment