Vài Mẩu Chuyện Về Cuộc Ðời HCM
Mời đọc bài
viết của một người đảng viên bỏ đảng - Sự
thật như thế nào, xin để tùy quý anh chị nhận xét.
Người viết bài này hy vọng góp thêm vài “mẩu
chuyện” vào cuốn sách “Những mẩu
chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” của Trần Zân Tiên
mà như lời giải thích miệng “từ Trên,” khi cuốn sách được xuất bản lần đầu ở
miền Bắc — “tác giả của nó là một nhà báo nổi tiếng có cơ hội được biết rõ về
thân thế của Người.” Thực ra, hồi những năm 50, đại đa số cán bộ, chứ nói
gì đến nhân dân, chưa hề nghe tên và không ai biết cái ông “nhà báo nổi tiếng”
Trần Zân Tiên, tác giả cuốn sách “bất hủ” đó, là ai cả. Chỉ có một số rất ít
cán bộ cao cấp thì thầm rỉ tai nhau về điều bí mật quốc gia : “… Chứ còn ai nữa
!”
Mãi về sau
này, qua hàng mấy thập niên, nhiều người mới ngã ngửa ra là ông tác giả “Chứ
còn ai nữa!” đó, ông Trần Zân Tiên huyền thoại kia, chính là ông Nguyễn Tất
Thành, cũng chính là ông Nguyễn Ái Quốc, và cuối cùng, cũng chính là… Ông HCM.
Thế nhưng báo chí chính thức ở Việt Nam cho đến nay vẫn tiếp tục “giấu như mèo
giấu c…” Theo tôi biết, hình như trong “thế giới” cộng sản, chỉ có hai lãnh tụ
trực tiếp tham gia vào việc “xây dựng” tiểu sử của mình để lưu danh hậu thế là
Stalin và HCM. Tôi nói “hình như” vì không biết chính xác Kim Nhật Thành đã làm
phù phép như thế nào với tiểu sử của ông ta. Nhà độc tài đẫm máu Stalin đã
không trắng trợn tự tay viết tiểu sử của mình, mà giao cho một ban của Trung
ương đảng, viết theo sự hướng dẫn của chính ông và cuối cùng ông “chỉ” hiệu
đính tiểu sử của mình trước khi cho xuất bản. Còn “một người như Hồ Chủ Tịch
của chúng ta, với đức khiêm tốn nhường ấy…” (trích sách “Những mẩu chuyện…”,
tr. 7) thì… Tự tay mình viết tiểu sử của mình để tự tôn vinh, tự đề cao chán
chê, rồi “lập lờ đánh lận con đen” đặt tên tác giả là Trần Zân Tiên. Quả là một
sự phỉ báng đối với lương tri con người !
Mặc dù thế,
tôi xin thành thật khuyên các bạn, ai đã có cuốn sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ
tịch” thì chớ vội nóng nảy vứt nó đi mà phí, trái lại,
thỉnh thoảng nên đọc lại để thấy rõ hơn bức chân dung thật của người viết ra
nó. Đó là tấm gương để đời !
Ngay từ đầu
sách, bạn gặp đoạn này : “Nhiều nhà
văn, nhà báo Việt Nam và ngoại quốc muốn viết tiểu sử của vị Chủ tịch nước Việt
Nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng mãi đến nay, chưa có người nào thành công.
Nguyên nhân rất giản đơn : Chủ tịch HCM không muốn nhắc tới thân thế của
mình“. Hay một đoạn khác : “Tôi (lời
Trần Zân Tiên huyền thoại) nói rõ mục đích của tôi. Chủ tịch chú ý nghe.
Sau khi nghe xong, Người cười và đáp : “Tiểu sử đấy là một ý kiến
hay. Nhưng hiện nay còn nhiều việc cần thiết hơn. Rất nhiều đồng bào đang đói
khổ. Sau tám mươi năm nô lệ, nước ta bị tàn phá, bây giờ chúng ta phải xây dựng
lại. Chúng ta nên làm những công việc hết sức cần kíp kia đã ! Còn tiểu sử
của tôi… Thong thả sẽ nói đến !” Thế rồi Trần Zân
Tiên (!) Kết luận : “Một người
như Hồ Chủ tịch của chúng ta, với đức khiêm tốn nhường ấy và đương lúc bề bộn
bao nhiêu công việc, làm sao có thể kể lại cho tôi nghe bình sinh của Người
được ?” (tr. 7,8,9 tùy lần XB). Hay là đoạn nói về thời
gian “khi Chủ tịch HCM còn là người thiếu niên mười lăm tuổi”, thế mà cậu bé 15
tuổi ấy đã đủ hiểu biết, đủ láo xược để phê phán cả các bậc tiền bối là những
anh hùng lịch sử vào hàng cha chú mình, như các cụ Phan Ðình Phùng, Hoàng Hoa
Thám, Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu. Hay một đoạn nữa : “Và nhân dân Việt Nam muôn người như một,
nghe theo lời Hồ Chủ tịch, vì họ hoàn toàn tin tưởng ở Hồ Chủ tịch, họ hoàn
toàn kính yêu Hồ Chủ tịch. Không có gì so sánh được lòng dân Việt Nam
kính mến tin tưởng lãnh tụ HCM. Nhiều nhà báo và nhiều bạn ngoại quốc rất lấy
làm ngạc nhiên trước lòng kính yêu của nhân dân Việt Nam đối với vị Cha
già HCM. Nhưng đối với chúng ta, người Việt Nam thì rất dễ hiểu”.
Còn nhiều,
rất nhiều “hạt ngọc châu” như thế nữa ! Nhưng thôi, nhân tiện nói qua thế, chứ
mục đích người viết bài này không phải để nói về cuốn sách “Những mẩu chuyện…”,
mà để bổ sung thêm vài nét vào bức chân dung của HCM nhân dịp tháng 5, kỷ niệm
ngày sinh “của Người,” dù biết tỏng tòng tong là cả ngày, cả tháng, cả năm sinh
“của Người” đều là “phịa” (xin cho phép tôi dùng khẩu ngữ này, có nghĩa là bịa
đặt trắng trợn), và thậm chí trong một thời gian nhiều năm, cả ngày chết “của
Người” cũng là “phịa” nốt. Cố nhiên, trong trường hợp sau, “Người” không có
lỗi. Nhưng, một con người mà ngày sinh, tháng sinh, năm sinh, cho đến ngày chết
đều là “phịa” cả, thì có gì bảo đảm là “những mẩu chuyện” tự kể về mình lới là
không “phịa”? Nhưng dẫu sao chăng nữa, tháng 5 cũng là có dịp để “tưởng nhớ tới
Người !” Vài “mẩu chuyện” mà tôi sắp kể đây là những chuyện về Chủ tịch HCM có
liên quan đến “vấn đề phụ nữ” (dĩ nhiên, không phải vấn đề giải phóng phụ nữ
đâu !), và không phải là thời kỳ ông ở Pháp, Nga, Trung Quốc (vì đã có khá
nhiều bài báo viết về những thời kỳ đó rồi). “Những mẩu chuyện” này thuộc thời
kỳ ông ở Việt Nam, và cũng chỉ vẻn vẹn trong vài năm thôi, sau khi chính quyền
cộng sản tiếp thu những “vùng tạm chiếm” của Pháp ở miền Bắc.
MỘT ÁN MẠNG XE CÁN
Sau khi rời
Hà Nội đi Moskva, theo học ở Trường đảng cao cấp của Trung ương ĐCS Liên Xô hồi
năm 1962, và nhất là sau khi tôi đã ra khỏi hàng ngũ ĐCS hồi đầu tháng 6 năm
1964, trong lòng tôi luôn luôn bị ám ảnh bởi một câu chuyện mà càng ngày tôi
càng thấy rõ có cái gì đây đầy oan khuất, đầy mờ ám, rất là nghiêm trọng, mà
bây giờ ở ngoài nước, trong hàng chục năm, lắm lúc tôi cảm thấy bó tay không
thể nào tìm hiểu được. Chuyện thế này: hồi cuối những năm 50 đầu những năm 60,
tôi là phó chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội, thường ngày tôi xuống
các cơ sở. Nhưng sáng hôm đó, tôi nhớ là vào đầu xuân, tôi phải đến thường trực
tại Ủy ban, thì anh Nguyễn Quốc Hùng, ủy viên trong Ủy ban, phụ trách văn
phòng, bước vào phòng tôi, hồi hộp nói: “Báo cáo anh
có một việc xảy ra, có một người đàn bà bị xe ô tô cán ở đoạn đường Nhật
Tân phía đi lên Chèm…”
Tôi đưa mắt
nhìn Quốc Hùng, có vẻ hơi ngạc nhiên, nhưng không nói gì. Ngạc nhiên vì trong
óc tôi thoáng một ý nghĩ, xe ô tô cán người ở Hà Nội chẳng phải là chuyện gì
hiếm, sao anh ấy lại báo cáo với mình. Tôi im lặng chờ đợi.
Quốc Hùng
nói tiếp: “Nhưng mà, anh à, theo sự điều
tra thì không phải là xe cán người, mà làm ra vẻ xe cán người…”Dừng
lại một lúc, anh nói thêm: “Mà… Theo
báo cáo thì chiếc xe ấy lại chạy từ Chủ tịch phủ ra…” Mấy
tiếng cuối cùng “từ Chủ tịch phủ ra” đã gây cho tôi một cảm giác thật mạnh.
Nhưng lúc đó, thật ra, tôi không hề có mảy may ý nghĩ là việc này có liên quan
gì đến vị Chủ tịch nước mà hồi đó, tôi chân thành kính yêu và tin tưởng. Một ý
nghĩ thoáng qua trong óc: hay là bọn phục vụ ở Chủ tịch phủ đã làm bậy bạ cái
gì đây với chị kia, rồi giết đi và bày trò cán xe?
Suy nghĩ một
lúc, tôi nói: “Theo quyết
định của Trên, mọi vấn đề thuộc về công an, tòa án thì do bí thư Thành ủy giải
quyết, nhất là những chuyện có dính dấp đến Trên, việc này không thuộc thẩm
quyền của Ủy ban hay Thành ủy, vậy hôm nay, anh đến gặp anh Tuyên báo cáo ngay
anh ấy biết để anh giải quyết thì hơn.”
Hôm sau, gặp
lại, tôi hỏi thì Quốc Hùng cho biết: đã báo cáo rồi và anh Tuyên bảo anh sẽ
trực tiếp làm việc với anh Thân (Lê Quốc Thân, hồi đó là giám đốc Sở công an Hà
Nội, về sau được thăng chức thứ trưởng Bộ công an).
Khoảng một
tuần sau, nhân gặp Trần Danh Tuyên, bí thư Thành ủy kiêm phó chủ tịch Ủy ban
hành chính thành phố, tôi tranh thủ hỏi về vấn đề đó, thì anh ta lạnh lùng gạt
đi: “Thôi, việc đó xong rồi.”
Biết là
không thuận lợi cho một cuộc trao đổi cởi mở, nên tôi im… Khi đã ở nước ngoài,
trong nhiều năm tôi cứ băn khoăn mãi về chuyện đó.
Hồi tháng
7-1993, khi gặp nhà văn Vũ Thư Hiên, một người “cùng cảnh ngộ”, tức là cùng bị
dính vào “vụ án xét lại – chống đảng”, đã sang được Moskva, tôi mới đem chuyện
đó kể ra. Hiên bật người lên, vui mừng ra mặt, dường như anh được thêm một
người nữa biết cái chuyện “thâm cung bí sử” này và chuyện tôi kể cho anh lại
một lần nữa xác nhận điều mà cụ thân sinh của anh, ông Vũ đình Huỳnh, đã dặn dò
anh.
Hiên nói
liền : “Nhưng không phải ô tô từ Chủ
tịch phủ phóng ra đâu, anh ạ. Mà từ phố Hàng Bông Nhuộm đi lên Nhật Tân…”
Tôi đáp
lại: “Chính là Quốc Hùng nói với tôi
thế !”
Rồi Hiên
thủng thẳng tâm sự với tôi: “Có một hôm,
ông cụ tôi bảo tôi lên xe, chúng tôi đi lên Hồ Tây, rồi theo đường Quảng Bá đi
lên đường Nhật Tân, chỗ làng đào, anh biết chứ ?”
Tôi trả lời
theo kiểu dân Bắc: “Biết quá
đi, chứ lị ! Từ 51, tôi phụ trách ngoại thành cơ mà.”
Yên trí là
tôi biết rõ địa thế vùng này, anh kể tiếp: Dừng xe lại, hai bố con ra xe, ông
cụ dẫn anh đến một đoạn đường, hình như một bên có rặng ổi, rồi bảo: “Con ơi, con nhớ những lời bố dặn đây ! Tới
đây, đánh dấu một vụ án mạng, một vụ oan khuất khủng khiếp mà Trần Quốc Hoàn
(ủy viên Bộ chính trị, bộ trưởng công an) là chính danh thủ phạm. Con hãy ghi
nhớ, khi có dịp thì nói lên sự thật…”
Câu chuyện
đại để thế này: có một chị nữ thanh niên người Nùng ở Cao Bằng, tên là Nông Thị Xuân, được đưa đến
“phục vụ” Bác Hồ, cô đưa em là Nông Thị
Vàng và một cô em họ nữa về Hà Nội. Sau đó, cô Xuân đẻ cho
Bác một đứa con trai, được đặt tên là Nguyễn Tất Trung, và còn có tin đồn, một đứa
con gái nữa, tên là Nguyễn Thị
Trinh… Thế rồi Trần Quốc Hoàn hiếp cô Xuân tại nhà phố
Hàng Bông Nhuộm, sau đó giết chết, rồi bày trò xe ô tô cán người tới đường Nhật
Tân để lấp liếm tội ác. Sau khi cô chị bị giết, cô em chạy về Cao Bằng, rồi
cũng bị giết nốt để “bịt đầu mối,” và người em họ cô Xuân cũng không thoát khỏi
bàn tay đẫm máu của nó. Người yêu của cô Vàng đã viết thư tố cáo hung thủ.
Thật ra,
những điều Vũ Thư Hiên kể tuy có rọi thêm vài tia sáng, nhưng vẫn chưa thỏa mãn
được cái ý muốn tìm hiểu sự việc cụ thể của tôi, nên tôi vẫn tiếp tục cố làm
sáng tỏ vấn đề này. Những năm gần đây, nhờ việc đi lại của người trong nước
sang Nga được dễ dàng hơn, nên vài người đã kể cho tôi thêm những chi tiết rất
có giá trị, bổ sung cho những điều tôi đã biết. Nhưng tất cả những điều đó chỉ
là nghe lại của người này, người khác, không có chứng cứ nào, không có tài liệu
cụ thể nào xác minh, giúp cho tôi được vững tin. May mắn là mới đây có một
người quen cho tôi xem một tài liệu với nhiều chi tiết cụ thể xác nhận về cơ
bản những điều tôi đã tìm hiểu được trong những năm qua. Sau khi cẩn thận xem
xét kỹ tài liệu đó, tôi có thể tin tưởng ở tính chất chân thật của nó. Tài liệu
gồm có một bức thư dài năm trang đánh máy của người chồng chưa cưới của cô Vàng
đã bị giết, viết ngày 29-7-1983 gửi ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Quốc hội nước
Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kèm theo một bức thư một trang của một số
thương binh, bạn cùng chiến đấu với anh ta, không đề ngày (có lẽ là gửi cùng
ngày ?), gửi ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, đồng
gửi ông Lê Duẩn, Tổng bí thư đảng CSVN, ông Phạm Văn Ðồng, Chủ tịch HÐBT và ông
Phạm Hùng, Phó Chủ tịch HÐBT, tố cáo hành vi tội ác của bọn hung thủ đã giết
hại nhiều người vô tội. Nhưng có một điều rất “kẹt” cho tôi là anh bạn cho xem
tài liệu lại dặn tôi đến hai lần “đừng công bố bản tài liệu”, cho nên tôi không
thể làm trái ý “người chủ” tài liệu.
Tuy nhiên,
tôi mong rằng anh ấy sẽ nghĩ lại và tự anh hoặc nếu anh thấy không tiện cho
mình thì giao cho một người nào khác sớm công bố toàn văn bản tài liệu đó để
thực hiện ước nguyện của những người đã chết oan và của những người đã bất chấp
nguy hiểm, “máu hòa nước mắt viết thư này” (lời trong thư).
Phải nói
rằng những người viết thư thật rất dũng cảm, đáng kính phục. Vì Chân Lý, người
ta coi thường cái chết, khi viết những lời thật xót xa, đầy mai mỉa và thách đố
đối với những kẻ cầm quyền và chế độ hiện tồn tại trong nước; những lời ấy vang
lên như tiếng thét đau thương, ai oán, đã bị nhóm cầm quyền cộng sản dìm đi,
bóp nghẹt trong hàng mấy thập niên rồi: “Chúng tôi, những thương binh đã đổ
xương máu vì độc lập của quốc gia, tự do, công lý cho nhân dân, chúng tôi rất
mong Ngài vì chân lý mà tìm ra hung thủ, xử lý thích đáng, treo cổ hung thủ
công khai hoặc bí mật. Nếu trái lại, vì bè lũ, phải bao che cho hung thủ không
trừng trị được bọn tàn ác này, thì chúng tôi xin phép Ngài phổ biến rộng rãi vụ
bê bối này cho toàn thể thương binh và bộ đội biết để họ đổ xương máu bảo vệ
NGAI VÀNG CỦA CÁC NGÀI. Và hơn nữa, chúng tôi sẽ tuyên bố vụ bê bối giết vợ Cụ
HCM này cho toàn thế giới biết để cả nhân loại tin tưởng vào chế độ ưu việt của
các Ngài. Chúng tôi một số thương binh sống dở chết dở, vì vấn đề này mà các
Ngài muốn bỏ tù hay thủ tiêu, chúng tôi không hề sợ, và có khi như vậy lại đỡ
khổ cho chúng tôi.” (đúng nguyên văn, kể cả những chữ hoa).
PHƯƠNG MAI
Viết đến
đây, tôi nhớ đến Nguyễn Chí Thiện, đã liều mình, bất chấp mọi nguy hiểm, xông
vào sứ quán Anh ở Hà Nội để đưa tập thơ của anh ra nước ngoài. Không có những
con người gan dạ như thế, làm sao bảo vệ Chân Lý và chống lại điều ác được ?
Theo lời dặn của anh bạn, tôi không công bố toàn văn tài liệu đó. Nhưng những
gì tôi tìm hiểu được trong mấy năm qua, nhờ sự giúp đỡ của anh chị em trong
nước và được tài liệu kia xác nhận, tôi tự thấy mình có bổn phận chia sẻ với
mọi người, cốt để làm sáng tỏ thêm sự thật đã bị che giấu 40 năm rồi và phần
nào đáp ứng, dù là một cách quá muộn màng đi nữa, lòng mong mỏi cuối cùng của
những oan hồn đang ngậm hờn ở thế giới bên kia. Hơn nữa, ngay ở trong nước, tờ
báo bí mật, gan dạ Người Sài
Gòn, “tiếng nói của nhân dân thèm tự do ngôn luận”, năm ngoái
cũng đã tung vấn đề này lên rồi trong bài “Viết cho Ðào Duy Tùng.” Và tôi tin
chắc là nhà văn Vũ Thư Hiên cũng không thể bỏ qua chuyện này trong tập hồi ký
“Ðêm Giữa Ban Ngày” của anh. Có điều tôi muốn nói rõ là tội ác của bọn hung thủ
đê tiện trong vụ thảm sát một loạt người này, tuy rùng rợn, khủng khiếp thật,
nhưng lại không phải là đề tài chính của bài này, vì ý định của tôi chỉ là bổ
sung thêm vài nét chân thực vào bức chân dung của vị Chủ tịch đầu tiên nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trước khi kể
tới chuyện trên, tôi xin phép nói đến một chuyện khác, mới nghe thì thật tào
lao, nhưng lại có thể giúp cho ta hiểu được nhiều điều. Nói chung, hồi đó, khi
tôi còn ở trong nước, cán bộ ở miền Bắc (và có lẽ cả miền Nam nữa), ngay cả
trong câu chuyện riêng tư, không hề dám hé răng nói bất kỳ chuyện gì về các
lãnh tụ, ngoài những lời sùng bái, tán tụng, ngoài những khuôn sáo đã định sẵn,
như “ơn Bác, ơn đảng,” v.v… Sự sùng bái cá nhân các lãnh tụ đã được gieo cấy
sâu đậm vào tiềm thức cán bộ và dân chúng đến nỗi mọi người cho rằng nói đến
các lãnh tụ mà thiếu sự ca tụng, sự sùng kính, nhất là nói đến đời riêng của
các lãnh tụ là điều “phạm húy” khủng khiếp, mà điều đó thì tối kỵ, trước tiên,
vì… Rất nguy hiểm cho bản thân. Chỉ có một số cán bộ cao cấp nào đó thỉnh
thoảng khi cao hứng mới có thể tự cho phép “đả động” nhẹ nhàng đến các lãnh tụ
trong chừng mực… “không bị đứt đầu”. Cố nhiên, những việc như thế không phải là
không nguy hiểm. Có một lần, tình cờ tôi được “dự” vào một cuộc “loạn đàm” như
vậy. Hôm đó, sau một cuộc họp ở Thành ủy, mọi người ra về, chỉ còn lại ba chúng
tôi : Trần Danh Tuyên, bí
thư Thành ủy Hà Nội, Trần Vỹ,
phó bí thư, và tôi.
Ðang nói
chuyện linh tinh, bỗng Trần Vỹ hỏi khẽ : “Thế nào, việc Phương Mai đã xong chưa ?”
Trần Danh
Tuyên đáp: “Không xong.”
Trần Vỹ nói
tiếp: “Cô ấy cũng sạch nước cản đấy
chứ, sao lại không xong ?”
Vui miệng,
tôi cũng chêm vào một câu : “Sạch nước
cản… Thế mà tướng Nguyễn Sơn lại chê là ngực lép kẹp, ăn thua gì !”
Cả ba cùng
cười, rồi Trần Danh Tuyên hạ giọng nói rất khẽ: “Cô ấy muốn đặt vấn đề đàng hoàng, nhưng mà…
Bác và các anh (ý nói Bộ chính trị) cho rằng Bác không lấy vợ thì lợi cho uy
tín chính trị hơn.”
Xin nói rõ
chuyện như thế này : hồi đó, có ý kiến là HCM cần có vợ để việc “giải quyết
sinh lý được điều hòa thì tốt cho sức khỏe. Và sau Hiệp định Genève 1954, người
ta chọn một người “kháu” nhất trong số nữ cán bộ trẻ, đó là chịNguyễn Thị Phương Mai,
tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Thanh Hóa và đưa chị từ Khu Bốn ra Hà Nội để tiến cử lên
HCM. Và như ta đã biết qua cuộc “loạn đàm,” chị đặt vấn đề phải có hôn nhân
đàng hoàng. Thế là… Việc không thành. Rồi chị được bổ nhiệm làm thứ trưởng Bộ
thương binh và ở luôn tại Hà Nội.
CÔ XUÂN BỊ GIẾT NHƯ THẾ NÀO ?
Bây giờ xin
quay trở lại câu chuyện những cô gái ở Cao Bằng. Theo những điều người ta kể cho
tôi trong những năm gần đây và được xác minh qua tài liệu đã xem thì có hai chi
tiết hơi khác (các cô họ Nguyễn, thay vì họ Nông; và cô Xuân chỉ có một con với
HCM), ngoài ra, các chi tiết khác về cơ bản đều giống nhau. Sự việc cụ thể như
sau :
Cô Nguyễn
(Nông) Thị Xuân (tên gọi trong gia đình là Sang) và em họ, cô Nguyễn (Nông) Thị
Vàng, 22 tuổi, quê làng Hà Mạ, xã Hồng Việt, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, cuối
năm 1954, đã tình nguyện vào làm công tác hộ lý trong một đơn vị quân nhu. Ðược
mấy tháng thì ủy viên Trung ương đảng, chủ nhiệm Tổng Cục Hậu cần Trần Đăng
Ninh, gặp cô Xuân nói chuyện vài lần, rồi đầu năm 1955 cho xe đón cô Xuân về Hà
Nội, “nói là để phục vụ Bác Hồ.” Mấy tháng sau, cô Xuân cũng xin cho cô Vàng và
cô Nguyệt (con gái của ông Hoàng Văn Ðệ, cậu ruột của cô Xuân) về Hà Nội ở trên
gác nhà 66 Hàng Bông Nhuộm. “Vì các vị lãnh đạo không cho chị Xuân ở cùng với
Bác trên nhà Chủ tịch phủ, giao cho ông Trần Quốc Hoàn, bộ trưởng Bộ công an,
trực tiếp quản lý chị Xuân, cho nên chị Xuân mới được đem về 66 Hàng Bông
Nhuộm, nhà của công an. Cuối năm 1956, chị Xuân sinh được một cậu con trai. Cụ
Hồ đặt tên là Nguyễn Tất
Trung.
“Em có nhiệm
vụ bế cháu,”đấy là lời Vàng kể lại cho người chồng chưa cưới của mình trước khi
cô bị giết. Và cũng nhờ Vàng đã kể lại, nên chúng ta biết được những sự việc
sau đây.
Khoảng mồng
6, mồng 7 tháng 2 năm 1957, Trần Quốc Hoàn đến, nói chuyện vu vơ một lúc, rồi
giở trò… Kéo cô Xuân vào cái buồng xép, định hãm hiếp. Cô Xuân ú ớ la lên. Vàng
hoảng sợ tru tréo, còn Nguyệt khiếp sợ quá co rúm lại ngồi ở trong góc. May lúc
đó có tiếng cửa sổ nhà dưới xô sầm vào tường, Hoàn sợ, bỏ cô Xuân ra, rút súng
lục ra dọa: “Chúng mày im mồm, không ông
cho chết hết.” Rồi xuống thang, ra ô tô chuồn. Mấy hôm sau,
Hoàn lại đến, lên gác, đi thẳng vào phòng, ôm ghì cô Xuân hôn.
Cô Xuân xô
nó ra: “Không được hỗn, tôi là vợ ông
Chủ tịch nước.”
Nó
nói: “Tôi biết bà to lắm, nhưng tính
mạng bà nằm trong tay tôi.” Rồi lấy súng dí vào ngực cô Xuân,
nó rút ra sợi dây dù đã thắt sẵn thòng lọng tròng vào cổ cô Xuân kéo cô lên
giường, tự tay lột hết quần áo, ngắm nghía, rồi hiếp cô. Cô Xuân xấu hổ lấy tay
che mặt. Nó kéo tay cô và nói: “Thanh niên
nó phục vụ không khoái hơn ông già, lại còn vờ làm gái.”
Từ đó cô
Xuân trở thành thứ đồ chơi trong tay Hoàn. Nó bảo cô Xuân dặn cho hai em phải
biết câm cái miệng, nếu bép xép thì mất mạng cả lũ.
Mấy chị em
lúc bấy giờ rất sợ bị giết, bàn nhau. Vàng đề nghị mấy chị em trốn đi thì cô
Xuân nói: “Sau ngày sinh cháu Trung, chị
thưa với Bác: bây giờ đã có con trai, xin Bác cho mẹ con ra công khai. Bác
nói: cô xin như vậy là hợp tình hợp lý Nhưng phải được Bộ chính trị đồng ý
nhất là mấy ông Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Hoàng Quốc Việt đồng
ý mới được. Do đó cô đành phải chờ một thời gian nữa… Mấy tuần trước, Bác lại
hỏi chị: các cô ở đây có nhiều người lạ mặt tới thăm phải không? Chị thưa: ba
chị em không có ai quen biết ở Hà Nội, còn bà con ở Cao Bằng thì không có ai
biết chị em ở đâu. Bác nói không nhẽ ông bộ trưởng công an nói dối ? Chị
suy nghĩ mãi mới thấy rõ, nó muốn vu cáo chị em ta liên hệ với gián điệp
hoặc đặc vụ gì đó, để định kế thoát thân nếu việc của nó bị bại lộ. Bây
giờ ta trốn cũng không làm sao thoát tay nó, mà nó còn vu cáo giết hại anh chị
em chúng ta. Chị bị giết cũng đáng đời, chỉ rất hối hận đã xin hai em
về đây để chịu chung số phận với chị.”
Ðến ngày 11
tháng 2 năm 1957, vào bảy giờ tối, một chiếc xe com măng ca thường đón cô Xuân
lên gặp HCM đỗ trước nhà. Tên Ninh, biệt
danh là Ninh Xồm,
bảo vệ viên của HCM, vào gặp cô Xuân nói “lên gặp Bác.” Cô Xuân mặc quần áo,
xoa nước hoa rồi ra xe. Xe do Tạ Quang
Chiến (tên này trong đội bảo vệ HCM, về sau làm tổng cục
phó Tổng cục Thể dục thể thao) lái đi.
Sáng hôm
sau, 12 tháng 2, một nhân viên công an Hà Nội đến báo tin cô Xuân bị chết vì
tai nạn ô tô, hiện còn để ở nhà xác bệnh viện Phú Doãn. Vàng vội vã đưa cháu
Trung cho Nguyệt bế, lên xe công an vào bệnh viện, nhưng không được vào nhà
xác. Chờ độ một tiếng sau thì có người bác sĩ ra đọc biên bản, đại ý: trên thân
thể tử thi không có thương tích gì, cũng không phải bị đánh chém gì. Mổ tử thi,
trong lục phủ ngũ tạng cũng không có thương tích gì, dạ dày không có thuốc độc,
tử cung không có tinh trùng, chứng tỏ không bị hiếp dâm. Duy chỉ có xương đỉnh
đầu bị rạn nứt, nước nhờn chảy ra. Bác sĩ nói: đây có thể là nạn nhân bị trùm
chăn lên đầu, rồi dùng búa đánh vào giữa đỉnh đầu. Vàng nghe xong chạy về kể
lại cho Nguyệt. Hai chị em cùng khóc…
Ít lâu sau,
một cán bộ công an đến bế cháu Trung đi, hai chị em không biết đem đi đâu. Sau
đó, Vàng được đưa đi học lớp y tá của Khu tự trị Việt Bắc ở Thái Nguyên, còn
Nguyệt thì Vàng không biết người ta đưa đi đâu, sống chết ra sao. Học được mấy
tháng thì Vàng được chuyển về bệnh viện Cao Bằng và may mắn được gặp người
chồng chưa cưới ở đây, kể hết mọi chuyện cho anh nghe. Cô nói với người
yêu: “Em nghĩ anh chỉ bị thương nhẹ,
anh còn sống được lâu, anh sẽ nói rõ cho toàn dân biết vụ bê bối này. Còn
em thì chắc chắn sẽ bị chúng giết, vì em đã nói vụ này cho nhiều chị em bà
con biết. Bọn hung thủ còn theo dõi em. Ở Cao Bằng, có hôm em còn thấy
thằng Ninh Xồm tới gặp ông bác sĩ bệnh viện trưởng,
được ít lâu họ tuyên bố em bị thần kinh, được chuyển về điều trị tới bệnh viện
Hòa An.”
Ðây là lời
người yêu, chồng chưa cưới của cô Vàng: “Tôi chỉ
được gặp Vàng có một tháng, đến ngày mồng 2 tháng 11 năm 1957, cô Vàng về thăm
ông cậu Hoàng Văn Ðệ, hung thủ đi theo, giết chết, rồi quẳng xác
xuống sông Bằng Giang, đến ngày mồng 5 tháng 11 mới nổi lên ở Hoàng
Bồ. Ðược tin, tôi chạy về cầu Hoàng Bồ, thì thi hài đã được kiểm
nghiệm và chôn cất rồi. Nghe dư luận bàn tán, cô bị đánh vỡ sọ, tiền, đồng hồ
vẫn còn nguyên và người nhà đã nhận về chôn cất. Vụ này nhiều người bị giết: cô
Xuân vợ Cụ HCM, cô Vàng vợ chưa cưới của tôi, cô Nguyệt, còn nhiều người ở
trường y tá Thái Nguyên, nghe chuyện Vàng đi nói chuyện lại cũng bị giết lây.
Mấy chục năm nay, tôi tím gan thắt ruột nghĩ cách trả thù cho em tôi, nhưng sức
yếu thế cô, đành ngậm hờn chờ chết… “
Tiện đây,
xin phép kể qua một chuyện ngoài lề có ý nghĩa. Hồi Vũ Thư Hiên còn ở Moskva,
“người ta” dò biết là anh đang viết hồi ký và hình như cũng đoán biết là anh có
trong tay “những mẩu chuyện” nào đó. Thế là một hôm, “bọn trấn lột” người Việt
đến nhà, chờ Hiên vào thang máy thì chúng ùa theo, đâm anh vào mông, giật chùm
chìa khóa, rồi xông vào nhà. Chúng không đụng đến tiền bạc gì hết, mà chỉ tìm
kiếm tài liệu và lấy các đĩa mềm máy tính, trong đó có phần hồi ký anh đang
viết dở dang. Khi chúng đi rồi, Hiên gọi điện ngay cho tôi. Mấy hôm sau, anh
lại báo tin rằng một tên gọi điện cho anh, bảo nếu muốn lấy lại đĩa mềm thì hãy
“đến đấy, đến đấy” ở Moskva, mà theo lời anh, chỗ ấy là… Ngôi nhà chung cư của
cán bộ nhân viên sứ quán Việt Nam tại Nga. Hiên nói để trấn an tôi: “Cũng may là tôi đã dự phòng trường hợp này
rồi. Anh yên tâm.” Sau đó không lâu, Hiên đến nhà đưa cho tôi
đọc 74 trang hồi ký của anh. Và một thời gian sau nữa, anh lặng lẽ rời khỏi
nước Nga, tìm nơi khác an toàn hơn để “đậu”… Tôi kể chuyện này để thấy tính
nhạy cảm cao độ của những-người-nào-đó đối với “những mẩu chuyện” không chảy
theo luồng lạch của “lãnh đạo” và “người ta” sẵn sàng lao vào những hành động
tội ác, điên cuồng, cực kỳ phiêu lưu, chỉ cốt để… bưng bít sự thật.
Nhưng, vì
chân lý lẽ nào chúng ta có quyền chôn vùi, hoặc để cho ai đó được phép chôn vùi
sự thật ? Trái lại, bằng bất cứ giá nào, phải tìm mọi cách để trả về cho Lịch
Sử những sự kiện chân thật, khách quan, không bị tô vẽ, không bị bóp méo, để
mọi điều, mọi người đều được đánh giá đúng đắn và công bằng. Công Lý đòi hỏi
như thế !
NHỮNG CÂU HỎI VỀ HỒ CHÍ MINH
Còn về cháu
bé Nguyễn Tất Trung thì
sau khi mẹ chết, nó được gửi cho ông Nguyễn Lương Bằng nuôi, độ 4-5 tuổi thì chuyển cho
ông Chu Văn Tấn, đến
năm 13 tuổi là năm 1969, ngày Chủ tịch HCM mất thì giao về cho ông Vũ Kỳ,nguyên thư ký riêng của
HCM, làm con nuôi và đổi họ thành Vũ Trung.
Tôi xin phép
bỏ qua những tình tiết khác và dừng lại ở đây, vì đến đây, cũng đủ để có thể
rút ra vài kết luận sơ bộ có liên quan đến đề tài cần nói :
1) Tôi luôn
luôn nghĩ rằng không nên “xoi mói” vào đời tư của người khác, kể cả đời tư của
các lãnh tụ. Việc các lãnh tụ có vợ, có con là chuyện rất thường tình. Ông Hồ,
cũng như bất cứ ông lãnh tụ nào khác, cũng như bất cứ người nào khác, đều có
thể có cuộc sống tình dục, cuộc sống gia đình, có thể có vợ, có con, có thể ly
dị với vợ, rồi tới lấy vợ khác… Những điều đó không ai nên can thiệp đến. Thậm
chí, dù cho ông lãnh tụ nào đó có vợ rồi, lại đi ngoại tình, “cặp bồ” với ai
đó, như trường hợp Lenin, hay vợ sờ sờ ra đấy mà vẫn ngang nhiên ngủ với gái,
hết cô này đến cô khác, như trường hợp Mao Trạch Ðông, hay đi hoang, rồi có con
với người khác, như trường hợp Karl Marx, (những ví dụ này tôi không nói vu vơ,
các sử gia và các nhà báo đứng đắn trên thế giới đã viết quá đủ, với những bằng
chứng không thể chối cãi) thì cũng đáng phê phán đấy, nhưng cũng chẳng sao cả,
trời không vì thế mà sập được ! Chỉ có cái đầu óc ngu muội, phong kiến của cái
đám lãnh đạo cộng sản kênh kiệu, tự coi mình là “trí tuệ, danh dự và lương tâm
của thời đại” hay là “đỉnh cao trí tuệ loài người”, mới nghĩ rằng phải tô vẽ
cho lãnh tụ thành một ông thánh sống, là một con người siêu phàm, không vợ
không con… thì càng thêm uy tín chính trị !
Thế rồi
cứ giấu kín cuộc đời riêng tư của
các lãnh tụ như là bí mật quốc gia số một, hễ ai động khẽ đến là trừng trị tàn
nhẫn. Ðấy, cái vụ vừa qua đảng “xử trí kỷ luật” một cách
thô bạo đối với Kim Hạnh, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, chỉ vì báo đó dám nói sơ
sơ chuyện HCM có vợ hồi ở Trung Quốc, là một chứng minh cho cái đầu óc ngu dốt,
độc đoán, lố bịch của cái đám ấy. Lẽ cố nhiên, cách xử sự của người đàn ông đối với phụ nữ,
đối với vợ con phản ánh toàn bộ tư cách, phẩm chất, đạo đức của con người, và
điều đáng nói, đáng xem xét đối với các lãnh tụ chính là ởđó.
2) Theo tôi,
các cô gái Cao Bằng, cũng như anh chồng chưa cưới của cô Vàng cùng các thương
binh bạn chiến đấu của anh đều rất ngây thơ, tưởng là HCM định lấy cô Xuân làm
vợ thật, tưởng cô Xuân là vợ của HCM thật. Khách quan mà xét, HCM không muốn có
vợ đàng hoàng, ông chỉ muốn giữ
cái “uy tín chính trị” hão của “bậc siêu nhân,” ông chỉ muốn được “tiếng” vì
dân vì nước đến nỗi suốt đời không mơ tưởng đến chuyện vợ con. Và
điều này nói ra chua xót thật, nhưng không thể không nói: cô Xuân chỉ là món đồ chơi trong tay ông mà
thôi. Cô Xuân được đưa về Hà Nội là để “phục vụ” HCM, cũng
như bao nhiêu cô gái Trung Quốc đã được đưa đến Trung Nam Hải để “phục vụ” ông
Mao (Xem hồi ký “Tôi là bác
sĩ riêng của Mao” của Lý Chí Tuy). Mồm HCM nói nào là giải phóng phụ nữ,
nào là chống tư tưởng phong kiến, tôn trọng phụ nữ, v.v… Thế nhưng ông đã hành
xử với phụ nữ cực kỳ phong kiến, coi phụ nữ chẳng khác gì món đồ chơi. Nhận
xét như thế hoàn toàn không có tính chất vũ đoán, vì thử hỏi:
A. Nếu coi
cô Xuân là vợ thật, tại sao ông lại không để cô ở chung tại ngôi nhà riêng của
ông ở trong khuôn viên Chủ tịch phủ, mà bắt cô phải ở riêng mãi tận nhà 66 Hàng
Bông Nhuộm, (ai biết rõ Hà Nội thì dễ dàng hình dung được khoảng cách) là nhà
của công an, lại phải chịu dưới sự quản lý trực tiếp của bộ trưởng công an Trần
Quốc Hoàn và chỉ khi nào ông cần “được phục vụ” thì cho xe đón cô lên Chủ tịch
phủ mà thôi ? Trong những năm đó, HCM chưa đến nỗi thất thế tới mức phải để cho
Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Hoàng Quốc Việt có thể can thiệp vào cuộc sống tình
cảm của ông như vậy, có thể khống chế ông như vậy. Ông đường đường là lãnh tụ
tối cao, là Chủ tịch đảng, cơ mà !
B. Nếu ông
coi cô Xuân là vợ thật thì khi cô đẻ con trai rồi, tại sao ông vẫn để hai mẹ
con ở riêng tận 66 Hàng Bông Nhuộm và khi mẹ nó chết rồi, ông không đem con về
nuôi, mà lại đưa cho người này, người khác nuôi cho đến khi thằng bé lên 13
tuổi, là năm ông qua đời, thì “người ta” (cũng khó biết được là ai, Bộ chính
trị hay là theo lời dặn của bố đẻ đứa bé ?) lại giao nó cho Vũ Kỳ làm con nuôi
? Và xin các bạn chú ý Vũ Kỳ đã (chắc chắn là anh ta không bao giờ dám tự ý đổi
họ thằng bé thành Vũ Trung) xóa mọi dấu vết tội lỗi của một ông họ Nguyễn Tất !
Ở đây, khách
quan mà nói, dường như HCM không có
chút tình thương yêu nào đối với đứa con đẻ của mình. Một người như vậy làm sao
có thể thương yêu trẻ con người khác được ?
3) Theo tôi,
thật khó mà bác bỏ ý kiến cho rằng từ đầu đến cuối, HCM cùng đám cận thần của
ông, những ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ chính trị, đã đánh lừa tệ hại cô
Xuân, một cô gái quê ngây thơ ở miền núi, làm cho cô tưởng lầm ông định lấy cô
làm vợ thật. Khi có con với ông rồi, cô xin cho hai mẹ con “được ra công khai”
(chắc ý nói hợp thức hóa) thì một mặt ông làm ra vẻ thông cảm, thừa nhận yêu
cầu đó là hợp tình hợp lý nhưng mặt khác ông lại chỉ vào các ông trong Bộ chính
trị mà nói là các ông kia có quyền quyết định chứ không phải ông, phải chờ ý
kiến của các ông kia, làm như ông không phải là “lãnh tụ tối cao”, không phải
là Chủ tịch đảng, làm như ông ở dưới quyền mấy ông kia trong Bộ chính trị. Rồi
ông còn khuyên nhẹ nhàng: “Cô đành phải chờ một thời gian nữa !” Và thật tội
nghiệp cho cô Xuân, cô đã chờ, chờ… Đến khi bị giết !
4) Còn có
nhiều điều khác mà trong tình hình hiện nay khó có thể tìm ra được lời giải
đáp: Tại sao Trần Quốc Hoàn lại có thể có thái độ trắng trợn, đê tiện như thế
đối với cô Xuân ? Dù cô không phải là vợ chính thức thì cũng là “bồ” (nói theo
lối nói thông thường hiện nay ở Việt Nam) của lãnh tụ, cơ mà ! Sao y lại có thể
to gan phạm thượng đến như thế ? Hay là y đã thấy rõ tình thế bị “thất sủng”
của cô Xuân, tức là thái độ không mặn nồng nào đó của HCM với cô Xuân, nên mới
bạo phổi làm chuyện bậy bạ đến thế ? Hay là y đã biết một quyết định nào đó về
cô Xuân, nên y nghĩ rằng “không xài thì phí của trời,” trước sau rồi cô cũng
chết ?
Còn câu hỏi
mà HCM đặt ra cho cô Xuân về những người lạ mặt thường đến chỗ các cô phải
không, có ý nghĩa gì ? Có đúng là do bộ trưởng công an mớm cho ông hay không ?
Việc giết cô Xuân, cô Vàng, cô Nguyệt… là mưu đồ của cá nhân Trần Quốc Hoàn,
hay là chủ trương của một tập thể ? Nếu là của một tập thể thì tập thể nào, và
HCM có được biết hay không ? Trách nhiệm của HCM, của Bộ chính trị Trung ương
đảng, của Bộ công an, của Trần Quốc Hoàn trong việc này như thế nào ? Khoảng
thời gian từ khi cháu Trung được sinh ra (cuối năm 1956) đến ngày Hoàn tới dở
trò hãm hiếp mẹ nó (6 hay 7-2-1957), cũng như từ ngày đó tới ngày mẹ nó bị giết
(11-2-1957) vì sao lại gần nhau đến thế ? Ðâu đó có ý nghĩa gì ? Vân vân và vân
vân… Hy vọng là rồi đây, các nhà thám tử Maigrets tài giỏi nhất, các chuyên gia
về tội phạm có thể góp ý góp sức, giúp làm sáng tỏ nhiều vấn đề.
HCM là một
nhân vật lịch sử đã có ảnh hưởng rất lớn đối với vận mệnh đất nước và nhân dân
Việt Nam trong nhiều thập niên của thế kỷ 20. Dù muốn hay không, không ai có
thể phủ nhận điều đó. Nhưng, ảnh hưởng đó là tốt hay xấu, hay vừa tốt vừa xấu,
tốt nhiều xấu ít, hay ngược lại ? Công trạng của ông thế nào, tội lỗi của ông
ra sao, chỉ có công không có tội, hay là chỉ có tội không có công, hay vừa công
vừa tội ? Ông là vị thánh nhân, là bậc siêu nhân, hay là kẻ phàm phu, hay là
tên giả dối, bịp bợm ? Ông là biểu tượng của đạo đức với trái tim nhân ái, hay
là một kẻ vô luân, vô đạo với lòng dạ bất lương ?.. Tất cả những câu hỏi đó đòi
hỏi một sự nghiên cứu khách quan, cẩn trọng, sâu sắc, tỉ mỉ, toàn diện, và cuối
cùng… phải chờ Lịch Sử cân lượng, phán xét, Lịch Sử được đúc kết từ muôn ngàn
sự kiện chân thật. Nhận thức sâu sắc điều đó, người viết bài này không mảy may có
tham vọng đánh giá cuộc đời của vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa. Ý muốn nhỏ nhoi đã được nói ngay từ đầu, chỉ là để góp thêm vài “mẩu
chuyện”, qua đó người đọc có thể thấy thêm được vài nét chân thật trên bức chân
dung hoành tráng, đồ sộ của ông mà giới cầm quyền cộng sản Việt Nam từ trước
đến nay đã dày công tô vẽ.
Nhưng, vì
chân lý lẽ nào chúng ta có quyền chôn vùi, hoặc để cho ai đó được phép chôn vùi
sự thật? Trái lại, bằng bất cứ giá nào, phải tìm mọi cách để trả về cho Lịch Sử
những sự kiện chân thật, khách quan, không bị tô vẽ, không bị bóp méo, để mọi
điều, mọi người đều được đánh giá đúng đắn và công bằng. Công Lý đòi hỏi như
thế ! @@@
Nguyễn Minh Cần
10–3-1997
304Đen -
Llttm
No comments:
Post a Comment