Vết Nám (Bài 33) - Người về
Mẹ có hay chăng con về,
Chiều nay thời gian đứng im để nghe…”
Người Về/ Phạm Duy
Võ Phước Thọ được tha ra khỏi trại cải tạo,
chưa được một năm thì qua đời! Anh em bạn tù cũ nghĩ rằng, khi còn trong tù,
Thọ tham gia “Hội Nhân Quyền Việt Nam” của luật sư Trần Danh San, vô ra “cát
xô” nhiều lần, “như cơm bữa”. Mỗi lần bị nhốt như thế, Thọ đều bị Công An “đánh
hội đồng”, khiến Thọ bị “bệnh hậu”, gan ruột bị hư. Cái chết của Thọ là do
những trận đòn tàn ác của Việt Cộng.
Trước 1975, Võ Phước Thọ, thiếu úy Cảnh Sát Quốc Gia, ngành Đặc Biệt, phục vụ ở
Kontum. Theo lệnh Tổng Thống, anh theo đơn vị di tản về Pleiku, và thoát chết
mấy lần trên Quốc Lộ 7.
Tôi không rõ vợ con Thọ như thế nào, ngoài
một lần, Thọ rút ví cho tôi xem một bức hình một cô gái còn trẻ lắm, khá đẹp,
nói: “Vợ em!” Thọ không nó gì thêm, nên tôi không rõ, vợ Thọ hiện ở hải ngoại,
hay qua đời; còn như ở Saigon thì không, vì Thọ không được ai thăm nuôi, kể từ
khi Thọ vào tù. Thọ kém tôi khoảng mười tuổi.
Khi ở “Trại Đá”, gặp luật sư Trần Danh San, Thọ rất ngưỡng mộ ông luật sư nầy,
tích cực tham gia “Hội Nhân Quyền VN” của ông San, và được ông San cử giữ chức
“an ninh” nội bộ, mục đích là theo dõi mấy tên “ăng-ten” sợ chúng theo dõi công
việc của “Hội” và lén lút báo cáo cho Công An. Cũng may, chưa thấy ông San bị
ai báo cáo gì. Công An có theo dõi ông, cũng vì những hoạt động của ông từ ngày
ông bị bắt ở bùng binh trước Nhà Thờ Đức Bà Saigon.
Một người “tù già”, cùng trại tù với tôi, hơn tôi cỡ năm bảy tuổi gì đó, thương
Thọ. Sau khi cả hai người ra tù, ông “tù già” gã con gái cho ông “tù trẻ” – trẻ
là nói theo nghĩa tương đối – Anh em bạn tù nói với nhau là Thọ mới cưới vợ,
nhưng không ai được mời “ăn đám cưới” cả.
Thọ thì nghèo đã đành, mà gia đình ông “tù
già” có lẽ cũng không khá hơn. Thọ đã lớn tuổi – mười năm tù không những lớn
tuổi mà già hẳn đi. Cô con gái con ông “tù già”, vì gia biến, chắc cũng lỡ
thời. Có lẽ vì vậy mà họ làm đám cưới đơn giản cho nó xong, đáng thương hơn cả cô
gái trong “Mầu tím Hoa Sim” của Hữu Loan nữa: “Nàng không đòi may áo cưới”. Thời Việt Cộng “ngăn
sông cấm chợ”, may cái áo cuới đã không dễ gì, huống chi đám tiệc, nên các bạn
tù cũ không ai được mời “ăn đám cưới” cũng dễ hiểu thôi!
Tưởng cưới vợ cho nó xong, bớt “lông bông”, có nơi ăn nơi ở, có người để yêu
thương, đầm ấm, ai ngờ số phận Thọ đau đớn đến như vậy. Lấy nhau chưa được bao
ngày thì Thọ ra người thiên cổ. Cô gái đã mang cái “dấu ấn gái già” nay mang
thêm một “dấu ấn” khác nữa trong đời: góa chồng.
&
Sau hôm tôi gặp Nguyễn Tăng Dục, “nhạc sĩ tù ca”, què một chân, Dục cho tôi địa
chỉ của Trắc, cho biết Trắc “mới về”.
Lại nghe bao nhiêu chuyện buồn của Trắc, cũng
là một “Người về”. Tôi cũng được Trắc báo tin Thọ qua đời.
&
Trước ba mươi tháng Tư, Trắc cho vợ con “di tản” trước. Anh ở lại, chờ mẹ: Mẹ
anh đã chạy vô Saigon rồi, trước khi Phan Rang mất vào tay giặc. Nhưng rồi bà
nghe lời vợ đại tá Tự, Trần Văn Tự, (con trai nhà Cách Mạng Đệ Tứ Quốc Tế Trần
Văn Thạch, bị Trần Văn Giàu thủ tiêu năm 1945), trở lại Phan Rang. Bà Tự thì
“đi tìm chồng” vì ông đại tá Tỉnh Trưởng còn ở ngoài ấy, không “di tản chiến
thuật”, còn bà mẹ Trắc thì “quyến luyến” mồ mả ông bà, quê cha đất tổ. Vậy là
cả hai bà kẹt ngoài ấy, khi Việt Cộng chiếm Phan Rang.
Trắc không theo vợ con “di tản”. Anh ở lại chờ mẹ. Sau Ba mươi tháng Tư, Trắc
“đóng tiền đi ở tù” như anh em chúng tôi vậy.
Khi Trắc được tha về thì nhà không còn. Ngôi nhà lầu một tầng, sát đường Hồng
Thập Tự, trong khu vực trại gia binh Mạc-Ti-Nho, bị Việt Cộng chiếm mất.
Trắc về, không ở nhà mẹ vợ được, mặc dù, khi Trắc “đắc thời”, cả gia đình vợ
nhờ Trắc không ít. Sau lưng nhà vợ, Trắc có một ngôi nhà nhỏ nữa, về sau, anh
ta bán để lấy vốn tìm kế sinh nhai.
Ở tù về ít lâu, Trắc về Tri Thủy thăm mộ mẹ! Bà cụ chết trước khi Trắc được tha
khoảng hơn 5 năm, chôn ở quê. Đám ma của mẹ do bà chị và ông anh rể của Trắc
đứng ra lo liệu hết. Trắc chỉ được báo tin khi bà chị Trắc vào thăm em: “Mẹ qua
đời rồi! Chị lo hết cho mẹ.” Trắc chỉ biết khóc thầm, những tưởng không di tản
để gần mẹ. Trắc thương mẹ lắm, vì mẹ Trắc góa bụa khi bà còn trẻ, ở vây nuôi
con. Không “di tản” để được sống gần mẹ, chăm sóc cho mẹ, ai ngờ khi Trắc
ra tù, đành ngậm ngùi mà hát câu “Nào ngờ mẹ
tôi ra đi bên kia cuộc đời” khi nghĩ đến mẹ. Trắc kể: “Ngồi bên mộ
mẹ, tui nhớ câu hát của Trần Văn Trạch: “Má ơi! Má
ơi! Con dzề đây Má ơi!” mà chảy nước mắt.”
Trước hôm Trắc về Phan Rang, ghé tôi nói: “Anh cho tui mượn hai chỉ vàng. Đi
Phan Rang về tui trả lại anh. Ai ngờ anh ta đi biền biệt gần nửa năm không thấy
mặt. Hỏi em gái cô Tú Trinh, cô ta chỉ nhà. Tới thăm, tôi thấy Trắc nằm liệt.
Hỏi ra, Trắc kể:
-“Về làng thăm mộ xong, hỏi thăm bạn bè cũ, phần đông tụi nó lên vùng phía Tây
Phan Rang, đứa làm rẩy, đứa chăn nuôi. Tôi tìm lên chơi với tụi nó. Anh biết
không, thấy tụi nó nuôi ngựa, tui làm “cao-bồi” phi ngựa chơi. Ba bốn đứa phi
ngựa phóng qua phía dưới một cành cây, đu lên cành, cho ngựa chạy không. Tôi
cũng phi như tụi nó. Tôi phóng lên nắm cành cây, bỗng vuột tay, rơi xuống. Ngày
hôm sau, khi tỉnh dậy, tôi mới biết tôi nằm ở bệnh viện Phan Rang. Anh chàng
bác sĩ Việt Cộng điều trị cho tui, cũng điệu đời. Biết tôi là cháu “Tông Tông”,
anh ta cho xe đưa tôi vô Chợ Rẫy, nằm hết một tháng cũng chưa lành hẳn.”
Vậy là coi như tôi “bay” mất hai chỉ vàng, chỉ biết “cười trừ” với vợ.
Trắc nhờ một người bạn cũ đòi lại căn nhà lầu phía ngoài đường Hồng Thập Tự.
Người bạn đó hiện là giám đốc sở Thông Tin Văn Hóa Thành phố. Cảm tình với
người bạn cũ ăn ở hết tình với bạn, người bạn ấy giúp Trắc lấy lại căn nhà, bởi
vì trước khi nhập ngũ, Trắc sinh hoạt trong Tổng Hội Sinh Viên Học Sinh Saigon.
Bấy giờ ông Nguyễn Văn K., anh của Tông Tông,
làm Tổng giám đốc Tổng nha Thanh niên, cậu mà cũng là cha nuôi của Trắc, nên
Trắc thường đến xin giúp đỡ phương tiện để sinh viên, học sinh thực hiện các
công tác cứu lụt miền Trung, miền Tây, các vụ hỏa hoạn, nạn nhân chiến cuộc,
v.v… Trắc thường hoàn tất tốt đẹp công việc, được các bạn cảm mến, trong đó có
Trung, Việt Cọng nằm vùng, bí thư chi bộ học sinh sinh viên Saigon. Khi người
bạn nầy bị bắt giam ở Chí Hòa, vì tình bạn học cũ, vì cùng sinh hoạt chung
trong các công tác cứu trợ, Trắc vào thăm bạn ngay trong khám. Nhờ cái “chí
tình” đó, không vụ lợi, không mưu đồ chính trị, mà Trắc được giúp đỡ đòi lại
được nhà.
Kể xong câu chuyện, chợt nhớ bạn tù cũ, Trắc nói:
-“Thằng Đông có vô! Nó đi buôn đường dài Saigon – Đà Nẵng. Hễ vô tới đây là rủ
nhậu. Để khi nào tui rủ anh tới nhậu cho vui”.
Dương Tiến Đông là người tôi khó quên: Năng động, lanh lợi, hoạt bát và có “máu
buôn bán”, như tôi kể chuyện “buôn bán” của anh ở mấy bài trước. Đông thuộc
dòng dõi “Dương Hiển Tiến”, một trong “ngũ phụng tề phi” của xứ Quảng. Bố anh
ta làm thầu khoán xây cất, giàu có. Năm “cụ Ngô” mới về nước làm thủ
tướng, thăm Đà Nẵng, tòa Đô Thị Đà Nẵng phải mượn xe hơi của bố ông, chiếc xe
sang và đẹp nhất Đà Nẵng thời ấy, để “đón Ngô Thủ Tướng.”
Bố anh “di tản”qua Mỹ trước khi mất Saigon
với cô vợ trẻ, để lại vợ lớn và hầu hết con cái. Điều “trái cẳng ngỗng” hơn
nữa, chị gái của Đông là vợ “nhà thơ” Phan Duy Nhân, tức tên Việt Cộng nằm vùng
Phan Chánh Dinh, con trai ông già kéo “ghi” ở ga xe lửa Đà Nẵng. Đông nói:
“Thằng cha ấy” theo Việt Cộng vì mặc cảm con nhà bần hàn.”
&
Gặp nhau, Đông vừa vui vừa buồn. Anh ta vẫn nhớ tôi, vẫn mong gặp lại tôi, vừa
buồn vì cái chết của Võ Phước Thọ.
Hôm Đông từ Đà Nẵng vô Saigon, Trắc xuống tìm tôi. Dĩ nhiên, Đông tổ chức một
buổi nhậu tại ngôi nhà sắp bán của Trắc.
Tôi hỏi:
-“Này! “Ông” Trắc, có ngại gì Công An khu vực không?”
-“Không! Trắc trả lời. Thằng nầy cũng tham ăn lắm, tui kẹp cổ nó từ lúc mới về
được ít lâu.”
Trong khi tôi và Trắc ngồi chờ thì Đông giao hàng, xong, mua đồ nhậu. Tôi báo
cho Trắc một vài tin buồn:
Anh Lã Trung Tâm, chúng tôi thường gọi đùa là
“ông già ham vui”, được tha sau tôi mấy tháng, về, vợ còn giữ cho cái xe Vespa
standard cũ, chạy long vòng chơi hằng ngày, chẳng lo no đói gì cả. Một bữa đi
nhậu về, say, nằm ngủ, sáng hôm sau đi luôn. Một số anh em bạn tù cũ, có đến
đưa đám. Coi vậy mà đời ông nầy thật… khỏe.
Lê Quang Dung, cũng được tha sau tôi ít lâu. Về nhà, tình trạng khá bi đát. Hai
đứa con trai, gởi về quê cho bà nội nuôi giúp. Hai vợ chồng không nuôi nỗi con.
Khi tôi trốn ở căn phòng nhỏ gần “Cổng xe lửa số 6”, nhờ Dục cho địa chỉ, anh
ta đến thăm. Hôm sau, Dung đem lại cho tôi mười cây thuốc lá Hoa Mai giả, nhờ
“tiêu thụ” giùm. Tôi không từ chối được, phải nhận, rồi đưa cho người em gái
tôi ở Cư Xá Thanh Đa, nhờ bán giúp cho Dung. Nhờ quen mấy người “buôn đường
dài” Saigon – Sóc Trăng, mười cây thuốc Hoa Mai “đi” dễ dàng, tôi đem tiền lại
cho Dung. Tháng sau, Nguyễn Phước Tần báo cho tôi Dung qua đời rồi. Một hôm,
đói quá, Dung xỉu ngay gần cầu Khánh Hội, được người quen đưa về nhà. Đêm đó,
Dung “đi” trên tay vợ.
Ngọc “xùi”, người thường than với tôi thằng chủ tịch phường thường tỏ ý cua kéo
vợ anh ta. Chủ tịch phường nói: “Chồng mày không về được đâu! Mày còn trẻ, lấy
chồng đi.” Có nghĩa là lấy y, làm vợ bé.
Ngọc “xùi” ngây thơ cứ hỏi tôi: “Mệ Hải, đúng
ra nó phải khuyên vợ tôi tin tưởng vào cách mạng, có ngày khoan hồng cho tôi
về. Tại sao y lại nói thế.” Tôi cười cười: “Nó khuyên vợ mầy chờ chồng, để khi
mầy được tha, hai vợ chồng hợp sức “chống phá cách mạng” à? Tụi nó phải đập nát
gia đình những “thằng ngụy” như bọn mình ra. Bọn mình được tha ra là “cùi”, gia
đình tan nát, thì làm sao mà chống phá cách mạng” được? Thằng phường trưởng đó
thi hành đúng “đường lối chính sách” của đảng nó đó. Đừng suy nghĩ chuyện ấy vô
ích.
Sau 7 năm, Ngọc “xùi” được tha rồi không nghe tin tức gì anh ta cả, không biết
bây giờ “gia đạo” như thế nào!
Trong khi chờ Đông về, Trắc pha cà phê cho cả hai chúng tôi. Tôi hỏi:
-“Ông có dự trù vượt biên không?”
-Thiệt xui! Anh à. Chắc là cái số tui không xa xứ được.Tụi bạn nó tổ chức, tui
chỉ góp chút đỉnh. Trên đường ra “con cá lớn”, chiếc “tắc ráng” đưa tui đi bị
hỏng máy. Thằng chạy tàu đò lui cui sửa làm sao mà cái vít lửa rơi xuống nước.
Làm sao tìm lại được? Vậy là đành trở lui. Xui thiệt! Rồi tui làm hồ sơ gởi lén
qua Bangkok. Thế nào cũng được đi.”
-“Đi đấy! “Ông” tin tưởng đi. “Giết không được, tha làm phước”. Đó là châm ngôn
của kẻ ác.
-“Anh nghĩ số được đi có đông không? Loon lá như bọn mình có đi được không, hay
phải “quan to súng dài” mới được.
-“Mỹ là đầu sỏ “thế giới tự do”, chơi trò “đem con bỏ chợ” như Ba mươi tháng Tư
thì chơi với ai. Riết rồi ai cũng sợ Mỹ bỏ rơi, ghét Mỹ. Nay họ phải làm một
cái gì để gây niềm tin nơi người dân ở các nước khác. Nhờ đó, có thể có một số
được đi, chỉ một số thôi.”
-“Sao chỉ một số?” Trắc hỏi.
-“Liệu Mỹ cónuôi hết mấy trăm ngàn người như bọn mình không? Qua tới bên đó bọn
mình già hết, đâu có đi cày, làm bồi bếp… cho tụi Mỹ được, chỉ nuôi báo cô. Họ
sẽ không cho đi nhiều.
-“Anh tìm đâu ra mà nói như vậy?”
-“Ông tính coi. Việt Cộng thì yêu cầu ai tù hai năm trở lên thì cho đi. Mỹ thì
đòi phải năm năm tù mới được. Đang cù cưa, có thể chọn một con số ở giữa: ba
năm hay bốn năm.”
-“Nếu hai năm thì đông lắm, Mỹ sợ cái gánh nặng quá! Còn Việt Cọng đòi hai năm
là ý gì?”
-“Không giết được thì cho đi cho khuất mắt. Đi chỗ khác chơi để cho “người ta”
làm “cách mạng”.
-“Vậy thì “tình dân tộc nghĩa đồng bào” là cái gì?”
-“Là cái để tuyên truyền. Chủ trương “đấu tranh giái cấp” thì làm sao có tình
nghĩa. Có tình nghĩa là không đấu tranh được, nhất là khi chủ trương “cách mạng
triệt để”. “Triệt để” cũng có nghĩa là “cạn tào ráo máng đó “ông”.
Trắc nói:
-“Chí Phèo thì chỉ có hận thù. Mà cũng buồn cười anh biết không? Trước khi tù
cải tạo, bọn mình biết gì về chính trị. Bây giờ thì ông nào cũng rành, “giảng
bài” rang rảng như giáo sư đại học.”
-“Cộng sản họ cũng nói nhà tù là trường đại học mà. Đời tù đẩy bọn mình vô cái
thế phải “học tập chính trị”.
Bỗng Trắc nói qua chuyện khác:
-“Anh biết thằng Thịnh không?”
-“Nó đi “thăm lăng bác” hồi năm 1976 kia mà! Về chưa?”
-“Về rồi. Tui mới gặp nó cách đây mấy tuần. Nó gọi bà Hồ Điệp bằng cô đó anh!”
-“Bà Hồ Điệp chương trình Tao Đàn của Đinh Hùng phải không? Bà nầy ngâm thơ hay
lắm.”
-“Thằng Thịnh nói bà cô nó vượt biên, mất tích đâu ngoài biển. Bà ngâm
thơ hay mà đẹp nữa.”
Tôi thấy lòng bùi ngùi. Một người đẹp, tài hoa như thế mà bỏ xác ngoài biển
khơi, làm mồi cho cá! Mộc lúc sau, tôi buột miệng đọc câu thơ của Mạc Đĩnh Chi:
“Vân Tán -Tuyết Tiêu – Hoa Tàn – Nguyệt Khuyết”. (1)
hoànglonghải
(1)-Khi cụ Trạng Mạc
Đĩnh Chi đang đi sứ bên Tầu, thì có một công chúa nhà Nguyên chết, cụ Trạng
được chọn thay mặt cho sứ các nước, đọc văn tế.
Bộ Lễ của Tàu trao cho
cụ Trạng một tờ giấy chỉ có 4 chữ Nhất.
Mạc Đĩnh Chi ứng khẩu
đọc ngay:
Thiên trường nhất đóa vân
Không trung nhất điểm tuyết
Lãng uyển nhất chi hoa
Quảng hoà nhất phiến nguyệt
Y, vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết
Nghĩa:
Một đóa mây trên trời,
Một giọt tuyết trong
không trung,
Một cành hoa trong vườn
thượng uyển,
Một mảnh trăng trong
cung quảng hàn.
Than ôi: Mây tan, tuyết
tan, hoa tàn, trăng khuyết.
304Đen –
Llttm - VT
No comments:
Post a Comment