Saturday, December 13, 2014

Công Chúa Ngọc Hân Có Yêu - 304Đen


Công Chúa Ngọc Hân Có Yêu Vua Quang Trung?



    Không ít người cho rằng, Ngọc Hân lấy vua Quang Trung là cuộc hôn phối chính trị ở lúc thế nước chẳng đặng đừng. Vì hiếu với cha, nàng phải cúi đầu nhận mệnh... Vậy, chuyện này thực hư thế nào?


    
    Sau cuộc mai nối chớp nhoáng 3 ngày của Nguyễn Hữu Chỉnh, lễ cưới Ngọc Hân công chúa và Nguyễn Huệ được tổ chức hết sức trọng thể ở Thăng Long. Sau đó, nàng công chúa xinh đẹp đã rời cung cấm nhà Lê, về sống với Nguyễn Huệ ở trong phủ bên bờ sông Nhị.

Ngọc Hân: Yêu từ cái nhìn đầu tiên?



   
 
 
 
 
 
 
 
 
    Qua lịch sử ghi chép, đời của vua Quang Trung là một đời làm tướng xông pha trận mạc trong suốt 21 năm liền, từ năm 1771 cho đến ngày ông qua đời. Nếu không có áng văn Ai Tư Vãn bất hủ của Ngọc Hân Công chúa khóc chồng có lẽ không ai tưởng tượng được Nguyễn Huệ cũng có một đời sống tình cảm mãnh liệt và phong phú đầy nhân tính. Đối với Ngọc Hân, trong vinh quang của kẻ chiến thắng – nghĩa là có quyền chiếm đoạt - Nguyễn Huệ không quên cái thổn thức và lo âu của nàng công chúa nhỏ bé. Chàng từ tốn, thông cảm và độ lượng, và chính cái phút ban đầu đó đã mở lối cho cái thế giới kỳ bí của tình yêu nơi tâm hồn trong trắng hoang dại của công chúa Ngọc Hân.
    Nhà văn Nguyễn Mộng Giác ghi: “Đêm hợp cẩn … Khi nguyên súy Nguyễn Huệ vào, Ngọc Hân sợ quá không dám ngước nhìn lên, cũng không dám thở mạnh. Trước mắt công chúa, đôi hài thêu của nguyên súy khẽ lay động. Ngọc Hân chờ, nín thở mà chờ. Thật lâu Nguyễn Huệ không nói gì cả. Công chúa tự biết không thể cứ cúi đầu mãi thế này! Phải ngước lên mĩm cười với nguyên súy. Phải giúp người “xếp bào cởi giáp” như những người vợ hiền trong cổ thư đã làm. Phải … phải cung kính ngoan ngoãn “tay nâng ngang mày” như nàng Mạnh thị. Dù có nghĩ vậy công chúa vẫn không có can đảm ngước lên nhìn thẳng vào khuôn mặt nguyên súy. Bỗng đôi hài trước mắt Ngọc Hân hơi xoay hướng, như dợm bước về phía cửa phòng. Nhưng sau đó, đôi hài vẫn bất động. Rồi đột nhiên Ngọc Hân cảm thấy có một bàn tay đặt lên vai mình. Nguyên súy đặt yên bàn tay lên vai công chúa một lúc, rồi bóp nhẹ lên cái vai mềm. Bàn tay mơn man ve vuốt khắp vai bên phải, rồi vuốt nhẹ lên chiếc cổ trắng. Công chúa hồi hộp liếc nhìn, trong hoảng hốt chỉ nhận ra được ống tay áo gấm đỏ và một bàn tay gân guốc da ngăm.
Ngọc Hân xúc động đến nghẹn thở, hoang mang. Lúng túng chưa biết phải làm gì, nói gì. Đúng lúc đó, bất ngờ nguyên súy quì chân xuống trước sập, úp mặt vào hai đầu gối của công chúa. Ngọc Hân không ngờ nguyên súy làm như vậy, đôi tay chới với không biết phải làm gì, phải đặt vào đâu. Mái tóc dày và quăn phủ lên vạt áo lụa của công chúa. Một sức mạnh huyền bí xa lạ thôi thúc, khiến công chúa đưa tay ôm lấy vai nguyên súy. Nguyễn Huệ ngửng lên vui mừng và lần đầu tiên, công chúa bị cuốn hút vì ánh nhìn đam mê đến cuồng nộ của vị danh tướng vừa làm đảo lộn Bắc Hà.
Nguyễn Huệ nhìn đăm đăm vào khuôn mặt sượng sùng thảng thốt của công chúa, miệng mĩm cười gượng gạo như cách cười của một kẻ phạm tội, nói nhỏ nhỏ: Công chúa còn nhỏ quá và đẹp quá. Như một cái bông búp. Đừng lo âu. Ta biết công chúa đang lo âu đủ điều. Ta sẽ không cho phép ai, dù là quỉ thần, được làm công chúa khổ. Công chúa hãy yên tâm”
(Sông Côn Mùa Lũ)


 
 
Nguyễn Huệ: Nhẹ nhàng chinh phục trái tim người đẹp

    Quyết định lấy công chúa Ngọc Hân làm vợ là chiến lược thu dụng nhân tài, trí thức Bắc Hà về với Phú Xuân của Nguyễn Huệ, chứ không phải là chuyện trai gái thường tình như sách Hoàng Lê nhất thông chí miêu tả. Do vậy, Nguyễn Huệ biết rõ tâm lý của Ngọc Hân, nên không sỗ sàng như những kẻ chiến thắng thường tình, mà muốn tạo một sự thân quen, một tình yêu xuất phát từ sự thông cảm và hiểu biết ngay từ đầu.
Theo sử sách, sau lễ kết hôn, Nguyễn Huệ và Ngọc Hân đều lên kiệu đến bái yết tôn miếu nhà Lê, lễ xong hai người cùng về. Như thấu hiểu được tâm trạng của Ngọc Hân, Nguyễn Huệ mở lời bông đùa, dí dỏm: "Con trai con gái nhà vua, đã có mấy người được vẻ vang như nàng?". Công chúa đáp: "Nhà vua ít lộc, các con trai con gái ai cũng thanh bạch nghèo khó, chỉ riêng thiếp có duyên, lấy được Lệnh công, ví như hạt mưa, bụi ngọc bay ở giữa trời được sa vào chốn lầu đài như thế này, là sự may mắn của thiếp mà thôi". Nghe Ngọc Hân thủ thỉ lên nỗi niềm đó, Nguyễn Huệ lấy làm thích thú, tâm đắc.
Khi Ngọc Hân theo Nguyễn Huệ về Nam, Nguyễn Huệ được Nguyễn Nhạc phong làm Bắc Bình Vương ra trấn giữ đất Thuận Hóa. Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung.
    Vì giỏi văn thơ, Ngọc Hân được Nguyễn Huệ yêu say đắm. Nguyễn Huệ cũng được Ngọc Hân xem như một vĩ nhân hiếm có. Không chỉ yêu vì nết, Nguyễn Huệ còn trọng Ngọc Hân vì tài, nên giao coi giữ các văn thư trọng yếu, phong cho chức nữ học sĩ, dạy dỗ các con cái và các cung nữ. Tuy nhiên, trong thực tế, Ngọc Hân còn trở thành người cộng sự đắc lực, tin cẩn về lĩnh vực văn hóa, giáo dục cho chồng; đồng thời khuyên giải cho chồng trong nhiều việc hệ trọng khác như khuyên chồng chấm dứt cuộc xung đột với Nguyễn Nhạc... Minh chứng cho điều này là công việc của Bắc cung Hoàng hậu Ngọc Hân trong việc triều chính ở Phú Xuân lúc vua Quang Trung còn sống, được ghi lại trong một số biểu văn đương thời. Cụ thể, một số bài biểu chúc mừng Ngọc Hân nhân dịp tết Đoan Ngọ (5 - 5 âm lịch) có đoạn như sau (Bài biểu do triều thần chúc tụng): "…Kính nghĩ Hoàng hậu là ánh sáng toả lan của lá ngọc cành vàng, là chi nhánh của sông Ngân, sông phái. Lúc bà vu quy cung nhân theo thử bậc, thuận lòng giúp rập, giặt giũ áo xiêm, tiếng tột đã chói lọi, nên cung kính thuận hoà, khi đưa dâu theo hằng trăm cỗ.
Lúc gà gáy, nửa đêm, bà ân cần giúp hoàng đế mặc áo thêm để lo việc triều chính. Đặt nền tảng đầu tiên là bà, có một lần bà đã động viên nhắc nhở quân binh mang áo giáp ra chiến trường thì phải mang về chiến thắng.
Về tề gia trị quốc, Bà đã tham gia vào việc chiến chinh của hoàng đế. Bà khiêm nhường hoà nhã, vẫn phát huy mãi cái phẩm chất trong sáng tự nhiên”.

    Một bài biểu khác chúc mừng Hoàng hậu Ngọc Hân có đoạn: “Kính nghĩ hoàng hậu bệ hạ là dòng dõi hoàng tộc, ân đức rạng rỡ. Đọc kinh Thư, giải kinh Dịch làm nền tảng cho việc đẹp đẽ dồi dào, siêng cần lo thành tựu nghiệp cả. Sinh nhà Hạ, hưng nhà Chu, tạo lập nên công nghiệp lớn”.
Có thể nói, tình yêu đã thật sự chắp cánh cho tài năng đôi lứa Ngọc Hân - Nguyễn Huệ, làm cho sự nghiệp của chúa Tây Sơn thêm hiển hách sau này.
    Lúc sống ở kinh đô Phú Xuân, hoàng hậu Ngọc Hân đã sáng tác nhiều thơ văn và vua Quang Trung là chủ đề cảm xúc lớn lao trong sự nghiệp sáng của bà. Năm 1792, vua Quang Trung đột ngột qua đời. Sau tang lễ, bà đau buồn âm thầm đặt riêng một lễ ở Hữu cung, đọc bài Văn tế tự soạn để khóc chồng! Thật là một chuỗi lâm li bi thiết, ví như: "… Một phút mây che vừng Thái Bạch. Trong sáu cung thoắt đã nhạt hơi hương. Tơ đứt tấc lòng ly biệt. Châu sa giọt lệ cương thường…". Và: "… Liều trâm thoa mong theo chốn chân dung, da tóc trăm thân nào có tiếc. Ôm cưỡng bảo luống ngập ngừng di thể, sữa măng đôi chút lại thêm thương". ((Trích Văn tế vua Quang Trung).
Tiếp đó, bà còn sáng tác thêm "Ai tư vãn" bằng văn quốc âm, thể song thất lục bát, dài 164 câu. Toàn bài tác giả đã vận dụng lời lẽ thật tha thiết mà rất chân thành, rất xúc động từ câu mở đầu: "Gió hiu hắt, phòng tiêu lạnh lẽo. Trước thềm lan hoa héo ron ron! Cầu Tiên khói tỏa đỉnh non. Xe rồng thăm thẳm, bóng loan rầu rầu..." Lúc thì chạnh nghĩ mối duyên may mình đã được trải qua: "… Rút dây vâng mệnh phụ hoàng. Thuyền lan chèo quế thuận đường vu qui. Trăm ngàn dặm quản chi non nước. Chữ nghi gia mừng được phải duyên. Sang yêu muôn đội ơn trên. Rỡ ràng vẻ thúy, nối chen tiếng cầm…" (Trích Ai tư vãn)
Khi lo lắng thuốc thang cho chồng (vua Quang Trung): "Từ nắng hạ, mưa thu trái tiết. Xót mình rồng mỏi mệt chẳng yên. Xiết bao kinh sợ lo phiền. Miếu thần đã đảo, thuốc tiên lại cầu. Khắp mọi chốn đâu đâu tìm rước. Phương pháp nào đổi được cùng chăng?"
   
Thoắt lại mơ tưởng lúc chồng vẫn còn sống: "… Mơ hồ bằng mộng, bàng hoàng như say. Khi trận gió, hoa bay thấp thoáng. Ngỡ hương trời bảng lảng còn đâu. Vội vàng sửa áo lên chầu. Thương ôi, quạnh quẽ trước lầu nhện giăng" (Trích Ai tư vãn)
Tác giả lại ngậm ngùi trách tạo hóa hẹp hòi… và tha thiết xin thay mạng: "… Công dường ấy mà nhân dường ấy. Cõi thọ sao hẹp bấy Hóa công? Rộng cho chuộc được tuổi rồng. Đổi thân ắt hẳn bõ lòng tôi ngươi".
    Rồi còn muốn liều thân: "… Quyết liều mong ven chữ tòng. Trên rường nào ngại, giữa dòng nào e" (Trích Ai tư vãn).
Nhưng còn vướng víu chỉ vì con nhỏ: "… Còn trứng nước thương vì đôi chút. Chữ tình thâm chưa thoát được đi. Vậy nên nấn ná đòi khi. Hình dường còn ở, hồn thì đã theo.

Mặc dầu biết chắc còn sống thì sẽ nhiều khổ đau oan nghiệt:

"Phút giây bãi bể nương dâu.
Cuộc đời là thế, biết hầu nài sao?

Chữ tình nghĩa trời cao, đất rộng.
Nỗi đoạn trường còn sống còn đau! ..."

(Trích Ai tư vãn).

(304Đen- Lượm lặt – Trang Vietland - Không có tên tác giả)

 

No comments: