Nghĩa Trang Của Những Đứa Bé
Chưa
Kịp Sống Giữa Thành Phố Pleiku
Dưới màn sương se thắt lạnh của núi
rừng cao nguyên, hàng ngàn nấm mồ nhỏ bé, hiu quạnh nằm lặng thinh bên cạnh
nhau trong cái nghĩa trang hoang vắng. Đâu đó quanh đây trời Pleiku, vẫn còn
lưa thưa vài tia nắng cuối chiều, chưa buồn rớt vội. Một ngày cũng như mọi
ngày, trên con đường lồi lõm đá đỏ xanh, dẫn vào nghĩa trang cũng có và chỉ có
ba người, người linh mục tên Đông, anh thanh niên thật thà Phụng và bà cụ già
Tâm, đi lên rồi đi xuống, mặt buồn buồn đăm chiêu ít nói.
Linh mục Đông là cha xứ của nhà thờ Đức An,
thành phố Pleiku, là người đã lập nên cái nghĩa trang cho những đứa bé chết vô
thừa nhận. Còn anh Phụng vừa làm công việc của một người thợ xây hồ vừa là
người, ngày ngày đi nhặt xác những hài nhi bị vứt bỏ chung quanh hay bên trong
nghĩa trang. Cụ bà Tâm là người lo quét dọn mả mồ cũng như nhang khói cho các
linh hồn không tên tuổi này. Trong bóng hoàng hôn sắp pha màu tím sẩm, ba bóng
người chập chờn lúc ẩn lúc hiện như những bóng ma. Mới đó mà nghĩa trang cũng
đã được lập nên đúng bốn năm. Cha Đông đứng rảo mắt ra xa, nhìn khắp mồ nghĩ
tới chuyện mừng ngày nghĩa trang tròn bốn tuổi mặc dù nhà thờ không mấy dư giả.
Thật ra, nghĩa trang này được thành hình từ năm 1992, theo lời anh Phụng kể,
vào tết Trung Thu năm 2004, ai đó mang về nhà thờ Đức An của cha Đông một bào
thai bỏ trong cái bao ni lông, bào thai đã tượng đủ tay chân hình vóc. Cha Đông
nhấc em bé đặt lên tờ báo cũ, trải rộng trên bàn. Em bé đưa tay lên níu chặt
ngón tay ông rồi nằm im bất động. Cha Đông mang hài nhi về chôn tại nghĩa trang
này, là nơi an nghỉ của hàng ngàn em bé vô thừa nhận khác, cũng bị ai đó vứt bỏ
bên đường mà chính Cha đã chôn cất. Cha Đông đặt tên cho em bé là Trung Thu. Kể
từ đó, nghĩa trang chính thức được nhiều người biết tới.
Gần đầu phía cổng vào, nghĩa trang có một
nơi thờ phượng chung cho những vong hồn vắng số này. Bàn thờ lúc nào cũng đầy
ắp hoa tươi và khói nhang nghi ngút. Phía trên bàn thờ người ta đọc hàng chữ
khắc lên tường “Chúng con tha thứ cho cha mẹ”. Ở bên phải bàn thờ có
những câu viết riêng cho hài nhi tên Trung Thu mà cha Đông đã đặt. Bên trái thì
ghi lại bài thơ của người nào đó sau lần đến thăm nghĩa trang. Hai cây xương
rồng lớn, đàng sau hàng rào bàn thờ, chằng chịch chữ viết mà theo lời anh
Phụng, ngoài những lời cầu nguyện an bình cho linh hồn thơ dại còn có cả lời ăn
năn sám hối của những người mẹ, đã tàn nhẩn bỏ con chết khi chưa kịp chào đời.
Chung quanh bàn thờ lúc nào cũng đầy một màu hoa vàng vàng rực. Đi vòng quanh
nghĩa trang, người ta có thể đếm được hơn mười ngàn nấm mồ vô danh nằm sát bên
nhau từng hàng dài. Có cái được xây bằng gạch tươm tất nhưng cũng có cái chỉ là
nấm đất nhỏ nhoi lạnh lẽo.
Những nấm mồ được xây đàng hoàng là vì còn
có người thân thích đến chăm lo, nhưng không nhiều lắm. Số còn lại là do những
người có lòng hảo tâm biếu tiền xây cất. Chính anh Phụng cũng mới vừa chôn hai
nấm mồ nhỏ xíu hôm qua, mộ vẫn còn mùi đất mới. Anh Phụng nói là sáng sớm trên
đường ra nghĩa trang làm việc như thường ngày, thấy hai cái bọc ni lông đen cũ
treo lủng lẳng trên ngọn cây xương rồng bên đường, biết ngay là lại thêm hài
nhi xấu số nữa bị vứt bỏ vào tối qua. Anh gỡ xuống mang vào nghĩa trang, dùng
ruợu rửa sạch xác chết rồi bỏ vào quan tài chôn trước khi trời tối. Hai nấm đất nhỏ bé kề bên
nhau nằm đó. Dưới cái lạnh của sương rừng đêm qua, hai cây nhang cắm vội trước
mộ chưa cháy kịp đã tắt đi tự lúc nào. Từ một phía xa xa nào đó, gió lạnh thổi
nhẹ về theo bóng đêm vừa lên. Nghĩa trang phủ đầy một màu u uẩn.
Bốn năm trước, có ngày anh Phụng đã lượm
hơn chục bào thai bị phá. Có lần anh thật sự giận dữ vì anh lượm được một em bé
có đầy đủ chân tay cứng cáp, nặng khoảng chừng 4 ký lô. Anh chỉ biết khóc than
trời hởi trời ơi, đập chính tay mình xuống đất cứng để cố nén đè xúc động. Biết
là không thể làm gì khác hơn, anh lặng lẽ tẩm liệm chôn cất em và vái van xin
chúa tha thứ cho ai đó. Anh Phụng không nói gì về mình nếu có ai hỏi đến. Ở đây
trước đây cũng có nhiều người làm việc giống như anh. Trước anh thì có ông Sáu
già, giờ có bà cụ Tâm và mấy người khác nữa mà anh chưa biết đến. Bà cụ Tâm,
còn khỏe mạnh và nhanh nhẹn lắm dù đã trên 70 tuổi. Hằng ngày, bất luận trời
mưa hay nắng, bà đạp xe đạp chở nguyên thùng nước đầy tới nghĩa trang, rồi làm
việc ở đó cho tới chiều tối. Những ngày nắng, bà rửa mộ, nhổ có dại cỏ hoang,
quét lá quét bụi cát lối vào nghĩa trang. Bà lau chùi bàn thờ, lo hoa lo nhang
khói, canh chừng dê gà không cho vào đào phá mộ phần. Nếu là ngày mưa thì bà
ngồi quanh mộ trò chuyện cùng cháu con nằm đơn côi vô tội dưới lòng đất lạnh.
Bà đến làm với nghĩa trang chừng độ một năm
trở lại đây thôi nhưng suốt một năm qua, không có đêm nào mà ngủ cho yên giấc.
Trẻ thơ đối với bà qua thời làm mẹ rồi làm bà, bà Tâm xem trẻ thơ là những món
quà thiêng liêng vô giá mà trời đất đã ban cho loài người. Vậy mà người ta đã
nhẩn tâm giết chết cái quyền làm người của trẻ thơ tội tình, bà đau đớn xót xa
mỗi khi ngồi nhìn những nấm mồ mới đấp, những nấm mồ xem ra ngày càng nhiều hơn
thêm. Không biết suy nghĩ được bao lâu, càng nghĩ càng nhìn cái nghĩa trang
hoang vắng, những nấm mộ đơn lẻ nhỏ nhoi bà Tâm quyết định ở lại đây, để cháu
con còn có được đôi chút khói ấm của nhang thơm sưỡi mồ sâu quạnh quẽ. Vì thế
ngày ngày, bà đi thắp nhang một lượt khắp nghĩa trang buổi sáng rồi buổi chiều
rồi mới đi làm việc thường lệ. Cuối ngày, trước khi đẩy xe đạp ra về, bà không
quên thắp thêm một lần nhang nữa. Nếu có ai kia hỏi về số phận của những đứa bé
nằm cô đơn trong nghĩa điạ, người ta không nghe bà trả lời nhưng nhìn vào gương
mặt già da nhăn từng nếp một, người ta chỉ thấy bà lắc đầu và lệ ứa tràn trên
đôi má hóp lại theo tuổi đời chồng chất. Tuy vậy bà rất vui, vui vì có cháu con
nằm ở đây, lo cho nó, chuyện trò và khóc cười với nó. Bao nhiêu đó cũng đã làm
bà không thấy cô đơn như trước đây nữa.
Sáng sớm, mỗi lần tới nghĩa trang thấy anh
Phụng đang đào huyệt mới là hồn bà đau buốt từng cơn. Bà biết chắc sẽ có ai đó
gây nên tội, ăn năn hối hận vì hằng ngày tại nghĩa trang này, có không thiếu gì
những cô gái trẻ đến, đi loanh quanh mấy nấm mồ nhỏ bé. Đôi lần bà trông thấy
họ khóc nhưng lại cố quay mặt đi khi có ai tình cờ bắt gặp.
Đêm
xuống, trời bắt đầu nhuốm lạnh. Những nấm mộ bé nhỏ nằm từng hàng dài bên
nhau lặng thinh. Nghĩa trang buồn như cái buồn đồi núi. Lại một đêm nữa, không
biết có bao nhiêu tiếng than não nuột cho đời mình của những vong hồn bé con
vừa chết đi chưa kịp sống tại đây. Ở phía trong xa kia, tiếng chuông chiều của
giáo đường Đức An kéo dài từng hồi rã mệt.
(Viết theo
Tin Việt Nam)
No comments:
Post a Comment